Lĩnh vực Blockchain ngày càng được khám phá bởi nhiều thành phần xã hội hơn, và các thể chế tập quyền truyền thống như ngân hàng và chính quyền cũng bắt đầu thể hiện sự hứng thú của mình trước những tiềm năng mà công nghệ này có thể mang lại.
Nhưng bên cạnh đó, một thuật ngữ khác cũng dần xuất hiện phổ biến hơn trong phân khúc tiền điện tử: công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger), thường được mọi người gọi với cái tên DLT. Và có phần mỉa mai thay, chính những tổ chức mà Bitcoin cùng Blockchain ra đời để thay thế – như là các ngân hàng, chính quyền và tập đoàn lớn – mới là những đơn vị đang sử dụng DLT nhiều nhất.
Ngân hàng Anh Quốc gần đây có thông báo là họ đang muốn thổi một làn gió mới vào Hệ thống Thanh toán thời gian thực (RTGS) của mình, nhờ việc kết hợp cả Blockchain lẫn công nghệ sổ cái phân tán. Rõ ràng là hai khái niệm trên không thể thay thế cho nhau được, và trong những trường hợp như thế này, điều quan trọng là cần phải nhìn thấy được điểm khác biệt giữa chúng. Hãy cùng đi sâu hơn nào.
Công nghệ sổ cái phân tán
Công nghệ sổ cái phân tán, gọi tắt là DLT (Distributed Ledger Technology), đúng với tên gọi của mình, là một tập hợp các cơ sở dữ liệu mà không được lưu trữ hay xác nhận bởi bất kì một bộ máy trung ương nào hết. Nghe qua thì có vẻ khá giống với Blockchain phải không nhỉ? Sai rồi.
Đối với DLT, người tích hợp nó có quyền kiểm soát lớn hơn đối với cách thức nó được tích hợp. Về nguyên tắc, họ vẫn có thể độc quyết cơ cấu, mục đích và quá trình vận hành mạng lưới sử dụng dịch vụ của họ. Mọi thứ đến đây bất chợt chẳng còn phân quyền chút nào nữa, đúng không?
Tuy vậy, DLT về bản chất công nghệ thì vẫn phân quyền và vẫn có nguyên tắc đồng thuận tương tự như Blockhain.
Sổ cái phân tán có được được xem như là bước đầu tiên để tiến lên Blockchain, nhưng điều quan trọng là nó không được tạo nên bởi một chuỗi các block. Thay vào đó, chiếc sổ cái sẽ được lưu trữ trên nhiều server khác nhau, kế đến sẽ liên lạc lẫn nhau để bảo đảm duy trì dữ liệu giao dịch mới nhất và cập nhật chính xác nhất.
Một số các công ty đang ưa thích DLT hơn Blockchain bao gồm Google, thông qua nỗ lực hợp tác gần đây với Digital Asset để đưa bộ công cụ phát triển lên cho người dùng nền tảng Google Cloud. Còn Volkswagen thì gọi cái bắt tay giữa mình với IOTA là nhằm để thử nghiệm “công nghệ sổ cái phân tán”.
Công nghệ Blockchain
Kế đến, chúng ta có Blockchain. Blockchain thật ra chỉ là một dạng sổ cái phân tán với một mục đích công nghệ cụ thể đằng sau. Như chúng ta đều biết, nó nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu bất biến được duy trì bởi một mạng lưới phân quyền, nơi tất cả các bản sao lưu phải được chấp nhận thông qua cơ chế đồng thuận.
Việc có chữ ký mã hoá và kết nối các nhóm dữ liệu trong sổ cái lại với nhau để tạo thành một chuỗi chính là điểm làm Blockchain khác biệt với DLT. Đồn thời, dựa vào ứng dụng cụ thể của Blockchain, người dùng và cộng đồng có thể có tiếng nói trong quá trình vận hành và xây dựng chuỗi khối.
Một ví dụ thực tiễn nhất cho Blockchain và mức độ phi tập trung chính là Bitcoin. Không chỉ công nghệ và kết cấu của nó được phân quyền, mà tổ chức và quá trình phát triển đằng sau nó cũng được giữ như vậy. Còn đối với DLT, công nghệ thì phân quyền, nhưng tổ chức quản lý thì lại phụ thuộc vào những yếu tố khác.
DLT và Blockchain không phải cùng một thứ
Kết luận then chốt rút ra ở đây là hai thuật ngữ và khái niệm ở trên không thể mang ra thay thế cho nhau được, kể cả khi chúng được dùng vì mục đích như vậy. Các thể chế như Ngân hàng Anh Quốc có thể sẽ chọn sử dụng từ “DLT” để cách xa mình khỏi cơn sốt và sự biến động xoay quanh lĩnh vực Blockchain. Hoặc có thể cùng một lí do tương tự, một công ty có thể sẽ viết từ “Blockchain” vào thông báo hợp tác của mình để tận dụng sự hứng thú của thời đại dành cho loại công nghệ mới ấy, cho dù thứ họ đang chào mời không thật sự đáp ứng đủ tiêu chí để được xem như là một Blockchain.
Nguồn: cryptoviet.com