Tiền điện tử – những giải thích không ai hiểu
Trong nhiều năm, tiền điện tử giống như một xu hướng công nghệ thoáng qua như Google Glass mà chúng ta có thể phớt lờ. Nhưng hiện tại nó đã quá lớn (cả về mặt kinh tế lẫn văn hoá) để có thể bỏ qua.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỉ lệ chấp nhận crypto lớn nhất thế giới. Ở Mỹ – một trong những cái nôi của tiền điện tử – 20% người trưởng thành và 36% thế hệ trẻ sở hữu tiền điện tử, theo một khảo sát gần đây của Morning Consult.
Coinbase, ứng dụng giao dịch tiền điện tử, đã đứng đầu bảng xếp hạng hàng đầu của App Store ít nhất hai lần trong năm qua. Ngày nay, thị trường tiền điện tử được định giá khoảng 1,750 tỷ USD – gần bằng quy mô của Google. Và ở Thung lũng Silicon, các kỹ sư và giám đốc điều hành đang dự phần vào cơn sốt vàng tiền điện tử.
Khi tiền điện tử bắt đầu trở nên “chính thống”, cộng đồng của nó bị chia thành hai cực. Những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất nghĩ rằng tiền điện tử đang giải cứu thế giới. Trong khi đó, phía hoài nghi cho đây là trò lừa đảo – một bong bóng đầu cơ đang hủy hoại môi trường do những kẻ xấu dàn dựng, và có thể làm sụp đổ nền kinh tế khi nó bùng nổ.
Nhưng cả hai phe đều có thể đồng ý với nhau rằng: những hướng dẫn về tiền điện tử cho người mới đa phần rất khó hiểu. Series hướng dẫn này, dưới dạng Q&A, là một nỗ lực để khắc phục điều đó: Tiền điện tử thực sự là gì? Nó hoạt động như thế nào? Nó dành cho ai? Điều gì đang diễn ra?…
Mối quan hệ giữa Crypto và Blockchain
1 Hãy bắt đầu lại từ đầu: Crypto là gì?Một hoặc hai thập kỷ trước, crypto thường được dùng như từ viết tắt của cryptography (mật mã học). Nhưng trong những năm gần đây, từ này liên kết chặt chẽ hơn với cryptocurrency (tiền điện tử).
Hiện tại, “crypto” thường dùng để đề cập đến toàn bộ vũ trụ công nghệ liên quan đến blockchain – hệ thống sổ cái phân tán cung cấp năng lượng cho các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin. Nhưng nó cũng đóng vai trò là lớp công nghệ cơ sở cho những thứ như NFT, ứng dụng web3 và giao thức giao dịch DeFi.
2 Ah blockchain! Bạn có thể giải thích về nó mà không đi quá sâu vào kỹ thuật?
Ở cấp độ rất cơ bản, blockchain là cơ sở dữ liệu được chia sẻ để lưu trữ và xác minh thông tin theo cách an toàn bằng mật mã.
Bạn có thể nghĩ về một blockchain giống như một bảng tính (spreadsheet) của Google, ngoại trừ việc được lưu trữ trên các máy chủ của Google, các blockchain được duy trì bởi một mạng lưới máy tính trên toàn thế giới.
Những máy tính này (đôi khi được gọi là thợ đào – miner, hoặc trình xác thực – validator) chịu trách nhiệm lưu trữ các bản sao cơ sở dữ liệu của chính bản thân chúng, thêm và xác minh thông tin đầu vào mới, đồng thời bảo mật cơ sở dữ liệu khỏi các hacker.
3 Vậy blockchain là… một kiểu bảng tính “xịn sò” của Google?
Đại loại vậy! Nhưng có ít nhất ba điểm khác biệt quan trọng về khái niệm.
Đầu tiên, blockchain phi tập trung. Nó không cần một công ty như Google để giám sát. Tất cả công việc đó được thực hiện bởi máy tính trên mạng lưới và sử dụng cơ chế được gọi là cơ chế đồng thuận (consensus mechanism).
Về cơ bản, đây là các thuật toán phức tạp cho phép các bên đồng ý về những thứ có trong cơ sở dữ liệu mà không cần bên thứ ba. Những người ủng hộ crypto tin rằng điều này khiến blockchain an toàn hơn các hệ thống lưu trữ hồ sơ truyền thống, vì không một cá nhân hoặc công ty nào có thể loại bỏ blockchain hoặc thay đổi nội dung của nó. Ngoài ra, bất kỳ ai cố gắng hack hoặc thay đổi các bản ghi trong sổ cái sẽ cần phải hack vào nhiều máy tính cùng một lúc.
Tính năng chính thứ hai của blockchain là chúng thường là mã nguồn mở. Nghĩa là không giống như bảng tính của Google, bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra mã hoặc xem bản ghi của bất kỳ giao dịch nào của blockchain công khai. (Có các blockchain riêng tư, nhưng chúng ít quan trọng hơn các blockchain công khai.)
Thứ ba, các blockchain mang tính vĩnh viễn. Có nghĩa là không giống như bảng tính của Google, dữ liệu được thêm vào blockchain thường không thể bị xóa hoặc thay đổi.
4 Blockchain liên quan gì đến tiền điện tử?
Blockchain không thực sự tồn tại cho đến năm 2009, khi một lập trình viên có biệt danh Satoshi Nakamoto phát hành tài liệu về Bitcoin – loại tiền điện tử đầu tiên trên thế giới.
Bitcoin sử dụng một blockchain để theo dõi các giao dịch. Điều này rất ngoạn mục, vì đây là lần đầu tiên mọi người được phép gửi và nhận tiền qua Internet mà không cần đến các bên có thẩm quyền, chẳng hạn như ngân hàng hoặc một ứng dụng như PayPal.
Hiện nay, nhiều blockchain vẫn thực hiện các giao dịch tiền điện tử và có khoảng 10,000 loại tiền điện tử khác nhau đang tồn tại, theo CoinMarketCap. Nhưng nhiều blockchain cũng có thể được sử dụng để lưu trữ các loại thông tin khác – bao gồm NFT, hợp đồng thông minh và các ứng dụng – mà không cần các bên có thẩm quyền.
Crypto – một hình thức tiền tệ mới
OK. Nhưng nhiều năm trước, những người làm công nghệ nói rằng crypto là một hình thức tiền tệ mới và thú vị. Nhưng bây giờ chưa có ai trả tiền thuê nhà hoặc mua hàng bằng Bitcoin.
5 Nhận định đó là đúng hay sai?
Câu hỏi hay. Đúng là ngày nay, hầu như không ai trả tiền mua hàng bằng crypto. Một phần là do hầu hết người bán vẫn không chấp nhận thanh toán bằng crypto. Ngoài ra, nó không thực tế khi chỉ sử dụng một lượng nhỏ crypto để trả phí sinh hoạt hàng ngày, trong khi phí giao dịch lại quá cao.
Một lý do nữa là giá trị của các loại tiền điện tử phổ biến như Bitcoin và Ether đã tăng vọt từ khi ra đời, khiến việc sử dụng chúng để mua hàng trực tiếp có phần rủi ro. (Một ví dụ được trích dẫn thường xuyên là vào năm 2010, một anh chàng đã mua hai chiếc bánh pizza của Papa John bằng Bitcoin trị giá khoảng 40 USD vào thời điểm đó, ngày nay số Bitcoin đó trị giá khoảng 400 triệu USD.)
Mặc dù hầu hết mọi người không sử dụng crypto để chi tiêu hàng ngày, nhưng giá trị của nó đã tăng rất nhiều kể từ những ngày đầu của Bitcoin.
Một phần của sự tăng trưởng đó là do đầu cơ – mọi người mua tài sản tiền điện tử với hy vọng sau này sẽ bán chúng để kiếm lời. Một phần là sau Bitcoin, các blockchain khác như Ethereum và Solana, xuất hiện và mở rộng các ứng dụng với công nghệ này.
Một số người hâm mộ cũng tin rằng giá của các loại tiền điện tử như Bitcoin cuối cùng sẽ ổn định, và biến chúng trở thành một phương tiện thanh toán lý tưởng.
6 Ngoài đầu cơ tài chính, các ứng dụng thực tế của tiền điện tử là gì?
Hiện tại, nhiều ứng dụng thành công của công nghệ tiền điện tử nằm trong lĩnh vực tài chính hoặc liên quan đến tài chính. Ví dụ: mọi người đang sử dụng tiền điện tử để gửi tiền xuyên biên giới và các ngân hàng Phố Wall sử dụng blockchain để giải quyết các giao dịch nước ngoài.
Sự bùng nổ tiền điện tử cũng dẫn đến sự bùng nổ của các thử nghiệm bên ngoài các dịch vụ tài chính. Có các câu lạc bộ tiền điện tử, game tiền điện tử, nhà hàng tiền điện tử và thậm chí cả các mạng không dây hỗ trợ tiền điện tử.
Những ứng dụng phi tài chính này vẫn còn khá hạn chế. Nhưng các fan tiền điện tử thường lập luận rằng công nghệ này vẫn còn non trẻ và Internet đã mất nhiều thập kỷ để phát triển thành như ngày nay.
Các nhà đầu tư đang đổ hàng tỷ USD vào nhiều công ty khởi nghiệp tiền điện tử vì họ nghĩ rằng một ngày nào đó, blockchain sẽ được sử dụng cho mọi thứ: lưu trữ hồ sơ y tế, theo dõi quyền phát âm nhạc trực tuyến, thậm chí lưu trữ các nền tảng truyền thông xã hội mới. Và hệ sinh thái tiền điện tử đang thu hút rất nhiều nhà phát triển – một dấu hiệu tốt cho bất kỳ công nghệ mới nào.
Crypto là một mô hình Ponzi
7 Có người gọi Crypto là Ponzi. Nói vậy nghĩa là sao?
Một số nhà phê bình tin rằng về cơ bản, thị trường tiền điện tử là lừa đảo – nhà đầu tư đến sớm làm giàu trên lưng nhà đầu tư đến muộn (sơ đồ kim tự tháp). Hoặc bởi vì các dự án tiền điện tử thu hút các nhà đầu tư ngây thơ với những hứa hẹn về việc kiếm lợi nhuận an toàn, nhưng sau đó dự án sụp đổ khi dòng tiền mới ngừng chảy vào (mô hình Ponzi).
Trong crypto có rất nhiều ví dụ về điều này. Điển hình là OneCoin, dự án tiền điện tử đã đánh cắp 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư từ năm 2014 đến 2019; và Quỹ Virgil Sigma, một quỹ phòng ngừa rủi ro tiền điện tử trị giá 90 triệu USD do một nhà đầu tư 24 tuổi điều hành. Người này đã nhận tội gian lận và bị kết án 7.5 tù giam.
Nhưng những trường hợp này không thật sự là thứ các nhà phê bình đang ám chỉ. Họ thường tranh luận rằng bản thân tiền điện tử là một sơ đồ bóc lột, không có giá trị trong thế giới thực.
8 Họ nói vậy có đúng không?
Chúng ta hãy thử phân tích lập luận của họ.
Những nhà phê bình này nói rằng, nếu như việc mua cổ phiếu tại Apple (ít nhất về mặt lý thuyết) phản ánh niềm tin Apple đang hoạt động tốt, thì việc mua một đồng tiền điện tử giống việc đánh cược vào sự thành công của một ý tưởng hơn.
Nếu mọi người tin vào Bitcoin, họ mua và giá Bitcoin sẽ tăng lên. Nếu mọi người ngừng tin vào Bitcoin, họ bán và giá Bitcoin sẽ giảm.
Do đó, chủ sở hữu tiền điện tử có động cơ hợp lý để thuyết phục người khác mua. Và nếu bạn nghĩ công nghệ tiền điện tử là vô giá trị, bạn có thể kết luận rằng toàn bộ điều này giống như một sơ đồ kim tự tháp, trong đó bạn kiếm tiền chủ yếu bằng cách lôi kéo người khác tham gia.
9 Tại sao nhiều người vẫn tin vào tiền điện tử?
Mặc dù trong crypto có những trò gian lận, lừa đảo, và chắc chắn là những nhà đầu tư tiền điện tử đều muốn lôi kéo người khác mua vào, nhưng nhiều nhà đầu tư nói rằng họ biết điều gì đang thật sự diễn ra.
Họ tin rằng công nghệ tiền điện tử có giá trị và khả năng lưu trữ thông tin và giá trị trên một blockchain phi tập trung sẽ thu hút mọi đối tượng và doanh nghiệp trong tương lai. Họ sẽ nói với bạn rằng họ đang đặt cược vào sản phẩm tiền điện tử, chứ không phải ý tưởng tiền điện tử. Ở mức độ nào đó, điều này không khác gì việc mua cổ phiếu của Apple bởi vì bạn nghĩ rằng iPhone tiếp theo sẽ trở nên phổ biến.
Matt Huang, một nhà đầu tư nổi tiếng, đã nói trên Twitter: “Nhìn từ bên ngoài, tiền điện tử có thể trông giống một sòng bạc đầu cơ. Nhưng điều đó khiến nhiều người bỏ quên một sự thật sâu xa hơn: sòng bạc là một con ngựa thành Troy với hệ thống tài chính mới ẩn bên trong”.
Bạn có thể tranh luận với quan điểm đó hoặc tranh cãi về giá trị thực sự của “hệ thống tài chính mới” này. Nhưng các nhà đầu tư tiền điện tử rõ ràng tin rằng nó có giá trị.
Crypto đang được quản lý lỏng lẻo
10 Tiền điện tử có được quản lý không?
Chỉ một chút thôi. Tại Mỹ, một số sàn giao dịch tiền điện tử tập trung như Coinbase phải tuân theo các luật như Đạo luật Bảo mật Ngân hàng, yêu cầu họ thu thập một số thông tin của khách hàng. Một số nơi đã thông qua các quy định nghiêm ngặt hơn, trong đó Trung Quốc đã cấm hoàn toàn giao dịch tiền điện tử.
Nhưng so với hệ thống tài chính truyền thống, tiền điện tử được quản lý rất lỏng. Có một số quy tắc quản lý các tài sản tiền điện tử như “stablecoin” – những đồng coin mà giá trị được gắn với tiền tệ được chính phủ hậu thuẫn – hoặc thậm chí các hướng dẫn rõ ràng về việc đánh thuế các khoản đầu tư tiền điện tử từ Sở Thuế vụ Hoa Kỳ. Một số lĩnh vực tiền điện tử khác, như DeFi, gần như hoàn toàn không bị kiểm soát.
Một phần là do vẫn còn sớm và việc đưa ra các quy tắc mới cần có thời gian. Nhưng đây cũng là một thuộc tính của công nghệ blockchain – vốn phần lớn được thiết kế để các chính phủ khó kiểm soát.
11 Liệu tiền điện tử sẽ thay thế USD?
Xin lỗi, nhưng USD là tiền tệ dự trữ của thế giới và việc loại bỏ nó sẽ vô cùng tốn kém, tốn công và không thể diễn ra một sớm một chiều.
(Một ví dụ minh họa nhỏ về mức độ to lớn của nhiệm vụ này: mọi hợp đồng tài chính có mệnh giá bằng USD sẽ phải được định giá lại bằng Bitcoin hoặc Ether hay một số loại tiền điện tử khác.)
Ngoài ra để có thể thay thế tiền tệ do chính phủ phát hành, tiền điện tử phải vượt qua một số rào cản kỹ thuật. Các blockchain phổ biến nhất hiện nay – Bitcoin và Ethereum – đều chậm và kém hiệu quả hơn các mạng thanh toán truyền thống. (Ví dụ, Ethereum chỉ có thể xử lý khoảng 15 giao dịch mỗi giây, trong khi Visa cho biết nó có thể xử lý hàng nghìn giao dịch thẻ tín dụng mỗi giây.)
Và, tất nhiên, để một loại tiền điện tử như Bitcoin thay thế USD, bạn cần phải thuyết phục hàng tỷ người sử dụng một loại tiền tệ có giá trị dao động dữ dội, không được chính phủ hậu thuẫn và thường không thể truy tìm được manh mối nếu bị đánh cắp.
12 Những kiểu người nào đang đầu tư vào tiền điện tử?
Thật khó để nói ai đang đầu tư vào tiền điện tử, đặc biệt khi rất nhiều hoạt động diễn ra ẩn danh hoặc dưới các biệt danh. Nhưng một số cuộc khảo sát và nghiên cứu của CNBC đã gợi ý rằng tiền điện tử đang bị chi phối bởi những người đàn ông da trắng giàu có.
Theo báo cáo của sàn giao dịch Gemini, trong số các nhà đầu tư tiền điện tử, phụ nữ chỉ chiếm 26%. Một chủ sở hữu tiền điện tử điển hình là một người đàn ông 38 tuổi, kiếm được khoảng 111,000 USD/năm.
Nhưng việc sở hữu tiền điện tử dường như đang trở nên đa dạng hơn. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2021 cho thấy người trưởng thành ở châu Á, người da đen và Latinh đang sử dụng tiền điện tử nhiều hơn người da trắng. Việc áp dụng tiền điện tử đang phát triển nhanh nhất ở các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan.
Crypto và sự ảnh hưởng đến môi trường
13 Tiền điện tử có hại cho môi trường không?
Đây là một trong những vấn đề bị phản đối nhiều nhất trong lĩnh vực tiền điện tử.
Đúng là hầu hết hoạt động tiền điện tử ngày nay đều diễn ra trên các blockchain đòi hỏi lượng lớn năng lượng để lưu trữ và xác minh các giao dịch. Các mạng này sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-of-Work, tức “bằng chứng công việc” – một quá trình được so sánh là guessing game (trò chơi đoán mò). Chúng được “chơi” bởi các máy tính cạnh tranh với nhau để giải các câu đố mật mã nhằm thêm thông tin mới vào cơ sở dữ liệu và kiếm phần thưởng. Việc giải các câu đố này đòi hỏi máy tính có cấu hình mạnh, do đó sử dụng rất nhiều năng lượng.
Ví dụ, blockchain Bitcoin sử dụng năng lượng ước tính 200 terawatt/giờ/năm, theo Digiconomist – trang web theo dõi việc sử dụng năng lượng tiền điện tử. Con số này tương đương với mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của Thái Lan. Và lượng khí thải carbon do Bitcoin tạo ra được ước tính vào khoảng 100 megaton mỗi năm, tương đương với lượng khí thải carbon của Cộng hòa Séc.
14 Các fan tiền điện tử biện minh cho các tác động môi trường như thế nào?
Những người ủng hộ tiền điện tử thường lập luận như sau:
Hệ thống tài chính hiện tại của chúng ta cũng sử dụng rất nhiều năng lượng: Như việc cung cấp năng lượng cho hàng triệu chi nhánh ngân hàng, các ATM hoạt động 24/7 nhưng không phải lúc nào cũng có người sử dụng, các mỏ vàng và cơ sở hạ tầng sử dụng nhiều năng lượng khác.
Nhiều máy tính khai thác tiền điện tử đang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Hầu hết các blockchain mới hơn được xây dựng trên cơ chế đồng thuận yêu cầu (consensus mechanism), sử dụng năng lượng ít hơn nhiều so với bằng chứng công việc. (Ví dụ trong năm nay Ethereum sẽ chuyển sang cơ chế đồng thuận mới là bằng chứng cổ phần – có thể giảm mức sử dụng năng lượng tới 99.5%.)
Lợi ích của việc phi tập trung xứng đáng với chi phí bỏ ra.
15 Lợi ích của tính phi tập trung trong Crypto là gì?
Một số người ủng hộ tiền điện tử sẽ nói rằng lợi ích lớn nhất của việc phi tập trung (decentralization) là khả năng tạo ra tiền tệ, ứng dụng và nền kinh tế ảo có khả năng chống lại sự kiểm duyệt và kiểm soát từ trên xuống. (Hãy tưởng tượng một phiên bản của Facebook trong đó Mark Zuckerberg không thể đơn phương quyết định khoá tài khoản của bạn.)
Những người khác tin lợi ích lớn nhất của việc phi tập trung là nó cho phép các nghệ sĩ và người sáng tạo kiểm soát số phận kinh tế của họ trực tiếp hơn. Nó cung cấp cho họ một phương tiện (dưới dạng NFT và các tài sản tiền điện tử khác) để vượt qua những “người gác cổng” nền tảng như YouTube và Spotify, và bán các tác phẩm kỹ thuật số độc đáo của mình trực tiếp cho người hâm mộ.
Nguồn: coin98.net
Một số người khác cho rằng tiền điện tử hữu ích nhất đối với những người sống ở các quốc gia có chế độ tiền tệ không ổn định hoặc các nhóm bất đồng chính kiến sống dưới các chế độ độc tài.
Nguồn: coin98.net