Tin nóng ⇢

Đọc vị Web3:”Black Mirro” phiên bản đời thật?

Web3 vẫn còn là một thuật ngưc mơ hồ và khó hiểu đối với nhiều người dùng Crypto. Bạn không biết ứng dụng thực sự của web3 là gì, sản phẩm và cơ hội đầu tư của web3 ở đâu, các nhà quản lý và KOLs nói gì về web3 và thế giới sẽ ra sao khi chúng ta bị lệ thuộc vào web3… Tất cả sẽ được giải đáp thông qua 12 câu hỏi thú vị dưới đây!

Trong một tập phim thuộc series “Black Mirror” nổi tiếng, con người có một hồ sơ vĩnh viễn về cuộc sống trên mạng của họ. Và những hồ sơ này chính là cơ sở để người khác tra cứu và quyết định xem họ có muốn thuê, có tin tưởng để giao nhiệm vụ hoặc thậm chí hẹn hò với người này hay không.

Web3 với khái niệm “danh tính phi tập trung” đang biến viễn cảnh trong bộ phim này thành hiện thực. Cụ thể, trong tương lai, tất cả chúng ta đều có thể có một loại điểm dựa trên danh tiếng. Số điểm này được tính dựa trên blockchain về công việc chúng ta đã làm, sự kiện chúng ta đã tham dự và dự án chúng ta đã đóng góp.

Thế giới này nghe có vẻ đáng sợ. Liệu Web3 có phải chỉ toàn “màu đen” như vậy không?

Web3 = web1 + web2 + mạng phi tập trung +…?

1. Tại sao đột nhiên người ta lại nói nhiều về web3 như vậy?

Một phần lý do đến từ sự pha trộn của những cơn “hype”, FOMO và marketing. Nhưng sự bùng nổ của web3 cũng phản ánh lượng vốn, tài năng và năng lượng đổ vào các công ty khởi nghiệp tiền điện tử. 

Chỉ trong năm 2021, các công ty đầu tư mạo hiểm đã đổ hơn 27 tỷ USD vào các dự án liên quan đến tiền điện tử  — nhiều hơn 10 năm trước cộng lại. Và phần lớn số vốn đó đã được chuyển cho các dự án web3. Một số công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Twitter và Reddit, cũng đã bắt đầu thử nghiệm các dự án web3 của riêng mình.

2. Chính xác web3 là gì?

Web3 là tên mà một số nhà công nghệ đặt cho ý tưởng về một loại dịch vụ internet mới. Nó được xây dựng dựa vào các blockchain phi tập trung — hệ thống sổ cái chia sẻ mà các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ether đang sử dụng.

coin98

Thuật ngữ này đã xuất hiện vài năm trước, nhưng mới trở nên thịnh hành khoảng một năm trở lại đây. Packy McCormick, nhà đầu tư giúp phổ biến web3, định nghĩa nó là: “Internet thuộc sở hữu của những người xây dựng (builder) và người dùng, được điều phối bằng token”.

Những người ủng hộ giải thích rằng web3 có nhiều hình thức: mạng xã hội phi tập trung, game “play-to-earn” thưởng token cho người chơi, và nền tảng NFT cho phép mọi người mua và bán các sản phẩm của văn hóa kỹ thuật số. Những người lý tưởng hơn nói rằng web3 sẽ biến đổi internet, vượt qua những “người gác cổng” truyền thống và mở ra nền kinh tế kỹ thuật số mới, không có trung gian.

Nhưng một số nhà phê bình tin rằng web3 chỉ là một nỗ lực “khoác áo mới” cho tiền điện tử, với mục đích loại bỏ một số vấn đề chính trị và văn hóa trong lĩnh vực này và thuyết phục mọi người rằng blockchain là giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên của điện toán. Trong khi những người khác nghĩ nó là một tầm nhìn lạc hậu về thế giới internet trả tiền để chơi (pay-to-play), trong đó mọi hoạt động và tương tác xã hội trở thành công cụ tài chính để mua và bán.

3. Vậy thế hệ web1 và web2 thì sao?

Theo cách nói truyền thống, web1 đề cập đến internet của những năm 1990 và đầu những năm 2000. Đó là mạng internet của blog, diễn đàn trực tuyến và các cổng thông tin sơ khai. Hầu hết những thứ mọi người làm trên web1 là đọc các trang web tĩnh một cách thụ động và phần lớn trang web đó được xây dựng trên “các giao thức mở” như HTTP, SMTP và FTP. (Giao thức mở là một phần của cơ sở hạ tầng web không thuộc sở hữu của một công ty duy nhất.)

Tiếp tục, web2 là giai đoạn tiếp theo của internet, bắt đầu từ khoảng năm 2005 — giai đoạn bùng nổ các mạng xã hội khổng lồ như Facebook, Twitter và YouTube. Trong web2, mọi người đăng nội dung do chính mình tạo ra và tích cực tham gia vào internet chứ không chỉ đọc mọi thứ một cách thụ động. Nhưng hầu hết hoạt động này bị các công ty lớn kiểm soát và họ kiếm tiền từ đó.

youtube web3

Người ta cho rằng web3 sẽ thay thế các nền tảng tập trung thuộc các tập đoàn lớn bằng các giao thức mở và mạng phi tập trung, do cộng đồng điều hành, kết hợp cơ sở hạ tầng mở của web1 với sự tham gia của công chúng từ web2.

Web3 = Sản phẩm = Cơ hội đầu tư

4. Sứ mệnh của Web3?

Cụ thể theo những người ủng hộ, sứ mệnh của web3 sẽ được hiện thực hoá như thế nào?

Những người ủng hộ web3 lập luận rằng internet dựa trên blockchain sẽ cải thiện internet hiện tại theo một số cách.

Trước tiên, nền tảng web3 có thể giúp người sáng tạo và người dùng kiếm tiền từ những hoạt động và đóng góp của mình – theo cách mà các nền tảng lớn ngày nay thực sự không làm được.

Ví dụ, hiện tại Facebook kiếm tiền bằng cách tổng hợp dữ liệu người dùng và bán cho các bên quảng cáo. Phiên bản web3 của Facebook có thể cho phép người dùng kiếm tiền từ dữ liệu của chính họ hoặc khi đăng nội dung thú vị, thậm chí họ có thể được “tip” tiền điện tử từ những người dùng khác. 

Spotify web3 có thể cho phép người hâm mộ mua “cổ phần” của những nghệ sĩ triển vọng, trở thành người bảo trợ của nghệ sĩ để đổi lấy phần trăm tiền bản quyền phát nhạc trực tuyến của họ. Các tài xế trên một mạng lưới có thể sở hữu một web3 Grab.

Nhà báo Matt Levine đã nói như thế này: “Web3 là sản phẩm nhưng đồng thời là cơ hội đầu tư”.

coin web3

Thứ hai, những người ủng hộ cho rằng các nền tảng web3 có thể được quản lý một cách dân chủ theo cách mà các nền tảng web2 không thể.

Những người khổng lồ trên internet như Facebook và Twitter về cơ bản là các chế độ chuyên quyền. Họ có thể lấy tên người dùng, cấm tài khoản hoặc thay đổi quy tắc tùy ý. Trong khi đó, một mạng xã hội dựa trên blockchain có thể ủy quyền những quyết định đó cho người dùng để họ bỏ phiếu về cách xử lý chúng.

Thứ ba, những ý kiến ủng hộ cho rằng, so với web2, web3 sẽ ít phụ thuộc hơn vào các mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo. Kết quả, mọi người sẽ có nhiều quyền riêng tư hơn, ít bị theo dõi hơn, ít bị các quảng cáo làm phiền hơn và có ít công ty khổng lồ thu thập dữ liệu cá nhân của họ hơn.

5. Ví dụ cụ thể về web3

Bạn có thể cho một ví dụ cụ thể về web3 đang tồn tại?

Một ví dụ điển hình của web3 là trò chơi Axie Infinity, sử dụng NFT và tiền điện tử dựa trên Ethereum để thưởng tiền thật cho người chơi khi họ hoàn thành các mục tiêu trong trò chơi.

Trong game, người chơi có thể “lai tạo” các nhân vật được gọi là Axies và sử dụng chúng trong các trận chiến đấu lại người chơi khác. Họ cũng có thể thu thập đất ảo, dưới dạng NFT và kiếm một loại tiền kỹ thuật số gọi là SLP có thể được giao dịch trên sàn giao dịch tiền điện tử. 

Nhưng việc trò chơi phụ thuộc vào tiền điện tử khiến nó không ổn định và người chơi có thể mất tiền nếu giá trị token giảm xuống – điều đã từng xảy ra.

Nhưng có còn hơn không! Những người ủng hộ web3 tranh luận rằng nếu bạn dành nhiều giờ trong ngày để chơi game, thì ít nhất bạn cũng nên có cơ hội được trả tiền để chơi trò chơi đó.

word image axies

6. Ví dụ web3 mà không phải là game?

Còn ví dụ nào khác về web3 nhưng không liên quan đến game?

Helium có thể là một ví dụ tốt. Về cơ bản đây là một mạng không dây có nguồn lực từ cộng đồng, được vận hành bởi tiền điện tử. 

Mọi người có thể đăng ký chia sẻ băng thông từ mạng Wi-Fi gia đình hoặc văn phòng của họ với mạng Helium, bằng cách sử dụng một loại thiết bị đặc biệt cắm vào máy tính hoặc bộ định tuyến. Đổi lại, họ được thưởng token Helium khi các thiết bị lân cận sử dụng băng thông của họ. 

Nếu điểm phát sóng của họ càng được sử dụng thường xuyên, họ càng nhận được nhiều token. Mạng Helium hiện có hơn 500,000 điểm phát sóng đang hoạt động, nhiều điểm trong số đó cung cấp năng lượng cho các thiết bị được kết nối như máy thu tiền đỗ xe và xe máy điện.

Bạn có thể xây dựng một mạng tương tự không liên quan đến tiền điện tử bằng cách đến gõ cửa từng nhà, cố gắng thuyết phục mọi người chia sẻ một phần nhỏ băng thông internet của họ với các thiết bị lân cận. Hoặc, nếu bạn là một công ty viễn thông lớn, bạn có thể chi hàng tỷ USD để tự xây dựng một mạng lưới như vậy. 

Nhưng Helium đã xây dựng một mạng lưới mà không cần chi trước một khoản tiền khổng lồ – bằng cách cho phép mọi người kiếm token khi thêm phạm vi phủ sóng mới vào mạng. Những người sáng lập dự án này đã sử dụng hiệu quả sự phổ biến của tiền điện tử để tài trợ cho thứ họ muốn xây dựng.

helium hnt

Thế giới nơi thông tin tồn tại vĩnh viễn

7. Sự hấp dẫn của web3?

Vậy là web3 hấp dẫn một phần nhờ vào việc khuyến khích mọi người làm những việc mà bình thường họ có thể không làm – như chơi game hoặc chia sẻ Wi-Fi với người lạ?

Những ví dụ này chỉ là điểm khởi đầu. Đi sâu vào vùng đất lý thuyết, một số người tin rằng web3 có thể trở thành trụ cột của một xã hội mới được token hóa.

“Trong tương lai không xa, web3 sẽ chứa các tổ chức tài chính, tương tác xã hội, danh tính cá nhân của chúng ta và nhiều hơn nữa”, nhà đầu tư tiền điện tử Lior Messika nói.

Trong cộng đồng hâm mộ web3 đã có nhiều lời bàn tán về “danh tính phi tập trung”. Khái niệm này nói rằng, trong tương lai, tất cả chúng ta đều có thể có một loại điểm dựa trên danh tiếng. Số điểm này được tính dựa trên blockchain về công việc chúng ta đã làm, sự kiện chúng ta đã tham dự và dự án chúng ta đã đóng góp.

Về cơ bản, những hồ sơ này sẽ trở thành hồ sơ vĩnh viễn về cuộc sống trên mạng của chúng ta. Và những người khác có thể tra cứu chúng để quyết định xem họ có muốn thuê, có tin tưởng để giao nhiệm vụ hoặc thậm chí hẹn hò với chúng ta hay không.

8. Vậy web3 sẽ diễn ra như tập phim “Nosedive” trong series “Black Mirror”?

Nghe đáng sợ quá. Không phải trong series “Black Mirror” cũng có một tập phim tương tự như vậy ư?

Đúng vậy. Tính vĩnh viễn của web3, cộng với sự phụ thuộc của nó vào thị trường tiền điện tử biến động, là một phần lý do khiến tầm nhìn lớn lao của nó bị vấp phải rất nhiều sự phản kháng.

Ví dụ, nhà văn kiêm nhà công nghệ Robin Sloan nói rằng khả năng xóa bỏ mọi thứ – “một hoạt động về cơ bản là trái ngược với web3,” – thực sự là một tính năng đáng mong đợi của dịch vụ internet.

Stephen Diehl, một lập trình viên máy tính và là người không ủng hộ tiền điện tử, thậm chí còn đi xa hơn khi gọi web3 là công cụ “siêu tài chính hóa tất cả sự tồn tại của con người”.

black mirror

9. Web3 còn bị phản đối về mặt nào nữa không?

Một số người hoài nghi nghĩ, từ góc độ kỹ thuật, web3 đơn giản là không có ý nghĩa. 

Họ chỉ ra rằng các blockchain chậm hơn và kém khả năng hơn đáng kể so với cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn. Thậm chí các blockchain phổ biến nhất hiện nay cũng không thể xử lý lượng dữ liệu mà Grab, Facebook hoặc YouTube sử dụng hàng ngày. Họ lập luận rằng để các dịch vụ web3 có thể đáp ứng nhu cầu người dùng, bạn phải xây dựng các dịch vụ tập trung ở trên chúng – mà điều này lật đổ toàn bộ ý tưởng hay ho của web3.

Cũng có ý kiến cho rằng web3 là “lời đãi bôi” của các nhà đầu tư giàu có để đi đến thế giới phi tập trung. Trong khi sự thực thì họ đang xây dựng các dịch vụ mới, tập trung mà họ nắm quyền kiểm soát – thực tế là biến họ trở thành người trung gian mới.

Web3 – bình mới rượu cũ?

10. Web3 bị phản đối?

Đây có phải là vấn đề mà Jack Dorsey – cựu CEO của Twitter – đang phản đối trên Twitter không?

Đúng. Dorsey là fan hâm mộ lớn của Bitcoin, anh ấy tin rằng nó sẽ thay thế đồng USD và mở ra hòa bình thế giới. Và giống như nhiều người hâm mộ Bitcoin, anh nghi ngờ các loại tiền điện tử khác, bao gồm Ethereum – blockchain mà hầu hết hệ sinh thái web3 chạy trên đó.

Trong một loạt tweet vào tháng 12 năm ngoái, anh ấy đã chỉ trích web3, nói rằng nó về cuối cùng “là một thực thể tập trung với một cái tên khác”. Anh cũng chụp ảnh Andreessen Horowitz, một công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng chi tiền mạnh vào các dự án web3, ngụ ý rằng tầm nhìn của họ về web3 sẽ là giành quyền kiểm soát của người dùng và đặt nó vào tay các nhà đầu tư giàu có và nền tảng công nghệ tập trung. 

dorsey banned

11. Các nhà quản lý nói gì về web3?

Cho đến nay họ không có nhiều ý kiến về web3, mặc dù chủ đề này đã được đưa ra trong một phiên điều trần quốc hội Mỹ gần đây.

Nhưng một khi các cơ quan quản lý bắt đầu nghiêm túc chú ý, web3 có thể gặp phải một số trở ngại. Một vấn đề lớn có thể xảy ra là các token – vốn rất quan trọng đối với nhiều ứng dụng web3 – hiện đang tồn tại ở vùng xám trong luật pháp.

Một số nhà quản lý ở Mỹ, bao gồm Gary Gensler, giám đốc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, đã lập luận rằng nhiều token là chứng khoán chưa đăng ký và các nền tảng cung cấp token phải tuân theo các quy tắc giống như các công ty phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Các công ty tiền điện tử phản đối rằng token nên được coi như một loại tài sản mới, không bị điều chỉnh bởi luật chứng khoán hiện hành. Nhưng không rõ liệu họ có thắng trong cuộc tranh luận này hay không. Và nếu các công ty khởi nghiệp web3 của Mỹ được yêu cầu coi token của mình là chứng khoán, thì nhiều dự án có thể phải đóng cửa, thay đổi sản phẩm hoặc chuyển đến một quốc gia khác.

12. Web3 có liên quan đến metaverse không?

Metaverse là thuật ngữ hiện tại người ta đang sử dụng để chỉ thế giới kỹ thuật số sống động, trong đó người dùng có thể giao lưu, chơi trò chơi, tham gia các cuộc họp và thực hiện các hoạt động khác cùng nhau. Đó cũng là tầm nhìn mà Mark Zuckerberg đã vạch ra khi anh thông báo Facebook đổi tên thành Meta.

Và một số người ủng hộ tiền điện tử tin rằng web3 là một phần thiết yếu của metaverse, bởi vì nó sẽ cho phép tạo ra các metavere không bị một công ty duy nhất kiểm soát hay bị chi phối bởi một bộ quy tắc duy nhất.

metaverse

Nhiều đối tượng trong metaverse cũng có thể là token nếu những người xây dựng web3 muốn. Hình đại diện metaverse của bạn có thể là NFT. Ngôi nhà metaverse của bạn có thể đi kèm với token quản trị hoặc là điều kiện để bạn tham gia DAO khu vực lân cận. Khoản thế chấp trên ngôi nhà đó thậm chí có thể được đóng gói thành một token bảo mật được thế chấp đảm bảo và bán trên một sàn giao dịch phi tập trung.

Thật ra mà nói, hầu hết những thứ này hoàn toàn là lý thuyết, và chưa biết khi nào sẽ trở thành hiện thực. Nhưng trong vài năm tới, web3 là từ bạn sẽ nghe thấy rất nhiều – khi mọi người cố gắng hiểu và chấp nhận những trải nghiệm, nền tảng mới và cơ hội kiếm tiền mà những người đam mê tiền điện tử đang cố gắng tạo ra.

Nguồn: coin98.net

Có thể bạn quan tâm

Mục lục