Soulbound Token (SBT) là loại token không thể chuyển nhượng, có thể được xác minh công khai, và được liên kết với một địa chỉ ví “Soul”
NFT được biết tới là một trong những ứng dụng thiết thực nhất của crypto. Cũng chính vì vậy, người ta đã phát triển nhiều phiên bản nữa để tối ưu các công dụng NFT, có thể kể đến Fractionalized NFT, Semi-Fungible Tokens… Một trong những phiên bản nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng trong thời gian gần đây là Soulbound Token.
Cùng tìm hiểu về Soulbound Token và cách hoạt động của chúng trong bài viết hôm nay.
Kiến thức trọng tâm:
- Soulbound Token (SBT) là một loại token không thể chuyển nhượng, có thể được xác minh công khai, và được liên kết với một địa chỉ ví “Soul”.
- SBT có thể cải thiện các hạn chế của Web3 như Sybil attack, uncollateralized lending…
- SBT vẫn đang trong quá trình phát triển, dự kiến cuối năm 2022 sẽ ra mắt.
Soulbound Token là gì?
Soulbound Token (SBT) là loại token không thể chuyển nhượng, có thể được xác minh công khai, và được liên kết với một địa chỉ ví “Soul”. SBT hoạt động như một loại CV cho người dùng Web3 , có thể thể hiện tư cách thành viên, thành tích đạt được, và các thông tin liên kết của cá nhân đó.
SBT giống như một loại Non-fungible Token (NFT), mỗi token là độc nhất và các thông tin liên quan về NFT đó sẽ luôn được lưu giữ trên blockchain. Nhưng khác với NFT, Soulbound token sẽ không thể được gửi qua lại, mua bán, mà gắn chặt với chiếc ví chứa nó, được gọi là “Soul”.
SBT được lên ý tưởng bởi 3 người bao gồm:
- Glen Weyl: Founder của RadicalxChange, đồng thời là nhà kinh tế học và nhà nghiên cứu tại Microsoft Research New England.
- Puja Ohlhaver: Cố vấn chiến lược của Flashbots.
- Vitalik Buterin: Founder của Ethereum.
Soulbound Token được Vitalik giới thiệu là lấy cảm hứng từ trò chơi World of Warcraft nổi tiếng, trong trò chơi này người chơi khi hoàn thành các nhiệm vụ sẽ được nhận thưởng là các item được gọi là “soulbound”, các item này cũng không thể giao dịch hay trao đổi giữa các người chơi.
⇒ Tóm lại:
- Soulbound Token là loại token chứa các thông tin thực tế của một cá nhân dưới dưới dạng NFT và được lưu trữ vĩnh viễn trong ví blockchain của người dùng.
- SBT hoạt động như một loại Web3 CV, ghi lại thông tin và giúp tăng danh tiếng người dùng.
Không chỉ vậy token này cũng có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp khác. Trước tiên, cùng tìm hiểu về cách hoạt động của token này.
Cách hoạt động của Soulbound Token (SBT)
Các chức năng và cách hoạt động của Soulbound Token khá tương đồng với NFT, ngoại trừ khả năng giao dịch. Cũng chính vì vậy, Vitalik Buterin xếp loại token này là một dạng NFT. Các SBT cũng là các token độc nhất, không thể chia nhỏ, không thể hoán đổi, và cũng có thể mang nhiều thông tin thuộc tính.
Như đã nói ở trên, SBT đơn giản là token hóa tất cả thông tin làm nên một con người hoặc thực thể như đặc điểm, tính năng, thành tích… SBT được lên ý tưởng để được sử dụng cho các mục đích xây dựng xã hội phi tập trung (DeSoc). Trong đó, SBT được phát hành và lưu trữ trong các ví gọi là soul. Soul ngoài là ví chứa SBT còn được sử dụng để xác định nguồn gốc xuất xứ, tính xác thực của SBT.
Các địa chỉ Soul còn được gọi là SBT creator, tức là chỉ những địa chỉ soul này mới có thể issue và chứng thực SBT cho địa chỉ ví khác. Ví Soul A sau khi xác thực thông tin có thể issue SBT cho ví Soul B, sau khi SBT được liên kết với ví Soul B, nó sẽ gắn bó với địa chỉ ví đó suốt thời gian tồn tại.
Tất cả các thông tin về SBT, ví issue, địa chỉ Soul đều được lưu trữ công khai trên blockchain, do đó bất kì ai cũng có thể tìm kiếm thông tin về vòng đời của 1 Soulbound Token. Ngoài ra, một người có thể sở hữu nhiều Soul một lúc.
Tại sao Soulbound Token lại cần thiết?
Web3 và hệ sinh thái xoay quanh Web3 đang phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn. Web3 có rất nhiều điểm sáng tạo có thể mang lại sự thành công, tuy nhiên cũng còn tồn tại rất nhiều hạn chế.
Một trong những hạn chế lớn nhất là việc thiếu hụt các yếu tố để xây dựng niềm tin giữa các người dùng, điều này là do Web3 là một thế giới đề cao bảo mật và cho phép người dùng ẩn danh hoàn toàn khi tương tác với các protocol.
Gần đây, bộ sưu tập nổi tiếng Azuki NFT đã chạm mức giá All-time-low sau những tai tiếng về việc founder của họ đã từng từ bỏ nhiều dự án trước đó. Sự kiện trên đã làm ảnh hưởng danh tiếng của BST Azuki và gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng.
Hay như với trường hợp chiếm quyền quản lý của Solend, khi dự án này đưa ra các proposal quan trọng và cần sự tham gia voting của người dùng, đã có 1 ví cả voi sở hữu rất nhiều token SLND tham gia vote. Riêng ví này đã chiếm tới 90% tổng tỉ lệ SLND tham gia và đương nhiên gần như hoàn toàn quyết định kết quả cuộc bỏ phiếu.
Ngoài ra, còn một số hạn chế khác như:
- Các Web3 protocol hiện tại vẫn còn phải phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng centralized của Web2. Ví dụ như việc các DAO phụ thuộc vào Discord để thực hiện các hoạt động của DAO, chống lại việc bị tấn công Sybil.
- Các bộ sưu tập NFT thường phải cần đến Twitter hoặc OpenSea để chứng minh nguồn gốc.
- Có rất ít lending platform có thể cho vay các khoản vay không có tài sản bảo đảm, vì đơn giản không có hệ thống tín điểm tín dụng, người dùng cũng hoàn toàn ẩn danh.
Soulbound token được sáng tạo để đóng góp vào nỗ lực hiện thực hoá xã hội phi tập trung (Decentralized Society) và phần nào giải quyết những vấn đề trên.
Tính không thể chuyển nhượng và đặc trưng cho cá nhân của SBT giúp token này đóng vai trò như một phương tiện cho phép các protocol hoạt động dựa trên sự tin tưởng và đồng thời vẫn duy trì quyền riêng tư.
Hiểu một cách đơn giản, NFT phục vụ cho việc chứng minh tài sản của một người sở hữu, còn SBT sẽ phục vụ cho việc chứng minh danh tính và xác nhận độ uy tín của người đó. Tưởng tượng rằng, với SBT, bạn có thể xem lại toàn bộ lịch sử kinh doanh của một người trước khi cho người đó vay; cũng có thể xem kinh nghiệm việc làm trước khi thuê người đó…
Nếu cách hoạt động này thực sự được áp dụng với SBT, đây sẽ là cách nhìn hoàn toàn mới về danh tính người dùng trong mảng Web3.
Ứng dụng thực tế của Soulbound token
Với những đặc điểm trên, Soulbound token có thể được ứng dụng vào đâu?
NFT
Các bộ sưu tập NFT hiện tại khá phụ thuộc vào các hệ thống centralized để vận hành hay chứng minh xuất xứ NFT đó. Các nghệ sĩ NFT có thể link Soulbound token vào các bộ sưu tập NFT của họ, giúp người dùng dễ dàng tìm thấy nguồn gốc xuất xứ, tránh các trường hợp bị lừa đảo bởi các hình thức giả mạo artist.
SBT cũng có thể giúp các nghệ sĩ NFT tạo dựng danh tiếng trong cộng đồng.
DAO
Việc sử dụng SBT có thể giúp các DAO phòng chống Sybil attacks. Sybil attack hiểu đơn giản là hình thức tấn công bảo mật khi ai đó cố chiếm quyền kiểm soát mạng bằng cách tạo nhiều tài khoản, node, nhân dạng giả hoặc máy tính.
Với crypto, đa phần các proposals của DAO được biểu quyết bởi token quản trị, đồng nghĩa với việc nếu có một người nắm giữ phần lớn số lượng token, người đó có thể giành quyền điều khiển cả protocol.
Các vấn đề này có thể giải quyết bằng cách sử dụng SBT để đại diện quyền biểu quyết trong DAO. SBT không thể mua bán hay chuyển nhượng, điều này làm cho các whale không thể tích luỹ đủ token để tạo nên Sybil attack.
Hơn nữa, quyền biểu quyết cũng có thể được trao cho các ví soul nắm giữ các SBT đạt các tiêu chuẩn yêu cầu, giả sử như có giấy phép, chứng nhận giáo dục, chứng thực từ các ví soul khác…
Ví dụ thực tiễn nhất là của Optimism, dự án này đã công bố hình thức quản trị bằng cách thành lập Citizen House, với các thành viên tham gia là những người sở hữu Citizen NFT, một loại Soulbound NFT. Vitalik Buterin cũng đã thể hiện sự ủng hộ của mình với mô hình quản trị mới của Optimism.
DeFi Lending
Vay tín chấp không dùng tài sản bảo đảm là hình thức vay được sử dụng nhiều và đã được các ngân hàng hỗ trợ từ lâu trong thị trường tài chính truyền thống. Tuy nhiên, các nền tảng DeFi Lending, kể cả những cái tên lớn nhất như Aave, Compound đến nay cũng chưa thể cung cấp dịch vụ vay này do tập trung vào môi trường phi tập trung.
Với SBT, các DeFi protocol có thể cung cấp cho người dùng các khoản vay không tài sản đảm bảo nhờ việc tận dụng soul để xác định background tài chính và đánh giá điểm social credit.
Digital CV
Các SBT cũng có thể là minh chứng cho những chứng chỉ, kĩ năng mà người dùng đã đạt được. Ví dụ, một trung tâm có thể cấp chứng nhận tốt nghiệp cho những người tham gia và hoàn thành khoá học bằng các SBT. Nếu trung tâm này cấp chứng chỉ dưới dạng NFT, học viên có thể bán chúng trên sàn giao dịch NFT nhưng với Soulbound token thì không thể.
Tương tự với các công việc khác trong Web3, SBT có thể là chứng nhận cho những đóng góp của một cá nhân cho một DAO nào đó, hay minh chứng của việc tham gia một cộng đồng nào đó. Tất nhiên, các thông tin này đều được public và có thể xác minh trên blockchain.
Souldrops
Soulbound token mang đến một hình thức tiếp phân bổ token quản trị mới cho các dự án. Thông thường, các dự án sẽ phân bổ token của mình qua các đợt token sale hoặc airdrop, tuy nhiên các hình thức này có thể dẫn đến việc phân bổ không tới những người đóng góp thực sự cho dự án hoặc gây ra Sybil attack.
Với SBT, Vitalik gợi ý các dự án có thể cải thiện chất lượng airdrop bằng cách airdrop token quản trị cho các ví soul có SBT thể hiện rõ điểm uy tín, sự tham gia tích cực của người dùng vào các hoạt động của protocol trong quá khứ.
Làm gì khi đánh mất ví soul?
Với các công dụng quan trọng nêu trên, việc đánh mất ví soul lưu trữ các thông tin quan trọng của bản thân sẽ là rất phiền phức, vậy phải làm thế nào khi ví soul bị hack hay người dùng quên private key của ví?
Đây cũng là một điểm khác biệt lớn so với các NFT. Khi người dùng đánh mất ví sở hữu các NFT, tất nhiên sẽ không có cách nào để lấy lại được. Với ví soul thì khác, Vitalik đã đề xuất “social recovery model” – mô hình giúp người dùng khôi phục ví.
Với mô hình này, người dùng có thể chỉ định một nhóm người hoặc tổ chức làm “guardian”, những guardian này có khả năng truy cập và thay đổi private key của ví. Tuy nhiên, giả sử bạn không còn chơi với nhóm bạn đó nữa, hay những người bạn đó đổi ví, điều gì sẽ xảy ra?
Chính vì vậy, phương pháp social recovery với SBT chọn các guardian theo các thuộc tính của SBT đó trong thời gian thực. Ví dụ: những người cùng tham gia DAO, cùng tham gia sự kiện offline…
Khi nào Soulbound token chính thức ra mắt?
Theo Vitalik, Soulbound token (SBT) có thể được chính thức cho ra mắt cộng đồng vào cuối năm nay, đây là bước đầu tiên trong tham vọng tạo ra xã hội phi tập trung (DeSoc) vào năm 2024 của nhà sáng lập Ethereum.
Điều này có nghĩa các chức năng và công dụng của Soulbound token mới nằm trên lý thuyết và vẫn có thể thay đổi trong tương lai, những công dụng mà token này mang lại sẽ cần thời gian để kiểm chứng.
Tổng kết
Soulbound token là ý tưởng sáng tạo được đưa ra bởi 3 người rất có đầu óc trong thị trường crypto, trong đó có Vitalik Buterin. Tuy nhiên ý tưởng này mới nằm trên giấy bút, chưa có gì có thể chứng minh nó sẽ thành công. SBT cũng có thể đem lại cho người dùng những hạn chế như tiết lộ quá nhiều thông tin mật/nhạy cảm, có thể không hoạt động như ý muốn do còn quá mới…
Cùng chờ đón các ứng dụng thực tế của Soulbound token được các dự án như Optimism đưa vào sử dụng để xem liệu đây có phải là tương lai của quản trị phi tập trung hay không.
Nguồn: coin98.net