Sự thống trị của đồng đô la Mỹ và sự bùng nổ của tiền điện tử không phải để thay thế cho nhau, mà là bổ sung cho nhau. DeFi cũng tương tự, sự xuất hiện của Defi là bổ sung thêm vào nền kinh tế, chứ không phải để thay thế cho hệ thống tài chính hiện tại.
Tại một buổi hội thảo trên web vào tháng 7 năm ngoái, Jack Dorsey, cựu giám đốc điều hành Twitter và hiện là người đứng đầu công ty thanh toán kỹ thuật số Block đã chia sẻ về BTC rằng: "Tôi hy vọng BTC sẽ mang đến hòa bình hoặc góp phần mang đến hòa bình thế giới."
Ảnh hưởng của xã hội đối với hệ thống tiền tệ
Thông thường, những biến động trong tiền tệ sẽ gắn liền với hỗn loạn xã hội. Điển hình nhất có thể kể đến là thời gian diễn ra bệnh dịch hạch mà người ta gọi đó là đại dịch "Cái chết đen", hay chiến tranh Hundred Year's khiến hệ thống tiền tệ của Anh thay đổi. Cụ thể, sau dịch bệnh, giá hàng hóa tăng vọt đặc biệt là muối đã tăng gấp 7 lần trong giai đoạn từ 1347 – 1352.
Cùng lúc đó, các thương gia châu Âu đã phát triển một hình thức mới của tín dụng P2P gọi là hối phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa Anh, các nước vùng thấp và miền bắc nước Ý.
Gần đây hơn, những cuộc chinh phạt của Tây Ban Nha ở Tân Thế giới đã biến đổi nền kinh tế toàn cầu bằng cách tăng nguồn cung bạc và vàng, phần lớn trong số đó được sử dụng để chi trả cho các cuộc chiến tranh Habsburgs ở châu Âu. Sự mở rộng của Đế quốc Anh đã tạo ra chế độ bản vị vàng, một hệ thống tiền tệ quốc tế mới và ổn định hơn, trong đó đồng bảng Anh là đồng tiền thống trị. Các cuộc chiến tranh thế giới khiến Anh nợ nần chồng chất và mở ra kỷ nguyên thống trị đầu tiên của đồng đô la.
Một lần nữa, chính xung đột đã đặt dấu chấm hết cho hệ thống tiền tệ Bretton Woods vào năm 1971. Khi Chiến tranh Việt Nam kéo dài, việc Tổng thống Richard Nixon tuyên bố đình chỉ quy đổi USD ra vàng đã mở ra một kỷ nguyên mới của tiền tệ fiat với đặc trưng lúc đầu là lạm phát cao cùng biến động tỷ giá hối đoái. Thời gian sau đó, một loạt các hiệp định quốc tế được hình thành chẳng hạn như Hiệp định Plaza năm 1985 hay Thỏa ước Louvre năm 1987, kế tiếp là các thỏa thuận đặc biệt hơn và kém minh bạch hơn trong bối cảnh lạm phát giảm và dòng vốn tăng nhanh.
Năm vừa qua, 2 sự kiện lớn là đại dịch Covid và chiến tranh Nga-Ukraine dường như đã tạo ra một sự thay đổi khác trong trật tự tiền tệ toàn cầu. Theo đó, tồn tại 2 giả thuyết như sau:
• Giả thuyết thứ nhất cho rằng bây giờ là thời đại của tiền điện tử. Michelle Ritter, giám đốc điều hành công ty công nghệ Steel Perlot Management LLC, từng nói: “Nếu thời điểm quan trọng của mạng xã hội đến vào năm 2011, khi các video, tweet và các bài đăng khác từ Libya, Ai Cập, Yemen, Syria và Bahrain đã gây ra sự kiện "Mùa xuân Arab", v.v. Thì giờ đây, chúng ta đang ở một bước ngoặt tương tự với tiền điện tử. Quỹ Bridgewater Associates LP lưu ý rằng “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là sự kiện lớn đầu tiên mà có sự xuất hiện của tiền điện tử trong đó”.
• Giả thuyết thứ hai là chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm của đồng đô la. Zoltan Pozsar của Credit Suisse cho biết quyết định của Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu về việc đóng băng phần lớn dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga là một bước ngoặt lớn. Ông tin rằng điều này sẽ “khuyến khích các ngân hàng trung ương đa dạng hóa khỏi đồng đô la hoặc cố gắng định lại tiền tệ của họ bằng các tài sản ít bị ảnh hưởng hơn từ các chính phủ Hoa Kỳ hoặc châu Âu.”
Theo báo cáo ngày 7 tháng 3 của Pozsar cho biết chúng ta đang bỏ lại Bretton Woods II sau năm 1971 để tiến đến Bretton Woods III. Cụ thể, ta sẽ chuyển từ một hệ thống trong đó “nội tệ” (Kho bạc Hoa Kỳ) thay thế “ngoại tệ” (vàng) sang một hệ thống dựa vào ngoại tệ trở lại (vàng và các hàng hóa khác) khi thế giới ít phụ thuộc hơn vào đô la và trái phiếu bằng đô la.
Tiền điện tử trong chiến tranh Nga – Ukraina
Vào đầu cuộc xâm lược của Nga, đã có rất nhiều cuộc thảo luận xoay quanh việc Điện Kremlin sẽ sử dụng tiền điện tử để trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này đã dẫn đến một sự gia tăng ban đầu khi mua BTC bằng đồng rúp.
Nhưng các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu đã thông báo đến các sàn giao dịch tiền điện tử lớn. Và như thế, Coinbase đã chặn hơn 25.000 địa chỉ liên kết với Nga mà họ cho rằng có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Bất chấp điều đó, Tigran Gambaryan của Binance đã chỉ ra rằng “Tiền điện tử không phải là cách hiệu quả để trốn tránh các lệnh trừng phạt đối với chính phủ và các quốc gia”.
Tiền điện tử đóng vai trò lớn trong việc tạo điều kiện cho các khoản tiền tư nhân đóng góp cho chính phủ Ukraine. Theo Gillian Tett của Financial Times, “khoảng 106 triệu đô la quyên góp từ tiền điện tử đã đưa vào chính phủ”. Một số nhân vật nổi tiếng đã thông báo rằng họ sẽ đóng góp vào ngân sách của chính phủ chẳng hạn như Gavin Wood sẽ “đóng góp cá nhân 5 triệu đô la” nếu Polkadot được chấp nhận. Sergey Vasylchuk, giám đốc điều hành của công ty blockchain Everstake, đã thành lập một DAO dựa trên Solana để quyên góp cho quân đội Ukraine.
Trong các khu vực biến động và thời kỳ bất ổn, có thể nói tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum hay đặc biệt hơn là stablecoin (được chốt với đô la Mỹ) chiếm ưu thế hơn cả. Đây cũng được xem lý do tại sao có rất nhiều giao dịch stablecoin ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020 và 2021 khi đại dịch kết hợp với chính sách tiền tệ liều lĩnh của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tăng giá đồng lira.
Ngay cả trong thời gian chiến tranh, tiền điện tử đã đánh bại vàng. Cụ thể, kể từ trước cuộc xâm lược của Nga, BTC tăng 3,8%, ETH 9,1% và vàng giảm 1%.
Nhưng trong chiến tranh, việc có thể thanh toán hoặc giao dịch tài sản, tiện tệ trong và ngoài nước quan trọng hơn là nắm giữ mọt loại tài sản ổn định hay tăng giá. Ethereum chỉ có thể xử lý khoảng 15 giao dịch mỗi giây, trong khi Visa có thể xử lý hàng nghìn giao dịch thẻ tín dụng mỗi giây.
Các công ty thẻ tín dụng phương Tây không thể cấm việc thanh toán của người Nga như cấm họ mua Bitcoin. Điều này là do kể từ năm 2014, Nga đã xây dựng Hệ thống thanh toán thẻ quốc gia (NSPK) của riêng họ để xử lý các giao dịch và một hệ thống thẻ nội địa được gọi là Mir chạy trên NSPK.
Trong kế hoạch lớn của nền kinh tế toàn cầu, thanh toán điện tử quan trọng hơn tiền điện tử. Đó là bởi vì các hệ thống thanh toán tận dụng trí tuệ nhân tạo, có thể xử lý lượng lớn giao dịch với tốc độ nhanh hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống dựa trên blockchain nào và sau đó có thể đưa ra xếp hạng tín dụng dựa trên trên dữ liệu mà họ tổng hợp và phân tích.
Nền tảng TikTok vô cùng phổ biến của Bytedance đang triển khai các tính năng thanh toán. Các công ty tại 19 quốc gia bao gồm gã khổng lồ fintech của Kenya M-Pesa, Ethio Telecom thuộc sở hữu nhà nước của Ethiopia và nhà cung cấp viễn thông Jazz của Pakistan đều đang sử dụng nền tảng Mobile Money của Huawei Technology Co. OPay, nền tảng thanh toán di động châu Phi thuộc sở hữu của Trung Quốc, hiện là công ty khởi nghiệp fintech lớn thứ hai ở châu Phi về quy mô và giá trị.
Nhưng mục tiêu mới của chính sách Trung Quốc là thuyết phục các ngân hàng trung ương của các quốc gia khác phát triển các loại tiền kỹ thuật số có thể tương tác với tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc là e-CNY, thông qua "cầu nối" giữa các ngân hàng trung ương. Thái Lan, Hồng Kông và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang làm việc với Trung Quốc về những cây cầu như vậy. SWIFT – Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ – hiện có 1.200 tổ chức thành viên trên 100 quốc gia.
Một cơ quan khác của Trung Quốc là Mạng lưới Dịch vụ dựa trên Blockchain (Blockchain-based Service Network – BSN) do nhà nước hậu thuẫn, nhằm mục đích tạo ra một kiến trúc kỹ thuật số kết nối các public và private blockchain. Vào năm 2021, BSN đã ra mắt mạng thanh toán kỹ thuật số toàn cầu, nhằm tìm cách xây dựng “quy trình thanh toán và phương thức chuyển tiền kỹ thuật số được tiêu chuẩn hóa”.
Theo báo cáo của Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái, ít nhất ba ngân hàng nước ngoài đang có kế hoạch tiếp cận e-CNY thông qua một nền tảng thanh toán bù trừ riêng do Ngân hàng Thành phố Thượng Hải xây dựng. Khi Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra vào tháng 2 năm 2022, người nước ngoài ở Trung Quốc đã có thể tạo ví CNY điện tử của riêng họ mà không cần tài khoản ngân hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, sẽ là một chặng đường dài để Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một kiến trúc thanh toán thay thế cho kiến trúc do các tổ chức Mỹ và châu Âu thống trị. Vào tháng 1, ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc chỉ nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ USD trong tổng số khoảng 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối trong trái phiếu kho bạc Mỹ. Hơn một nửa dự trữ của Trung Quốc được tính bằng đô la.
Liệu đồng đô la có sụp đổ?
Bắc Kinh đã rất bối rối trước quyết định của Hoa Kỳ về việc đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương Nga. Hệ thống tài chính quốc tế dựa trên sự tin tưởng rằng tất cả các bên tham gia sẽ tuân thủ các quy tắc, và việc đáp ứng các nghĩa vụ nợ là một trong những quy tắc quan trọng nhất. Dù lý do là gì thì việc đóng băng dự trữ ngoại hối của một quốc gia là một sự vi phạm đối với sự tin tưởng đó.
Những dự đoán về sự sụp đổ của đồng đô la mà mọi người đã đưa ra từ cuối những năm 1960 đã liên tục được chứng minh là sai. Barry Eichengreen của UC Berkeley chỉ ra rằng tỷ trọng dự trữ quốc tế được phân bổ của đồng đô la đã giảm kể từ đầu thế kỷ này, từ 71% xuống còn 59%. Nhưng không phải như thế mà các ngân hàng trung ương đổi đô la sang đồng Nhân dân tệ hay đồng tiền khác.
Dù đồng tiền của Canada, Úc, Thụy Điển, Hàn Quốc và Singapore đang ngày càng phổ biến với các nhà quản lý dự trữ ngoại hối nhưng sự thống trị của đồng đô la vẫn không hề giảm.
Đó cũng không phải là thước đo duy nhất để đánh giá sự thống trị của đồng đô la. Cụ thể, vào năm 2021, 40% thanh toán quốc tế tính theo tổng giá trị giao dịch sẽ được tính bằng đô la Mỹ. Ở vị trí thứ hai là đồng euro. Đồng Nhân dân tệ đứng thứ tư với chỉ 2,7%, xếp sau ngay cả đồng bảng Anh.
Theo lời Sebastian Mallaby của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại:
Chủ nghĩa phòng thủ của đồng đô la đang bị thổi phồng quá mức. Trên thế giới, gần 3/5 tiền gửi ngân hàng ngoại tệ tư nhân được giữ bằng đô la. Một tỷ lệ tương tự của khoản vay doanh nghiệp bằng ngoại tệ được thực hiện bằng đô la. Cục Dự trữ Liên bang ước tính rằng người nước ngoài tích trữ khoảng một nửa số lượng tiền giấy đô la đang lưu hành.
Meyrick Chapman lập luận một cách thuyết phục rằng, đối với nền kinh tế toàn cầu, Hoa Kỳ vẫn là người tiêu dùng phương sách cuối cùng. Cho đến khi điều đó thay đổi, đồng đô la vẫn sẽ giữ được vị thế của nó.
Tất cả những điều này giúp giải thích sự bất thường của đồng đô la mà chúng ta đã thấy trong năm nay, nó đã mạnh lên đáng kể so với hầu hết các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng yên Nhật đã mất giá gần 27% kể từ đầu năm 2021, đồng euro giảm giá 16%, đồng bảng Anh giảm 10%.
Pháp luật đối với tiền điện tử
Hiện có từ 10.000 đến 20.000 loại tiền điện tử khác nhau đang tồn tại. Và số lượng đó là quá mức ngay cả khi tất cả chúng đều được thiết kế và quản lý hoàn hảo.
Theo một báo cáo từ Elliptic, khoảng 10 tỷ đô la trong các dự án DeFi đã bị mất vào tay các vụ hack và lừa đảo khác nhau vào năm 2021. Trong một trường hợp, các thành viên của Bored Ape Yacht Club đã bị lừa giao mật khẩu ví tiền điện tử của họ.
Với các trường hợp như vậy, nhiều người sẽ nghĩ rằng nên đóng cửa không gian tiền điện tử. Thực tế, một số quốc gia đã cấm sử dụng tiền điện tử để thanh toán cũng như mining bitcoin là Trung Quốc, Algeria, Bangladesh, Bolivia, Ai Cập, Morocco và Nepal.
Một số quan chức châu Âu và Hoa Kỳ chẳng hạn như Fabio Panetta của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Gary Gensler của SEC và Giám đốc điều hành tiền tệ của Hoa Kỳ Michael Hsu, mong muốn có quy định chặt chẽ hơn đối với ngành công nghiệp tiền điện tử và thậm chí là lệnh cấm đối với tiền điện tử.
Dự luật quy định về thị trường tài sản tiền điện tử của Ủy ban Châu Âu đang được các cơ quan quản lý của Châu Âu xem xét, điều này sẽ yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử phải công khai đầy đủ tất cả những người mua và bán tài sản kỹ thuật số. Ngược lại, chính phủ Anh vì muốn thu hút nhiều doanh nghiệp tiền điện tử hơn đến London, do đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak gợi ý rằng Royal Mint nên phát triển một NFT.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Morning Consult, 20% người Mỹ trưởng thành và 36% thế hệ trẻ sở hữu tiền điện tử. Quan trọng hơn hết, các doanh nhân tiền điện tử đang quyên góp hàng triệu đô la cho các ứng cử viên và các công ty vận động hành lang đã triển khai trên toàn quốc để giành được sự ủng hộ cho luật ủng hộ tiền điện tử.
Thành quả đầu tiên của tất cả các cuộc vận động hành lang này là Sắc lệnh của Nhà Trắng vào ngày 8 tháng 3 năm 2022, về “Phát triển có trách nhiệm các tài sản kỹ thuật số”.
Sự gia tăng của tài sản kỹ thuật số tạo cơ hội để củng cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong hệ thống tài chính toàn cầu và ở biên giới công nghệ. Hoa Kỳ phải duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ trong không gian đang phát triển nhanh chóng này, hỗ trợ đổi mới đồng thời giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, hệ thống tài chính rộng lớn hơn và môi trường.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, Ron Wyden gần đây đã tuyên bố: “Chúng ta đang ở trong thời điểm mà những gì xảy ra với tiền điện tử gần giống với internet trong 30 năm trước đây".
Người ta tin rằng sự thống trị của Hoa Kỳ trong hai kỷ nguyên đầu tiên của Internet là Web 1.0 và Web 2.0 phần lớn là do những luật được Quốc hội thông qua vào những năm 1990 tương đối lỏng lẻo, đặc biệt là điều 230 trong đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act) năm 1996.
Về bản chất, điều 230 đã tạo ra một không gian quy định đặc biệt cho sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng Internet bằng cách miễn cho họ các trách nhiệm pháp lý liên quan đến các công ty xuất bản, đồng thời cho phép họ kiểm duyệt nội dung khi họ thấy phù hợp. Manny Rincon Cruz đã đề xuất 3 yếu tố của điều 230 dành cho DeFi/Web3:
– Không có trạng thái Virtual Asset Service Provider – Nhà cung cấp dịch vụ tiển ảo cho các nhà phát triển protocol phi tập trung. Code được bảo vệ dưới dạng tự do ngôn luận và các protocol phi tập trung không có trung gian cung cấp dịch vụ trao đổi, ký quỹ hoặc chuyển nhượng vì các giao dịch diễn ra trực tiếp giữa những người dùng DeFi.
– Loại trừ việc "khai thác" trong DeFi ra khỏi Đạo luật Lạm dụng và Lừa đảo Máy tính (CFAA). Khai thác diễn ra khi người dùng tương tác với một protocol. Khi mã dưới của nó dưới dạng văn bản, người dùng có thể kiếm lợi nhuận bằng cách tận dụng các cơ hội chênh lệch giá hoặc các điểm yếu của thiết kế. Miễn là người dùng không vi phạm các luật hình sự khác, những khai thác này sẽ giúp DeFi hiển thị mã lỗi.
– Không có yêu cầu điều lệ ngân hàng đối với các nhà phát hành stablecoin như Circle và Tether. Không giống như tiền gửi ngân hàng, người dùng có thể bán USDC hoặc USDT của họ ngay lập tức mà không cần đổi chúng. Vì những stablecoin này không thể tạo ra hiện tượng "Rút tiền hàng loạt (Bank Run)" nên chúng cũng không phải tuân theo các quy định dành riêng cho ngân hàng.
Tổng kết
Tóm lại, sự thống trị của đồng đô la Mỹ và sự bùng nổ của tiền điện tử không phải để thay thế cho nhau, mà là bổ sung cho nhau. DeFi cũng tương tự, sự xuất hiện của Defi là bổ sung thêm vào nền kinh tế, chứ không phải để thay thế cho hệ thống tài chính hiện tại.