Các nền tảng thông dụng nhất hiện tại như Ethereum và Bitcoin đều hoạt động riêng lẻ, không có sự liên kết với nhau. Một mặt, điều này là vô cùng quan trọng để gia tăng tính bảo mật của nền tảng, mặt khác, điều này khiến cho khả năng tương tác giữa các mạng lưới bị giới hạn, khiến nhà phát triển và người dùng trên một nền tảng chỉ có thể tương tác với các ứng dụng trên nền tảng đó.
Trong thời gian hiện nay, khi các nền tảng cùng phát triển vô cùng nhanh chóng, mà người dùng và các nhà phát triển không thể đủ sức chạy theo tất cả các nền tảng, thì nhu cầu kết nối giữa các nền tảng là vô cùng lớn.
Khi các giải pháp layer 1 đa nền tảng như Polkadot, Cosmos hay Avalanche lên ngôi, thì cũng là lúc các sản phẩm cầu nối giữa các nền tảng lên ngôi, thu hút được sự chú ý của rất nhiều người dùng.
Anh em hãy cùng mình tìm hiểu về trend cầu nối đa nền tảng này qua bài viết trên blog của MakerDAO trong ngày 19/3 vừa rồi nhé! Trong bài viết, mình sẽ phân tích qua các dự án cầu nối đã triển khai như Ren Protocol, wBTC và sidechain xDAi để anh em dễ hình dung.
Cầu nối giữa các nền tảng là gì?
Cầu nối giữa các nền tảng là các ứng dụng cho phép các mạng lưới blockchain khác nhau tương tác với nhau và tương tác với các sidechain.
Khả năng tương tác này bao gồm chuyển token, dữ liệu, thậm chí cả các hợp đồng thông minh giữa các nền tảng, từ đó cho phép người dùng triển khai các tài sản tiền điện tử trên các nền tảng khác nền tảng gốc, giao dịch và tương tác với chi phí thấp hơn, tốc độ nhanh hơn, và triển khai một dApps trên nhiều nền tảng khác nhau.
Lợi ích của các cầu nối đối với DeFi
Cầu nối là một giải pháp vô cùng thông minh, vừa giải quyết được vấn đề tương tác giữa các nền tảng vừa đảm bảo được sự bảo mật, an toàn của các giao dịch. Từ đó, các cầu nối này mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của DeFi, bao gồm:
- Thế chấp đa chuỗi: Tài sản thế chấp là yếu tố quan trọng nhất của DeFi. Việc tài sản ở mạng lưới này có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp ở mạng lưới khác cho phép người dùng có thể thoải mái sử dụng các ứng dụng DeFi ở các nền tảng khác nhau, đem lại lượng thanh khoản dồi dào hơn rất nhiều ở tất cả các nền tảng.
- Khả năng mở rộng: Các cầu nối giúp các nhà phát triển và người dùng có thể giải quyết bài toán về khả năng mở rộng một cách trọn vẹn, bởi họ không cần phải rời bỏ nền tảng cũ, rời bỏ hiệu ứng mạng lưới vốn đang rất mạnh bên nền tảng gốc mà vẫn tương tác được với nền tảng mới.
- Tính hiệu quả: Các tài sản được sử dụng hiệu quả hơn bởi các giao dịch không phải chịu chi phí cao và tốc độ giao dịch chậm – vấn đề rất lớn của nền tảng Ethereum hiện tại.
Cơ chế hoạt động của cầu nối
Cơ chế khóa và tạo token mới
Hầu hết, các cầu nối đều hoạt động theo cơ chế khóa và tạo ra các tài sản mới có giá trị tương đương. Khi một người dùng chuyển token từ một blockchain sang một blockchain khác bằng cầu nối phi tập trung, các tài sản đó thực chất không bị chuyển đi đâu cả.
Thay vào đó, chúng bị khóa lại trên nền tảng gốc, và sau đó, trên nền tảng được chuyển tới, giao thức của cầu nối sẽ tạo ra một lượng token tương đương, với giá trị tương đương. Nếu người dùng muốn chuyển lượng token đó quay ngược lại nền tảng gốc, lượng token trên nền tảng mới sẽ bị đốt, và mở khóa token trên nền tảng gốc.
Ren Protocol là ví dụ tiêu biểu nhất của giao thức cầu nối phi tập trung. Hệ thống máy ảo Ren RVM được hỗ trợ bởi một hệ thống mạng lưới lớn, cho phép người dùng có thể chuyển các token từ nền tảng này sang nền tảng khác mà không cần qua các bên thứ ba. Hiện tại, Ren Protocol đang hỗ trợ mọi người tương tác với các token BTC, BCH, ZEC và DOGE trên nền tảng Ethereum và Binance Smart Chain.
Cơ chế dựa trên niềm tin
Đây không phải là giao thức phi tập trung, mà là giải pháp tập trung dựa vào sự hoạt động của các tổ chức, công ty.
Giả sử, anh em chuyển một lượng 10 BTC cho BitGo, bên này sẽ phát hành cho anh em một lượng wBTC tương tự trên nền tảng Ethereum, và wBTC được đảm bảo giá trị bằng các đồng BTC, vì thế nên tỉ lệ giá trị giữa hai đồng này là 1:1. Và bởi wBTC thuộc mạng lưới ERC20, nên có thể được sử dụng vào các dApps như MakerDAO, Compound, Aave, Uniswap,…
Anh em có thể hiểu một cách đơn giản, dạng cầu nối này hoạt động y như cách phát hành USDT của công ty Tether – anh em phải nạp một lượng USD tương tự cho công ty đó để họ phát hành USDT cho anh em.
Giải pháp này tuy phổ biến nhưng lại gặp vấn đề về độ tập trung – tức là nếu công ty phát hành không thực sự nắm giữ token anh em chuyển vào, mà dùng token đó đi đầu tư và có khả năng thua lỗ, anh em sẽ không thể chuyển ngược lại lượng token đó về nền tảng gốc, và các token wBTC sẽ trở thành không có giá trị.
wBTC chỉ là một ví dụ cho giải pháp này, ngoài ra có thể kể đến các đồng khác, như imBTC, HBTC,…
Cầu nối tới Sidechain
Các cầu nối hoạt động theo cơ chế này kết nối các blockchain gốc với các chain phụ. Sidechain đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề mở rộng của Ethereum 2.0. Vitalik Buterin tin rằng, giải pháp này sẽ gia tăng tốc độ giao dịch và giảm thiểu chi phí gấp 100 lần so với hiện tại trong thời gian tới.
Một trong các ứng dụng nổi tiếng sử dụng dạng cầu nối này là Axis Infinity. Game này đã tạo ra một chain phụ tên là Ronin, cho phép game hoạt động ngoài mainnet của mạng lưới Ethereum. Cầu nối giữa Ronin và Ethereum cho phép người dùng có thể chuyển các token ERC20, ETH và các NFT dạng ERC721 vào giao thức cầu nối, và các validator hoạt động trong cầu nối này sẽ xác nhận giao dịch, rồi chuyển token tới sidechain.
Một ví dụ thông dụng khác là xDai, cũng là một sidechain của Ethereum hoạt động qua một mạng lưới validator đông đảo, từ đó cho phép các token được lưu chuyển từ mạng lưới Ethereum gốc sang sidechain và ngược lại.
Lời kết
Theo ý kiến cá nhân của mình, việc phát triển các cầu nối giữa các nền tảng là điều chắc chắn phải xảy ra, bởi những tiện ích mà nó mang lại cho cả người dùng và nhà phát triển.
Khi hiệu ứng mạng lưới (network effect) của Ethereum đã quá mạnh mẽ (với lượng nhà phát triển và người dùng trung thành vô cùng đông đảo), để các nền tảng khác có thể cạnh tranh với Ethereum, họ phải triển khai các cầu nối để có thể thu hút người dùng và nhà phát triển.
Bởi vậy, khi nhìn vào một hệ sinh thái, để đánh giá họ có làm tốt trong việc thu hút nhà phát triển và người dùng hay không, thử sử dụng các sản phẩm cầu nối và xem cách họ triển khai cầu nối là một trong những cách mình hay dùng để đánh giá tiềm năng hệ sinh thái đó. Nếu cầu nối hoạt động kém, không được vá lỗi, nâng cấp, thì thực sự rất khó để hệ sinh thái đó có thể phát triển rộng rãi.
Anh em có suy nghĩ gì về sự phát triển của các ứng dụng cầu nối này? Hãy thảo luận và comment ở dưới bài viết nhé!
Theo C98