Tin nóng ⇢

Tái định nghĩa mạng xã hội trong thời Web3

Trong tương lai gần, các mô hình phân phối nội dung và trải nghiệm tương tác sẽ có những thay đổi. Chỉ khi tình huống này xảy ra, chúng ta mới có thể xác định thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên Web3: khi NFTDAO được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống SocialFi, metaverse hình thành và công chúng có nhu cầu tái định nghĩa về "mạng xã hội".

Điểm chính

  • Phương tiện truyền thông xã hội Web2 độc quyền lưu lượng truy cập mạng và Web3 mang lại một số biến số ưu tiên người dùng trong quá trình phát triển sản phẩm. Trong khi đó, những gã khổng lồ truyền thông xã hội đang bước vào không gian NFT và nỗ lực tích hợp vào mô hình kinh doanh.
  • NFT và mạng xã hội có mối quan hệ cộng sinh. NFT có thể được sử dụng như một vũ khí mở rộng mạng xã hội.
  • Trong suốt hành trình đi từ Web2 lên Web3, cơ cấu tổ chức và phân phối thông tin sẽ trải qua những thay đổi, đồng thời tính năng sản phẩm xã hội của Web3 sẽ được nâng cấp tương ứng.
  • Web3 giới thiệu mô hình phân phối thông tin phi tập trung và trải nghiệm tương tác phong phú, kích thích những ý tưởng mới về xã hội hóa.

1.Web3: Cơ hội tiếp theo cho mạng xã hội

Phương tiện truyền thông xã hội Web2 độc quyền lưu lượng truy cập mạng. Facebook, YouTube, Twitter và TikTok đã tạo ra các mô hình dẫn luồng thông tin khác nhau, thúc đẩy sự ra đời của các ngành, doanh nghiệp và nghề nghiệp mới. Từ đó, mức tiêu thụ tăng và một lượng tiền khổng lồ chảy vào những gã khổng lồ truyền thông xã hội.

Cho đến nay, chiến lược chính trên mạng xã hội đã chuyển từ "tối ưu hóa sản phẩm" sang "nội dung là trên hết". Ngoài ra, quảng cáo trên newsfeed (bảng tin) đã trở thành mô hình kinh doanh chính, kiếm tiền từ dữ liệu và sự chú ý của người dùng. Tuy nhiên, mô hình này cũng gây ra một số vấn đề. Làm thế nào để cân bằng giữa người dùng, bảo mật dữ liệu và thương mại hóa sự chú ý? Đối với những người sáng tạo trong thời đại này, họ phải dựa vào các nền tảng để tồn tại.

Sự phát triển của blockchain đã sản sinh một số khái niệm thú vị như SocialFi, NFTs, DAOs, v.v. Với lợi thế về quyền tự chủ và phân cấp dữ liệu, ngành công nghiệp tiền điện tử đã dần nâng cao nhận thức mới của người dùng: văn hóa người dùng Web3 được đặc trưng bởi thông tin mở, tự do văn hóa và tính tự trị của cộng đồng.

Những gã khổng lồ truyền thông xã hội truyền thống biết rằng Web3 sẽ là cơ hội quan trọng tiếp theo. Tuy nhiên, do các vấn đề về quy mô và quy định, họ chỉ có thể thực hiện từng bước nhỏ.

Lần này, người dùng Web3 đang đi trước các sản phẩm.

Hãy cùng tìm hiểu xem các công ty Web2 đã cố gắng làm gì.

2. Cuộc chiến của các ông lớn

2.1. Twitter

Không cần bàn cãi, Twitter là nơi bắt nguồn hầu hết thông tin hiện tại về NFT. Kể từ khi Jack Dorsey thành lập đội ngũ dành riêng cho NFT, nền tảng đã nuôi ý định thêm tiền điện tử vào hoạt động kinh doanh trong tương lai. Ngoài ra, Twitter là nền tảng truyền thông xã hội đầu tiên cho phép người dùng sử dụng NFT làm ảnh đại diện và hỗ trợ nhiều ví tiền điện tử.

Đáng chú ý, Twitter từng cố ra mắt NFT riêng vào năm ngoái, nhưng nỗ lực này đã không thành hiện thực. Theo những người trong cuộc, kế hoạch sắp tới của Twitter là tăng cường sức ảnh hưởng trong cộng đồng NFT.

2.2. Meta

Sau khi đổi tên thành Meta, Facebook tuyên bố mục tiêu của đội ngũ là trở thành metaverse truyền thông xã hội lớn nhất thế giới. Nối bước Twitter, Meta công bố kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái NFT cho phép sử dụng NFT làm ảnh hồ sơ trên cả Facebook và Instagram. Ngoài ra, Meta hy vọng sẽ đơn giản hóa quá trình giao dịch tài sản kỹ thuật số bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng thanh toán hỗ trợ thị trường cho NFT.

2.3. Instagram

Instagram gần đây đã ra mắt tính năng trưng bày NFT cho phép kết nối với ví kỹ thuật số, nhận dạng NFT và bằng chứng sở hữu NFT. Zuckerberg tuyên bố trong vài tháng tới, Instagram sẽ hỗ trợ người dùng đưa NFT lên nền tảng và nghiên cứu thêm khả năng khai thác NFT. 

2.4. TikTok

Hồi năm ngoái, TikTok hợp tác với Immutable X ra mắt TikTok Top Moments, một bộ sưu tập những video thịnh hành. Phần lớn tiền thu được sẽ trực tiếp đến tay người sáng tạo và nghệ sĩ NFT liên quan.

Ngoài ra, công ty cũng hợp tác với Audius, nền tảng NFT âm nhạc, để phát triển tính năng TikTok Sounds. Với tính năng này, người dùng có thể xuất NFT sang TikTok thông qua Audius. Đội ngũ phát triển hy vọng có thể biến TikTok thành nền tảng xã hội trao thưởng cho những người sáng tạo bằng những công cụ tân tiến.

2.5. YouTube

YouTube, nền tảng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới, đang nỗ lực tích hợp NFT với nền kinh tế người sáng tạo. Colin Fitzpatrick, Giám đốc điều hành của Animal Concerts, mô tả bước tích hợp là "một cách tuyệt vời để người sáng tạo kiếm được lợi nhuận mà không cần dựa vào quảng cáo". Bên cạnh đó, Susan Wojcicki, Giám đốc điều hành YouTube, tuyên bố công ty sẽ "sử dụng các công nghệ như NFT để nâng cao trải nghiệm người dùng cho người sáng tạo và người hâm mộ của họ".

2.6. Reddit

Sau khi Twitter ra mắt tính năng ảnh đại diện NFT, Reddit cũng tung ra bộ sưu tập NFT của riêng mình vào năm ngoái. 

Dữ liệu nội bộ của Reddit trong giai đoạn 2021-2022 cho thấy 85% cộng đồng Reddit hiểu biết về NFT hơn người dùng Internet bình thường. Kết quả này vượt xa dữ liệu tương tự của Twitter và Instagram với 39% và 17%.

Các công ty truyền thông xã hội này đều đã có những bước chuyển mình sang Web3. Mẫu số chung là họ đang cố gắng tích hợp NFT với các mô hình kinh doanh hiện tại. Chẳng hạn, Twitter khởi đầu với ảnh đại diện NFT vì người dùng của nền tảng có xu hướng giao tiếp và thảo luận; Instagram ra mắt tính năng trưng bày vì người dùng thích chia sẻ trạng thái và hình ảnh của họ hơn. Mặt khác, TikTok và YouTube luôn có các chương trình phần thưởng, đó là lý do tại sao họ tìm cách tích hợp NFT với nền kinh tế người sáng tạo.

3. Mối quan hệ truyền thông xã hội-NFT

3.1. Cộng sinh

Thu hút người dùng từ phương tiện truyền thông xã hội vẫn phổ biến trong Web3: phân chia cộng đồng, cộng tác KOL và quảng bá phương tiện truyền thông. Nói một cách đơn giản, phân chia cộng đồng đề cập đến quá trình một người dùng ban đầu giới thiệu những người dùng mới đến với nền tảng, trong đó điểm thưởng và các ưu đãi sẽ được đưa ra. Bên cạnh đó, hợp tác với KOL cũng thường được sử dụng trong quảng cáo.

Vậy chương trình khuyến mãi của NFT có giống với những gì vừa đề cập không? Những người sáng tạo dự án NFT ngày nay vẫn dựa vào mạng xã hội để truyền tải các giá trị của họ. Họ thường thông báo những gì họ đã làm và những gì họ sẽ làm trên Twitter và Discord. Điều này dẫn đến vấn đề quan trọng nhất — quảng bá giá trị NFT không thể tách rời khỏi phương tiện truyền thông xã hội. Nói một cách phóng đại, nếu Twitter không xác nhận một dự án, những người sáng tạo và nhà phát triển sẽ bị thiệt hại về giá trị.

Tất nhiên, vẫn có những lựa chọn thay thế và các nền tảng truyền thông xã hội nên tận dụng điểm này để chủ động liên kết giá trị của chúng với Web3. Bằng cách thu hút nhiều người tạo dự án hơn, họ sẽ có thể mở rộng lãnh thổ của mình trong không gian Web3.

Đến đây là câu hỏi: làm thế nào để chúng ta tạo ra các mối quan hệ chặt chẽ và mở rộng sang Web3?

3.2 Mở rộng

Mặc dù NFT và phương tiện truyền thông xã hội có mối quan hệ cộng sinh nhưng luôn có trạng thái cạnh tranh giữa các nền tảng khác nhau. Do đó, bất cứ ai thống trị thế giới NFT sẽ trở thành megacorp tiếp theo.

Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Trong giai đoạn mở rộng tiếp theo, các nền tảng mạng xã hội rất có thể sẽ tung ra loạt NFT của riêng họ để thu hút người dùng. Đây không chỉ là một cách hữu hiệu để xác định chính xác phân khúc người dùng mà còn là phương tiện tốt nhất để giữ chân họ, những người sẽ tận hưởng các dịch vụ truyền thông xã hội bằng cách nắm giữ NFT.

NFT có thể trở thành một vũ khí "mở đường" với sức công phá cao. Dưới đây là một số hướng khả thi mà chúng ta có thể khai phá.

(1) Từ hoạt động xã hội đến sản phẩm văn hóa

Những người nắm giữ NFT hình thành một cộng đồng thông qua bản sắc và điểm giao hòa về quan điểm, đồng thời bảo vệ lợi ích của cộng đồng bằng cách nói lên ý kiến của họ trên phương tiện truyền thông xã hội. Theo góc nhìn xã hội học, con người tập hợp, giao tiếp và cuối cùng là nảy sinh ý thức nhóm dẫn đến sự ra đời của “văn hóa”. Do đó, văn hóa cộng đồng được đại diện bởi NFTs trở thành sức mạnh của truyền thông xã hội, và văn hóa đó có thể được lan truyền thông qua giao dịch. Bằng cách này, các nền tảng xã hội sẽ hình thành một chu kỳ tích cực để phát triển cơ sở người dùng.

(2) Mở rộng hệ sinh thái bằng vé thông hành

Trong khi đó, các phương tiện truyền thống vẫn đang nỗ lực thu hút thêm nhiều khách hàng và sử dụng họ làm quân bài để thương lượng hợp tác với các doanh nghiệp. Một phương án khả thi là phát hành NFT và tạo lập đội ngũ phát triển dự án và cộng đồng tham gia bằng "vé vào cổng". Ưu điểm là việc này cho phép phương tiện truyền thông nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái NFT trong Web3, không chỉ mời gọi người dùng từ các dự án khác mà còn mở rộng quyền của chính người dùng và cải thiện khả năng giữ chân họ.

(3) Nắm bắt nội dung cao cấp (Bản quyền NFT)

IP của nội dung chất lượng luôn là chìa khóa chiến thắng trong Web2 và lĩnh vực NFT cũng không ngoại lệ. Đây là lý do tại sao nhiều mạng xã hội đang phát triển nền tảng sản xuất nội dung cho người sáng tạo NFT và thị trường NFT. Đối với cộng đồng, lợi ích của họ gắn liền với nền tảng thông qua các hoạt động thúc đẩy tương tác. Kết quả dự kiến sẽ mở rộng hệ sinh thái của các nền tảng và đảm bảo cơ hội trong việc phát triển nội dung NFT, dẫn đến cơ sở người dùng lớn hơn.

4. Hình dung về truyền thông xã hội Web3

4.1 Những thay đổi trong mô hình phân phối thông tin

Một trong những điểm khác biệt cơ bản nhất giữa mạng xã hội Web2 và Web3 nằm ở mô hình phân phối thông tin. Chúng ta rất quen thuộc với nội dung được cá nhân hóa (personalized content) do các thuật toán đề xuất. Nội dung này được sản xuất thông qua PGC và UGC và được hiển thị cho người dùng thông qua nền tảng truyền thông xã hội tập trung.

Trong Web3, phổ biến thông tin mang tính đề xuất cộng đồng (social recommendation) nhiều hơn. Sau sáu mức độ phân tách, con người trở thành trung tâm của truyền tải thông tin. Người sáng tạo phân phối nội dung và NFT cho người hâm mộ thông qua DAO của họ và phần thưởng token sẽ được thực hiện thông qua các hợp đồng thông minh trong quá trình này.

Tất nhiên sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp từ Web2 sang Web3, tức Web2.5 như hiện tại. Đây là một giai đoạn hội tụ bao gồm các phương tiện mạng xã hội, DAO, người dùng Web2 và người dùng Web3. Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự suy yếu dần của các nền tảng cũ, nhường chỗ cho các DAO với nội dung và văn hóa đa dạng. Nền tảng thu hút người sáng tạo và người dùng thông qua NFT, sau đó người sáng tạo chia sẻ nội dung của họ và tương tác với người hâm mộ bằng cách nắm giữ NFT do nền tảng phát hành. Dần dần, mô hình token incentive và quản trị DAO sẽ hợp nhất, cho phép mọi người tạo, phân phối và định giá.

Sơ đồ sau minh họa các mô hình phân phối thông tin khác nhau phát triển theo thời gian.

4.2 So sánh đặc điểm của mạng xã hội Web2 và Web3

Hoạt động xã hội trong Web3 không còn dựa vào các nền tảng xã hội nữa. Thay vào đó, tất cả mọi người trở thành trung tâm phân phối nội dung. Với tài khoản cá nhân hoàn toàn tự do về dữ liệu cá nhân, bạn có thể lưu giữ những tương tác xã hội trong hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các giao thức như Lens Protocol đã và đang thiết lập một nền tảng xã hội dựa trên các tài khoản.

Bên cạnh lớp giao thức, lớp ứng dụng cũng trải qua ​​một số thay đổi. Một số dự án SocialFi như Monaco Planet, BitClout và OneOf cung cấp xác minh ví, đăng ký NFT và phần thưởng token cho hoạt động tương tác, từ đó hoàn thành một số chức năng cơ bản của SocialFi. Ngay cả chính người dùng cũng có thể xây dựng nền tảng xã hội của riêng mình thông qua tích hợp SocialFi. Vì mỗi cá nhân có một phong cách xã hội khác nhau, người dùng có thể chọn các gói SocialFi phù hợp với nhu cầu của họ.

4.3 Sức mạnh phân phối nội dung

Nhiều người tin rằng việc trao cho một nền tảng quyền kiểm soát dữ liệu người dùng và quyết định những gì người dùng nhìn thấy không hoàn toàn là xấu. Nếu không có những nền tảng này, chúng ta sẽ không thể lọc thông tin một cách hiệu quả, khiến nội dung thú vị trở nên khó tiếp cận hơn. Tuy nhiên, con người là một thực thể đầy mâu thuẫn, chúng ta muốn có những lựa chọn tối ưu, song mặt khác kỳ vọng nhận được thông tin một cách trực tiếp và thuận tiện.

Sau khi đạt được tính phi tập trung thông qua NFT và DAO, người dùng có nhu cầu khôi phục lại các thuộc tính xã hội của họ. Ví dụ: một số DAO trên Discord có nhiều cuộc họp và hoạt động mỗi ngày. DAO yêu cầu mọi người kết nối mạng để có được thông tin. Người dùng phải tìm kiếm nội dung hay thay vì thuận theo dòng chảy thông tin được đề xuất sẵn.

Trải nghiệm xã hội trong Web3

Ngoài cơ chế của SocialFi và DAO, một thách thức lớn khác là sự phức tạp của giao diện và tương tác chưa hoàn thiện. Đó là lý do tại sao một số công ty truyền thông xã hội truyền thống thăm dò Web3 bằng cách cải thiện trải nghiệm tương tác mạng xã hội. Các công ty như Meta hiện đang chuyên tâm phát triển trải nghiệm 3D tương tác. Trong tương lai, trải nghiệm nhập vai sẽ trở thành vùng cạnh tranh chính cho mạng xã hội Web3.

Ngoài ra, khái niệm SocialFi của phương tiện truyền thông xã hội Web3 hiện bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như metaverse, game và nền kinh tế người sáng tạo. Đối thủ của họ không chỉ là các phương tiện truyền thông xã hội khác mà còn là các dự án dựa trên metaverse như The Sandbox và Otheride. Do đó, trải nghiệm tương tác Web3 nhất định phải phát triển song song với metaverse.

Tổng kết

SocialFi, DAO và NFT đã khai phá những tiềm năng chưa từng có với ứng dụng. Đây là cơ hội vàng cho các phương tiện truyền thông xã hội Web3. Chứng kiến ​​sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các sản phẩm xã hội Web3, phương tiện truyền thông xã hội truyền thống sẽ càng phải đối mặt với những thách thức lớn hơn.

Rõ ràng, cách tốt nhất là các mạng xã hội phải ràng buộc lợi ích với Web3 thông qua NFT để có được cơ sở người dùng Web3, tránh bị đào thải khỏi thị trường. Đồng thời, sử dụng NFT làm vũ khí là cách duy nhất để tạo thành mối đe dọa đối với các đối thủ cạnh tranh. Dù là ra mắt NFT, phát hành vé thông hành, triển khai các dự án chất lượng hay mở ra thị trường mới, một khởi đầu sớm sẽ giúp họ giành ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh.

Trong tương lai gần, các mô hình phân phối nội dung và trải nghiệm tương tác sẽ có những thay đổi. Chỉ khi tình huống này xảy ra, chúng ta mới có thể xác định thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên Web3: khi NFT và DAO được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống SocialFi, metaverse hình thành và công chúng có nhu cầu tái định nghĩa về "mạng xã hội". Đến lúc đó, thuật ngữ này cũng sẽ trở thành một phần của quá khứ.

Có thể bạn quan tâm

Mục lục