Cách đây không lâu khi một số blockchain cố gắng thách thức sự thống trị của Ethereum khi lĩnh vực DeFi đang sôi sục thì sau khi game Axie Infinity thành công vang dội, mọi người lại bắt đầu chú ý đến thị trường gaming với trào lưu Play-to-Earn (chơi để kiếm tiền). Ở thời điểm hiện tại, sau DeFi, CeFi, mọi con mắt đang đổ dồn vào một khái niệm mới đó là “GameFi”. Vậy, GameFi là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết ngày hôm nay.
GameFi là gì?
GameFi là từ được kết hợp giữa Game và DeFi, là một lĩnh vực tài chính được game hóa, nơi người dùng có thể kiếm lợi nhuận bằng cách chơi game. Một phần là “chơi game”, nhưng về cốt lõi thì “tài chính” mới là thứ quan trọng nhất đối với người sử dụng.
Thuật ngữ này ban đầu được đưa ra bởi nhà sáng lập Yearn, Andre Conje, vào khoảng tháng 9 năm ngoái. Khi đó, Conje cho rằng: “Khi có thể áp dụng hình thức đánh bạc vào các chính sách tiền tệ, tôi rất phấn khích. Tiền của bạn đang trở thành công cụ để sử dụng trong trò chơi thách thức này. Cho đến bây giờ chúng ta đã nhân bản TradFi, về sau chúng ta sẽ tiến vào GameFi”.
GameFi hoạt động như thế nào?
Cơn sốt GameFi đã thay đổi hệ sinh thái game thông thường. Bằng cách cung cấp cho người dùng cơ hội kiếm được phần thưởng sinh lời, chơi game không còn là việc tiêu tốn tiền bạc đối với game thủ nữa mà thật sự là có thể kiếm tiền. Mùa hè NFT năm 2021 đã trở thành mùa hè GameFi, với một số game lấy tiền điện tử làm nền và tăng giá token như một cơn bão.
Trong đó không thể không kể đến cơn sốt Axie Infinity với sự tăng giá của token AXS. Dữ liệu từ DappRadar cho thấy có hơn 271.000 người dùng hoạt động trên Axie Infinity trong 30 ngày qua. Nền tảng trò chơi tiền điện tử phổ biến trên Ethereum này cũng tạo ra doanh thu hơn $ 220 triệu trong một tháng qua, trở thành công cụ tạo ra doanh thu hàng đầu trong số tất cả các giao thức DeFi và blockchain, bao gồm Ethereum, theo dữ liệu từ Token Terminal.
Môi trường GameFi mang đến cơ hội vô tận cho các nhà phát triển khi có thể tự tay đồ hoạ nên một vũ trụ và thế giới mới, chứa đầy sinh vật, sự kiện, đồ vật và thậm chí cả nền kinh tế trong game để thu hút rất nhiều người chơi và khiến họ dán mắt vào đó. Người chơi được cung cấp khả năng vô tận trong việc tạo thu nhập từ các hoạt động trong trò chơi và thu hút họ bằng nhiều lợi ích khi chơi game. Các yếu tố hấp dẫn bao gồm đồ họa game mê hoặc, sự tăng giá các token đồng thời ẩn chứa nhiều công cụ kiếm tiền thật.
Ẩn sau sự đơn giản và dễ thương từ những nhân vật trong game, nhiều ứng dụng GameFi đã gián tiếp giới thiệu cho người chơi cơ chế tài chính tuy phức tạp nhưng lại được đơn giản hóa khi gói gọn mọi thứ chỉ trong một trò chơi.
Đó là tất cả những điều đặc biệt khi nói đến GameFi, loại bỏ sự nhàm chán và thay thế những cơ chế kiếm tiền phức tạp bằng cách chơi game. Giá trị là khái niệm cơ bản của GameFi, nơi “chơi” biến thành “công việc” và “kiếm tiền” một cách liền mạch. Việc trả thưởng cho người chơi những crypto có giá trị thực cũng là ý tưởng độc đáo để thu hút ngày càng nhiều người đến với chúng.
Khi NFT biến thành những vật phẩm đáng thèm muốn có thể được sử dụng để bôi trơn các bánh răng của cơ chế DeFi, chúng sẽ có giá trị nội tại và bắt đầu thu hút nhiều hơn sự chú ý của những người sưu tập và người hâm mộ cuồng nhiệt. Và khi GameFi làm mờ ranh giới giữa trò chơi và tài chính, có vẻ như kinh tế học trong trò chơi đang bắt đầu không chỉ bắt chước mà thậm chí còn vượt qua kinh tế học trong thế giới thực. Theo thời gian, GameFi và DeFi có thể trở thành một, khi các trader tăng cường mua và bán các tài sản tài chính phi tập trung trong những cửa hàng ảo.
Kết luận
Với một số người, sự kết hợp giữa chơi game và tiền điện tử có vẻ giống như một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Nhưng, đã là cơn sốt, chắc chắn vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.
Andrew Tu, giám đốc điều hành tại công ty giao dịch định lượng Efficient Frontier, từng chia sẻ: “Crypto đã và đang tìm kiếm một trường hợp sử dụng trên thị trường đại chúng. Trò chơi là một lĩnh vực mà mọi người đã thổi phồng trong một thời gian dài. Đó là lĩnh vực đầu tiên mà một người không có hiểu biết sâu rộng về tiền điện tử hoặc blockchain có thể tham gia”.
Tuy Axie Infinity cũng chứng minh bản thân là một trường hợp sử dụng hiệu quả cho các trò chơi blockchain, mở đường cho những người mới tham gia vào không gian này nhưng không phải bất kỳ kẻ nào bắt chước theo cũng có thể có được kết cuộc mỹ mãn. Do đó, với sự thành công của Axie, có khả năng chúng ta sẽ thấy các tập đoàn game lớn như Activision Blizzard hoặc EA (Electronic Arts) tham gia vào không gian trong những năm tới, mang trò chơi blockchain đến với đông đảo công chúng. Nhưng cũng sẽ có những kẻ lợi dụng cơn sốt này để làm ra những game giả, lừa tiền nhà đầu tư và người chơi. Do đó, hãy hết sức cẩn trọng khi quyết định đặt tiền của mình vào bất kỳ dự án nào!
Nguồn: Tapchibitcoin.io