Trong khi lạm phát là một bài toán khó mà chính phủ các quốc gia vẫn đang phải đối mặt và giải từng phương trình, thì sự ra đời của Bitcoin (BTC) được ca ngợi như một hàng rào chống lại các tác động xấu của lạm phát.
Bài viết ngày hôm nay sẽ đem đến cho anh em góc nhìn về lạm phát và giá trị của Bitcoin với vai trò là một tài sản giúp phòng tránh khỏi lạm phát, hoặc bất kỳ những bất ổn nào của hệ thống tiền tệ quốc gia. Đồng thời mình cũng sẽ đánh giá về tiềm năng của Bitcoin như một tài sản phòng ngừa rủi ro lạm phát (Inflation Hedge).
Lạm phát là gì?
Lạm phát là hiện tượng xảy ra khi mức giá chung của các loại hàng hoá và dịch vụ gia tăng, hay chúng ta còn gọi là hiện tượng tiền mất giá. Theo đó sức mua của một đơn vị tiền tệ sẽ bị giảm xuống.
Một ví dụ đơn giản: Hiện tại giá của một bát phở bình thường nằm trong khoảng 30,000 VNĐ – 40,000 VNĐ, nhưng khoảng 10 năm trước chỉ có giá 20,000 VNĐ. Sau 10 năm, lạm phát xảy ra và 20,000 chỉ mua được 2/3 hoặc một nửa bát phở.
Cách nhận biết lạm phát
Lạm phát là sự kiện xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, và chúng ta chỉ thực sự cảm nhận được tác động rõ rệt của lạm phát trong một khoảng thời gian dài hoặc khi nền kinh tế xảy ra những biến cố.
Một số cách để anh em có thể nhận biết lạm phát như sau:
Theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô:
- CPI (chỉ số giá tiêu dùng): Đây là chỉ số thường được sử dụng để tính toán lạm phát, nếu chỉ số này tăng có nghĩa là lạm phát có sự tăng trưởng và ngược lại.
- Cung tiền: Cung tiền tăng cũng có thể dẫn đến lạm phát tuy nhiên khi theo dõi chỉ số này anh em cũng cần chú ý so sánh tới tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng trưởng GDP. Nếu cung tiền tăng nhanh hơn GDP thì có thể là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát.
- Lãi suất: Lãi suất tăng cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy sự lạm phát, do lạm phát là một thành phần cấu thành nên lãi suất.
- …
Một số nguồn để theo dõi các chỉ số trên:
- Tại Việt Nam: Finance Vietstock
- Tại Mỹ: US Bureau of Labor Statistics
- Toàn cầu: Worldbank, OECD Statistics, Statista,…
Tuy nhiên các chỉ số trên đều là những chỉ số mang độ trễ cao, do vấn đề về thống kê cũng như thông tin phải thu thập là quá lớn. Do đó, chúng ta có thể theo dõi lạm phát dựa trên những quan sát trong đời sống thường ngày:
- Giá cả hàng hoá: Anh em có thể theo dõi dựa trên việc tiêu dùng hàng ngày hoặc theo dõi giá cả các mặt hàng cơ bản tại các sở giao dịch hàng hoá quốc tế như CME.
- Sự khan hiếm: Điển hình trong mùa dịch Covid-19 xảy ra, khi anh em đi chợ có thể thấy rằng hàng hoá được tiêu thụ rất nhanh và đôi khi không đủ để cung ứng.
Nguyên nhân dẫn đến lạm phát
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát nhưng mình sẽ tập trung vào nguyên nhân chính là do tiền tệ. Cụ thể, tình trạng này thường xảy ra khi một quốc gia có tốc độ “in tiền” nhanh hơn tốc độ sản xuất hàng hóa dịch vụ (hay tăng trưởng kinh tế).
Theo nhà kinh tế học Milton Friedman:
“Lạm phát là một hiện tượng tiền tệ có thể được tạo ra ở mọi nơi, mọi lúc khi lượng tiền trong nền kinh tế tăng nhanh so với số hàng hoá và dịch vụ sản xuất được”.
Tóm lại, việc có “nhiều tiền” trên thị trường hơn so với số lượng hàng hoá dịch vụ tăng thêm sẽ dẫn đến việc giá cả có sự gia tăng.
Nếu chúng ta áp dụng với Crypto mindset thì có thể hiểu đơn giản như sau (trong trường hợp này mình sẽ ví dụ với một AMM):
Ban đầu khi mới launching dự án sẽ sử dụng rất nhiều token của mình để reward cho Liquidity Provider nhằm gia tăng thanh khoản của AMM. Lúc này sẽ gây nên lạm phát token.
Tuy nhiên nếu AMM này thu hút được nhiều Volume giao dịch khiến Demand với token gia tăng thì giá cả sẽ không những không giảm mà còn tăng ⇒ Dự án phát triển.
Ngược lại, nếu Volume giao dịch không lớn (dự án không thu được nhiều lợi nhuận) không tạo được Demand ⇒ Lợi nhuận không bù đắp được lạm phát ⇒ Dự án sụt giảm.
Ngoài ra, lạm phát còn có thêm 5 nguyên nhân khác, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn qua video dưới đây.
Số liệu về lạm phát
Dịch Covid-19 xảy ra đã khiến các chính phủ bơm thêm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế. Cộng với việc chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhu cầu của người tiêu dùng cũng sụt giảm do những chính sách giãn cách xã hội đã gây ra lạm phát.
Cùng nhìn lại một vài dữ liệu về lạm phát trong khoảng thời gian gần đây khi thế giới chứng kiến làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3.
Như anh em có thể thấy phía trên, chỉ số CPI của Mỹ (biểu thị cho lạm phát) trong tháng 7/2021 đã vượt đỉnh năm 2008 – năm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn bình thường, con số này chỉ nằm trong khoảng 2%, dưới tác động của đại dịch và các chính sách tiền tệ nới lỏng, ngay cả đồng Fiat mạnh nhất thế giới cũng phải chịu ảnh hưởng.
Một ví dụ khác về lạm phát có thể kể đến Argentina, hiện tại mức độ lạm phát của quốc gia nay này đã lên tới gần 50% (thậm chí gần 60% vào năm 2020).
Với con số lạm phát lớn như vậy, thì anh em chỉ cần giữ tiền không trong ngân hàng và không đầu tư gì thì cũng sẽ bị “chia tài khoản”.
Tác động của lạm phát
Một vài số liệu kể trên đã cho thấy tác động của lạm phát đối với chính tài sản của anh em. Tuy nhiên câu hỏi hiện tại được đặt ra đó là:
Tại sao chính phủ có thể điều tiết được tiền tệ mà không làm cho đồng tiền giảm phát?
⇒ Câu trả lời rất đơn giản, đó là vì lợi ích và chi phí.
Trong bài viết luận về việc thị trường Crypto là một nền kinh tế thu nhỏ, đã đề cập tới việc bản chất của nền kinh tế phải phụ thuộc vào lượng hàng hoá dịch vụ được sản xuất và tiêu thụ gia tăng, chứ không phải là có nhiều tiền trong nền kinh tế, và tiền chỉ là một công cụ giúp chúng ta trao đổi mua bán hàng hóa dễ dàng hơn.
Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải được đưa lên hàng đầu, và nghiên cứu đã chỉ ra rằng lạm phát (ở một tỷ lệ hợp lý) sẽ mang lại nhiều lợi ích và tốn ít chi phí hơn so với giảm phát.
Giảm phát là sự sụt giảm trong mức giá chung của các loại hàng hóa hay dịch vụ, điều này sẽ làm gia tăng giá trị của tiền tệ trong thị trường. Tuy nhiên, giảm phát có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như sau:
Đối với ngành sản xuất, việc giá hàng hóa sụt giảm làm cho doanh thu của các công ty sẽ ít đi dẫn đến mất động lực sản xuất.
Với nền tài chính, đồng nội tệ tăng giá trị sẽ làm cho nhiều người muốn giữ tiền mặt hơn là đi tiêu xài. Chính điều này làm cho các dòng chảy tiền tệ bị ứ đọng.
Khi mà giá cả giảm, tình trạng thiếu việc làm và người tiêu dùng tích trữ tiền với dự đoán là giá cả còn giảm nữa, điều này sẽ làm hại nền kinh tế, truyền lực cho thói quen tiết kiệm và cứ thế xoáy xuống.
…
Do đó hầu hết các quốc gia không muốn đồng tiền của mình giảm phát.
Như vậy, có thể kết luận được rằng tiền Fiat của các quốc gia đã, đang và sẽ luôn luôn tiếp tục mất giá theo thời gian, đặc biệt trong những thời kỳ xảy ra khủng hoảng như hiện nay.
Các tài sản phòng tránh lạm phát hiện nay
Trong bối cảnh tiền Fiat đã đang và sẽ liên tục mất giá như vậy, nhu cầu đối với những lớp tài sản có thể giúp chúng ta phòng ngừa cũng như bảo vệ tài sản của mình trước sự “bào mòn” của lạm phát là khá lớn.
Do đó, trong phần này mình sẽ dựa trên Vàng và Bất động sản – những lớp tài sản tiêu biểu cho việc Inflation Hedge – Phòng tránh lạm phát để nêu ra những đặc điểm của các loại tài sản này.
Vàng & Bất động sản
Một số điểm chung của 2 loại tài sản này:
- Nguồn cung có giới hạn: Cả hai đều có nguồn cung giới hạn. Đất đai ở trên trái đất này chỉ có giới hạn và vàng cũng thế.
- Nhu cầu gia tăng theo thời gian: Dân số ngày càng gia tăng khiến nhu cầu với đất để sinh sống gia tăng theo, đồng thời những người giàu có luôn muốn sở hữu nhiều đất đai ở nhiều địa điểm. Còn đối với vàng ngoài nhu cầu về đầu tư, còn có thêm nhu cầu về việc sử dụng trong sản xuất (trang sức, linh kiện điện tử,…).
Ngoài ra, đối với bất động sản, bên cạnh việc mua và nắm giữ để chờ tăng giá thì còn có thể tạo thêm nguồn thu từ việc cho thuê lại. Do đó đây là một loại tài sản được rất nhiều người ưa thích do:
- Giá cả tăng theo thời gian.
- Có nhiều ứng dụng (phục vụ nhu cầu thiết yếu là nơi ở).
- Ngoài ra còn tạo được nguồn thu từ việc cho thuê.
Theo MSCI, market size của các bất động sản được quản lý bởi các tổ chức chuyên nghiệp trong năm 2020 là $10,500B (tăng trưởng 9.4% so với năm 2019 và có mức lãi kép lên tới 5%/năm trong suốt 10 năm trở lại đây).
Và đây chỉ là số liệu từ lượng tài sản nắm giữ bởi các tổ chức chuyên nghiệp. Mức tăng trưởng thực tế của loại tài sản này tuỳ vào từng khu vực còn có mức tăng trưởng ấn tượng hơn (có thể lên tới 50% – 100% trong năm vừa qua).
Đối với vàng, ngoài có ứng dụng trong sản xuất và một tài sản đầu tư thì ý nghĩa của vàng còn nằm ở việc thanh toán.
Như anh em đã biết, với tính chất hoá học và vật lý của vàng thì nó đã được sử dụng làm công cụ trao đổi thanh toán từ thời xa xưa. Cùng với lịch sử phát triển rất lâu đời thì việc trao đổi buôn bán sử dụng vàng đã trở nên phổ biến ở mọi nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc tiền Fiat luôn mất giá và sự bất ổn của chủ nghĩa tư bản mình đã phân tích ở trên đã khiến cho vàng từ xưa đến nay vẫn được coi là một công cụ thanh toán nằm ngoài hệ thống, và cũng được dùng trong trường hợp nền kinh tế chịu khủng hoảng nặng nề.
Vàng còn có một điểm ưu việt hơn so với bất động sản đó là: Bất động sản rất phụ thuộc vào sự ổn định chính trị cũng như sức mạnh của các quốc gia, còn vàng với tính chất của nó thì ít phụ thuộc hơn.
Vậy còn Bitcoin thì sao?
Nếu xét về tính chất của Bitcoin, chúng ta có thể thấy nó giống vàng hơn là bất động sản trên phương diện là một tài sản phòng tránh lạm phát. Có thể thấy một số điểm chung như sau:
- Nguồn cung có giới hạn.
- Đều nằm ngoài hệ thống của các chính phủ.
- Trong xu hướng ngày càng nhiều tổ chức chấp nhận Bitcoin để thanh toán như hiện nay thì Bitcoin dường như đã trở thành “Digital Gold – Vàng kỹ thuật số”.
Tuy nhiên hiện tại đối với vàng, việc quá nhiều chính phủ và các tổ chức đầu tư đang nắm giữ vàng cũng với các chính sách khiến việc trao đổi buôn bán vàng trở nên khó khăn hơn. Do đó mà dường như giá cả của vàng đang có xu hướng dần bị phụ thuộc vào các chính sách tiền tệ của chính phủ.
Xét trên hiệu suất của vàng kể từ khi hệ thống Bretton Woods – neo giá của vàng với đồng USD tại mức giá $35/ounce vàng sụp đổ.
Trong vòng 50 năm, tính đến nay giá vàng đã tăng gần 51 lần, tương đương với mức lãi kép hàng năm khoảng 8%.
Khi so sánh với mức lạm phát của đồng USD kể từ năm 1971 cho đến nay, dường như vàng đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc là một tài sản phòng chống lạm phát.
Sức mua của $1 từ năm 1971 cho đến nay chỉ còn tương đương với $0.14 (tương ứng với mức lạm phát trung bình 4%/năm). Vẫn nhỏ hơn mức lãi suất kép 8%/năm của vàng.
Tuy nhiên, với sự ra đời của Bitcoin đặt trong bối cảnh tình trạng nền kinh tế như hiện tại, dường như Bitcoin đang trở nên hấp dẫn hơn trong mắt của các nhà đầu tư với vai trò là một công cụ để phòng chống lạm phát:
Trong bối cảnh các chính phủ “bơm tiền” như hiện tại, mức độ lạm phát của Mỹ đã vượt năm 2008 – năm diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Đồng thời mức ROI của vàng kể từ đầu năm tới nay là khoảng – 4%, kể từ hồi đạt đỉnh trong năm 2011 thì vàng cũng chưa vượt được mức giá này.
Với sự nổi lên của Bitcoin, dường như các nhà đầu tư đang dần trở nên hứng thú hơn với tài sản này so với vàng trong bối cảnh các nền kinh tế bất ổn (Market cap nhỏ hơn 12.3 lần so với vàng và dường như các chính phủ vẫn đang chưa thể kiểm soát được loại tài sản này).
Bitcoin cũng đặt những nền móng đầu tiên cho công nghệ Blockchain, hay DeFi phát triển tạo nên một hệ sinh thái khổng lồ như hiện nay.
Ngoài ra, Bitcoin còn có một số ưu điểm hơn hẳn vàng đó là:
- Không thể bị làm giả (do công nghệ Blockchain).
- Lưu trữ Bitcoin ít tốn kém hơn vàng.
- Dễ dàng di chuyển xuyên biên giới với một mức chi phí cực rẻ.
- Mức độ “nằm ngoài hệ thống của nhà nước” cao hơn vàng rất nhiều.
Tóm lại, trong các loại tài sản giúp chúng ta phòng tránh được lạm phát thì Bitcoin có nhiều nét tương đồng với vàng và hiện tại được coi là “Digital Gold” hay vàng kỹ thuật số.
Tuy không thể phủ nhận rằng ngoài giá trị đầu tư, vàng hơn Bitcoin ở một điểm đó là có giá trị trong sản xuất. Nhưng với việc có một mức ROI quá ấn tượng kể từ khi ra mắt cho tới nay, đồng thời đã tạo ra được một hệ sinh thái Blockchain & DeFi khổng lồ, thì Bitcoin hiện tại đang dần được nhiều nhà đầu tư lựa chọn như một giải pháp thay thế vàng trong danh mục Tài sản phòng tránh lạm phát.
Giá cả của Bitcoin có quá biến động?
Nhiều người cho rằng giá cả của Bitcoin quá biến động để làm một loại tài sản phòng tránh lạm phát. Tuy nhiên, nếu nhìn lại vào lịch sử giá cả của vàng chúng ta có thể thấy, vàng cũng đã chứng kiến những làn sóng đầu cơ cũng như đi vào mùa đông trong một khoảng thời gian dài.
Giá vàng trong năm 1980 đã xuất hiện một làn sóng tăng trưởng và đầu cơ rất mạnh dưới sự tác động của lạm phát (do các căng thẳng chính trị liên quan giữa Xô Viết và khu vực trung đông cũng như sự lo lắng về lạm phát). Giá cả khi đó đã tăng mạnh, sau đó đạt đỉnh tại khoảng $850, điều chỉnh mạnh tới 65% và đi vào một mùa đông kéo dài tới 28 năm.
Trong năm 2011, chúng ta cũng chứng kiến tình trạng tương tự dưới các tác động từ lạm phát, giá cả sau đó cũng đã chứng kiến sự điều chỉnh – 45% và đi vào mùa đông cho tới khi dịch bệnh Covid xảy ra.
Ngoài ra, với lịch sử phát triển lên tới hàng ngàn năm của vàng, chúng ta không thể có được dữ liệu trong quá khứ giá cả đã biến động như thế nào.
Tuy vàng trong lịch sử được coi như một loại tiền tệ chung trên toàn cầu, nhưng dưới tác động của nhiều yếu tố (như độ chế tác, các phương tiện đo đạc, hay mức độ tinh khiết, …) thì vàng có thể có giá trị rất khác nhau tùy theo vùng lãnh thổ.
So sánh với Bitcoin, với lịch sử phát triển chỉ mới khoảng 10 năm thì chúng ta cũng có thể thấy việc giá cả biến động là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Một ví dụ khác để cho anh em thấy mức độ biến động của một loại tài sản khi mới được ra đời, đó chính là cổ phiếu công ty Amazon – một gã khổng lồ trong mảng thương mại điện tử trên toàn cầu.
Trong lịch sử những năm 2000, dưới làn sóng đầu cơ các công ty công nghệ, giá cổ phiếu của Amazon đã từng có lúc chạm tới mốc $107 và sụt giảm mạnh trong những năm sau đó, xuống mức đáy chỉ khoảng $6 (giảm tới 94%). Và hiện tại, giá cổ phiếu Amazon đã lên tới $3,200.
⇒ Do đó, có thể thấy rằng bất kỳ loại tài sản nào trong những giai đoạn đầu tiên khi vốn hoá thị trường còn thấp, bị chi phối bởi rất ít người cũng như sự am hiểu về loại tài sản đó còn chưa cao, thì vấn đề biến động giá lớn là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Ngoài ra, Bitcoin hay vàng đều giống nhau ở giá trị niềm tin:
- Niềm tin về việc đây là một tài sản có tổng cung giới hạn có thể giúp chúng ta phòng tránh được lạm phát.
- Niềm tin về việc đây là một loại tiền tệ chung trên toàn cầu khi các chính phủ gặp khủng hoảng khiến đồng Fiat trở nên mất giá nghiêm trọng (như gần đây chúng ta có thể thấy ví dụ điển hình với việc tiền Afghanistan bị mất giá).
Inflation Hedge – Một thị trường khổng lồ
Bitcoin đang dần trở thành một loại tài sản phòng chống lạm phát trong thời đại “cách mạng công nghiệp 4.0”, do đó mình sẽ cùng anh em tìm hiểu thị trường mà Bitcoin hướng tới lớn tới mức nào.
Do các vấn đề về dữ liệu nên mình sẽ chủ yếu lấy dữ liệu của Mỹ và đồng USD để phân tích (vì đây là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới hiện tại, đồng thời USD hiện tại và quá khứ cũng là đồng tiền chung để trao đổi buôn bán trên toàn cầu).
Theo số liệu mình thu thập được, mức tăng trưởng kép cung tiền M2 của Mỹ hàng năm là 7% (giai đoạn từ 1971 đến nay) và mức lạm phát có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3.9%.
Đối với anh em nào chưa hiểu cung tiền M2 là gì, thì đây là một đại lượng cung tiền bao gồm cung tiền M1 và chuẩn tiền tệ, cụ thể là M1 và các khoản tiền gửi có kỳ hạn, trong đó:
- Cung tiền M1 bao gồm: M0 (tiền mặt) và các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn có thể rút theo yêu cầu.
- Chuẩn tiền tệ là các khoản tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán thị trường tiền tệ, quỹ tương hỗ và tiền gửi có kỳ hạn khác.
Hàng năm, dưới tác động của việc “in tiền” đến từ chính phủ Mỹ thì ngoài việc gây ra lạm phát hàng hoá tiêu dùng còn khiến các tài sản tài chính tăng giá (M2 tăng nhiều hơn lạm phát), đồng thời dòng tiền cũng tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn khiến tài sản này có mức tăng trưởng kép 8.1%/năm.
Với mức GDP của Mỹ từ năm 2010 đến nay (khoảng $15,000B – $21,000B) (số liệu từ Worldbank), Mỹ đã in thừa một lượng tiền (nếu tính theo lạm phát) là khoảng 600 – 840 tỷ USD hàng năm.
Chưa kể lượng tiền dư thừa đó còn đi vào nhiều các lớp tài sản khiến chúng tăng giá, do đó lượng tiền thực sự dư thừa trên thị trường Mỹ lớn hơn con số lạm phát 4% khá nhiều.
Ở trên quy mô toàn cầu, số lượng tiền các chính phủ “in” thừa hàng năm còn lớn hơn vậy rất nhiều (vì Mỹ là một trong những nước có mức độ lạm phát thấp trên toàn cầu), do vậy lượng tiền các chính phủ in thừa hàng năm có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Cùng với việc vàng và bất động sản đã dần trở nên bão hoà với nhiều rào cản cho việc tăng trưởng mạnh như việc vốn hoá đã lớn, sở hữu khá khó khăn, không thể chia nhỏ,… thì Bitcoin dường như đang là một tài sản phòng tránh lạm phát hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư.
Tổng kết
Tóm lại, lạm phát sẽ là một thành phần không thể thiếu nếu nền kinh tế có sự tăng trưởng. Điều này đã, đang và sẽ luôn xảy ra, không những thế mà nó còn đặc biệt có tác động rõ rệt trong các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Vàng, bất động sản hay nhiều loại tài sản khác từ lâu đã được giới đầu tư rất ưa chuộng trong một thời gian dài với việc là một công cụ hiệu quả để phòng tránh lạm phát.
Tuy nhiên hiện tại, với sự ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như lạm phát của Mỹ đã vượt đỉnh năm 2008, bất động sản cũng đã xuất hiện tình trạng bong bóng và thiếu thanh khoản, đồng thời vàng cũng không cho được mức ROI ấn tượng thì giới đầu tư sẽ có xu hướng chuyển dịch dòng tiền.
Trong bối cảnh đó,Bitcoin hiện tại đang nổi lên và dần được nhiều nhà đầu tư chấp nhận như một loại tài sản phòng tránh lạm phát hiệu quả. Với một thị trường Inflation Hedge rất lớn như mình phân tích ở trên cùng với Market cap còn đang khá nhỏ của Bitcoin, thì anh em nghĩ mức giá trong tương lai của “Digital Gold” sẽ là bao nhiêu? Cùng comment xuống phía dưới để trao đổi và thảo luận nhé!
Theo C98