Tin nóng ⇢

Blockchain Developer là gì? Huyết mạch của một Blockchain

Tại sao nói Blockchain Developer là huyết mạch của Blockchain? Đâu là các yếu tố để thu hút các Developer? Chiến lược đầu tư như thế nào?

Một điều mà chúng ta thường thấy khi tham gia vào cuộc tranh luận blockchain nào tốt nhất, đỉnh nhất đó là việc so sánh các con số như số giao dịch trên giây, chi phí giao dịch,… Sau đó sẽ bàn về hệ sinh thái, dòng tiền trong DeFi lớn như thế nào, các mảnh ghép đã hoàn thiện chưa, hoạt động mua bán NFT có sôi nổi không,… Tuy nhiên, chúng ta lại bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là Blockchain Developer, các nhà lập trình, xây dựng dự án Blockchain. 

Điều này dễ hiểu bởi phần lớn chúng ta tham gia vào thị trường Crypto lại không phải là developer (dev) mà là user, nhưng việc một Layer-1 blockchain thu hút được dev sẽ quyết định sự sống còn của chính nó. Đó cũng là một phần lý do mà Ethereum dù phí gas cao và tốc độ chậm nhưng lại vẫn giữ vị thế độc tôn trong thị trường crypto, và tại sao các Layer-1 mới nổi lại không đạt đến tiềm năng mà nhiều người mong đợi.

Vậy trong bài viết này, mình sẽ cố gắng đưa ra các yếu tố để thu hút và giữ chân các Blockchain Developer, từ đó anh em có thể dự phóng được tiềm năng của các blockchain một cách chính xác hơn. 

Tổng quan thì có ba yếu tố: 

  • Sự đơn giản và quen thuộc khi lập trình (quan trọng nhất là ngôn ngữ lập trình)
  • Hỗ trợ về tài chính.
  • Cộng đồng mạnh để hỗ trợ bootstrap dự án.

Tổng quan về cộng đồng Blockchain Developer Web 3.0

Một mục tiêu của blockchain mà chúng ta thường nghe thấy là Mass Adoption, đó là khi blockchain được sử dụng rộng rãi bởi người dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tập trung vào Developer Adoption, do số lượng Web 3.0 dev hiện nay còn rất ít so với Web 2.0 dev. 

Vào năm 2018, số lượng Web 3.0 developers là 105,000 (chi tiết tại đây), dù đã tăng rất nhanh trong vòng 2 năm trở lại đây nhưng khi so với tổng 18 triệu Web 2.0 dev trên toàn thế giới thì con số này còn rất bé. 

Số lượng dev mới gia nhập theo tháng, với đỉnh là 2,550 dev mỗi tháng vào cuối năm 2017

Sự phát triển và phổ cập của công nghệ blockchain cũng được thể hiện ở nhu cầu tuyển dụng Blockchain Developer:

  • Blockchain nằm ở đầu danh sách khi nói đến 10 kỹ năng cứng hàng đầu vào năm 2020 dựatrên Báo cáo của Blockchain Academy. Cũng theo báo cáo này, công việc tiềm năng nhất năm 2020 là Blockchain Developer, tăng gấp 33 lần.
  • Nhu cầu toàn cầu đối với các nhà phát triển blockchain tăng lên 300% – 500% hàng năm trên Glassdoor.
Số lượng kỹ năng blockchain tăng mạnh trên nền tảng việc freelance, Upwork
  • Các công ty lớn nhất đang tuyển dụng là IBM, Microsoft, Visa, CoinBase, Circle, và ConsenSys.
  • Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu khi nói đến số lượng công việc liên quan đến blockchain, tiếp theo là Vương quốc Anh, Pháp và Đức.
Bản đồ phân bổ số công việc blockchain, chủ yếu tập trung ở Mỹ và các nước châu Âu

Các yếu tố thu hút Blockchain Developer

Là một người dùng, chúng ta có thể chuyển giữa các dự án rất là nhanh và với chi phí thấp. Đó có thể là do một dự án khác có APR farming tốt hơn, UI/UX tốt hơn, … Tuy nhiên, với một Blockchain Developer, họ sẽ dành rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực tài chính cho chỉ một dự án, do đó việc lựa chọn một blockchain Layer-1 để xây sản phẩm của mình là tối quan trọng. 

Môi trường lập trình thân thiện

Hiện nay, một vài blockchain thế hệ 3.0 đã chạy trên WebAssembly (Wasm). Wasm có các lợi thế sau so với EVM:

  • Wasm hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình hơn so với EVM. Wasm hỗ trợ các ngôn ngữ lập trình quen thuộc như Rust, C++, Typescript, Haxe,… còn EVM hỗ trợ ít ngôn ngữ hơn, bao gồm Solidity, Vyber,… ⇒ Dev 2.0 sẽ có thể nhanh chóng viết Smart Contract và không phải học các ngôn ngữ mới.
  • Wasm là chuẩn cho các trình duyệt web và được phát triển bởi các công ty lớn như Mozilla, Chrome, …  Các công cụ (tooling) hỗ trợ dev nhiều hơn so với EVM và Wasm vẫn được tiếp tục phát triển bởi lượng dev đông đảo (cả Web 2.0 và 3.0) cũng như doanh nghiệp.
  • Wasm có hiệu suất cao, còn EVM không hỗ trợ được các dãy số nhị phân nhỏ hơn 256-bit.

Mặt khác, có những blockchain mới vẫn chọn tương thích Ethereum Virtual Machine (EVM-compatible) như Binance Smart Chain, Fantom, Avalanche,… 

Điều này giúp các dự án tận dụng số lượng Blockchain Developer đang quen thuộc với Solidity (ngôn ngữ lập trình trên Ethereum) và có thể chuyển dự án của mình sang các blockchain mới này mà không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các dự án bị giới hạn bởi EVM và khó có các đổi mới.

Ngoài ra, một vài blockchain mới có ngôn ngữ lập trình smart contract riêng, ví dụ như Cardano có Plutus. Tuy nhiên, do hiệu ứng mạng lưới và độ nổi tiếng của Cardano (chủ yếu là nhờ founders rất có tiếng trong cộng đồng crypto) nên dev vẫn tích cực xây dựng trên nền tảng này. Ngoài ra lợi thế của ngôn ngữ này là độ bảo mật cao, giảm thiểu rủi ro.

Điều này có thể không đúng với các blockchain mới, ít có tiếng hơn nhưng lại có ngôn ngữ lập trình mới, do nó sẽ tạo ra rào cản rất lớn cho Blockchain Developer kể cả khi nó có công nghệ tốt hơn như chi phí thấp, tốc độ giao dịch cao,… (như Kadena có ngôn ngữ Pact).

⇒ Trong trường hợp này chúng ta nên quan sát cách dự án thu hút được blockchain developer thông qua hai cách dưới đây.

Hỗ trợ về tài chính

Tương tự như Web 2.0, để có thể lên ý tưởng, lập đội ngũ, xây dựng dự án và marketing thì cần nguồn lực tài chính lớn. Điều này có thể có từ việc đi gọi vốn từ các quỹ lớn như Coinbase Ventures, a16z, Pantera,…

Tuy nhiên, với các dự án nhỏ lẻ hơn, nguồn vốn sẽ đến từ các hackathons và bản thân tổ chức quản lý blockchain đó, ví dụ Solana Foundation, Algorand Foundation,… 

Thông thường, với một blockchain ở giai đoạn đầu thì họ sẽ mở hackathon nhỏ để dần dần thu hút các dev trước (khoảng vài trăm nghìn đô). Điều này sẽ giúp họ xây dựng các mảnh ghép đầu tiên như AMM, Stablecoin,… 

Chúng ta sẽ thấy các hackathon này trên gitcoin, một nền tảng để tài trợ cho những developer đang tìm kiếm công việc mã nguồn mở. Trái với các hackathon tự tổ chức, chúng ta có thể thấy được rõ các dự án đang được xây dựng trên hackathon là gì, có bao nhiêu người tham gia,… từ đó nắm bắt được hiệu quả cũng như chiến lược tương lai của dự án. 

Case Study: Casper Network là một blockchain Layer-1 tương thích Wasm mới được mainnet vào tháng 3/2021 và Hackathon đầu tiên của họ là trên Gitcoin vừa kết thúc vào 11/10. Chúng ta có thể thấy các prizes chủ yếu là cho DeFi và NFT, cho thấy họ đã sẵn sàng xây dựng một hệ sinh thái. Kết thúc hackathon thì có tổng cộng 1300 dev tham gia, gấp nhiều lần so với mục tiêu 500 của Casper. 

The Friendly Hackathons của Casper trên Gitcoin

Còn với một blockchain đã hoàn thiện đầy đủ về cơ sở hạ tầng, có mảnh ghép DeFi layer 2 làm trung tâm thanh khoản,… thì họ sẽ mở các hackathon lớn hơn với giải thưởng lớn lên đến hàng triệu đô. Các giám khảo, speakers,… cũng sẽ nổi tiếng và có kinh nghiệm hơn để có thể đem lại giá trị nhiều nhất cho Blockchain Developer cũng như tạo tiếng tăm cho dự án thắng cuộc.

Hackathon Ignition của Solana với giải thưởng tới 5 triệu đô

Về các quỹ hỗ trợ, bản thân tổ chức đứng sau blockchain sẽ thành lập một quỹ riêng để tài trợ cho các dự án muốn xây dựng trên nền tảng của mình. Hoặc như trong thời gian vừa qua, các hệ sinh thái rất tích cực triển khai Incentive Program, ví dụ như Fantom, Agorand với quỹ DeFi Fund,… để khuyến khích blockchain developer xây dựng dự án của mình ở trên hệ sinh thái đó, với các kết quả rất tích cực.

Để hiểu hơn về incentive programs và kết quả chúng đem lại, anh em có thể tham khảo video sau: 

Cộng đồng mạnh để hỗ trợ Blockchain Developer

Không thể phủ nhận rằng dù một blockchain có hỗ trợ dev về mặt ngôn ngữ lập trình, tutorials,… thì dự án Web 3.0 vẫn còn rất mới với đại đa số dev (đặc biệt là dev từ Web 2.0 muốn thử sang Web 3.0). 

Ngoài ra cũng có nhiều khía cạnh mới liên quan đến Web 3.0 như tokenomics, tech stack,… Do đó một cộng đồng Blockchain Developer mạnh sẽ giúp dev mới trả lời các câu hỏi về lập trình, hay giúp kết nối các dev có cùng ý tưởng và thành lập team cùng nhau. 

Ngoài ra, để có thể xây dựng một dự án thành công thì founder sẽ cần có một đội ngũ gồm các thành viên thuộc các mảng như UI/UX, marketing, community building,… Một cộng đồng tốt cũng sẽ rất là có ích với dự án trong việc kết nối nhân sự hay thậm chí là thực hiện những công việc này cho họ. 

Cuối cùng, các tổ chức đứng sau blockchain cũng cần chuẩn bị chu đáo các khóa học, webinars để có thể giúp dev làm quen nhanh chóng với cách lập trình Web 3.0 cũng như các buổi talkshow, sự kiện networking,… để tích cực xây dựng cộng đồng và thu hút dev. 

Chương trình Learn Near thưởng token NEAR cho người học

Case Study về tầm quan trọng của Blockchain Developer 

Near Protocol

NEAR Protocol là một blockchain hoạt động theo cơ chế Proof of Stake và Sharded (phân đoạn). Trong thời gian vừa qua, Near tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng (như Aurora, Rainbow Bridge,…) rồi mới bắt đầu xây dựng các dự án về DeFi, NFT, GameFi,…

Qua phân tích dưới đây, chúng ta có thể thấy rõ Near rất tập trung vào developer experience (trải nghiệm của developer) với những con số rất tích cực:

Số lượng hợp đồng thông minh mới mỗi tuần
Tổng số lượng hợp đồng thông minh theo thời gian

1. Môi trường lập trình thân thiện

Smart Contract của Near được xây dựng trên WebAssembly, điều này sẽ đem lại sự quen thuộc cho các nhà lập trình Web 2.0. Near cũng cung cấp các công cụ sau cho dev:

  • JavaScript SDK (Software Development Kit).
  • Rust SDK: Ngôn ngữ lập trình có độ bảo mật cao hơn, thường được dùng cho các dự án tài chính.
  • Command Line Interface: Bộ công cụ dòng lệnh đầy đủ cho dev.
  • AssemblyScript Contract SDK.
  • Gitpod cho Near: Near sử dụng Gitpod để tạo trải nghiệm tích hợp nhanh, không mất thời gian cho các dev.

Đây không chỉ là điểm nổi bật duy nhất của Near, bởi Near còn có các giải pháp mở rộng Layer-2 như Aurora và Octopus Network.

Aurora là một Layer-2 tương thích với EVM giúp mở rộng Ethereum, từ đó cho phép các dự án trên Ethereum chuyển lên Aurora để tận dụng chi phí rẻ và tốc độ giao dịch nhanh của Near mà không tốn quá nhiều chi phí hay thời gian để cập nhật code (sau khi Sharding phí trên Aurora sẽ còn rẻ hơn Arbitrum). 

Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các developer Web3.0 đã quen thuộc với các ngôn ngữ lập trình của Ethereum như Solidity hay Vyper.

Cơ chế hoạt động của Aurora trên Near

Octopus Network là một mạng lưới chạy application-specific blockchains hay appchains (các blockchain riêng biệt được tạo ra với mục đích riêng biệt thay vì các blockchain thường, đa năng như Solana, Ethereum,…).

Các appchain này được viết bởi Substrate (framework để xây dựng parachain trên Polkadot), và trong tương lai Octopus Network cũng sẽ hỗ trợ Cosmos SDK (dùng để xây dựng blockchain kết nối IBC trong hệ sinh thái Cosmos).

Cơ chế hoạt động của Octopus Network trên Near

⇒ Có thể thấy, Near hỗ trợ tất cả các ngôn ngữ lập trình smart contract và appchain phổ biến hiện tại, bao gồm Rust, AssemblyScript, Solidity, Vyper, và Substrate. Hiện nay khó có blockchain Layer-1 nào khác có sự linh hoạt được như Near về khía cạnh này.

2. Tiềm lực tài chính mạnh

Near đã trải qua 3 vòng gọi vốn từ các quỹ đầu tư lớn như a16z, Coinbase Ventures,… Near hiện đang dùng số tiền này rất tốt trong việc cung cấp funding cho các dự án và tổ chức hackathons.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Near Grant Program (chương trình cấp vốn của Near) đã trao tổng cộng 1 triệu đô la Mỹ cho các dự án tiềm năng mà muốn xây trên Near. Một số dự án được cấp vốn bởi Near Foundation gần đây có thể được kể đến như Emiswap, Panther, Trisolaris,…

Sau khi đã hoàn thành cơ bản cơ sở vật chất, Near bắt đầu mở hackathon lớn có tên là MetaBUIDL với tổng giá trị giải thưởng là 1 triệu đô. Near cũng mời rất nhiều diễn giả, ban giám khảo từ các công ty công nghệ lớn, dự án crypto tiềm năng,… từ đó thu hút rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng crypto nói chung và Blockchain Developer nói riêng. 

Kết thúc hackathon, có 7 dự án đạt giải, với dự án đạt giải đặc biệt Roke.to sẽ chính thức chạy vào 14 tháng 10. 

Hackathon Metabuidl của Near kéo dài từ 27/8 tới 19/9 với 7 dự án đạt giải

Một hackathon khác mà Near hiện cũng đang tham dự là Swiss Blockchain Hackathon cùng với các blockchain khác như Streamr, Casper, Algorand,…

Near cũng đã công bố Incentive Programs trị giá 800 triệu đô, với 350 triệu đô cùng với Proximity. Kèm với đó là thông báo các dự án có tên tuổi sẽ được xây dựng lên Near và Aurora như Dodo, KyberDMM, Curve,… 

⇒ Điều này cho thấy Near đã chính thức bắt đầu xây dựng hệ sinh thái của riêng mình với mục tiêu là mass adoption.

3. Cộng đồng đa dạng

Một trong những điểm độc đáo nhất của Near là Guilds. Đây là các cộng đồng với mục tiêu, sở thích khác nhau như Legal Guild (làm về luật), Art Guild (về nghệ thuật, NFT), Flying Rhinos Guild (làm về content và giúp các dự án marketing), … với tổng số lượng đã lên tới hơn 100, với 7 guilds mới được thành lập trong tháng qua. Các guild này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ dự án về các mảng như luật, marketing, dev support,…

Đáng chú ý nhất trong thời gian vừa rồi là sự xuất hiện của Sankore 2.0. S2 sẽ giúp các blockchain developer sử dụng Near Protocol để xây dựng, phát triển Web 3.0 và phổ cập kiến thức về lĩnh vực mới này ở châu Phi. Hiện tại S2 đã kết nối được với Bithub.Africa, hứa hẹn sẽ xây dựng cộng đồng Blockchain Developer lớn mạnh ở châu lục đầy tiềm năng này.

Moonbeam vs Astar Network

Với việc Polkadot đã chính thức mở auction parachains, mình sẽ phân tích hai smart contract platforms là Moonbeam và Astar về các khía cạnh Blockchain Developer và đưa ra một vài nhận xét cá nhân. 

1. Môi trường lập trình

Moonbeam là một EVM-compatible parachain trên Polkadot. Do đó Moonbeam sử dụng ngôn ngữ lập trình tương tự như Ethereum như Solidity, Vyper,… Ngoài ra Moonbeam cũng tích hợp các công cụ quen thuộc như ví Metamask, Remix, Waffle,…

Moonbeam 

Astar Network đặt mục tiêu là một dApp Hub Layer của Polkadot, do đó nó hỗ trợ cả Ethereum Virtual Machine và WebAssembly, điều này sẽ giúp Astar thu hút được dự án ở các blockchain khác cũng như dev từ Web 2.0 chuyển sang. Astar cũng sẽ hỗ trợ các giải pháp scaling Layer-2 như ZK Rollups và Optimistic, dự kiến vào Q1 2022.

Astar Network

⇒ Có thể thấy rằng Astar Network dù hỗ trợ EVM nhưng không chuyên sâu như Moonbeam, do đó mình nhận định rằng các dự án đã được xây trên Ethereum sẽ dịch chuyển sang Moonbeam là chính, còn Astar Network đa năng hơn nên sẽ phù hợp cho các dự án mới mà dev muốn tận dụng WebAssembly vì sự quen thuộc và linh hoạt hơn của nó. Điều này cũng lý giải tại sao số dự án hợp tác với Moonbeam lại nhiều hơn Astar.

2. Hỗ trợ tài chính

Cả hai platform đều cung cấp grant cho các dự án cũng như nhiều hình thức hỗ trợ khác.

Moonbeam cung cấp funding dưới hình thức token Glimmer (GLMR) và các công cụ dev cho các dự án về cơ sở hạ tầng và dự án nằm trong hệ sinh thái thuộc mảng DeFi, NFT,… Ngoài ra, Moonbeam cũng hỗ trợ về networking (kết nối với các dự án khác, nhà đầu tư,…) và end-to-end support (hỗ trợ từ đầu đến cuối, bao gồm việc xây dựng dự án, marketing,…)

Shiden Network trên Kusama đã thông báo dành ra 6% tổng số token (tương ứng với gần 30 triệu đô) để thu hút dự án xây dựng trên hệ sinh thái của họ, bao gồm các hoạt động như funding trực tiếp, tổ chức hackathons, các sự kiện cho dev,… Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi một quỹ tương tự như vậy cho hệ sinh thái của Astar một khi Astar thắng parachain slot.

Ngoài ra Microsoft Japan cũng chính thức bắt tay với Stake Technologies (tổ chức xây dựng Astar/Shiden) trong việc mở rộng hệ sinh thái thông qua các hoạt động marketing và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng.

Một điểm độc đáo của Astar là dApp staking. Những blockchain developer xây dựng dự án trên Astar/Shiden sẽ nhận được token thưởng dựa trên hoạt động trên chuỗi và số lượng token được stake ở dự án đó, điều này sẽ thu hút dev xây dựng dự án ở trên Astar/Shiden. Họ cũng đã thiết kế một flywheel để đảm bảo các bên tham gia hệ sinh thái được hưởng lợi và tránh bị lạm phát giá token.

Hiệu ứng mạng lưới của Astar

Flywheel: 10% token được released mỗi năm ⇒ 50% trong số này được chuyển cho dev và dApp stakers ⇒ Càng có nhiều dự án thì số lượng token được stake càng nhiều ⇒ Giảm nguồn cung lưu hành và tăng giá token ⇒ Phần thưởng cho dev tăng và khuyến khích họ xây dựng dự án ⇒ Vòng lặp tiếp tục.

⇒ Do đó hiện tại mình đánh giá Astar đang mạnh hơn về mặt thu hút dev qua funding và cơ chế dApp staking, tuy nhiên hiệu quả thật sự thì chúng ta vẫn cần phải đánh giá sau khi Astar và Moonbeam đã chạy. 

3. Cộng đồng

Hiện tại sự hỗ trợ Blockchain Developer chủ yếu đến từ chính hai foundation là Moonbeam và Astar thông qua các chương trình như Builders Programs, Substrate Builders Program,… nhưng họ chưa xây dựng các tổ chức độc lập khác như cách Near đã làm. 

Tuy nhiên, điều này có thể là vì cả hai dự án đều chưa chính thức chạy nên họ đang tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng dự án và tech, sau khi đã lên Polkadot thì chúng ta sẽ thấy các động thái xây dựng cộng đồng rõ hơn từ phía Moonbeam và Astar.

Chiến thuật đầu tư

Hiểu được những kiến thức này, chúng ta có thể biết blockchain đang ở giai đoạn nào, họ đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng trước hay đã bắt đầu thu hút Blockchain Developer và xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, từ đó chúng ta sẽ có điểm vào hợp lý và giảm thiểu rủi ro nhất có thể.

Chiến thuật này sẽ áp dụng chủ yếu với các smart contract platform, không phải với dApp hoặc application-specifc blockchain.

Mình lấy ví dụ là Solana

Vào cuối năm 2020 Solana đã hoàn thành cơ bản về mặt cơ sở hạ tầng, có được những công nghệ đột phá với tốc độ giao dịch cao và chi phí rẻ nhất thị trường. Họ cũng tích hợp các dự án về cơ sở hạ tầng như Chainlink, Arweave, Akash,… Tuy nhiên về mặt hệ sinh thái thì chúng ta lại chưa thấy có gì nhiều, các mảnh ghép về DeFi như AMM, Lending,… gần như chưa có.

Hệ sinh thái của Solana cuối năm 2020/đầu 2021

⇒ Chúng ta không biết được rằng Solana dù với công nghệ cao như vậy, nó có thể thu hút các blockchain developer xây dựng dự án không, có hệ sinh thái chất lượng không, do đó vào thời điểm này chúng ta nên quan sát thêm.

Tuy nhiên, đầu năm 2021 Solana bắt đầu tích cực mở hackathon và xây dựng cộng đồng. Solana đã tổ chức 2 hackathon, thu hút hàng trăm dự án và hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới góp sức để xây dựng hệ sinh thái. Các dự án thắng cuộc đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái như Saber, Sunny, Mango,…

Từ đó, chúng ta sẽ có thể nhận định được ý định của Solana trong việc xây dựng hệ sinh thái của mình và có chiến thuật đầu tư phù hợp.

Anh em có thể kết hợp với phân tích dòng tiền vĩ mô và vi mô để có được bức tranh tổng quan nhất (ví dụ nhiều dự án nhưng dòng tiền có đổ về không, hay dòng tiền đổ về mảng nào) qua video sau:

Vậy so sánh với Near, chúng ta cũng có thể thấy Near đang ở giai đoạn tương tự như Solana vào năm 2020.

Near đã hoàn thành cơ sở hạ tầng như Aurora (mainnet 12/5), Rainbow Bridge, Flux (Oracle),… và bắt đầu xây dựng hệ sinh thái riêng cho mình (thông qua mở hackathon, tích cực hỗ trợ grant cho các dự án và incentive programs trị giá 800 triệu đô).

⇒ Mình tin rằng đây là một hệ sinh thái anh em nên để mắt tới trong Q4/2021 và 2022.

Tổng kết

Một dự án blockchain có thành công được không một phần là nhờ công nghệ tốt hơn, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hút dev xây dựng dự án trên nó, do đó chúng ta cần phải theo dõi kỹ các động thái của tổ chức cũng như hoạt động cho Blockchain Developer để đưa ra quyết định đầu tư chính xác nhất.

Nguồn: coin98.net

Có thể bạn quan tâm

Mục lục