Tin nóng ⇢

Ethereum 2.0 là gì? Sự ảnh hưởng của ETH 2.0 đến giá ETH

Theo lộ trình đã được định trước, Ethereum sẽ phải trải qua tổng cộng 5 lần nâng cấp mạng lưới của mình. Đó là Frontier, Homestead, Byzantium, Constantinople và Serenity hay còn gọi là Ethereum 2.0. Như vậy, Ethereum 2.0 chính là giai đoạn cuối cùng để biến Ethereum trở thành blockchain hoàn thiện hơn.

Ethereum 2.0 là gì?

Ethereum 2.0 là quá trình nâng cấp mạng lưới Ethereum chuyển từ cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS) và áp dụng Sharding nhằm mục đích nâng cao tốc độ xử lý giao dịch của Ethereum. 

Theo đó, việc chuyển đổi sang PoS sẽ giúp Ethereum khắc phục được các nhược điểm cũ của hệ thống PoW: Hiệu suất thấp, chi phí giao dịch cao, khả năng mở rộng và tính bảo mật kém của mạng lưới.

Để anh em hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa 2 cơ chế này:

  • Proof of Work (PoW – Bằng chứng công việc): Các thợ đào (miner) sẽ dùng sức mạnh của máy đào để giải các bài toán tạo ra mã hash. Sau khi giải xong, họ sẽ giành được quyền xác thực giao dịch và tạo khối mới trong Blockchain.
  • Proof of Stake (PoS – Bằng chứng cổ phần): Cơ chế này sẽ không có các thợ đào như PoW, thay vào đó những người tham gia xác thực giao dịch sẽ phải đặt cược (stake) lượng coin lớn để giành quyền xác thực giao dịch và tạo khối. Do đó, PoS không yêu cầu phải đầu tư nhiều máy đào đắt tiền và vẫn đảm bảo được hiệu suất cao.

Như vậy, Ethereum 2.0 có thể xem là một bản Hard Fork của Ethereum nhưng nâng cấp hơn. 

Ethereum Hard Fork

Hard Fork là gì?

Hard Fork nghĩa là thay đổi quy tắc hoạt động của blockchain. Khi mà blockchain hoạt động đến một lúc nào đó thì hard fork sẽ xảy ra và sẽ tiếp tục hoạt động với quy tắc mới. Những block sử dụng quy tắc cũ, sau khi hard fork xảy ra thì sẽ không được blockchain mới chấp nhận. 

Hard Fork là cách cập nhật phổ biến trong blockchain. Rất nhiều đồng tiền điện tử như Steemit, Litecoin, Bitcoin… sử dụng hard fork để cập nhật.

Hard Fork Istanbul 

Hard fork Istanbul được đặt tên theo thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ – Istanbul. Hard fork đã diễn ra thành công vào 08/12/2019.

Hard fork Istanbul có 6 nâng cấp nổi bật: EIP-152, EIP-1108, EIP-1344, EIP-1844, EIP-2028, EIP-2200 xoay quanh 3 nội dung chính: 

  • Cải thiện hiệu suất Ethereum giúp mạng lưới có hiệu suất cao hơn.
  • Điều chỉnh chi phí.
  • Kết nối Ethereum và Zcash: Nhờ đó sau này Ethereum có thể sử dụng những giao thức bảo vệ tài liệu giao dịch ở trên mạng lưới của Zcash áp dụng lên trên mạng lưới Ethereum.

Đường đến Ethereum 2.0

Quá trình chuyển đổi được chia làm 3 giai đoạn nhỏ: 

lộ trình ethereum 2
Lộ trình phát triển của Ethereum 2.0 với 3 Phase chính

Phase 0 – Beacon Chain

Đây là giai đoạn đầu tiên của việc chuyển đổi từ PoW sang PoS. Ở giai đoạn này, mạng lưới Ethereum sẽ có hai chuỗi khối chạy song song với nhau với 2 cơ chế đồng thuận khác nhau:

  • ETH1x là chuỗi khối hiện tại của Ethereum, áp dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work và có native token là ETH1 (bản chất là ETH ở thời điểm hiện tại).
  • Beacon chain là chuỗi khối mới, áp dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake và có native token tên là ETH2. Anh em có thể chuyển ETH1 sang ETH2 để staking và hưởng lợi nhuận. Điều kiện để staking là cần có tối thiểu 32 ETH.

Tuy nhiên, điều cần chú ý ở giai đoạn 0 này là khi anh em chuyển đổi ETH sang ETH2 để staking thì anh em sẽ không rút ra được cho đến những giai đoạn kế tiếp. 

Phase 1 – Shard Chains

Shard Chain là giai đoạn áp dụng giải pháp Sharding hay còn gọi là phân đoạn, giúp chia dữ liệu làm nhiều phần nhỏ và xử lý cùng một lúc để giúp mạng lưới Ethereum đạt được hiệu suất cao hơn.

Shard Chain ban đầu được lên kế hoạch triển khai với 1,024 phân đoạn. Nhưng sau đó con số này đã được giảm xuống còn 64 phân đoạn (shards). Như vậy, đến Phase 1 mạng lưới Ethereum sẽ bao gồm: 

  • Chuỗi khối gốc Eth1x.
  • Chuỗi Beacon Chain trong giai đoạn 0.
  • 64 chuỗi phân đoạn mới.
phase 1 ethereum 2 0
Nguồn: BitMex Research

Phase 2 – State Execution

Đây là giai đoạn quan trọng nhất khi chuyển tất cả ứng dụng, dữ liệu, đồng ETH ở mạng lưới hiện tại sang mạng lưới Ethereum 2.0. Ở giai đoạn này: 

  • Các phân đoạn có thể giao tiếp với nhau.
  • Chức năng smart contract sẽ được kích hoạt.
  • Máy ảo EVM sẽ được nâng cấp lên máy ảo eWASM giúp giảm phí gas và tăng tính bảo mật cho hệ thống.
  • Mạng lưới sử dụng hệ thống PoW sẽ ngừng hoạt động. Và xem như Ethereum đã thành công trong việc chuyển đổi sang hệ thống PoS.

Tính kinh tế của Ethereum 2.0

Theo dự đoán của team dev thì Ethereum sẽ hoàn tất việc chuyển đổi từ hệ thống PoW sang PoS vào năm 2021. Quá trình chuyển đổi sẽ mang lại rất nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi lớn nhất là xoay quanh tính kinh tế của Ethereum 2.0.

Với hệ thống PoS, nguồn cung ETH phát hành ra mỗi năm sẽ thấp hơn nhiều so với hệ thống cũ PoW. Theo chia sẻ của Justin Drake – Ethereum Foundation thì vào năm 2021, Ethereum sẽ giảm 10 lần phát hành so với hiện tại.

Nguồn cung ít hơn đồng nghĩa với áp lực bán sẽ thấp hơn. Và nếu nhu cầu giữ nguyên hoặc tăng lên thì giá của ETH sẽ tăng theo, giúp những nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận. Điều quan trọng nhất là mạng lưới ETH vẫn được bảo vệ tốt nhất và dễ dàng hơn dù cho nguồn cung thấp hơn.

Một thay đổi lớn mà Ethereum 2.0 sẽ mang lại cho nền kinh tế là tỷ lệ lạm phát sẽ dao động ở mức 0 – 1%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát hiện tại là 4.8%. Đây là yếu tố quan trọng sẽ tác động đến giá trị của ETH trong tương lai.

Bên cạnh đó, theo như team dev chia sẻ, chi phí hoạt động của một Validator trong hệ thống PoS sẽ thấp hơn nhiều nếu so với việc đầu tư vào các máy đào trong hệ thống PoW. Điều này giúp người dùng kiếm được lợi nhuận nhiều hơn khi khai thác ETH.

Ethereum 2.0 ảnh hưởng thế nào đến giá ETH?

Ngay khi các cột mốc quan trọng diễn ra thì khả năng cao giá ETH sẽ có phản ứng, điển hình là tin tức ra mắt ví nạp Ethereum 2.0, giá ETH đã tăng hơn 10% ngay sau đó.

Trong ngắn hạn – Từ phase 0 đến cuối phase 2

1. Nguồn Cung – Sell Demand

Nguồn cung của ETH sẽ tăng lên do lượng ETH được đưa ra thị trường bằng tổng của lượng ETH1 đào được từ mạng ETH1 và số ETH2 được làm phần thưởng staking trong mạng Beacon chain. 

Theo số liệu hiện tại, mức lạm phát của ETH1 đang ở mức 4% mỗi năm. Còn mức lạm phát của ETH2 sẽ phụ thuộc vào lượng ETH1 staking ở Beacon Chain. Điều đó thể hiện rõ như biểu đồ bên dưới:

eth1 staked eth2 staking reward
Tổng lượng ETH1 được stake và tổng phần thưởng staking ETH2

Anh em có thể thấy, với mức 10 triệu ETH1 được staking, ETH2 sẽ có tỷ lệ reward là 4.97% mỗi năm. Mức lạm phát của ETH2 so với toàn mạng Ethereum.

eth1 staked eth2 inflation rate
Tổng ETH1 được stake so với tỷ lệ lạm phát ETH2

Như vậy, trong trường hợp lý tưởng nhất là lượng ETH1 staking ở beacon chain ở mức 10 triệu trở lên thì tỷ lệ lạm phát của ETH sẽ nhỏ hơn 4.35% mỗi năm (ETH1 = 4%, ETH2 = 0.35%).

2. Nguồn Cầu – Buy Demand

Nhu cầu thứ 1, là nhu cầu dễ nhận thấy nhất khi người dùng mua ETH1 để mang đi staking. Anh em có thể thấy, mức lạm phát ETH2 càng cao nếu lượng ETH1 staking càng nhỏ nên thời gian đầu tiên khả năng cao sẽ có nhiều người staking.

Nhu cầu thứ 2, hệ sinh thái phát triển mạnh trong giai đoạn này, khiến nhu cầu mua ETH để làm phí giao dịch khi sử dụng các ứng dụng được xây dựng trên Ethereum.

Dài hạn – Sau Ethereum 2.0

Sau khi hợp nhất thành 1 mạng Ethereum duy nhất, mạng ETH1 sẽ không còn mining được nữa khiến mức lạm phát toàn mạng Ethereum 2.0 chính là mức lạm phát của Beacon Chain (ước tính <1%).

Nhu cầu sử dụng ETH sẽ cao hơn khi Ethereum 2.0 có khả năng xử lý được mở rộng hơn rất nhiều so với ETH1x. Nhiều dApp hơn, nhiều người dùng hơn, nhiều ETH được sử dụng hơn.

Rủi ro khi triển khai Ethereum 2.0

  • Rủi ro lớn nhất: Chính là giai đoạn hợp nhất, nếu chẳng may việc hợp nhất bị trục trặc thì Ethereum sẽ chia tách làm 2 chain khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến các ứng dụng phi tập trung xây dựng trên Ethereum. Đặc biệt là các ứng dụng về DeFi với tiền tỷ được khoá trong các smart contract.
  • Rủi ro thứ 2: Tình trạng trì hoãn trong việc nâng cấp của các giai đoạn sẽ gây ảnh hưởng đến những dự án phát triển trên Ethereum. Điều này không mới bởi Phase 0 đã bị trì hoãn nhiều lần trước khi được khởi động gần đây.
  • Rủi ro thứ 3: Khả năng kết hợp của nhiều DApps DeFi có thể mang lại nhiều rủi ro hơn trong giai đoạn hợp nhất.

Vấn đề xảy ra trong quá trình chuyển đổi sang Ethereum 2.0?

Đọc đến đây sẽ có anh em thắc mắc rằng liệu trong quá trình thực hiện giai đoạn 0, 1, 2 nếu như có nhiều người không ủng hộ hệ thống PoS và vẫn tiếp tục đào trên hệ thống PoW thì liệu có phải là sẽ có 2 hệ thống Ethereum hay là không. 

Để giải quyết vấn đề trên đội ngũ Ethereum đã quyết định sử dụng một công nghệ có tên Ice Age trong lần hard fork thứ 9 – Muir Glacier.

Với công nghệ Ice Age sẽ làm cho độ khó đào tăng cao lên nhiều lần khiến cho thợ đào khó kiếm được lợi nhuận. Và độ khó đào sẽ tiếp tục tăng lên cho đến khi toàn bộ thợ đào không đào nữa vì càng đào sẽ càng lỗ. Và lúc đó chính là lúc Ethereum đã chuyển qua mạng lưới Ethereum 2.0.

Ngoài ra, team dev còn đề xuất ProgPOW để chống lại các máy đào ASIC. Đây là vấn đề mà các anh em đào ETH đang rất lo lắng.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức là công nghệ ProgPOW sẽ được cập nhập trong hard fork nào kế tiếp. Mình sẽ cập nhật thông tin khi có thông báo mới nhất từ đội ngũ Ethereum.

Theo C98

Có thể bạn quan tâm

Mục lục