Tin nóng ⇢

Năm mỏ đào coin lớn nhất thế giới

Ngành công nghiệp đào coin có lẽ là hoạt động lâu đời nhất của tiền tệ mã hóa. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2009 khi Satoshi Nakamoto tạo ra block đầu tiên trong mạng lưới Bitcoin.

Ngày nay, đào coin là một ngành công nghiệp lớn trải dài qua 114 quốc gia trên thế giới, nó liên tục đảm bảo hoạt động của mạng lưới tiền mã hóa toàn cầu. Theo phân tích của Blockchain.info, tổng lợi nhuận của thị trường trong năm qua lên đến 4,1 tỷ USD. Con số này không bao gồm doanh thu từ việc bán thiết bị đào coin, ước tính khoảng 3 – 4 tỷ USD như của Bitmain.

Mạng Bitcoin

Cùng với sự phổ biến của hoạt động đào coin, tính phức tạp của mạng Bitcoin cũng tăng lên. Mặc dù 80% Bitcoin hiện nay đã được khai thác rồi, các chuyên gia cho biết toàn bộ nguồn cung sẽ cạn kiệt cho đến tận năm 2140. Điều này là do các quá trình tính toán cần thiết để sản xuất tiền mật mã luôn trở nên phức tạp hơn, và quá trình đào coin cũng tốn nhiều thời gian và năng lượng.

Đồng thời, từ 30% đến 60% lợi nhuận đào coin dùng để chi trả cho năng lượng. Số liệu cho thấy để duy trì toàn bộ cơ sở hạ tầng máy tính hoạt động vì Bitcoin thì cần đến 30 lò phản ứng hạt nhân chạy tối đa công suất.

Bất chấp sự cắt giảm phần thưởng tạo block, giảm luôn một nửa phần thưởng đào từ 25 Bitcoin xuống còn 12,5 Bitcoin cũng như tính phức tạp ngày càng cao của quá trình đào, “thợ mỏ” vẫn có thể nhận đến  20 triệu USD mỗi ngày nhờ xác nhận giao dịch. Con số lợi nhuận đáng kinh ngạc này thu hút nhiều người chơi mới tham gia vào ‘cơn sốt kỹ thuật số’ – và các nhà sản xuất thiết bị phát minh ra nhiều phương pháp đào Bitcoin hiệu quả hơn.

Trang thiết bị

Mùa hè năm 2017, với độ phổ biến ngày càng rộng rãi của tiền mật mã, nhu cầu thị trường cho các thiết bị chuyên nghiệp và card đồ họa (GPU) tăng lên nhanh chóng. Chỉ riêng năm 2017, người dùng bỏ ra hơn 776 triệu USD mua hơn ba triệu card đồ họa rời, theo Jon Peddie Research. Giới game thủ PC không thể mua các mẫu mã GPU tốt nhất do các “thợ mỏ” đã mua hết thậm chí trước khi chúng được trưng lên kệ, nhờ đó các nhà sản xuất card AMD và Nvidia cố định mức tăng trưởng lợi nhuận của mình.

Quý II năm 2017, doanh thu của Nvidia tăng hơn 50% so với quý II năm 2016, đạt 251 triệu USD. Doanh thu của AMD trong cùng kỳ tăng 18% – 1,2 tỷ USD. Sau đợt sụt giảm của thị trường, “thợ đào” cũng ít hơn khiến AMD và Nvidia chờ đợi con số doanh thu sẽ giảm trong quý II năm 2018.

Ngành đào coin đang đạt đến tầm vóc ngành công nghiệp. Trên toàn thế giới, các “thợ mỏ” đã hợp lại với nhau và dựng lên các nhà máy lớn, hàng ngàn card GPU được lắp vào các trang trại khổng lồ với công suất peta hash. Một số công ty tận dụng các nhà máy cũ và đầu tư hàng triệu đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động đào coin. Ngày 06/06, công ty khai thác CoinMint đã công bố kế hoạch mở nhà máy đào Bitcoin dưới khung sườn nhà máy luyện nhôm cũ ở ngoại ô New York, gần biên giới Mỹ – Canada. Được hỗ trợ bởi chính phủ Mỹ, CoinMint muốn mang lại 150 cơ hội việc làm trong 18 tháng tới và phân phối 700 triệu USD cải tạo lại nhà máy rộng 526 hecta của Alcoa.

Bên cạnh đó, những “thợ mỏ” lớn tìm kiếm các phương pháp tinh tế hơn giúp giảm chi phí năng lượng và tăng năng suất thiết bị qua việc xây dựng các trang trại đào bên trong hang động và đưa máy đào ra ngoài không gian. Những thợ mỏ cấp công nghiệp này là ai? Hãy cùng đến thăm 5 mỏ đào coin lớn nhất trên thế giới.

GigaWatt

Thành lập: 2012

Địa điểm: Washington, Hoa Kỳ

Hashrate: 1,3 PH

Sự xuất hiện của những người mới tham gia trong các khu vực ngách còn non trẻ thường khá khó dự đoán. Giới tỷ phú là những người biết sửa chữa máy tính hoặc làm việc tại cửa hàng điện tử. Trong số đó có Dave Carlson, người bắt đầu đào coin với một GPU thông thường và giờ đây sở hữu mỏ đào lớn nhất Bắc Mỹ.

Doanh nhân chuyên gia phần mềm với 10 năm kinh nghiệm đã quyết định tiếp tục đào coin sau khi gặp phải vấn đề tài chính trong công việc cũ tại công ty quảng cáo. Thành lập dưới tầng hầm ngôi nhà của chính Carlson vào năm 2012, công ty MegaBigPower, sau này đổi tên thành GigaWatt vươn đến vị trí doanh nghiệp triệu đô chỉ trong một năm.

Hiện nay mỏ đào nằm trong một nhà kho công nghiệp cũ. Tuy nhiên, vị trí chính xác của nó vẫn không được tiết lộ giống như các mỏ khác do chủ sở hữu không muốn thu hút sự chú ý của các cơ quan nhà nước.

Từ lúc mở rộng công ty, Carlson ước tính chi phí hoạt động hàng tháng gồm tiền lương của 15 nhân viên lên đến trên 1 triệu USD. Anh nói rằng với 1,3 peta hash thì chừng ấy chi phí cũng đáng thôi. Hơn nữa, nhờ nguồn thu hút đầu tư bổ sung, công ty bắt đầu sản xuất thiết bị đào dựa trên chip Bitfury để bán cho giới ưa thích Bitcoin.

Sự nghiệp kinh doanh của Carlson dường như đang diễn ra tốt đẹp. Trong các yếu tố đóng góp cho thành công của công ty, Carlson nói đó là khao khát thoát nghèo và cả may mắn khi giá điện tại Washington khá thấp. Tiểu bang cung cấp năng lượng rẻ nhất trong nước chỉ với 9,56 USD mỗi kWh cho cá nhân và 8,42 USD mỗi kWh đối với doanh nghiệp.

Genesis Mining

Thành lập: 2014

Địa điểm: Iceland

Hashrate: 1000 GH

Mỏ đào rộng lớn khác thuộc về Genesis Mining. Ban đầu, năng lực đào coin của họ đặt tại Bosnia và Trung Quốc, nhưng hiện giờ họ đang tập trung vào Iceland và Canada. Khí hậu hàn đới cộng với giá điện rẻ tăng độ hấp dẫn của các nước này đối với việc đào tiền mã hóa.

Người ta tin rằng các mỏ đào Genesis là nguồn tiêu dùng điện lớn nhất ở Iceland. Các vấn đề tiêu thụ điện và làm mát cũng như vị trí chính xác của các mỏ thường được giữ bí mật. Genesis cũng giống Carlson và các công ty khác, đều tuân thủ chính sách an ninh của mình và không tiết lộ vị trí địa lý của các mỏ đào.

Mỏ đào Đại Liên

Thành lập: 2016

Địa điểm: Đại Liên, Trung Quốc

Sản lượng đào tối thiểu hàng tháng: 750 BTC

Chi phí điện hàng tháng: 1.170.000 USD

Hashrate: 360000 TH*

* Với hashrate trung bình của mạng Bitcoin vào tháng 12 năm 2017

Trung Quốc được biết đến với nhiều nhà máy sản xuất card video và máy đào ASIC. Nhờ vậy, các “thợ mỏ” ở Trung Quốc có lợi thế mua thiết bị với giá thành thấp hơn. Việc giao nhận thiết bị ở Trung Quốc cũng rẻ hơn nhiều, thậm chí hoàn toàn miễn phí.

Trung Quốc là một trong số các quốc gia áp đặt giá điện thấp nhất bên cạnh Venezuela, Đài Loan và Ukraine. Yếu tố quan trọng nhất về điện là quyết định của chính phủ Trung Quốc muốn khuyến khích sản xuất tiền mã hóa cấp công nghiệp bằng cách giảm giá tiêu thụ điện cho các chủ sở hữu chính thức của các mỏ đào.

Dân số đông dẫn đến mức cạnh tranh việc làm cao ở Trung Quốc. Các thành phố công nghiệp trong nước đã tồn tại được một thời gian dài với những công nhân sống và làm việc hoàn toàn cô lập tại đó. Mô típ tương tự cũng được thực hiện với các trang trại đào coin, các quản trị viên hệ thống sẵn sàng sống trong ký túc xá gần mỏ đào với mức lương tương đối thấp và đảm bảo việc sản xuất tiền mã hóa không bị gián đoạn.

Tất cả những yếu tố trên hình thành mảnh đất màu mỡ cho việc triển khai các mỏ đào coin lớn nhất như ở tỉnh Liêu Ninh. Thành phố nhỏ Đại Liên là trung tâm đào coin của Trung Quốc và có lẽ của toàn thế giới. Đây là một trang trại đào ba tầng với hệ thống thông gió thiết kế đặc biệt. Hiện tại, mỏ đào ở Đại Liên chiếm hơn 3% hashrate của toàn bộ mạng lưới Bitcoin.

Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc cũng có một mỏ công nghiệp gần nhà máy thủy điện. Từ năm 2016, công suất của mỏ đã tăng gần gấp 3 lần và đạt 12 PH. Các tỉnh thành khác trên khắp Trung Quốc cũng sở hữu những mỏ đào lớn của riêng mình. Bạn có thể dễ dàng nhận ra một mỏ đào nhờ hình ảnh của những thiết bị cũ kĩ.

Mỏ đào Thụy Sĩ

Năm thành lập: 2016

Địa điểm: Linthal, Thụy Sĩ

Hashrate: không rõ

Mỏ đào coin lớn nhất của Thụy Sĩ tọa lạc tại ngôi làng nhỏ Linthal ở phía đông đất nước. Chủ sở hữu Guido Rudolphi từng điều hành một trang trại đào khác ở Zurich nhưng chi phí vận hành quá cao. Sau gần hai năm tìm kiếm, Rudolphi chọn Linthal, nơi giá điện rất hấp dẫn.

Mỏ đào mới này nằm trong tòa nhà của một nhà máy cũ và được coi là mỏ lớn nhất của Thụy Sĩ. Mặc dù vấn đề bộ vi xử lý làm mát vẫn còn tồn đọng, Rudolphi khẳng định lợi ích tài chính không hẳn là yếu tố chi phối. Ông tin rằng thế giới cần nhiều Bitcoin hơn vì mục đích chính trị. Ông so sánh tiền mật mã với Internet hồi thập niên 1990, lúc ấy nhiều người nhìn nhận hiện tượng Internet với nhiều nỗi hoài nghi.

Các mỏ đào coin của Nga

Hàng tháng đào tối thiểu: 600 BTC

Hashrate: 38 PH

Nga cũng nằm trong số các quốc gia có những khu vực đào coin rộng lớn. Lớn nhất có lẽ là mỏ nằm gần Mát xcơ va dù vị trí chính xác của nó cũng không được tiết lộ. Điện năng của mỏ này cho phép khai thác khoảng 600 Bitcoin/tháng. Mỏ sử dụng dàn máy đào 3000 Antminer và S9 ASIC, yêu cầu hiệu suất khoảng 38 PH mỗi giây. Để làm mát thiết bị, hệ thống thông gió hiện đại của Iceland được sử dụng. Chi phí điện năng hàng tháng là hơn 120.000 USD.

Nhìn về tương lai

Các mỏ đào coin lớn nói trên chỉ mới xuất hiện vài năm trước đây. Trong năm 2014, chúng chỉ là mỏ của những người đam mê Bitcoin. Ngày nay, các mỏ đào được trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ khủng với đội ngũ nhân viên thường trực, điển hình là GigaWatt, Genesis Mining hoặc Coinmint, hội tụ chủ yếu tại các khu nhà máy cũ và nhà chứa máy bay. Với tính phức tạp ngày càng tăng của mạng lưới và giá cả tiền mã hóa ngày càng giảm, các “thợ mỏ” cá nhân dần rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, những tổ chức triển khai cơ sở hạ tầng quy mô lớn sẽ có thể mang lại tính cân bằng lý tưởng về năng suất và chi phí thấp.

Nguồn: Tapchibitcoin.io

Có thể bạn quan tâm

Mục lục