Vấn đề trần nợ công tại Mỹ
1. Trước tiên, trần nợ công có thể hiểu đơn giản là số tiền tối đa mà một quốc gia (cụ thể ở đây là Mỹ) có thể vay để thực hiện chi tiêu cho các hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì các hoạt động công, an sinh xã hội,… khi nguồn thu (chủ yếu đến từ thuế) không đủ.
2. Trần nợ công của Mỹ được chính quốc gia này quy định, có thể được nâng lên dựa trên cơ sở đồng thuận của 2 Đảng (Dân chủ và Cộng hòa) và được Quốc Hội thông qua.
3. Vấn đề xảy ra với Mỹ hiện nay đó chính là việc thâm hụt ngân sách dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và các gói kích thích nền kinh tế đã khiến ngân khố quốc gia kiệt quệ, số tiền mà Mỹ đang vay cũng đã chạm đến trần nợ công (khoảng 28.4 nghìn tỷ USD).
4. Do đó, để có thể tiếp tục chi tiêu cho các gói kích thích kinh tế (như chính sách về cơ sở hạ tầng) và thực hiện các hoạt động cơ bản của chính phủ, chính phủ Mỹ bắt buộc phải vay thêm tiền.
5. Tuy nhiên, do sự xung đột trong mục đích chính trị của 2 Đảng Dân chủ và Cộng hoà, nên quyết định nâng trần nợ công vẫn chưa được thông qua để Mỹ có thể tiếp tục vay thêm tiền.
6. Cụ thể, việc nâng trần nợ công của Mỹ vẫn đang gặp phản đối từ phía Đảng Cộng hoà.
7. Đôi nét về tình hình chính trị của Mỹ hiện tại: Đảng Dân chủ nắm Nhà Trắng và Quốc hội; do đó họ sẽ hứng chịu sự chỉ trích khi Chính phủ vỡ nợ hoặc không đủ tiền thực hiện các chính sách kích cầu như đã hứa, điều này sẽ có lợi cho Đảng Cộng hoà vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 (theo vneconomy).
8. Vào cuối tháng 9/2021, bà Janet Yellen – Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cảnh báo rằng ngân sách sẽ nhanh chóng cạn kiệt, chưa chắc Bộ này có thể trang trải các khoản sau ngày 18/10, và nếu trần nợ công không được nâng lên thì nước Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ (do thiếu tiền để trang trải các hoạt động và trả tiền lãi của các khoản vay trước đó).
Sẽ ra sao nếu chính phủ Mỹ ngừng hoạt động?
9. Như vậy, vấn đề trần nợ công đã khiến nước Mỹ đối mặt với rủi ro chính phủ ngưng hoạt động, hoặc thậm chí tệ hơn là vỡ nợ. Vậy điều này sẽ gây ra hậu quả gì? Chúng ta sẽ bàn luận về việc ngưng hoạt động.
10. Việc chính phủ Mỹ ngưng hoạt động đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, và lần gần đây nhất xảy ra đó là vào cuối năm 2018 đầu năm 2019 dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.
11. Chính phủ ngừng hoạt động đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn việc làm của các nhân viên Liên bang bị ảnh hưởng, họ có thể bị cắt giảm lương, thậm chí là tạm thời phải nghỉ việc; một số dịch vụ công sẽ ngưng hoạt động dẫn đến nền kinh tế bị đình trệ.
12. Vào năm 2019, hơn 800,000 việc làm đã bị ảnh hưởng khi chính quyền ngưng hoạt động từ 22/12/2018 – 25/01/2019.
13. Theo CBO ước tính, sự kiện này đã khiến GDP của nước Mỹ giảm khoảng 11 tỷ USD; tuy vậy, dường như việc này không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán Mỹ.
14. Tuy nhiên, rủi ro này đã không còn (ít nhất là đến ngày 12/03/2021) sau khi Mỹ thông qua một dự luật cấp ngân sách tạm thời, nhằm ngăn chặn khả năng đóng cửa chính phủ.
Hay thậm chí tồi tệ hơn là vỡ nợ?
15. Nếu nền kinh tế số 1 thế giới xảy ra tình trạng vỡ nợ, đó sẽ thực sự là thảm hoạ và châm ngòi cho khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu diễn ra một lần, điều này có thể làm các nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau đại dịch trở nên vô nghĩa.
16. Anh em hình dung một cách đơn giản rằng chỉ với 300 tỷ USD của Evergrande đã khiến các thị trường chứng khoán trên toàn cầu giảm điểm, vậy với hơn 28 nghìn tỷ USD nợ của chính phủ Mỹ (gấp gần 100 lần Evergrande) thì hậu quả sẽ lớn đến như thế nào?
17. Hậu quả trước tiên sẽ làm cho tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ xảy ra, khi đó lãi suất sẽ gia tăng, kéo theo toàn hệ thống ngân hàng phải chịu tác động khi nguồn tiền để họ cho vay giờ đây sẽ phải trả một mức chi phí lớn hơn.
18. Lãi suất tăng cũng sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn hơn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh thu thấp kèm theo chi phí gia tăng đột ngột ⇒ Tình trạng phá sản của hàng loạt các công ty.
19. Theo ước tính của Moody’s, việc vỡ nợ của Mỹ có thể khiến hoạt động kinh tế suy giảm 6%, mất gần 6 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp 9%, tình trạng bán tháo các loại tài sản sẽ diễn ra và quét sạch 15 nghìn tỷ USD tài sản hộ gia đình.
20. Trong lịch sử, nước Mỹ chưa từng để tình trạng vỡ nợ xảy ra, hơn nữa điều này chỉ xảy ra khi Mỹ không nâng mức trần nợ công lên; và mức trần nợ này đã được nâng lên rất nhiều lần trong quá khứ.
21. Bên cạnh đó, nhiều nhận định cho rằng, trần nợ công hiện nay chỉ là một công cụ chính trị để Đảng Cộng hoà gây áp lực lên Đảng Dân chủ, và việc nâng trần nợ nhiều khả năng sẽ xảy ra, do đó câu hỏi chỉ là bao giờ và mức trần nợ công mới sẽ là bao nhiêu?
22. Tuy nhiên, do hiện tại tình hình tranh cãi vẫn đang xảy ra khá gay gắt, do đó chúng ta vẫn cần phải chờ đợi và đưa ra các kế hoạch hành động nếu tình huống xấu nhất xảy ra.
Tất cả những việc liên quan tới thị trường Crypto như thế nào?
23. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra (chính phủ Mỹ vỡ nợ), sẽ dẫn đến toàn bộ thị trường tài chính sụp đổ, trong đó có cả thị trường Crypto, theo nhận định của mình thì điều này sẽ gây ra cú sốc giảm giá mạnh trong ngắn hạn.
24. Thị trường Stablecoin cũng sẽ rất bất ổn, do các tài sản đứng sau các đồng như USDT hay USDC (2 đồng Stablecoin với tổng vốn hoá lên tới hơn 100 tỷ USD) có rất nhiều các khoản vay, thương phiếu hoặc trái phiếu.
25. Theo Coindesk, trong số tài sản đứng sau USDC có tới 12% là trái phiếu chính phủ Mỹ, ngoài ra là các khoản nợ và thương phiếu khác, mà USDC luôn được cho là có lượng tài sản backed an toàn hơn USDT⇒ Trong trường hợp vỡ nợ xảy ra thì nhiều khả năng thị trường Crypto sẽ chứng kiến sự giảm giá mạnh dưới sự bất ổn của các đồng Stablecoin.
26. Nhưng theo quan điểm cá nhân của mình, sự giảm giá chỉ diễn ra trong ngắn hạn, do giờ đây, BTC đã được coi là “vàng điện tử”, cùng với việc vàng trở nên kém hấp dẫn trong thời gian gần đây, sẽ dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư tìm đến BTC như một công cụ trú ẩn bên cạnh vàng khi khủng hoảng xảy ra ⇒ BTC tăng giá.
27. Dựa theo dòng lịch sử, Bitcoin được ra đời dựa trên việc tạo nên một đồng tiền không phụ thuộc vào các chính phủ sau sự kiện khủng hoảng kinh tế năm 2008; ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào năm 2020 cũng đã khiến BTC vượt đỉnh 2018 ⇒ Do đó không thể loại trừ khả năng về một “Bitcoin Era” nếu tình trạng vỡ nợ xảy ra tại Mỹ.
28. Vậy nếu trần nợ công được nâng lên thì sao, khi đó, nước Mỹ sẽ tiếp tục vay nợ hay “in tiền” để chi trả cho các khoản kích thích nền kinh tế, như gói cơ sở hạ tầng 1,000 tỷ USD hay gói chi tiêu tài khoá trị giá 3,500 tỷ USD.
29. Việc “in tiền” này sẽ khiến tình trạng lạm phát tiếp tục xảy ra và nhiều khả năng sẽ làm BTC tăng giá, do nhiều công ty hiện nay đã lưu trữ BTC như một tài sản phòng tránh lạm phát (ví dụ điển hình có thể kể đến là Microstrategy).
30. Cũng không thể không kể đến trường hợp mức trần nợ công chỉ được nâng lên một khoản vừa đủ để Mỹ chi trả cho các khoản nợ, cũng như thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế một cách vừa phải ⇒ Khi đó mình cho rằng sự kiện này sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới thị trường Crypto.
Theo C98