Khi được hỏi Tether là gì, hay USDT là gì, thì rất nhiều anh em sẽ trả lời rằng Tether là USDT còn USDT là một Stablecoin. Đáng tiếc thay, câu trả lời như trên không thật sự chính xác. Điều đó khiến mình suy nghĩ, phải chăng có quá nhiều anh em khi mới tham gia vào thị trường tiền điện tử đã tiếp cận vấn đề một cách không chính xác dẫn đến hiện trạng như trên.
Chính điều đó đã khiến mình thực hiện bài viết ngày hôm nay với mục đích cung cấp những thông tin cơ bản, cần thiết và chi tiết nhất để lý giải một cách tường tận Tether (USDT) là gì.
USDT là gì?
USDT (hay Tether coin) là đồng tiền điện tử có giá trị được đảm bảo bằng USD theo tỷ lệ 1:1 do Tether Operation Limited phát hành vào năm 2014.
Tỷ lệ 1:1 có nghĩa là mỗi một USDT sẽ có giá trị tương ứng với 1 USD (đô la Mỹ), điều này giúp tăng tính thanh khoản và giảm thiểu tầm ảnh hưởng của sự biến động giá đến USDT trong thị trường Crypto.
Đồng USDT ban đầu được phát triển dựa trên công nghệ Blockchain của Bitcoin thông qua lớp giao thức Omni, đây là nền tảng giúp người dùng có thể chuyển đổi, lưu trữ, tạo ví và mua bán trao đổi USDT.
Hiện USDT là đồng Stablecoin phổ biến nhất trên thị trường Cryptocurrency với mức vốn hoá lên tới hơn 60 tỷ USD. Tuy đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường Stablecoin như USDC, BUSD, DAI,… nhưng đây vẫn là đồng stablecoin chiếm thị phần lớn nhất (lên tới hơn 60%), bỏ xa vị trí số 2 là USDC với chỉ khoảng 20%.
USDT được dùng để làm gì?
Tương tự như các đồng coin/token khác, USDT được dùng để lưu trữ, giao dịch và trao đổi thành các đồng coin khác trong thị trường.
Đặc biệt hơn nữa, Tether tạo ra đồng USDT nhằm mục đích khắc phục hạn chế trong vấn đề về thanh toán của các loại tiền tệ hiện nay (cả tiền điện tử và tiền pháp định), cụ thể:
- Tiền pháp định: Tất cả các thông tin của người dùng trong quá trình giao dịch đều phải công khai, đặc biệt là khi giao dịch giữa các quốc gia, tốc độ giao dịch sẽ bị chậm và phát sinh thêm nhiều loại phí như: phí chuyển đổi ngoại tệ, phí chênh lệch, phí gửi,…
- Tiền điện tử: Không có tính ổn định, giá có thể bị biến động với độ lớn tùy thuộc vào tình hình thị trường và giá Bitcoin, phí giao dịch cao.
USDT giúp giải quyết hoàn hảo các vấn đề đó bằng cách:
- Neo giá trị của mình với USD theo tỷ lệ 1:1 ⇒ Đảm bảo tính ổn định.
- Được phát triển dựa trên công nghệ Blockchain ⇒ Việc chuyển tiền tệ giữa các quốc gia trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo tính bảo mật người dùng.
Ngoài ra, nhờ vào đặc tính ổn định của mình mà trong thời kỳ khủng hoảng của thị trường, khi Bitcoin và các động Altcoin khác đều bị ảnh hưởng và biến động mạnh, thì USDT được xem là một hầm trú ẩn an toàn để đảm bảo cho tài sản của người dùng không bị tổn thất nhiều.
Tổng quan về Tether
Tether là gì?
Tether là nền tảng cho phép các loại tiền tệ pháp định (Fiat) được sử dụng trên Blockchain, thông qua việc phát hành các Tether coin/token có giá trị tương đương. Nền tảng Tether được thành lập và phát triển bởi công ty Tether Limited có trụ sở tại Hong Kong vào năm 2014.
Tether Token (ký hiệu: ₮) là loại tiền điện tử có giá trị được đảm bảo 100% bằng các loại tiền tệ Fiat (tiền pháp định) theo tỷ lệ 1:1 do công ty Tether Operation Limited phát hành. Một Tether Token (₮) có giá trị bằng 1 đơn vị tiền tệ đảm bảo cho nó.
Ở thời điểm hiện tại, Tether đã phát hành ba đồng token được bảo chứng 100% bằng ba loại tiền tệ Fiat khác nhau là USD, EURO và CNH (Offshore Chinese Yuan). Với mã token lần lượt là USD₮, ERU₮ và CNH₮.
Tether (USDT) hoạt động như thế nào?
Trong whitepaper, Tether mô tả hoạt động của hệ thống khá đơn giản như sau:
Bước 1: Người dùng gửi tiền Fiat (USD) vào tài khoản ngân hàng của Tether Limited.
Bước 2: Tether sẽ tạo và ghi có vào tài khoản của người dùng 1 lượng Tether token (USDT) bằng với số tiền mà người dùng đã gửi.
Bước 3: Người dùng có thể tự do thực hiện giao dịch các Tether token: trực tiếp mua bán, trao đổi trên các sàn giao dịch,…
Bước 4: Khi không còn nhu cầu sử dụng, người dùng có thể chuyển đổi Tether token thành tiền Fiat thông qua nền tảng Tether.
Bước 5: Tether sẽ tiêu huỷ số Tether token đó và gửi tiền Fiat cho người dùng.
Như đã đề cập ở đầu bài, Tether phát hành các token có giá trị được bảo chứng 100% bằng các loại tiền Fiat với tỉ lệ 1:1 mà điển hình là USDT.
Điều này làm xuất hiện một câu hỏi nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng lớn đó là: Ai là người kiểm toán lượng tiền trong quỹ dự trữ của Tether để chắc chắn rằng 1 Tether (₮) luôn bằng 1 đơn vị tiền tệ Fiat?
Câu trả lời sẽ được tìm thấy ở những phần sau!
Tại sao chúng ta cần USDT mà không phải USD?
USDT có gì khác so với USD? Một cách hiểu đơn giản, USDT là một phiên bản USD trên Blockchain.
DeFi phát triển kéo theo nhu cầu về Stablecoin, mà đồng USD do chính phủ Mỹ phát hành lại không thể lưu thông trên Blockchain => Do đó Tether đã giải quyết vấn đề này bằng cách đưa USD lên Blockchain.
Bằng cách tạo ra một phiên bản Blockchain của USD là USDT thì giờ đây người dùng có thể tiếp cận với Stablecoin một cách dễ dàng hơn trong môi trường phi tập trung của Crypto.
Phân loại USDT trên các Blockchain
Sau nhiều năm hình thành và phát triển kể từ ngày đồng USDT đầu tiên được phát hành đến nay. Tether đã phát hành các phiên bản USDT trên nhiều nền tảng khác nhau bao gồm Tron, Ethereum, EOS, Liquid, Solana, Alrogand,…. Trong đó, 2 nền tảng được chú ý nhiều nhất là Ethereum và Tron.
USDT trên Ethereum
Nhận thấy yếu điểm về tốc độ giao dịch và phí của Bitcoin Blockchain. Vào tháng 09/2017, Tether đã quyết định phát hành USDT trên nền tảng của Ethereum theo tiêu chuẩn ERC20.
Hiện tại, giá trị của USDT trên nền tảng của Ethereum đạt hơn 2 tỷ đô. Anh em có thể kiểm tra số lượng USDT-ERC20 tại Contract: 0xdac17f958d2ee523a2206206994597c13d831ec7
Đối với USDT-ERC20, anh em có thể lưu trữ trên các ví hỗ trợ tiêu chuẩn này như Coin98 Wallet, MyEtherwallet, Mycrypto, Metamask, Ledger Nano S, Trezor,…
USDT trên Tron
Sau khi phát hành USDT trên Ethereum, Tether đã phát hành thêm USDT theo tiêu chuẩn TRC-20 của Tron vào ngày 16/04/2019.
USDT trên nền tảng khác
Một số phiên bản USDT khác có thể kể đến như:
- USDT – Omni: Phiên bản USDT đầu tiên, được phát hành vào ngày 06/10/2014 trên lớp Layer Omni của Bitcoin Blockchain.
- USDT – EOS: Được phát hành vào ngày 31/05/2019 trên nền tảng EOS.
- USDT – Liquid: Được phát hành vào ngày 29/07/2019 trên nền tảng Liquid.
- USDT – Solana: Được phát hành vào ngày 09/12/2020 trên nền tảng Solana.
- USDT – Alrogand: Được phát hành vào ngày 10/02/2020 trên nền tảng Alrogand.
Cách phân biệt địa chỉ ví USDT trên từng Blockchain
USDT được triển khai trên rất nhiều Blockchain khác nhau, bên cạnh đó, nơi để kiểm tra giao dịch USDT sẽ khác nhau trên mỗi Blockchain khác nhau, do đó anh em cần phải biết cách phân biệt Address trên từng Chain để tránh việc thất lạc cũng như xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Khi thực hiện chuyển USDT từ sàn giao dịch đến các ví Non-Custodial, hoặc giữa các ví Non-custodial với nhau thì có một số điểm anh em cần lưu ý như sau:
- Địa chỉ gửi và nhận cần phải cùng Blockchain.
- Đặc biệt chú ý tới thao tác nạp rút trên các sàn giao dịch cần chú ý tới Blockchain đang dùng để gửi/nhận token.
- Khi thực hiện chuyển tiền cần chú ý kiểm tra lại địa chỉ nạp rút có chính xác không.
Dấu hiệu phân biệt địa chỉ ví của một số Blockchain hỗ trợ USDT phổ biến:
Lưu ý, các mạng lưới như Binance Smart Chain, Matic (Polygon), Heco, Fantom, Avalanche C-chain,… sử dụng máy ảo Ethereum nên sẽ có địa chỉ ví giống với ERC-20.
Do đó, nếu anh em gửi nhầm từ sàn giao dịch qua một trong các Blockchain này thì chỉ cần thêm mạng lưới tương ứng trong ví của mình và import Smart Contract của Token là Token sẽ hiện ở trên ví của anh em.
Những câu hỏi thường gặp về USDT
Ví USDT là gì?
Như mình có đề cập ở từng loại USDT bên trên, mỗi USDT trên mỗi Blockchain sẽ được lưu trữ trên địa chỉ ví của Blockchain đó.
Bên cạnh đó, ví USDT có thể được chia thành 3 loại sau:
- Ví nóng (hay Hot Wallet) là dạng ví lưu trữ USDT online, trong đó người dùng sẽ nắm giữ Private key để tự bảo mật tài sản của mình. Ví dụ: Trust Wallet, MetaMask,…
- Ví lạnh (hay Cold Wallet) là những ví vật lý có thể cầm được trên tay. Thông thường, ví lạnh phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn, ít khi phải giao dịch, vì mỗi lần giao dịch là khá tốn công. Nhưng đổi lại, độ an toàn của ví lạnh là cực cao. Ví dụ: Ledger, Trezor,…
- Ví sàn là ví được tạo ra trên các sàn giao dịch và người dùng không trực tiếp cầm Private key. Ví dụ: sàn Binance, Remitano,…
Mua USDT ở đâu tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, anh em có thể mua USDT trên Remitano, Aliniex, Vicuta…
Ngoài ra, anh em cũng có thể mua USDT bằng cách giao dịch OTC với những người thật sự uy tín!
Đào USDT như thế nào?
Tất cả các Tether Token, bao gồm cả USDT đều không thể đào được mà chỉ được phát hành bởi công ty Tether Operations Limited.
USDT có phải là một Altcoin không?
Tất cả các Tether Token, bao gồm cả USDT đều không phải là một loại Altcoin, mà chúng được gọi là Stablecoin.
Tốc độ chuyển USDT là bao lâu?
Tốc độ chuyển USDT sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố, gồm:
- Tốc độ của nền tảng Blockchain mà USDT đó đang sử dụng.
- Số xác nhận giao dịch được quy định bởi sàn giao dịch.
Vì thế, tốc độ chuyển USDT sẽ không có con số cố định.
Tranh cãi xoay quanh giá trị của USDT
Những hoài nghi về Tether (USDT)
Tranh cãi lớn nhất về Tether cũng như USDT đó là ở việc Stablecoin này không thực sự được backed bởi USD. Và nếu điều này là sự thật thì rất nguy hiểm cho thị trường Crypto, khi đó thị trường Crypto sẽ chịu tổn thất nặng nề khi không thực sự có giá trị nào backed đằng sau sự tăng giá.
Ngoài ra, Tether còn có rất nhiều các tranh cãi khác như:
- Có quan hệ mật thiết với Bitfinex: Nhiều chức vụ trong công ty Tether và Bitfinex được đảm nhiệm bởi một người ở vị trí tương đồng. Cộng thêm các vấn đề về việc không được kiểm toán, thì rất có thể có nhiều giao dịch nội bộ không minh bạch được thực hiện giữa 2 công ty.
- Tranh cãi về $850M: Do có quan hệ mật thiết với Tether, trong vụ việc Bitfinex bị tổn thất 850 triệu USD và cáo buộc công ty đã rút từ Tether Treasury để bù đắp lại số tiền này.
- Vấn đề bảo mật: Tether trong quá khứ đã trải qua những lần tấn công của Hacker đánh cắp lượng USDT khỏi quỹ dự trữ.
- Không có kiểm toán chính thức: Uỷ ban giao dịch hàng hoá tương lai (CFTC) – Tether đã thuê Friedman LPP để làm đơn vị kiểm toán. Tuy thông tin về lượng tài sản backed USDT đã được xác nhận nhưng đây không phải là một cuộc kiểm toán chính thức.
- …
Vậy trong Treasury Fund của Tether thực sự có gì?
Sau khi New York District Attorney’s office quyết định đình chỉ hoạt động Tether và yêu cầu một khoản nộp phạt là 18.5 triệu USD vì có những hoạt động trái pháp luật. Thì Tether đã đưa ra bản Reserve Breakdown của họ.
Bản Reserve Breakdown chỉ ra hiện tại có những gì backed sau USDT và các Tether token khác. Như anh em thấy, thì có:
- 75.85% Tether token được backed bởi tiền và các tài sản tương đương tiền cũng như các giấy tờ thương mại.
- Khoảng 24.15% còn lại là các khoản trái phiếu, khoản nợ có đảm bảo và các khoản đầu tư khác.
Đáng lưu ý ở đây là chỉ có 2.9% là tiền mặt ở trong Treasury của Tether.
Và còn một điểm cần lưu ý bản Reserve Breakdown được Tether đưa ra chỉ vỏn vẹn 1 trang giấy và không có đơn vị kiểm toán nào kiểm duyệt.
Các rủi ro bên trong đồng USDT
Nếu thông tin Tether đưa ra bên trên là đúng thì vẫn tồn tại khá nhiều rủi ro đối với lượng USDT được lưu hành ở ngoài kia.
Có khoảng 24.15% là các khoản trái phiếu, khoản nợ có đảm bảo. Giả sử các tài sản này được đảm bảo có chất lượng tín dụng cao (rủi ro thấp), thì vẫn còn tới hơn 75% trong Fund của Tether là các tài sản rất khó để đánh giá giá trị.
Trong khoảng 75.85% tài sản trên thì có tới 24.2% là Fiduciary Deposits và 65.39% là Commercial Paper (anh em có thể hiểu đơn giản là công ty nào nợ Tether thì giữ những giấy tờ này).
Chúng ta không biết các công ty này là ai? Điểm tín dụng như thế nào? Cũng như không biết liệu thực sự có tồn tại các công ty này không? Do đó vẫn còn rất nhiều rủi ro về Tether cũng như USDT.
Điều đó sẽ dẫn đến có nhiều FUD về USDT sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai, tuy nhiên rủi ro này hiện tại đã được giảm bớt khi hiện tại USDT không còn giữ vị trí độc tôn trên thị trường Crypto.
Ngoài ra, với việc bang New York trong nhiều năm đã điều tra về Tether nhưng không có bằng chứng nào về việc không có đủ tài sản để backed Tether Token và in khống, thì anh em hiện tại có thể tạm thời yên tâm về các vấn đề của Tether.
Sẽ ra sao nếu USDT sụp đổ?
Tether USD (USDT) sẽ sụp đổ khi giá trị tài sản Treasury nhỏ hơn tổng cung hiện tại. Đồng thời, phải có một hiện tượng rút tiền hàng loạt diễn ra (bank run).
Giả sử vào một ngày đẹp trời, khi đó tổng cung của USDT là 80 tỷ mà giá trị Treasury của Tether chỉ có khoảng 70 tỷ (và bị phát hiện). Khi đó, nếu hiện tượng rút tiền hàng loạt diễn ra (người dùng lấy USDT để đổi lấy USD về) thì sẽ chỉ có 70 tỷ USDT là có giá $1, và 10 tỷ USDT còn lại sẽ không có giá trị gì.
⇒ Lúc này, hiện tượng de-peg của USDT sẽ diễn ra.
Thị trường lúc này dù đang trong trạng thái Bull run hay Bear market cũng sẽ thấy khá hoảng loạn do hiệu ứng tiêu cực của sự kiện de-peg một đồng Stablecoin vốn hoá lớn nhất thị trường.
Điều đầu tiên chúng ta sẽ thấy đó chính là mọi người sẽ swap USDT qua các đồng Stablecoin khác như DAI, USDC ⇒ Đẩy giá của những đồng này lên cao.
Nếu trong Uptrend, thì có thể chúng ta sẽ thấy động thái swap USDT qua các loại tài sản khác vì upside potential ⇒ Điều này có thể sẽ không ảnh hưởng tiêu cực lắm đối với thị trường.
Còn trong Downtrend, thì khả năng cao mọi người sẽ có động thái hoảng loạn ⇒ Theo đó swap tài sản của mình qua USDT để có thể redeem nhanh nhất có thể để tài sản của mình không nằm trong số 10 tỷ USDT không còn giá trị kia.
⇒ Điều này sẽ dẫn tới các hiện tượng thị trường Flash crash, sụt giảm nhanh chóng, các Lending Protocol thanh lý tài sản làm tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Do đó khi rủi ro sụp đổ của USDT diễn ra thì sẽ là một kịch bản vô cùng xấu đối với thị trường Crypto.
Các số liệu cần biết về USDT
Có một số số liệu về USDT anh em cần theo dõi để nắm bắt được tình hình của thị trường hiện tại.
Tổng vốn hoá USDT
Do USDT chiếm phần lớn thị phần trong mảng Stablecoin (khoảng hơn 60%), nên theo dõi chỉ số vốn hoá USDT có thể đánh giá được một cách khá toàn diện động thái của thị trường thế nào.
Dựa theo dữ liệu lịch sử cho thấy, vốn hoá của USDT từ trước đến giờ vẫn theo xu hướng tăng dù trong những đợt điều chỉnh mạnh cũng như mùa đông Crypto trong giai đoạn 2018 – 2019, cho thấy thị trường từ trước đến giờ vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Có một điểm anh em cần chú ý đó là số liệu về vốn hoá của USDT trong 2 đợt điều chỉnh mạnh của BTC vào năm 2018 và 2020 là rất khác nhau:
Có thể thấy vốn hoá USDT tăng liên tục đến tháng 7/2018 (khoảng 6 – 7 tháng khi BTC đạt đỉnh), đã có đợt giảm mạnh (từ khoảng 3.5 tỷ USD xuống chỉ còn 2 tỷ USD) giai đoạn này giá cả BTC đi ngang nhưng vốn hoá USDT giảm mạnh. Cho thấy nhiều nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn đã rời khỏi thị trường.
Số liệu từ đợt điều chỉnh 2020 lại cho thấy rất khác.
Trong giai đoạn này dù BTC giảm rất mạnh do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, tuy nhiên trong đợt này, vốn hoá USDT lại đi ngang, cho thấy nhiều nhà đầu tư không rời khỏi thị trường, và đó là cơ sở để BTC có đợt tăng trưởng mạnh sau đó về lại đỉnh trước dịch.
Trở lại năm 2021, anh em có thể thấy dù BTC điều chỉnh rất mạnh nhưng vốn hoá USDT vẫn tiếp tục tăng. Điều này cho thấy có thể nhiều nhà đầu tư không rời khỏi thị trường, thậm chí còn có thêm những dòng tiền mới đang chờ đợi cơ hội.
Số lượng USDT trên các sàn giao dịch
Một chỉ số nữa về USDT anh em cần theo dõi đó là lượng USDT inflow (đi vào) và outflow (đi ra) cũng như lượng USDT trên các sàn giao dịch.
Các chỉ số này anh em có thể theo dõi được tại Crypto Quant hoặc Glassnode, thông thường anh em có thể theo dõi những chỉ số này và có những đánh giá như sau:
- Nếu lượng USDT trên các sàn giao dịch đang ở mức cao thì có thể đây là dấu hiệu có dòng tiền mới gia nhập thị trường, hoặc là các nhà đầu tư đã chốt lời và chờ đợi vùng giá tốt hơn để mua.
- Nếu lượng USDT trên các sàn giao dịch giảm mà giá đang có xu hướng tăng thì đây là dấu hiệu cho việc dòng tiền đẩy vào thị trường đang có dấu hiệu suy yếu. Và nếu giá có xu hướng đi ngang hoặc đi xuống thì có thể kết luận nhiều nhà đầu tư đang rời khỏi thị trường.
- Nếu lượng USDT inflow trên các sàn giao dịch tăng thì có thể có nhiều nhà đầu tư đang đổ vào thị trường Crypto, và ngược lại khi Outflow tăng thì có thể các nhà đầu tư đang chán nản và rời khỏi thị trường.
USDT trên các Blockchain khác nhau
Stablecoin là một mảnh ghép quan trọng trong các hệ sinh thái. USDT cũng là Stablecoin có vốn hoá lớn nhất, do đó việc theo dõi các chỉ số về USDT trên các Blockchain sẽ đánh giá được phần nào xu hướng của dòng tiền.
Tổng cung hiện tại của USDT là khoảng hơn 62 tỷ USD và được phân bổ trên các Blockchain như sau:
- Tron: 32 tỷ USD.
- Ethereum: 30 tỷ USD.
- Bitcoin: 1.34 tỷ USD.
- Solana: 190 triệu USD.
- EOS: 100 triệu USD.
- Algorand: 94 triệu USD.
- SLP: 6 triệu USD.
- Liquid: 37 triệu USD.
Việc USDT được hỗ trợ giao dịch trên một mạng lưới Blockchain cũng có thể là một tin tức để anh em có thể dự phóng hệ sinh thái đó sắp có sự tăng trưởng (do đã có cơ sở hạ tầng về Stablecoin khá vững chắc).
Hiện tại như anh em có thể thấy, USDT được issue trên Tron là cao nhất (do đây là mạng lưới chính được Tether sử dụng để phát hành Token của mình).
Ở vị trí thứ 2 đó là Ethereum, và tốc độ tăng trưởng USDT đang không ngừng tăng lên. Cùng với vị trí dẫn đầu và xu hướng chuyển dịch qua Layer 2 cũng như phí Gas trong thời gian gần đây của Ether là khá rẻ, thì rất có thể Ethereum cùng các nền tảng Layer 2 sẽ tiếp tục duy trì vị thế đứng đầu và Lead Trend sắp tới.
Các nền tảng khác như Solana, EOS, Alrogand,… thì các con số này là khá nhỏ không đáng kể. Hiện tại USDT trên Solana mới chỉ đạt 190 triệu USD.
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của rất nhiều nền tảng DeFi (các ứng dụng tài chính phi tập trung) thuộc mảnh ghép Stablecoin, hoặc với trường hợp như Binance Smart Chain phát triển BUSD là Stablecoin riêng, thì anh em cũng cần phải đánh giá thêm nhiều các yếu tố khác khi dự phóng sự tăng trưởng của hệ sinh thái dựa trên USDT.
Một số đối thủ của USDT hiện tại mình có thể kể đến như là USDC, BUSD, UST, DAI,…
Như vậy, như anh em có thể thấy hiện tại thị trường Stablecoin đã không như trước kia với một mình USDT ở vị trí độc tôn nữa, hiện nay đã có sự xuất hiện của rất nhiều đối thủ với tốc độ tăng trưởng vượt trội.
Và khi đầu tư vào một hệ cụ thể, anh em nên chú ý thêm một số chi tiết như: Stablecoin chính của hệ đó là gì, tốc độ tăng trưởng của chúng ra sao,… những chi tiết này có thể là chỉ báo rất tốt giúp anh em nhận ra dòng tiền đang dịch chuyển đi đâu.
Cụ thể việc tìm kiếm cơ hội đầu tư dựa trên các chỉ số về USDT trên Blockchain thì mình sẽ đề cập tại phần sau của bài viết.
Giá USDT trên thị trường Peer-to-Peer
Đây là yếu tố khá khó để quan sát, do anh em sẽ phải theo dõi giá cả trong thời gian dài để có thể đưa ra được nhận định chính xác, và không có nguồn nào mình thấy là chính xác hoàn toàn để theo dõi đối với chỉ số này.
Như mình hay theo dõi dữ liệu về các cặp tỷ giá USDT/VND, USDT/EUR, USDT/CNY, … trên Binance P2P hoặc Remitano.
Giá USDT trên thị trường P2P còn phản ánh được nhu cầu với thị trường Crypto. Nếu anh em chú ý thì giá USDT theo tỷ giá với VND cách đây khoảng 1 – 2 tháng đều được duy trì trên mức 24,000 VND/USDT, thậm chí có thời điểm giá còn lên tới trên 25,000 VND.
Tuy nhiên, hiện tại giá USDT mình theo dõi chỉ khoảng 23,700 VND, cho thấy có khá nhiều người đã rời khỏi thị trường trong cú điều chỉnh mạnh vừa rồi. Ngoài ra, anh em cũng cần phải theo dõi tỷ giá trên nhiều thị trường khác để có những đánh giá chính xác về dòng tiền.
Tìm kiếm cơ hội đầu tư với USDT
Stablecoin là một mảnh ghép rất quan trọng trong bất cứ hệ sinh thái nào. Do việc hiện nay USDT chiếm phần vốn hoá lớn trên thị trường Stablecoin, nên việc theo dõi các số liệu về USDT có thể đánh giá được phần nào sự dịch chuyển của dòng tiền.
Một số số liệu anh em có thể theo dõi để dự phóng dòng tiền đó là:
- Vốn hoá của USDT.
- Tốc độ tăng trưởng vốn hoá.
- Khối lượng giao dịch USDT trên hệ sinh thái.
Các thông tin này anh em có thể tìm thấy ở mục Data của The Block.
Về vốn hoá USDT cũng như số lượng USDT được issue trên một hệ sinh thái trong Crypto thì anh em nên chú ý và cập nhật hàng ngày. Với việc USDT có tốc độ tăng trưởng nhanh trên hệ sinh thái đó sẽ là một dấu hiệu cho việc hệ đó sắp tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Một Case Study anh em có thể thấy rất rõ đó là hệ sinh thái Solana (tuy Stablecoin chính trong hệ này là USDC).
Nếu anh em truy cập vào The Block để Tracking Data sẽ thấy lượng USDT đột ngột tăng mạnh vào ngày 16/03/2021.
Như anh em có thể thấy thì sau đó giá SOL đã có mức tăng vượt bậc sau khi lượng USDT trong hệ sinh thái tăng trưởng mạnh.
Đây là một chỉ báo khá hay để dự phóng được dòng tiền và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Anh em hoàn toàn có thể sử dụng cách này để đánh giá về dự phóng đối với các hệ sinh thái khác, tuy nhiên, cần chú ý xem hệ đó sử dụng Stablecoin chính là gì để có được đánh giá chính xác hơn.
Lời kết
Mình hy vọng bài viết có thể giúp anh em hiểu được Tether USDT là gì và cung cấp cho anh em những góc nhìn sâu hơn về USDT, những tranh cãi và các rủi ro tiềm ẩn cũng như các FUD có thể có về USDT trong tương lai.
Ngoài ra, qua bài viết mình còn giới thiệu đến với anh em một số cách để quan sát thị trường thông qua các chỉ số của USDT, cũng như cách sử dụng chúng để tìm kiếm các cơ hội đầu tư với USDT.
Anh em có suy nghĩ hoặc thắc mắc nào khác về đồng USDT này không? Liệu trong tương lai USDT có bị thay thế bởi đồng stablecoin khác? Hãy chia sẻ ý kiến ngay phía dưới để thảo luận cùng nhé!
Theo C98