Blockchain là gì? Những điều cần biết về công nghệ Blockchain: lịch sử hình thành , tính chất, cách hoạt động, ứng dụng Blockchain
Ngày 1/7/2021, Ngân hàng Nhà nước đã được giao vai trò là cơ quan chủ trì nghiên cứu thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain tại Việt Nam, đánh dấu sự nhìn nhận tích cực của nhà nước đối với Blockchain và các loại tiền điện tử. Trong bài viết này, Coin98 sẽ cung cấp cho anh em mọi kiến thức cần biết về công nghệ Blockchain, bao gồm:
- Blockchain là gì? Ai là người tạo ra Blockchain?
- Tính chất và cách hoạt động của Công nghệ Blockchain.
- Các thuật toán và ứng dụng Blockchain trong thực tiễn.
- Các phiên bản công nghệ Blockchain.
- Cơ hội đầu tư với Blockchain.
Cùng tìm hiểu nhé!
Blockchain là gì?
Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối (block) được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian để tạo thành một chuỗi (chain). Mỗi khối trong Blockchain sẽ được liên kết với khối trước đó, chứa thông tin về thời gian khởi tạo khối đó kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.
Hiểu đơn giản, Blockchain có thể được xem là một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau, lưu trữ mọi thông tin giao dịch và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào.
Mọi thông tin được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.
Ý tưởng ra đời công nghệ Blockchain
Ở đây mình lấy ví dụ về việc giao dịch tiền tệ giữa 2 người A & B với nhau.
Hạn chế trong giao dịch thời xưa
Ngày xưa, khi giao dịch tiền tệ, vay tiền, trả nợ, người ta sẽ thỏa thuận với nhau (giữa A và B) và ghi lại các thông tin giao dịch đó vào 1 cuốn sổ để lưu trữ nó – gọi là sổ cái. Sau đó đưa sổ này cho 1 người trung gian C uy tín nắm giữ. Và tất nhiên người C này phải đều được A và B tin tưởng.
Ở đây chúng ta sẽ thấy các thành phần tham gia như sau:
- A & B là 2 người tham gia giao dịch với nhau.
- C là người uy tín đứng ra làm trung gian.
- Sổ cái (bằng giấy).
Trong trường hợp này, chúng ta sẽ đối mặt với một số hạn chế:
- Cuốn số thường được làm bằng giấy và nó dễ bị mối mọt, bị hỏng theo thời gian. Tức là thông tin lưu trữ trên đó không tồn tại mãi mãi. Ví dụ: A vay tiền của B trong thời hạn 12 năm. Nhưng 10 năm sau cuốn sổ mục nát và không còn xem được thông tin trên đó. Lúc đó A chối cãi là không vay tiền của B, và B cũng không còn cuốn sổ để mang ra làm bằng chứng xác thực là A đã vay tiền của mình.
- Thông tin có thể bị thay đổi hoặc phá huỷ: 1 ai đó lấy trộm được cuốn sổ và họ có thể xoá 1 dòng thông tin, hoặc xé đi 1 trang sổ, lúc đó thông tin không còn toàn vẹn như lúc ban đầu của nó nữa. Tức là thông tin có thể bị thay đổi.
- Tồn tại trung gian thứ 3: Cuốn sổ đó lại do 1 người trung gian thứ 3 đủ uy tín nắm giữ. Và không phải ai cũng có thể dễ dàng tìm được 1 người thứ 3 để đứng ra xác nhận. Và đồng thời lúc này 2 người giao dịch kia phải hoàn toàn đặt niềm tin vào người trung gian này.
Hạn chế trong giao dịch qua hệ thống ngân hàng
Tới khi xã hội phát triển, chúng ta có hệ thống ngân hàng thay thế cho người C thứ 3 trung gian kể trên. Và cuốn sổ cái làm bằng giấy được thay thế bằng hệ thống máy tính của ngân hàng.
Ưu điểm của hệ thống ngân hàng:
- Thường được chính phủ, nhà nước đứng ra đảm bảo quyền lợi của người giao dịch.
- Thông tin lưu trong hệ thống máy tính bền vững theo thời gian, không sợ bị “mục nát” theo thời gian.
Tuy nhiên, việc giao dịch qua hệ thống ngân hàng vẫn có một số vấn đề như:
- Nguy cơ dữ liệu bị đe dọa: Do máy chủ ngân hàng chứa rất nhiều thông tin quan trọng nên luôn là mục tiêu tấn công của nhiều kẻ xấu. Dữ liệu vẫn có thể bị đánh cắp hoặc thay đổi.
- Phí giao dịch: Khoản phí khi người dùng thực hiện việc chuyển khoản cho nhau cũng là 1 vấn đề đối với các giao dịch.
- Vẫn tồn tại bên thứ 3 trung gian, đó chính là ngân hàng: Các thông tin giao dịch của người dùng do ngân hàng nắm giữ. Và họ có thể khai thác, hoặc bán thông tin này cho bên thứ 3. Ngoài ra, các hệ thống quản lý tập quyền, ngân hàng hay nhà nước có thể yêu cầu đóng băng tài khoản của người dùng. Và đây là trường hợp mà không user nào mong muốn.
⇒ Hiểu được những rủi ro và hạn chế đó, Blockchain đã ra đời để giải quyết các vấn đề kể trên.
Ai tạo ra Blockchain?
Blockchain được tạo ra bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2008.
Một năm sau đó, Blockchain được hiện thực hóa với vai trò là một phần cốt lõi của Bitcoin, đánh dấu sự ra đời của công nghệ Blockchain và đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường Crypto.
06 tính chất của công nghệ Blockchain
Vì Blockchain ra đời để giải quyết các hạn chế trong hệ thống giao dịch thông thường, do đó, Blockchain sẽ có các tính chất sau:
- Tính phi tập trung (Decentralized): Blockchain hoạt động độc lập theo các thuật toán máy tính, hoàn toàn không bị bất kỳ một tổ chức nào nắm quyền kiểm soát. Chính vì vậy blockchain tránh được rủi ro từ bên thứ 3.
- Tính phân tán (Distributed): Các khối chứa dữ liệu giống nhau nhưng được phân tán ở nhiều nơi khác nhau. Nên chẳng may 1 nơi bị mất hoặc hỏng thì dữ liệu vẫn còn trên Blockchain.
- Không thể thay đổi: Một khi dữ liệu đã được ghi vào trong block của blockchain thì nó không thể bị thay đổi hoặc sửa chữa, bởi đặc tính của thuật toán đồng thuận và mã hash (mình sẽ trình bày chi tiết ở phần dưới).
- Tính bảo mật: Chỉ có người nắm giữ Private Key (khóa riêng tư) mới có thể truy cập các dữ liệu bên trong Blockchain.
- Tính minh bạch: Các giao dịch trong blockchain được lưu lại và mọi người có thể check các giao dịch này. Dựa vào đó, ta có thể kiểm tra và truy xuất lịch sử giao dịch. Thậm chí người ta có thể phân quyền để cho phép người khác truy cập một phần thông tin trên Blockchain.
- Tích hợp Smart contract (hợp đồng thông minh): Dựa vào đó các điều khoản được ghi trong hợp đồng thông minh sẽ được thực thi khi các điều kiện trước đó được thỏa mãn, không ai có thể ngăn cản hoặc hủy nó.
Cơ chế hoạt động của Blockchain
Câu trả lời là do cấu trúc của mỗi block bên trong Blockchain và cơ chế hoạt động đặt biệt của Blockchain. Mình sẽ trình bày chi tiết ngay dưới đây!
Cấu trúc của một Blockchain
Blockchain đúng như tên gọi của nó gồm Block và Chain. Cụ thể:
- Cấu trúc của nó gồm nhiều khối (Block).
- Các khối này liên kết với nhau, khối sau liên kết với khối trước tạo thành chuỗi (Chain).
⇒ Chúng ta có chuỗi khối hay Blockchain.
Cách công nghệ Blockchain hoạt động
Đầu tiên, thông tin giao dịch của anh em sẽ được ghi lại trên hệ thống tạo thành bản ghi (record).
Sau đó, bản ghi của anh em được xác thực là có giá trị bởi các máy tính có trong hệ thống (được gọi là nút hay node) theo thuật toán đồng thuận trên Blockchain.
Ví dụ:
- Bản ghi cho thấy anh em bán 3 Bitcoin ⇒ Hệ thống xác thực anh em có 3 bitcoin trong ví ⇒ Khi ấy bản ghi có hiệu lực.
- Nếu anh em chỉ có 1 Bitcoin ⇒ Hệ thống xác định ví anh em không đủ Bitcoin để thực hiện giao dịch ⇒ Khi ấy bản ghi vô hiệu lực.
Tiếp theo, bản ghi đã xác thực có giá trị của anh em cùng với hàng loạt bản ghi đã xác thực từ những người giao dịch khác sẽ được xếp vào thành một khối thông tin (block).
Cuối cùng, khối (Block) vừa mới được tạo sẽ được thêm vào chuỗi (Chain) bằng cách kết nối Previous Hash của khối cần thêm vào với mã hash của khối trước đó và tạo thành một Chuỗi khối (Blockchain).
Khối đầu tiên do không có khối nào trước nó nên mã Hash của nó là chuỗi số 0. Và nó được gọi là khối nguyên thuỷ hay Genesis Block.
Cấu trúc của mỗi Block (Khối)
Mỗi block bao gồm 3 thành phần: Dữ liệu (Data), Mã hàm băm (Hash) và mã Hash của khối trước nó.
- Data: Các bản ghi dữ liệu đã được xác thực của anh em đã được bảo vệ bằng thuật toán mã hóa tùy thuộc vào từng blockchain.
- Hash: Mã hàm băm của của Block. Đây là chuỗi các ký tự và số được tạo một cách ngẫu nhiên và không giống nhau. Nó đại diện riêng cho block đó và được mã hoá bằng thuật toán mã hoá. Mã hash dùng để phát hiện sự thay đổi trong các khối.
- Previous Hash: Mã hàm băm của block trước đó. Nó dùng để các khối liền kề nhận biết khối nào trước, khối nào sau và nối với nhau.
Thuật toán Blockchain là gì?
Định nghĩa
Thuật toán đồng thuận Blockchain là sự đồng ý xác thực thông tin trong bản ghi là chính xác của đa số các nút ở trong mạng lưới và cho phép ghi lại thông tin giao dịch vào trong Blockchain.
Nếu có sự thay đổi của một block trong mạng lưới. Dữ liệu này được so sánh với các dữ liệu của các khối khác. Nếu có sự khác biệt thì nó sẽ không cho phép dữ liệu ấy được ghi vào bên trong Blockchain. Đó là cách Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu.
Ví dụ: Trường hợp nếu có thay đổi trên 1 khối. Ở đây mình giả sử hacker tấn công và thay đổi thông tin trên khối A. Tại thời điểm đó:
- Mã hash của khối A bị thay đổi.
- Hệ thống sẽ so sánh mã hash đó với với má hash khối trước đó & phát hiện ra sai lệch.
- Như vậy hacker phải thay đổi hash của khối trước A. Hệ thống lại phát hiện ra sai lệch ở khối A-1. Hacker phải tiếp tục thay đổi hash của khối A-2.
- Như vậy để thay đổi được giao dịch thì hacker phải thay đổi tất cả các khối vì cơ chế đồng thuận.
Các thuật toán Blockchain phổ biến
Dưới đây là một số thuật toán Blockchain phổ biến hiện nay:
1. Proof of Work (PoW):
- Proof of Work là bằng chứng công việc. Trong cơ chế đồng thuận này, các thợ đào (miner) sẽ dùng sức mạnh máy tính để giải các bài toán tạo ra mã hash. Sau khi giải xong, họ sẽ giành được quyền xác thực giao dịch và tạo khối mới trong blockchain.
- Đây là cơ chế đồng thuận đầu tiên và gắn liền với Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH),…
2. Proof of Stake (PoS):
- Proof of Stake là bằng chứng cổ phần. Cơ chế đồng thuận này sẽ không có các miner thợ đào như PoW, thay vào đó những người tham gia xác thực giao dịch sẽ phải đặt cược (stake) lượng coin lớn để giành quyền xác thực giao dịch và tạo khối. Do đó, PoS không yêu cầu phải đầu tư nhiều máy đào đắt tiền.
- Một số dự án sử dụng cơ chế này: Cosmos (ATOM), Binance Coin (BNB), Ontology (ONT),…
3. Delegated Proof of Stake (DPoS):
- Delegated Proof of Stake là bằng chứng ủy quyền cổ phần. Thay vì phải đặt cược để xác thực giao dịch như PoS, những người nắm giữ token sẽ tiến hàng bỏ phiếu cho một nhóm được chọn để thực hiện vai trò xác nhận các giao dịch.
- DPoS giúp đảm bảo sự trung thực và công bằng bằng việc thực hiện các hoạt động bỏ phiếu liên tục và cũng liên tục xáo trộn trong hệ thống, để đảm bảo những người được chọn là trung thực và có trách nhiệm.
- Một số dự án sử dụng cơ chế này là: Bitshares (BTS), EOS (EOS), LISK (LSK), ICON (ICX), Cybermiles (CMT),…
4. Byzantine Fault Tolerance (BFT):
- Byzantine Fault Tolerance là thuật toán đồng thuận chống gian lận trên Blockchain. Thuật toán này cho phép những người thực hiện xác minh quản lý mỗi trạng thái của một chuỗi, đồng thời chia sẻ các thông điệp với một chuỗi khác, để có được những bản ghi giao dịch chính xác và đảm bảo sự trung thực.
- Một số dự án sử dụng thuật toán BFT là: NEO (NEO), Ripple (XPR), Stellar (XLM),…
5. Proof of Authority (PoA):
- Proof of Authority là thuật toán đồng thuận dựa trên danh tiếng. Những người xác thực khối sẽ không được dựa trên số lượng coin họ nắm giữ, mà sẽ dựa trên chính danh tiếng của mình. Chính vì vậy, các blockchain PoA được bảo mật bởi các node xác thực được lựa chọn tùy ý như là các thực thể đáng tin cậy.
- Một số dự án tiêu biểu sử dụng thuật toán BFT là: MakerDAO (xDAI), ZINC (ZINC),…
6. Proof of Weight (PoWeight):
- Proof of Weight là thuật toán đồng thuận base theo thuậttoán đồng thuận Algorand.
- Ý tưởng của nó cũng giống PoS đó là cũng dựa vào số lượng token nắm dữ trong mạng sẽ tương đương với phần trăm xác suất tạo đc ra block tiếp theo cơ chế tính của hệ thống PoWeight kèm với một vài giá trị khác được sử dụng.
- Một số dự án tiêu biểu sử dụng thuật toán PoWeight là: Algorand (ALGO), Filecoin (FIL),…
7. Proof of History (PoH):
- Proof of History là thuật toán đồng thuận xác minh thứ tự và thời gian giữa các giao dịch. Cơ chế này được xây dựng để giải quyết vấn đề về thời gian trong các mạng phi tập trung ở nơi không có cùng mốc thời gian.
- Dự án tiêu biểu sử dụng thuật toán PoH là: Solana (SOL),…
8. Proof of Reputation (PoR):
- Proof of Reputation là cơ chế đồng thuận dựa vào uy tín của các bên tham gia để giữ cho mạng an toàn. Một bên tham gia xác thực block phải đủ uy tín, để nếu họ cố tình gian lận thì uy tín của họ sẽ bị ảnh hưởng.
- Đây là khái niệm tương đối trừu tượng vì hầu hết các công ty tham gia vào hệ thống nếu gian lận sẽ bị ảnh hưởng đến danh tiếng, những công ty lớn sẽ thiệt hại nhiều hơn.
- Một số dự án tiêu biểu sử dụng thuật toán PoR là: GoChain Coin (GO),…
Ứng dụng Blockchain trong thực tiễn
Với các đặc tính kể trên, hiện nay chúng ta có thể ứng dụng Blockchain vào nhiều lĩnh vực khác nhau như:
Ứng dụng trong sản xuất
Khi ứng dụng Blockchain vào sản xuất, Blockchain sẽ thay thế các thiết bị thông minh để cấp quyền quản lý hiệu quả, bao gồm: dõi quá trình tạo ra sản phẩm, quản lý thông tin giao dịch, chất lượng sản phẩm, vận chuyển và phân phối nó tới tay người dùng cuối,… nhằm gia tăng đáng kể năng suất cho các quy trình quản lý chuỗi công ứng.
Đối với người tiêu dùng, họ có thể truy xuất ngược trở lại về lịch sử hình thành, vận chuyển của sản phẩm, để kiểm tra thông tin sản phẩm đó có phải hàng chính hãng hay không, từ đó tránh được những sản phẩm nhái, hàng giả trên thị trường.
Ứng dụng Blockchain trong thương mại điện tử
Các vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử là tính bảo mật, quản lý chuỗi cung ứng và quá trình vận chuyển hàng hoá đến người tiêu dùng, tạo nên nhiều rào cản giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Tuy nhiên, Blockchain đã giúp giải quyết vấn đề đó bằng các hợp đồng thông minh (smart contract), tạo điều kiện cho các bên ký kết dễ dàng, tiết kiệm được chi phí nhờ lược bỏ được trung gian khi liên kết với các doanh nghiệp đa quốc gia.
Ứng dụng của Blockchain trong y tế
Y tế là một lĩnh vực khá nhạy cảm với các số liệu, khi mà số liệu luôn có khoảng dao động được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Khi ứng dụng Blockchain trong y tế, tất cả các bên được ủy quyền đều có thể truy cập cùng một thông tin chính xác và được xác minh trong vài giây.
Bệnh nhân có quyền kiểm soát dữ liệu của họ mọi lúc và có thể cấp cho người khác quyền truy cập theo yêu cầu, giảm nguy cơ bị lạm dụng và trộm cắp.
Blockchain trong giáo dục
Ứng dụng Blockchain trong giáo dục giúp lưu trữ các dữ liệu về bảng điểm, quá trình đào tạo, kinh nghiệm giảng dạy & lịch sử của từng cá nhân, từ đó sẽ tránh được việc gian lận khi xin cấp học học bổng, thăng chức, hoặc khai gian về trình độ học vấn hay kinh nghiệm làm việc.
Ngoài ra, với tính chất của hợp đồng thông minh, Blockchain còn cho phép tự động thực thi các điều khoản trong quy chế đào tạo và xử lý các trường hợp vi phạm,…
Từ 30/06/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức vận hành Hệ thống Tra cứu thông tin văn bằng chứng chỉ trên Blockchain do TomoChain bàn giao. Đây được xem là cột mốc đánh dấu cho sự công nhận của nhà nước đối với công nghệ Blockchain nói riêng và tiền điện tử nói chung.
Ứng dụng của Blockchain trong nông nghiệp
Hiện nay, vấn đề về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng được đặt lên hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc ứng dụng Blockchain trong nông nghiệp với hệ thống sổ cái phân tán sẽ giúp các nhà bán lẻ và người tiêu dùng lưu trữ các thông tin giao dịch, quá trình lưu chuyển của sản phẩm từ nơi sản xuất đến các nhà bán lẻ và người dùng cuối.
Bên cạnh đó, các dữ liệu trong suốt quá trình sản xuất và bán hàng cũng được lưu trữ và cập nhật liên tục trong Blockchain như quản lý chất lượng, quản lý tài chính, quản lý giá cả,… Điều này giúp tăng tính minh bạch của sản phẩm và tạo được lòng tin của người tiêu dùng
Ứng dụng Blockchain trong Ngân hàng & thanh toán
Như mình đã đề cập ở đầu bài viết, nhược điểm lớn nhất khi giao dịch trên ngân hàng là nguy cơ dữ liệu bị đe dọa, phí giao dịch và tồn tại trung gian thứ 3. Tính bảo mật và hợp đồng thông minh của Blockchain sẽ giúp bỏ qua trung gian thứ 3 và hạn chế các rủi ro về bảo mật cho khách hàng.
Người ta có thể truy cập và chuyển coin cho nhau ở bất kỳ đâu trên thế giới và với tốc độ tương đối nhanh và chi phí thấp. Việc này giúp cho người dân ở các quốc gia không có điều kiện tiếp cận với hệ thống ngân hàng cũng có thể giao dịch, chuyển tiền cho nhau.
Ngoài ra, Blockchain còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác như: IoT – Internet of Things, Decentralized Storage, Từ thiện, Giải trí,… Anh em có thể tìm hiểu thêm dưới đây:
Các phiên bản công nghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain trải qua 4 giai đoạn như hình dưới đây:
Công nghệ Blockchain 1.0 – Tiền tệ
Đây là phiên bản đầu tiên của công nghệ blockchain. Nhờ áp dụng công nghệ sổ cái phân tán phi tập trung (Distributed Ledger Technology) mà các giao dịch được diễn ra trên Blockchain được xử lí nhanh chóng và minh bạch.
Ví dụ tiêu biểu cho phiên bản Blockchain 1.0 là Bitcoin, đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới và đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường Crypto.
Công nghệ Blockchain 2.0 – Hợp đồng thông minh
Đây là phiên bản thứ 2 của công nghệ blockchain. Với hợp đồng thông minh (hay Smart Contract), giao dịch trên Blockchain sẽ được giảm mạnh các chi phí xác thực, chống gian lận, vận hành, đồng thời tăng tính minh bạch.
Phiên bản này loại bỏ hoàn toàn các yếu tố cảm tính hay đạo đức thường gặp khi làm việc với con người, ví dụ điển hình là Ethereum.
Công nghệ Blockchain 3.0 – Ứng dụng phi tập trung
Ứng dụng phi tập trung (DApp – Decentralized Application) là các phần mềm được triển khai độc lập, không nằm trên một máy chủ duy nhất mà lưu trữ một cách phân tán trên các kho lưu trữ phi tập trung và có thể được viết bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.
Hầu hết mã nguồn của Dapp đều chạy trên các mạng lưới ngang hàng (Peer-to-Peer), điều này ngược lại so với các ứng dụng truyền thống và chỉ chạy trên một hệ thống tập trung duy nhất.
Công nghệ Blockchain 4.0 – Ứng dụng vào thực tiễn
Công nghệ Blockchain 4.0 là phiên bản Blockchain mới nhất hiện nay. Phiên bản này sẽ áp dụng tất cả những ứng dụng từ phiên 1 đến 3 vào quá trình kinh doanh sản xuất trong thực tiễn. Mình sẽ nói chi tiết hơn về các ứng dụng của công nghệ Blockchain 4.0 vào cuộc sống ở phần dưới.
Ví Blockchain là gì?
Ví Blockchain là một ví online để lưu trữ tiền điện tử (crypto) được phát triển bởi công ty phát triển phần mềm có trụ sở tại Luxembourg. Anh em có thể đăng ký và sử dụng ví tại: www.blockchain.com/wallet
Ưu Điểm:
- Giao diện và màu sắc đơn giản, dễ nhìn, dễ sử dụng.
- Tính bảo mật cao khi cho người dùng tự nắm giữ Private Key (khóa cá nhân).
- Độ uy tín cao.
Nhược Điểm:
- Thời gian tải trang khi sử dụng trên web khá lâu, mất khoảng 2-3 giây để có thể hiển thị đầy đủ sau khi đăng nhập.
- Hỗ trợ chưa nhiều coin.
Cơ hội đầu tư với Blockchain
Năm 2021 là sự bùng nổ của rất nhiều blockchain. Nếu từ 2020 trở về trước, người dùng chỉ nghe đến Ethereum là chủ yếu, thì với 2021 đã có rất nhiều cái tên tiềm năng như Solana, Terra, Near, Binance Smart Chain,…
Đặc điểm của các blockchain này chủ yếu tập trung vào 3 phần: Phí giao dịch, tốc độ giao dịch, bảo mật. Do các blockchain này được sinh ra sau Ethereum, nên những hạn chế của Ethereum như phí giao dịch cao, khả năng mở rộng kém đều được giải quyết.
Do đó, việc đầu tư vào blockchain hiện tại khá nổi bật với việc đầu tư vào chính đồng coin của blockchain, sau đó là đến DeFi.
Dành cho anh em chưa rõ về DeFi là gì, thì DeFi là viết tắt của Decentralized Finance hay tài chính phi tập trung, đây được xem là một nền tài chính mở mà trong đó, các tổ chức, thị trường hay các công cụ tài chính được quản lý phi tập trung và không qua một bên thứ 3 trung gian nào cả.
DeFi trong bài này có thể hiểu là một hệ sinh thái của blockchain. Nếu hệ sinh thái đó đi lên, thì cũng như câu “nước lên thuyền lên”, gần như tất cả các dApp, Protocol trên đó đều phát triển. Nên việc đầu tư có thể dựa trên xu hướng blockchain nào đang và sẽ phát triển.
Ví dụ, Polygon vào tháng 1-2 đã có sự tăng trưởng cực mạnh, kèm theo đó là AMM QuickSwap có mức tăng trưởng token QUICK lên đến ~ x1,000 lần, nếu tính từ đáy.
Lời kết
Vậy là anh em có thể hiểu Blockchain là gì và toàn bộ những kiến thức cần thiết nhất cũng như tiềm năng của công nghệ blockchain, bây giờ anh em có thể tự tin tìm hiểu thêm thông tin khác liên quan đến các loại tài sản crypto mà anh em đã, đang và sắp đầu tư.
Nguồn: coin98.net