Ethereum (ETH) – Mảng Smart Contract Platform
Tổng quan về smart contract platform
Smart contract là một đoạn mã chạy trên blockchain, các blockchain hỗ trợ smart contract được gọi là smart contract platform, cho phép tạo ra các giao thức tự động và không phụ thuộc vào bên thứ ba.
Ethereum là blockchain đầu tiên hỗ trợ smart contract và là smart contract platform phát triển nhất thời điểm hiện tại.
ETH key metrics
Tổng giá trị tài sản khóa (TVL)
Về giá trị thu hút được, trong Ethereum hiện đang có 23.8 tỷ USD giá trị tài sản được khóa, chiếm 57% tổng TVL của toàn bộ thị trường crypto. Với hơn 4.9 tỷ USD, tổng tài sản khóa của Ethereum gấp gần 5 lần BNB Chain – chain xếp thứ hai thị trường.
Doanh thu
Trong quá trình phát triển, Ethereum đã thực hiện nhiều cập nhật và có những cập nhật quan trọng ảnh hưởng đến mô hình doanh thu của mạng lưới. Có thể chia mô hình doanh thu của Ethereum làm 3 giai đoạn chính bao gồm:
1. (2015 – 5/8/2021) – Giai đoạn khởi đầu với cơ chế đồng thuận Proof of Work: Ở giai đoạn này, phần phí tạo ra từ lạm phát mạng lưới Ethereum cộng với phần phí người dùng trả để thực hiện giao dịch đều được chuyển về thợ đào. Bản thân Ethereum không thu được phí.
2. (5/8/2021 – Hiện tại) – Cập nhật EIP-1559: Với cập nhật EIP-1559, một phần phí ETH được trả cho mạng lưới sẽ bị đốt. Mô hình này giống với những mô hình dùng doanh thu để mua lại cổ phần hiện nay. Sau cập nhật EIP-1559, có thể nói Ethereum đang tạo ra doanh thu, mặc dù phần lạm phát token từ mạng lưới vẫn nhiều hơn phần token được mua lại.
Tính từ thời điểm triển khai cập nhật EIP-1559, Ethereum đã tạo ra hơn 8.7 tỷ USD doanh thu, vượt xa các smart contracts platform đứng sau.
3. (15/9/2022 – Hiện tại) – The Merge với việc chuyển đổi sang cơ chế đồng thuận Proof of Stake: Sau The Merge, lạm phát token của Ethereum giảm xuống gần 90%. Điều này đồng nghĩa để hoạt động có lãi, lượng token mà mạng lưới cần đốt sẽ ít hơn.
Với cập nhật EIP-1559 và tác động của The Merge, hiện tại Ethereum đã chính thức trở thành một loại tài sản giảm phát. Con số này rất ấn tượng nếu so sánh với tỷ lệ lạm phát 1.72%/năm của Bitcoin, 3.5% của Ethereum với cơ chế Proof of Work và tỷ lệ % cao hơn ở các chain khác.
Nếu xem các smart contract là các công ty đang hoạt động, thì Ethereum là công ty duy nhất hoạt động có lãi ở thời điểm hiện tại. Chưa kể là nếu thị trường khởi sắc hơn trong tương lai với nhiều hoạt động on-chain hơn và lượng token bị đốt nhiều hơn, thì nguồn cung ETH trong thị trường sẽ ngày càng khan hiếm.
Bất kỳ mô hình kinh doanh nào nếu muốn duy trì sự bền vững thì phải có lãi, nên việc các dự án hoạt động nhờ việc trả thưởng bằng lạm phát token sẽ gây tác động tiêu cực về lâu dài. Điều ngược lại cũng đúng với Ethereum, có thể trong ngắn hạn việc nguồn cung suy giảm không tác động nhiều tới thị trường, nhưng trong dài hạn chắc chắn quy luật cung cầu sẽ tác động tới Ethereum và các tài sản liên quan.
Các cập nhật đáng chú ý khác
Bên cạnh những cập nhật về mô hình doanh thu của Ethereum, chúng ta không thể bỏ qua những giải pháp mở rộng đang được triển khai trên mạng lưới, nổi bật trong số đó là các giải pháp layer 2 Rollups.
Ở hiện tại, về hiệu ứng mạng lưới, các dự án sử dụng giải pháp Rollup đang thu hút nhiều giá trị nhất và về tầm nhìn phát triển của Ethereum, các giải pháp Rollup cũng được nhiều người ủng hộ nhất.
Thiết kế nền tảng của Ethereum yêu cầu các layer 2 phải trả một khoản phí khi đăng một tập hợp giao dịch lên Ethereum (batch). Hiện lượng ETH bị đốt từ các giao dịch này chỉ rơi vào khoảng 4%, cho thấy layer 2 có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Tổng kết
Ethereum hiện là smart contract platform duy nhất hoạt động có lãi. Sự khác biệt này sẽ ngày càng được cảm nhận rõ khi thị trường sôi động trở lại cộng với sự phát triển của các giải pháp layer 2.
Lido (LDO) – Liquid Staking
Tổng quan Liquid Staking
Liquid Staking được dùng để mô tả các giao thức cho phép tạo ra các tài sản tổng hợp (synthetic assets) từ các tài sản được stake. Điều này giúp người dùng vừa nhận yield từ tài sản stake, vừa giúp tối ưu hiệu quả sử dụng vốn của các synthetic asset được tạo ra.
Ví dụ: Lido Finance cho phép người dùng stake ETH và nhận lại stETH. Ngoài việc nhận được phần thưởng staking từ số ETH đã stake, người dùng còn có thể sử dụng stETH vào những hoạt động trong các protocol khác trên các EVM chain, ví dụ như cho vay trên Aave, tham gia liquidity mining hoặc cung cấp thanh khoản trên các AMM.
Ra mắt vào tháng 12/2020, Lido Finance là dự án tiên phong cho khái niệm liquid staking. Khái niệm này đã được ủng hộ rộng rãi và được nhiều tên tuổi hàng đầu trong ngành như Binance, Coinbase… hỗ trợ. Lido Finance hiện đang giữ thị phần lớn nhất trong mảng liquid staking.
LDO key metrics
Tổng giá trị tài sản gửi
Số lượng tài sản được stake trên Lido bỏ xa các đối thủ đứng sau. Xét tất cả dịch vụ hỗ trợ staking, giá trị tài sản được gửi vào Lido hiện đạt hơn 5.3 tỷ USD.
Hầu hết thị phần của mảng liquid staking thuộc về ETH của Ethereum. Với vị thế là smart contract platform đứng đầu Ethereum ảnh hưởng sâu sắc tới các nhánh liên quan đằng sau.
Khối lượng giao dịch
Một yếu tố khác để so sánh các dự án liquid staking là mức độ ứng dụng rộng rãi của chúng trên thị trường. Có thể theo dõi yếu tố này bằng cách so sánh khối lượng giao dịch của tài sản tổng hợp từ dự án liquid staking, vì một dự án khi tích hợp tài sản sẽ ra mắt các tính năng liên quan và người dùng cũng sẽ phải swap tài sản tương ứng.
Ví dụ: Khi dự án Curve tạo ra pool ETH/stETH, người dùng sẽ cần có giao dịch swap sang stETH; còn dự án AAVE tạo pool cho vay stETH, người dùng cũng cần swap tài sản stETH nếu muốn cho vay.
Hiện khối lượng giao dịch của stETH cũng đang đứng đầu so với những dự án hỗ trợ phát hành tài sản tổng hợp.
Các cập nhật đáng chú ý
Một vấn đề nổi bật hiện tại của Lido là tính tập trung, hiện Lido đang nắm giữ 30% lượng ETH stake trong mạng lưới Ethereum, nhưng lượng tài sản đó chỉ đang được chia đều cho 29 bên cung cấp dịch vụ. Nếu lượng ETH mà Lido đang nắm giữ tiếp tục tăng và quyền quản trị tập trung quá nhiều vào dự án, khả năng sẽ xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực đến mạng lưới.
Lido nhận ra điều này nên trong roadmap của dự án, họ đã nhấn mạnh vào việc tăng tính phi tập trung. Theo đó, việc quản trị sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn và tình trạng tấn công tập trung cũng sẽ khó xảy ra hơn.
Ngoài Ethereum, Lido cũng phân bổ nguồn lực cho các chain khác. Hiện tại dự án đã hỗ trợ 5 chain, bao gồm Ethereum, Solana, Polygon, Polkadot và Kusama.
Tổng kết
Mảng liquid staking là một nhánh tiềm năng giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người dùng. Lido hiện là dự án đứng đầu mảng liquid staking với thị phần lớn và hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ.
Binance (BNB) – Mảng CEX
Tổng quan về CEX
CEX (Centralized Exchange) là sàn giao dịch tập trung do một bên thứ ba quản lý, có thể là công ty hoặc tổ chức chủ sàn. Mọi tài sản tiền điện tử của người dùng khi nạp vào tài khoản trên sàn CEX đều do công ty hay tổ chức đó quản lý và kiểm soát.
Dù crypto hướng tới sự phi tập trung khi người dùng không cần đặt niềm tin vào bên thứ ba, tuy nhiên thực tế ở hiện tại, CEX vẫn là cánh cổng chính đưa người dùng đến không gian này.
So với các đối thủ hiện nay, Binance được xem là sàn CEX đứng đầu với những chỉ số nổi bật. Binance cung cấp cho người dùng một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, cộng với hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ, sàn đã trở thành điểm đến lý tưởng cho người dùng crypto.
BNB key metrics
Khối lượng giao dịch
Khối lượng giao dịch của Binance có xu hướng tăng dần từ đầu năm 2022. Sau sự sụp đổ của FTX, thị phần của Binance càng tăng lên đáng kể. Khối lượng giao dịch trong tháng 11 của sàn chiếm hơn 68% tổng khối lượng giao dịch toàn bộ thị trường. Nếu bỏ đi khối lượng giao dịch của FTX, Binance sẽ chiếm 85% tổng khối lượng giao dịch của toàn bộ thị trường.
Số liệu về người dùng và doanh thu chưa được phía Binance cập nhật, nhưng từ quy mô khối lượng giao dịch chúng ta có thể ước lượng được mức phí và số lượng người dùng của Binance so với các sàn đứng sau.
Các cập nhật đáng chú ý khác
Dù các CEX nắm giữ phần lớn thị phần nhưng sự tăng trưởng của DEX sẽ khiến vị thế của các CEX trong tương lai gặp rủi ro. Điều này yêu cầu các CEX có hành động cụ thể để giữ đà tăng trưởng. Có thời điểm khối lượng giao dịch spot trên sàn DEX đã chiếm tới 1/4 thị phần của sàn CEX.
Sau khoảng thời gian đẩy mạnh việc tiếp cận người dùng mới, Binance đã chuyển dịch hoạt động sang hướng “phòng thủ”. Có thể kể tới một số động thái nổi bật gần đây như:
- Giảm dòng tiền cho các hoạt động quảng cáo.
- Giảm phí giao dịch của một số cặp tài sản quan trọng (BTC, ETH, BUSD…) về 0% và giảm một phần phí giao dịch của các loại tài sản khác để giữ chân người dùng.
- Tạo ra các sự kiện với giải thưởng hấp dẫn để thu hút thêm các hoạt động trên sàn (World cup token, Fan token…).
- Từ chối các khoản đầu tư mạo hiểm (với FTX khi sàn “cầu cứu” hay Genesis…) nhưng vẫn tích cực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái thông qua gói cứu trợ thị trường trị giá 1 tỷ USD vừa ra mắt.
Tổng kết
Binance hiện chỉ cần bảo đảm tốt tài sản của người dùng là có thể tăng đáng kể vị thế của mình trong mảng CEX. Tuy nhiên sàn cũng không thể chỉ đứng yên, nhất là trong bối cảnh niềm tin của người dùng với crypto nói chung và các sàn CEX nói riêng đang giảm dần. Một phần trong số những người dùng mất niềm tin đó đã và đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm DeFi khiến tài sản gửi trên Binance giảm dần.
Uniswap (UNI) – Mảng AMM
Tổng quan về AMM
AMM (Automated Market Maker) là cơ chế hoạt động cho phép người dùng giao dịch tài sản thông qua các pool thanh khoản. Khác với mô hình order-book thường thấy trên các sàn giao dịch, nơi cần cả người bán và người mua đưa ra mức giá mong muốn (bid-ask), mô hình AMM cho phép nguời dùng giao dịch tài sản bằng cách swap trực tiếp tài sản của mình với tài sản trong pool.
Nguyên nhân thành công của AMM đến từ việc chúng rất phù hợp với thị trường có tính thanh khoản thấp như crypto. Người dùng có thể giao dịch tài sản ở bất cứ giá nào trong bất kỳ thời gian nào, điều này giúp đảm bảo tính thanh khoản xuyên suốt khi giao dịch. Các dự án sử dụng cơ chế AMM là đại diện chính cho các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và họ được xem là lớp thanh khoản để các nhánh khác của crypto có thể phát triển phía trên.
Nổi bật nhất trong số các dự án AMM là Uniswap, “con kỳ lân” thay đổi cuộc chơi crypto. Thực chất Uniswap không phải dự án AMM đầu tiên được ra mắt, Bancor mới là AMM đầu tiên xuất hiện vào năm 2017. Tuy nhiên với thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận và tính năng phân bổ lợi ích đồng đều giữa các bên tham gia, Uniswap đã vươn lên trở thành sàn giao dịch AMM hàng đầu crypto.
UNI key metrics
Khối lượng giao dịch
Từ khi ra mắt đến nay, Uniswap luôn giữ vững vị thế đứng đầu về khối lượng giao dịch. So với các sàn DEX hàng đầu khác, hiện Uniswap đang chiếm khoảng 60% khối lượng giao dịch.
Tổng giá trị tài sản khóa (TVL)
Tổng giá trị tài sản khóa của Uniswap thuộc nhóm các dự án đứng đầu với hơn 3.5 tỷ USD. Tuy giá trị tài sản khóa của Uniswap không có sự cách biệt quá lớn so với các dự án top khác, nhưng với khối lượng giao dịch vượt trội được trình bày ở trên của Uniswap, có thể thấy dự án vẫn là điểm đến để giao dịch tài sản được ưa thích nhất.
Doanh thu
Lượng phí Uniswap tạo ra cũng lớn nhất trong số các DEX. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, phần phí hiện tại của Uniswap đều được phân phối lại cho nhà cung cấp thanh khoản (LP) thay vì phân phối một phần cho token holders như các dự án khác. Điều này có nghĩa là doanh thu hiện tại của Uniswap bằng 0.
Tuy Uniswap hiện chưa có doanh thu nhưng mô hình phí hiện tại cộng với hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ đã giúp dự án duy trì thanh khoản ở mức cao. Điều này kích hoạt flyweel: Thanh khoản cao → Độ trượt giá thấp thu hút người dùng giao dịch → Tạo ra nhiều doanh thu cho LP → Khuyến khích cung cấp thanh khoản → Thanh khoản cao → …
Với vị thế hiện tại của Uniswap, câu hỏi đặt ra cho dự án là: Trong tương lai liệu Uniswap có bật “fee switch”, hay nói cách khác là thu một phần phí được tạo ra từ việc giao dịchi hay không? Và điều này sẽ tác động thế nào tới dự án và giá UNI token?
Các cập nhật đáng chú ý khác
Hiện tại Uniswap đang hỗ trợ 5 chain khác nhau và khả năng cao sẽ hỗ trợ thêm nhiều chain khác trong tương lai. Với đợt gọi vốn 165 triệu USD ở định giá 1.66 tỷ USD mới đây, Uniswap có kế hoạch phát triển thêm nhiều sản phẩm khác. Một số thông tin được dự án tiết lộ bao gồm việc ra mắt NFT Aggergator và ví.
Cộng đồng quản trị cũng đã thông qua đề xuất thành lập Uniswap Foundation và cam kết dành 60 triệu USD để hỗ trợ các dự án phát triển xung quanh Uniswap trong các năm tiếp theo. Với số tiền đó cộng với lợi thế hiệu ứng mạng lưới mạnh, khả năng cao chúng ta sẽ thấy hệ sinh thái Uniswap càng được mở rộng hơn nữa.
Tổng kết
Trong tương lai, Uniswap sẽ không còn là một AMM thông thường nữa mà sẽ trở thành một hệ sinh thái với nhiều sản phẩm. Hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ hiện tại và nguồn lực dồi dào sẽ giúp dự án có nhiều lợi thế trong quá trình phát triển tiếp theo.
Chainlink (LINK) – Mảng oracle
Tổng quan về oracle
Oracle là giải pháp giúp các dự án web3 tiếp cận nguồn dữ liệu từ bên ngoài, cũng như giúp các nguồn dữ liệu bên ngoài tiếp cận với dữ liệu của blockchain. Blockchain không có oracle cũng giống như máy tính không có internet, tuy vẫn có thể hoạt động nhưng chỉ khi kết hợp được hai yếu tố này chúng mới có thể phát huy tối đa tiềm năng.
Chainlink là dự án oracle đứng đầu thị trường, được phát triển từ tháng 9/2017 và ra mainnet trong tháng 5/2019. Việc dự án ra đời trong thời điểm những khái niệm về DeFi vẫn còn xa lạ cho thấy tầm nhìn của team Chainlink: đó là hướng tới mục tiêu phát huy tối đa khả năng của smart contract. Mô hình hoạt động của Chainlink cũng là tiêu chuẩn cho nhiều dự án oracle về sau.
LINK key metrics
Một số thành tựu nổi bật của Chainlink:
- Hơn 20,000 tỷ USD trị giá tài sản được Chainlink oracle đảm bảo. Từ đầu năm nay đến ngày 1/10, trị giá tài sản được Chainlink oracle đảm bảo đạt 6,180 tỷ USD
- 90 nhà cung cấp dữ liệu
- Gần 1,500 dự án sử dụng giải pháp của Chainlink
- Hơn 4.2 tỷ điểm dữ liệu đượci Chainlink gửi lên on-chain
Nếu chỉ xét lượng tài sản on-chain, Chainlink hiện đang đảm bảo hơn 9.3 tỷ USD trị giá tài sản. Con số này bằng 1/4 tổng giá trị tài sản khóa của DeFi hiện tại. Số lượng dự án sử dụng giải pháp của Chainlink và số lượng nhà cung cấp dữ liệu cho Chainlink cũng chiếm nhiều nhất trên thị trường.
Các cập nhật đáng chú ý
Chainlink đã cho ra mắt whitepaper về Chainlink 2.0, theo đó roadmap sắp tới sẽ chú trọng vào việc tiếp tục phát triển các sản phẩm đột phá và hoàn thiện nền kinh tế với Chainlink staking.
Các sản phẩm được phát triển trong thời gian tới bao gồm:
- Cross-Chain Interoperability Protocol (CCIP)
- Anti-Fraud System
- Chainlink Proof Of Reserve
- DECO
Việc Chainlink Staking ra mắt trong thời gian tới là một trong những nước đi của Chainlink để thực hiện roadmap 2.0 . Theo đó, Chainlink Staking sẽ tạo thêm một lớp bảo mật cho nền kinh tế điện tử của Chainlink và tạo thêm lợi ích cho những thành phần khác tham gia vào hệ sinh thái.
Tổng kết
Hiện Chainlink đang dẫn đầu thị trường oracle. Với nhiều sản phẩm đột phá đang được xây dựng, khả năng cao Chainlink sẽ tiếp tục là một trong những đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của crypto trong tương lai.
Opensea – Mảng NFT marketplace
Tổng quan về NFT marketplace
Mọi loại tài sản đều cần thị trường để giao dịch và NFT cũng vậy và NFT marketplace là thị trường giao dịch dành cho NFT. Tương tự việc đánh giá DeFi của một hệ sinh thái qua các thông số của DEX (TVL, Volume…), nhìn vào những thông số cơ bản của các NFT marketplace cũng sẽ giúp chúng ta đánh giá tổng quan tình hình của NFT trên một hệ sinh thái.
OpenSea là một trong những NFT marketplace ra đời đầu tiên. Với hướng phát triển tập trung vào thị hiếu của đa số người dùng, OpenSea đã trở thành nơi giao dịch NFT thu hút nhiều giá trị nhất thị trường crypto.
Opensea key metrics
Khối lượng giao dịch
Về khối lượng giao dịch, OpenSea từng vượt khá xa các đối thủ đứng sau. Tuy nhiên khoảng cách này đang dần bị X2Y2 rút ngắn lại.
Như đã trình bày trong bài phân tích về NFT marketplace, yếu tố phí giao dịch đang dần được chú trọng trong việc giao dịch NFT. Mức phí 2.5% của OpenSea khiến sàn kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ.
Cụ thể với trường hợp của X2Y2, sàn giao dịch không những có công cụ giúp tận dụng thanh khoản từ OpenSea mà còn tính phí giao dịch chỉ ở mức 0.5%, ngoài ra X2Y2 cũng đang có chương trình liquidity mining.
Doanh thu
Tuy giữa các NFT marketplace dần có sự rút ngắn về khối lượng giao dịch, nhưng với việc các sàn khác phải giảm phí để cạnh tranh, OpenSea vẫn có thị phần doanh thu cao hơn nhiều so với các sàn giao dịch còn lại.
Người dùng
Xét 3 tháng trở lại đây, có thể thấy lượng người dùng của Magic Eden khá tương đồng so với lượng người dùng của OpenSea. Trong khi đó, X2Y2 tuy có volume giao dịch ngang ngửa OpenSea nhưng lại có lượng người dùng ít hơn nhiều. Từ đây có thể rút ra những ý sau:
- Phí gas đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người dùng giao dịch NFT.
- OpenSea vẫn là NFT marketplace có nhiều người dùng thực sự và tạo được doanh thu thuần tốt.
Tổng kết
Open Sea hiện vẫn là sàn giao dịch có lượng người dùng thực sự và doanh thu thuần cao nhất so với các NFT marketplace khác. Phí giao dịch cao khiến OpenSea dần đánh mất thị phần và sàn cần đưa ra những giải pháp thiết thực nếu vẫn muốn duy trì vị thế của mình trong tương lai.
Lời kết
Trên đây là phần so sánh những dự án đang chiếm tỷ trọng lớn của các nhánh trong thị trường crypto. Tất nhiên ngoài các thông số kể trên, các dự án sẽ triển khai nhiều cách khác để cố gắng chiếm thị phần của các dự án hàng đầu. Nhưng hiện tại, những dự án đứng đầu có lợi thế lớn từ hiệu ứng mạng lưới và có tỷ lệ sống sót cao trong một thị trường biến động như crypto.
Theo C98