Tin nóng ⇢

DeFi là gì? Tổng quan về tiềm năng & cơ hội đầu tư trong DeFi

Định nghĩa DeFi và CeFi

DeFi là gì?

DeFi (Decentralized Finance) là nền tài chính phi tập trung (hay tài chính mở) mà trong đó, các tổ chức, thị trường hay các công cụ tài chính được quản lý phi tập trung. 

Nói dễ hiểu hơn, DeFi tận dụng sức mạnh của Blockchain là phi tập trung và minh bạch để tạo nên 1 nền tài chính mở, mà trong đó mọi người đều có thể truy cập và sử dụng nó ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào cả.

Trong DeFi luôn đi kèm với “Non-Custodial”, tức là không uỷ thác. Cũng nhờ vào đặc điểm này của DeFi mà chúng ta thường gọi nó là Open Finance hay tài chính mở.

Định nghĩa DeFi – Decentralized Finance

Các sản phẩm, dự án trong DeFi cũng có đầy đủ tương tự như với CeFi:

Các sản phẩm, dự án trong DeFi

Trong DeFi, cũng gồm các hoạt động tương tự như CeFi. Chúng có thể là gửi tiết kiệm, cho vay, đi vay, các giao dịch, các lệnh chuyển khoản, nợ, thanh toán hóa đơn,…

Và thay vì được xử lý thông qua 1 bên thứ 3 trung gian, thì các hoạt động đó được diễn ra trên Smart contract của blockchain.

CeFi là gì?

CeFi (Centralized Finance) là tài chính tập trung, trong đó các thành phần như tổ chức, thị trường giao dịch hay các công cụ đều được quản lý tập trung

Trái với DeFi, CeFi luôn đi kèm với cụm từ “custodial” hay uỷ thác, tức là các tài sản, sản phẩm, dịch vụ trong tài chính sẽ được uỷ thác cho tổ chức nào đó.

Định nghĩa CeFi – Centralized Finance

Một số hình thức CeFi trong thị trường tài chính truyền thống để anh em dễ hình dung:

Các hình thức CeFi

Trong CeFi, tất cả những thành phần kể trên, đều hoạt động, tương tác với nhau thông qua 1 bên thứ 3. Các hoạt động có thể là gửi tiết kiệm, cho vay, đi vay, các giao dịch, các lệnh chuyển khoản, nợ lương, thanh toán hóa đơn,…

Các hoạt động trong CeFi

Bên thứ 3 đó có thể là ngân hàng trung ương, chính phủ, thế chế tài chính, hay 1 thế lực lớn nào đó. Các thành phần trên anh em đều rất dễ hình dung với các ví dụ xung quanh chúng ta.

Ưu điểm của CeFi:

  • Quen thuộc, dễ tiếp cận.
  • Được pháp luật & thể chế bảo vệ.

Nhược điểm của CeFi:

  • Phải thông qua bên thứ 3 trung gian.
  • Chi phí cao.
  • Vấn đề về tính minh bạch.
  • Không dành cho tất cả mọi người.

Trong crypto, các dự án thuộc nhóm CeFi:

Các dự án CeFi trong Crypto

  • Các sàn giao dịch tập trung: Coinbase, Binance, OKEx, Huobi.
  • Các hình thức lending & Borrowing: Nexo, Celcius, Constant.
  • Các đồng Stablecoin 1.0: USDT, USDC, PAX, HUSD, GUSD.

Hạn chế rất lớn của nền tài chính truyền thống đó là tính tập quyền hay tập trung quyền lực. DeFi chính là giải pháp cho việc này.

Phân biệt CeFi vs DeFi

Sự khác biệt lớn nhất giữa tài chính truyền thống và tài chính phi tập trung chính là tính uỷ thác.

Trong tài chính truyền thống hay Traditional Finance: Các tổ chức, thị trường & công cụ tài chính luôn tồn tại trung gian có quyền lực tập trung. Trong khi đó, DeFi tận dụng sức mạnh của Blockchain là tính minh bạch và phi tập trung để loại bỏ các trung gian này. Cụ thể:

  • Chính phủ hay ngân hàng (CeFi) sẽ được thay thế bằng các các blockchain phi tập trung.
  • Các tài sản của CeFi sẽ được thay thế bằng các token nằm trong hệ sinh thái của Blockchain và chúng phi tập trung.

Nhiệm vụ của DeFi là cung cấp quyền truy cập tới các dịch vụ tài chính cho người dùng ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào chỉ cần họ có Internet ⇒ Điều này thể hiện tính mở đặc trưng của DeFi.

Phân biệt DeFi vs CeFi

Thực tế DeFi đã & đang phát triển rất nhanh, tất cả các sản phẩm, dịch vụ gì trong CeFi đều có thể được thay thế bằng các ứng dụng DeFi. Dưới đây là bảng so sánh các tổ chức, dự án trong DeFi vs CeFi (hình dưới được lấy ý tưởng từ bài viết trên Medium):

So sánh các tổ chức, dự án trong DeFi vs CeFi

Với mình, DeFi chính là ứng dụng thiết thực & tận dụng được nhiều nhất sức mạnh của blockchain (tính phi tập trung).

Cụ thể bản chất DeFi như thế nào? Mình sẽ giải thích ngay bên dưới.

Bản chất của DeFi

Như mình nhắc tới bên trên, DeFi chính là ứng dụng thiết thực nhất của blockchain. Nó tận dụng được các ưu điểm của blockchain. Bao gồm:

  • Tính phi tập trung (Decentralized).
  • Tính phân tán (Distributed).
  • Tính minh bạch (Transparent).

Như vậy, DeFi cũng kế thừa các tính chất từ Blockchain:

Các tính chất của DeFi:

  • Tính phi tập trung – Decentralized.
  • Không cần sự cho phép – Permissionless.
  • Không cần đặt sự tin tưởng mà vẫn đảm bảo an toàn – Trustless.
  • Tính minh bạch – Transparent.
  • Không cần ủy thác – Self-Custody.

So sánh DeFi vs CeFi kể trên, anh em sẽ thấy ngay việc DeFi loại bỏ được bên thứ 3 trung gian của CeFi (có được việc này dựa vào các tính chất nêu trên của DeFi).

Smart Contract của Blockchain với vai trò là bên thứ 3 trong DeFi

Bên thứ 3 trong DeFi lúc này không phải là các tổ chức, ngân hàng, hay chính phủ (những người có thể kiểm soát chúng ta) mà Smart contract của Blockchain sẽ đảm nhận vai trò đó.

Các thành phần của DeFi

Cập nhật ngày 27/06/2021

Trước khi anh em đọc những thành phần quan trọng bên dưới của DeFi, mình muốn cập nhật một số những thay đổi & sự phân hóa rất rõ ràng của DeFi ngay thời điểm hiện tại.

  • Yearn vẫn là một thế lực trong DeFi khi Andre bắt đầu chuẩn bị một dự án liên quan đến Stablecoin của chính mình, được backed bởi KP3R.
  • Xu hướng hiện tại là multi-chain, với rất nhiều dự án tạo ra cho mình một phiên bản khác ở những chain khác, ví dụ như Aave ở Polygon, Sushi ở Fantom, Polygon.
  • Thị trường đang cạn kiệt ý tưởng, các dự án mới đơn thuần là clone từ các dự án cũ mà không có nhiều sự sáng tạo.
  • IDO (Initial DEX Offering) – gọi vốn phi tập trung đang dần lụi tàn, chứng tỏ ở việc ROI không còn quá cao, nếu không muốn nói là có nguy cơ bị lỗ dù mua ở giá Private hoặc Seed Sale.

Ở năm 2020, DeFi có:

  • Lending & Borrowing platform (các nền tảng vay & cho vay).
  • DEX (các sàn phi tập trung).
  • Các đồng Stablecoin phi tập trung.
  • Payment (các hình thức thanh toán phi tập trung).
  • Derivatives (các dự án phái sinh phi tập trung).

Hệ sinh thái DeFi 2020

Tuy nhiên, DeFi ở 2021 đã không thể gói gọn trong một bức ảnh như trên, mà đã phát triển khác nhau trên nhiều hệ sinh thái. Mình sẽ nói chi tiết hơn ở bên dưới.

Decentralized Stablecoins

Stablecoin là loại cryptocurrency được thiết kế với mục đích giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của sự biến động giá (volatility), bằng cách cố định vào một tài sản ổn định hơn như tiền thật (fiat money), hàng hoá (vàng, bạc…) hoặc có thể là một đồng tiền điện tử khác. 

Stablecoin tận dụng lợi thế của blockchain và chuyển giao giá trị ngang hàng trong khi người sử dụng không phải chịu sự biến động cao như từ các cryptocurrency khác. Như vậy, các stablecoin sẽ được phát hành theo hình thức phi tập trung.

Cá nhân mình sẽ chia Stablecoin thành 2 thế hệ: 

  • Stablecoin 1.0 là các đồng tiền ổn định được phát hành dựa trên tài sản thế chấp là các commodity tập trung như đô la USD, vàng (USDT, USDC, TUSD,..).
  • Stablecoin 2.0 (Decentralized Stablecoins) được phát hành dựa vào sự thế chấp của các loại crypto (DeFi) khác. Hiểu đơn giản anh em có thể thế chấp 1 lượng crypto của mình để phát hành ra stablecoin (có số lượng nhỏ hơn).

Trong các dự án Stablecoin 2.0 đó, họ thường có 1 token quản trị, gọi là Governance token. Đây chính là token mà anh em có thể đầu tư.

Một số dự án mà anh em nên biết: MakerDAO (MKR), Terra (LUNA), Just (JST), Reserve (RSR), Kava (KAVA), Venus (XVS).

Decentralized Lending and Borrowing

Đây là nền tảng vay & cho vay phi tập trung, hai chủ thể chính trong Lending & Borrowing là:

  • Lenders (depositors): Sử dụng các tài sản hoặc tiền để cho các Borrower vay với tỉ lệ lãi suất nhất định. Sau 1 khoảng thời gian, họ sẽ nhận lại được vốn gốc và lãi suất như thoả thuận ban đầu.
  • Borrowers (loan takers): Vay tiền hoặc tài sản từ các Lender và sẵn sàng trả lãi cho số tiền đó.

Một số dự án đáng chú ý trong phân khúc này: AAVE, MakerDAO, Osis, BZRX, Fulcrum, Compound, Dharma.

Decentralized Insurance

Decentralized Insurance là hình thức bảo hiểm phi tập trung cho những người dùng trong các ứng dụng DeFi. 

Nếu như trong bảo hiểm truyền thống, chúng ta luôn có 2 bên:

  • Bên thứ nhất là những người đi mua bảo hiểm, những chủ thể như mình và anh em.
  • Bên thứ 2 là những đại lý, những người bán bảo hiểm, những người phân tích rủi ro cũng như sẽ bồi thường cho anh em khi rủi ro xảy ra.

Thì trong DeFi, chúng ta muốn một sự phân quyền, phi tập trung, vì vậy bảo hiểm trong DeFi sẽ có 3 bên: 

  • Người mua bảo hiểm: Là những người muốn bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro khi tham gia vào không gian mã hóa, hay các sản phẩm liên quan tới DeFi. Họ sẽ mua bảo hiểm liên quan và khi có sự cố xảy ra thì họ sẽ được bồi thường theo hợp đồng trong Smart Contract.
  • Người đánh giá rủi ro: Là những người tin tưởng hệ thống này, họ sẽ bỏ tiền ra bảo hiểm cho những người khác. Khi người mua bỏ tiền ra mua bảo hiểm thì số tiền này sẽ được chia cho những người đánh giá rủi ro này.
  • Người đánh giá yêu cầu bồi thường: Những người sẽ đánh giá yêu cầu bồi thường của anh em có được chấp nhận hay không.

3 bên này sẽ phối hợp với nhau và cùng phân chia rủi ro trong toàn bộ hệ thống bảo hiểm phi tập trung.

Các dự án nổi bật trong mảng Decentralized Insurance: Hakka Finance (3F Mutual), Yearn Insurance, Nexus Mutual, Opin.

Decentralized Exchanges (DEX)

DEX (Decentralized Exchange) là các sàn giao dịch tiền điện tử được xây dựng và hoạt động một cách phi tập trung trên nền tảng Blockchain. DEX cho phép việc giao dịch mua bán được diễn ra ngang hàng ngay trên mạng lưới Blockchain mà không cần thông qua bất kỳ tổ chức trung gian nào.

Nhóm này chắc chắn đã rất quen thuộc với anh em, vì nó được phát triển từ 2017. Với tới nay, chúng cũng được phân hóa làm nhiều loại khác nhau.

Các dự án nổi bật trong mảng Decentralized Exchange: Sushiswap (SUSHI), Uniswap (UNI), 1Inch, Balancer (BAL), Curve (CRV).

Liquidity Mining

Liquidity Mining là hình thức cho phép người dùng kiếm lợi nhuận bằng cách cung cấp thanh khoản đồng coin mà họ có cho sàn giao dịch. Đổi lại người tham gia sẽ nhận được phần thưởng (thường) là các đồng governance token.

Hình thức này rất phổ biến từ tháng 07/2020 và thường đi kèm với từ khóa Yield Farming. Giải thích một cách ngắn gọn thì Yield Farming là thuật ngữ chỉ việc người dùng cố gắng tạo ra nhiều lợi nhuận nhất có thể từ tài sản crypto của họ, thông qua việc cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi. 

Đến với 2021, Yield Farming đã không giữ được sức hút như ngày xưa, nhưng vẫn là hình thức chính để bootstrap liquidity. Nên ở mục này, mình sẽ không đưa ra những dự án nào nổi bật, vì hiện tại, đây là đơn thuần là công cụ, không phải điểm độc đáo.

Decentralized Oracles

Oracle là một hệ thống cung cấp dữ liệu theo thời gian thực cho các blockchain và smart contract. Nhờ Oracle, blockchain và smart contract (on-chain) có thể tương tác với dữ liệu bên ngoài (off-chain). 

Nói cách khác thì Oracle hoạt động như một nguồn dữ liệu được gửi đến các hợp đồng thông minh (smart contract). Qua đó, chúng được phép truy cập vào dữ liệu thực tế nằm ngoài hệ sinh thái Blockchain. Thông thường là thông tin giá tài sản tại một thời điểm thực tế.

Các dự án về mảng Oracle anh em nên biết: Chainlink (LINK), Band Protocol (BAND), DIA, Tellor (TRB).

Decentralized Derivatives

Nếu trong tài chính truyền thống, Derivative (hay phái sinh) là hợp đồng giao dịch tài chính giữa hai hoặc nhiều bên, dựa trên giá trị tương lai của một tài sản cơ sở nào đó. Tức là người ta sẽ giao dịch dựa trên giá trị của một thực thể khác chứ không cần trực tiếp sở hữu nó. Lợi nhuận được tạo ra dựa vào chênh lệch và biến động giá của tài sản cơ sở đó.

Trong DeFi, Decentralized Derivatives là hình thức giao dịch phái sinh phi tập trung dựa trên giá trị của các đồng Crypto. Hiểu một cách đơn giản là anh em sẽ giao dịch với nhau dựa trên giá của các đồng Crypto, chứ không phải trực tiếp sở hữu và mua bán các đồng Crypto ấy.

Như vậy, sự khác biệt giữa giao dịch phái sinh truyền thống và phi tập trung là tài sản cơ sở:

  • Phái sinh truyền thống (Traditional Derivatives): Tài sản cơ sở là trái phiếu, cổ phiếu hay lãi suất.
  • Phái sinh phi tập trung (Decentralized Derivatives): Tài sản cơ sở là các đồng tiền điện tử.

Các sản phẩm phái sinh phi tập trung: dYdX, Perpertual Protocol.

Synthetic Assets

Synthetic Asset (Tài sản tổng hợp) là một loại hình phái sinh mới, cụ để, đó là các token đại diện kỹ thuật số của các phái sinh. Trong đó các công cụ phái sinh là các hợp đồng tài chính cung cấp khả năng tiếp xúc tùy chỉnh đối với tài sản cơ bản hoặc vị thế tài chính, synthetic asset là đại diện được token hoá của các vị trí đó.

Các tài sản tổng hợp: Synthetix, Mirror Protocol.

DeFi coin là gì? Tiêu chí chọn DeFi coin tiềm năng

DeFi coin là đồng coin/token của các dự án DeFi. Một số tiêu chí để lựa chọn được đồng coin DeFi tiềm năng như: 

  • Blockchain phải là phiên bản mới, có khả năng mở rộng và lưu trữ tốt cùng khả năng bảo mật cao.
  • Được rót vốn bởi các quỹ hay nhà đầu tư uy tín.
  • Đội ngũ phát triển dự án có kinh nghiệm trong thị trường crypto & quan trọng là phải hiểu cách thị trường vận hành. DeFi hiện tại đang phát triển khá tương đồng thị trường tài chính truyền thống (Trafi). Vì vậy nếu 1 đội ngũ hiểu “money game” ở thị trường Trafi sẽ là 1 lợi thế không nhỏ.
  • Dự án định vị đúng trend hiện tại. Hoặc nếu dự án không phát triển theo trend, thì phải phát triển và xây dựng trong phân khúc thiết yếu.
  • Có các sản phẩm, ứng dụng có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng, mang lại trải nghiệm người dùng tốt.

Hệ sinh thái DeFi trên mỗi Blockchain

Như đã đề cập ở trên, DeFi không còn có thể tóm gọn lại bằng vài dự án được, mà đã phân hóa cụ thể ở từng blockchain, tạo nên những hệ sinh thái khác nhau.

Các hệ sinh thái nổi bật trong năm 2021 có thể kể đến như Solana, BSC, Near,…

Hệ sinh thái Near
Hệ sinh thái Solana

Tiềm năng của DeFi 2021

Nhắc tới DeFi, anh em hay nghe thấy số liệu TVL.

TVL (Total Value Locked) là tổng lượng tài sản được khóa trong các ứng dụng DeFi. Con số này càng lớn, thì chứng tỏ sức hấp dẫn DeFi đối với người dùng.

Số liệu ngày 21 tháng 11, 2020

Số liệu ngày 3/7/2021

Chỉ hơn nửa năm, TVL của DeFi đã tăng trưởng gấp 8 lần. Đỉnh điểm là gần 12 lần ($150B).

Trong đó, đa phần dự án đóng góp chính cho TVL đều thuộc mảng DEX và Lending. Cho thấy sau một thời gian phát triển, các mảng được xem là hot nhất hiện tại chỉ còn DEX và Lending.

Lý do có thể là do người dùng bắt đầu hiểu hơn về DeFi, và dần tin tưởng sử dụng các sàn giao dịch phi tập trung, cũng như bắt đầu thông thạo hơn trong việc gia tăng hiệu quả sử dụng vốn bằng cách thức vay mượn.

Liệu hai mảng này sẽ tiếp tục thống trị DeFi, hay tương lai sẽ là sân chơi của những cái tên khác thuộc phân khúc phái sinh, quản lý tài sản,…

Những cái tên đang xây dựng hệ sinh thái DeFi

Chúng ta chủ yếu là những nhà đầu tư cá nhân, trực tiếp đầu tư vào các dự án DeFi. Đối với những tổ chức lớn, họ trực tiếp tham gia vào việc xây dựng dự án DeFi. 

Hãy cùng xem những ông lớn đã & đang làm gì để xây dựng hệ sinh thái DeFi.

Binance Smart Chain

Sau đợt tăng trưởng rất mạnh, Binance Smart Chain đã bắt đầu có dấu hiệu “chạm ngưỡng” khi các dấu hiệu như TVL hay giá BNB có phần chững lại.

Sự FOMO của Binance Smart Chain đã làm rất nhiều dự án “rác” mọc lên như nấm, dẫn đến việc rất nhiều sự kiện hack xảy ra. Đây có thể được xem như một đợt thanh lọc những dự án không có chất lượng.

Nói như vậy, không phải trên Binance Smart Chain không có những dự án tốt, đơn cử như PancakeSwap, từ tiền thân là một fork của Uniswap trên Binance Smart Chain, PancakeSwap đã dần biến mình thành một thế lực với một hệ thống rất nhiều tính năng hấp dẫn, khiến giá CAKE dù có suy giảm nhưng có dấu hiệu hồi phục khá tốt.

Nhưng không phải vì sự suy giảm này mà có thể đánh giá thấp BSC. Nên nhớ, đứng sau BSC là CZ – một “tay chơi” không hề đơn giản. Không phải ngẫu nhiên mà Binance lại trở thành top-tier CEX, và duy trì địa vị cho đến hiện tại, nên BSC cũng có thể coi là một cái tên cần chú ý cho tương lai.

Solana

Solana là 1 blockchain nền tảng được listing trên Binance lần đầu từ tháng 04/2020. Tính đến thời điểm tháng 6/2021, các mảnh ghép DeFi đã được hình thành, có thể kể đến các dự án tiêu biểu như Raydium, Parot, Mercurial,…

Serum hiện giờ không thể xem như một DEX thông thường, mà là nơi cung cấp thanh khoản cho rất nhiều dự án ở trên như Raydium, Orca,…

Tuy nhiên, hệ sinh thái Solana có phần đang chững lại, một phần do thị trường đang có dấu hiệu tiêu cực, một phần do các dự án không có gì nổi bật. Một phần có lẽ do thị trường đang đi xuống, mặt khác có lẽ do sự khác biệt ngôn ngữ lập trình so với Ethereum đã gây cản trở không nhỏ đối với các team dự án.

Nhưng đó chỉ là thực trạng hiện tại. Tương tự BSC với CZ, thì Sam – Founder của sàn FTX cũng là người rất có tiếng nói trong hệ sinh thái Solana, và đang hỗ trợ rất tích cực các dự án này, khi các token trong hệ sinh thái này đều được list FTX đầu tiên. Cá nhân mình đánh giá Solana vẫn còn tiềm năng phát triển phía trước.

Terra

Thời gian hệ sinh thái Terra hình thành có thể là đâu đó chỉ khoảng 1 năm. Nhưng từ khi UST – stablecoin của Terra được bắt đầu được đưa vào sử dụng, cùng với ra mắt hai sản phẩm quan trọng: Anchor Protocol và Mirror Protocol, TVL của Terra đã tăng trưởng vượt bật, để giờ đây đã nằm trong top 5 blockchain có TVL cao nhất DeFi.

Tổng kết

Đây là bài viết tổng quan về DeFi 2021, cụ thể, chúng ta đã tìm hiểu kỹ về bản chất, thành phần, tiềm năng và cơ hội đầu tư trong DeFi.

Hiện tại, chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu của DeFi & cả thị trường crypto này thôi. Và việc cần làm của chúng ta là tìm hiểu thật kỹ về những chủ đề, nhóm coin mà anh em quan tâm trước khi xuống tiền đầu tư. Mình tin rằng chỉ có kiến thức vững chắc của chính anh em mới có thể giúp chúng ta kiếm lợi nhuận bền vững trong thị trường.

Theo C98

Có thể bạn quan tâm

Mục lục