Tin nóng ⇢

3 phương pháp định giá trong thị trường Crypto

3 cách định giá trong tài chính truyền thông

Tài chính truyền thống bắt đầu từ hàng trăm năm trước và trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư đã phát triển ra nhiều cách định giá. 

Ở phần này chúng ta sẽ tìm hiểu về 3 phương pháp định giá phổ biến trong tài chính truyền thống và sau đó áp dụng nó vào thị trường Crypto ở phần sau.

3 phương pháp được nhiều nhà đầu tư sử dụng nhất:

  • Phương pháp chiết khấu dòng tiền.
  • Phương pháp định giá theo bội số.
  • Phương pháp định giá theo tài sản.
cách định giá 1 dự án

Phương pháp chiết khấu dòng tiền 

Phương pháp chiết khấu dòng tiền là phương pháp sử dụng khái niệm về giá trị thời gian của dòng tiền, bằng cách ước tính tất cả các dòng tiền trong tương lai và chiết khấu về hiện tại. Từ đó ước tính được tổng số tiền mà chủ sở hữu công ty nhận được, đem chia cho số cổ phiếu phổ thông, ta sẽ được giá của cổ phiếu.

Phương pháp này dựa trên 1 tư duy đầu tư cơ bản: Khi tôi bỏ ra A đồng vào công ty X thì thu về được B đồng trong tương lai, ứng với C đồng ở hiện tại, vậy tôi có nên đầu tư vào X?

phương pháp chiết khấu dòng tiền dcf

Nguồn: Investopedia

Ưu điểm : 

  • Dựa trên những khái niệm và lí thuyết tài chính cơ bản.
  • Được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng phân tích, cũng như có thể ứng dụng trong nhiều loại hình công ty.

Nhược điểm:

  • Các dữ liệu đầu vào để ước tính dòng tiền trong tương lai chỉ là mang tính tương đối, khó có thể chính xác tuyệt đối.

Phương pháp định giá theo bội số P/E

Tỷ số P/E là mối quan hệ tỷ lệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) so với thu nhập một cổ phần (EPS – Earn Per Shared). Nó phản ánh: để có được 1 đồng thu nhập từ cổ phiếu, nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền?

Phương pháp định giá theo bội số P/E có nghĩa là sử dụng hệ số P/E của các công ty cùng quy mô, cùng ngành, cùng tốc độ tăng trưởng,… áp dụng vào công ty mà nhà đầu tư muốn định giá.

Về cơ bản, nguyên tắc kinh tế được áp dụng trong phương pháp này là “Luật một giá”, cho rằng, hai tài sản hệt nhau nên được cùng bán ở cùng một mức giá. Và trong trường hợp này, nếu 2 công ty giống nhau, nhà đầu tư cũng nên bỏ ra cùng một số tiền trên 1 đồng thu nhập từ cổ phiếu.

Công thức định giá:

P = EPS x P/E ngành

Trong đó:  

  • P: Giá cổ phiếu
  • EPS: Lãi cơ bản trên 1 cổ phần
  • P/E ngành: Hệ số Giá/Thu nhập của ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động.

Ưu điểm: 

  • Đơn giản và dễ sử dụng vì dữ liệu có sẵn nhiều.
  • Cung cấp thông tin hữu ích về giá trị tương đối và tạo ra một khuôn khổ trong việc đánh giá các công ty trong cùng một ngành.

Nhược điểm :

  • Không thể áp dụng nếu thu nhập của doanh nghiệp âm.
  • Phụ thuộc nhiều vào các công ty được đem ra so sánh. Tuy nhiên khó tìm được các công ty có cùng các tiêu chí như công ty cần định giá. Có thể là cùng trong 1 ngành nhưng có công ty tốt, công ty xấu,…

Ví dụ: 

Công ty Vingroup đang hoạt động với lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 5,000đ – nghĩa là mỗi năm anh em sẽ nhận về 5,000đ/cổ phiếu. Giá của cổ phiếu là 100,000đ. 

Khi đó chỉ số P/E của Vingroup là: 100,000/5,000 = 20. Chỉ số này cho biết nếu Vingroup cứ tiếp tục hoạt động như hiện tại, không thay đổi gì cả, thì 20 năm sau họ sẽ hoàn vốn.

Hiểu một cách đơn giản hơn, anh em bỏ ra 100,000đ để mua cổ phiếu của Vingroup, đó là chi phí ban đầu. Sau đó, mỗi năm anh em thu về 5,000đ  >> Vậy anh em sẽ mất 20 năm để thu hồi lại toàn bộ số vốn. Đó là bản chất của chỉ số P/E.

Bài toán đưa ra: P/E của Vingroup là 20, còn P/E của ngành là 10, vậy Vingroup đang được định giá cao hay thấp?

Áp dụng công thức ở trên: 

P (Vingroup) = EPS * P/E ngành = 5,000*10 = 50,000đ / cp < 100,000đ / cp.

Vậy Vingroup đang được định giá cao so với ngành.

Ngoài chỉ số P/E, phương pháp định giá theo bội số còn có thể áp dụng với nhiều chỉ số khác. Cách tính cũng tương tự như trên.

Phương pháp định giá theo tài sản

Định giá theo giá trị tài sản ròng là phương pháp định giá cổ phiếu. Trong đó, trước hết nhà đầu tư phải tính giá trị tài sản có thực theo giá thị trường, sau đó trừ đi tổng số nợ của công ty, phần còn lại chính là giá trị tài sản ròng hay giá trị vốn chủ sở hữu. Sau khi có được giá trị tài sản ròng, đem chia cho số cổ phiếu phổ thông, sẽ ra được giá cổ phiếu. 

Công thức:

Giá cổ phiếu = ( Tài sản – Nợ ) / Tổng nguồn cung

Phương pháp định giá tài sản ròng chủ yếu được áp dụng trên các công ty có phần lớn tài sản là tài sản hữu hình, có thể định giá theo giá thị trường được (chẳng hạn như các công ty bất động sản, khu công nghiệp, tài nguyên môi trường,..) 

Ví dụ: Công ty BĐS X có 10 BĐS trị giá 10 triệu USD, đang nợ 2 triệu USD. Hiện trên thị trường công ty đang có 1,000 cổ phiếu.

Vậy giá hợp lí của 1 cổ phiếu của công ty là: ($10,000,000 – $2,000,000) / 1,000 = $8.000 / 1 cp. 

Ưu điểm:

  • Định giá được giá trị sàn của một doanh nghiệp. Trong trường hợp công ty phá sản, nhà đầu tư sẽ được chia lại tài sản của doanh nghiệp.
  • Trở nên đáng tin cậy khi áp dụng cho các công ty chủ yếu có tài sản là tài sản hữu hình.

Nhược điểm: 

  • Giá trị thị trường của tài sản thường khác với giá trị sổ sách.
  • Rất khó để định giá chính xác giá trị thị trường của tài sản, đặc biệt là trong thời kì lạm phát.

Áp dụng 3 phương pháp định giá vào thị trường Crypto

Phương pháp chiết khấu dòng tiền

Cách áp dụng:

Phương pháp chiết khấu dòng tiền được sử dụng rất nhiều trong tài chính truyền thống, không chỉ trong việc định giá các chứng khoán, mà còn để ra nhiều quyết định đầu tư khác.

Để sử dụng phương pháp này, cần có 3 yếu tố:

  • Công ty phải có doanh thu.
  • Dự đoán doanh thu các năm sắp tới.
  • Chiết khấu về hiện tại.

Không phải dự án Crypto nào cũng có doanh thu, đồng thời có sự ổn định và có thể dự đoán được doanh thu trong tương lai. Do đó, phương pháp này thường được áp dụng với các dự án CEX và DEX, những mô hình đã chứng minh được dòng doanh thu ổn định qua thời gian.

Đồng thời, dòng tiền từ CEXDEX cũng khá dễ để tính ra được, dựa vào khối lượng giao dịch được thống kê bởi ra nhiều trang dữ liệu như Defillama, Coingecko, CoinMarketCap,…

Ví dụ:

Một bài định giá sử dụng phương pháp này, đó là bài định giá Thorchain, anh em có thể đọc để hiểu thêm.

basecase
Mô hình định giá Thorchain theo phương pháp chiết khấu dòng tiền

Ở đây tác giả đưa ra những giả định và tính toán được lợi nhuận của Thorchain trong 5 năm tới, sau đó chiết khấu dòng tiền trên về hiện tại và ra được giá của RUNE.

Nhận xét:

Phương pháp định giá chiết khấu theo dòng tiền là 1 phương pháp có độ tin cậy cao trong nền kinh tế truyền thống. Bởi khi đầu tư, tiền mới là yếu tố cốt yếu, bỏ ra A đồng thì thu về được bao nhiêu đồng? Đó là tư duy cơ bản khi bắt đầu kinh doanh hay đầu tư.

Trước DeFi, không dự án nào tạo ra doanh thu thực, tất cả chỉ xoay quanh câu chuyện “công nghệ tương lai”. Nhưng khi DeFi bắt đầu phát triển và tạo ra dòng tiền thực sự, chính điều này đã thu hút các nhà đầu tư truyền thống.

Bởi khi có dòng tiền, tức là có thể định giá được, định giá được thì đầu tư được.

Do đó từ năm 2020 trở đi, anh em thấy rất nhiều Quỹ đầu tư truyền thống nhảy vào thị trường Crypto, và đầu tư rất nhiều vào DeFi. Hiện tại NFT và Gaming có thể đang khá nổi, nhưng xét về tổng dòng tiền đổ vào Crypto, DeFi mới là nơi thu hút nhất, sau 1 số coin top như Bitcoin và ETH.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhiều nhược điểm, bởi dòng tiền trong tương lai là 1 điều gì đó rất khó để dự đoán. Việc dự đoán trong thị trường truyền thống đã khó, dự đoán trong thị trường Crypto còn khó hơn nhiều. Chỉ 1 yếu tố bị dự đoán sai, sẽ ảnh hưởng đến kết quả định giá cuối cùng rất nhiều.

Do đó, phương pháp định giá bằng dòng tiền chỉ đúng ở mức tương đối và chỉ nên áp dụng với những dự án có dòng tiền ổn định được chứng minh qua thời gian như các dự án CEX (Binance, Okex, Huobi, FTX,…), các dự án DEX (Uniswap, Sushiswap, Pancake,…)…

Phương pháp định giá theo bội số

Đây là phương pháp được sử dụng nhiều trong Crypto, bởi tính dễ sử dụng của nó.

Để áp dụng phương pháp này, anh em thực hiện theo 3 bước:

  • Tìm 1 tiêu chí có thể áp dụng “luật 1 giá”. Ví dụ: lợi nhuận, doanh thu, TVL,…
  • Tìm ra chỉ số cho tiêu chí đó của ngành.
  • Áp dụng vào dự án.

Ví dụ sau sẽ giúp anh em dễ hiểu hơn:

Một trong những tiêu chí thường được nhiều anh em sử dụng khi định giá 1 dự án AMM là Market Cap/ Volume.

Chỉ số này cho biết, với $1 Volume tạo ra, cần bao nhiêu $ vốn hóa. Do đó, tỉ số này càng thấp càng tốt.

Dưới đây là bảng so sánh Market Cap và TVL của 7 dự án AMM hàng đầu hiện nay:

so sánh market cap tvl
So sánh Market Cap và TVL của 7 dự án AMM hàng đầu hiện nay

Từ các số liệu trên mình sẽ tính ra Market Cap/ Volume của ngành bằng cách trung bình 7 số trên: (7.7+4.8+8.5+0.8+5.2+4.4+2.7)/ 7 = 4.87.

Tiếp theo, áp dụng chỉ số này vào Sushi:
Market Cap = Volume * (MC/ Volume ngành) = $430 M * 4.87 = $2,097 M.

Nguồn cung của Sushi hiện nay là 192,789,255, suy ra giá 1 SUSHI = $10.86.

⇒ Sushi đang được định giá đúng khi so sánh với các dự án cùng ngành.

Disclaimer: Đây chỉ là ví dụ minh họa, trên thực tế việc định giá cần nhiều tính toán hơn.

Nhận xét:

Phương pháp định giá bằng bội số được sử dụng nhiều trong Crypto vì 3 lí do sau:

  • Dễ sử dụng, không cần quá nhiều kiến thức về tài chính.
  • Có nhiều dữ liệu cho phương pháp định giá này, giúp đưa ra kết quả chính xác hơn.
  • Việc so sánh mang đến kết quả trong ngắn hạn (vài tháng hoặc 1,2 năm), điều cần thiết khi đầu tư vào thị trường Crypto, bởi về dài hạn 5-10 năm thị trường biến động rất mạnh, khó dự đoán chính xác.

Để áp dụng, cần phải tìm ra dữ liệu của các đối thủ cùng ngành, càng nhiều càng tốt, khiến việc định giá khả thi và có sự chính xác cao khi áp dụng với các Layer đang có nhiều sự cạnh tranh như:

  • Blockchain (Ethereum, BSC, Solana, Polkadot,…)
  • DEX (Uniswap, Sushi, Pancake, Curve, Balancer, TraderJoe,…)
  • CEX (Binance, Huobi, Okex, FTX,…)
  • Stablecoin (UST, Frax, Fei Protocol,…)

Với những lớp Layer như còn chưa phát triển như Derivatives, Aggregator (chỉ có 1 vài dự án), việc áp dụng sẽ đem lại kết quả có độ chính xác thấp.

Phương pháp định giá theo tài sản

Đây là phương pháp hầu như rất ít được áp dụng cho các dự án Crypto.

Trong tài chính truyền thống, phương pháp này được áp dụng cho các công ty có nhiều tài sản hữu hình như đất, bđs, bản quyền trí tuệ,… Còn Crypto, giống như một số công ty công nghệ, tài sản của dự án là trí tuệ, là công nghệ cao, những thứ rất khó đánh giá so với các tài sản hữu hình. Trong Crypto, thậm chí code còn opensource. 

Anh em có thể nghĩ tài sản của dự án là Treasury. Tuy nhiên, đa phần Treasury hiện tại chính là Token của dự án, rất ít tài sản khác, điều này không có ý nghĩa nhiều về mặt định giá.

Cách áp dụng:

Tuy nhiên, có một ngách mà phương pháp này có thể áp dụng được, đó là các Investment DAO, chẳng hạn như các NFT DAO (uJenny, Yield Guild Games, MetaCartel,…), Ventures DAO (BitDAO, TheLAO,…).

Dựa vào tài sản mà các Quỹ đang đầu tư, chúng ta có thể đánh giá giá trị của Quỹ đó.

định giá dựa trên tài sản trong portfolio

Ví dụ: Tài sản của uJenny DAO là các NFT, những tài sản này hoàn toàn có thể định giá dễ dàng trên thị trường thứ cấp, do đó, anh em có thể tính ra giá trị sàn cho dự án uJenny.

Đâu là phương pháp định giá tốt nhất?

Tổng quan lại về 3 phương pháp định giá:

  • Phương pháp chiết khấu dòng tiền: Nên áp dụng cho các dự án có dòng tiền rõ ràng và ổn định qua thời gian như CEX và DEX.
  • Phương pháp định giá theo bội số: Nên được ưu tiên sử dụng vì có nhiều giá trị trong ngắn hạn.
  • Phương pháp định giá theo tài sản: Nên áp dụng với các dự án thuộc ngách Quỹ đầu tư Phi tập trung (Investment DAO) như các NFT DAO hay các Ventures DAO.

Vậy theo anh em đâu là phương pháp định giá tốt nhất?

Định giá là một hoạt động rất khó, anh em nên biết là không phương pháp nào hoàn hảo cả. Phương pháp nào cũng có những ưu nhược điểm riêng, cũng có những yêu cầu riêng để đưa ra kết quả cuối cùng chính xác nhất.

Tuy nhiên, để chọn ra phương pháp tốt nhất, phù hợp nhất với thị trường Crypto, mình nghĩ đó là phương pháp định giá theo bội số, bởi 2 lí do:

  • Tính khả thi: Nhiều dữ liệu và dễ tính toán.
  • Tính chính xác: Ở mức độ tương đối và được cộng đồng chấp nhận rộng rãi.

Ngoài ra, khi định giá, anh em cũng nên:

  • Áp dụng nhiều phương pháp khác nhau.
  • Áp dụng nhiều trường hợp khác nhau (Bear case, Base case, Bull case).

Sau đó đưa ra xác suất cho từng trường hợp, và tổng hợp lại. 

Việc áp dụng nhiều phương pháp và nhiều trường hợp sẽ đưa ra 1 kết quả có tỉ lệ chính xác cao hơn, ít bị sai số hơn.

Theo C98

Có thể bạn quan tâm

Mục lục