Thecoindesk đã đưa tin về đợt phá sản chấn động của Silicon Valley Bank (SVB), đây cũng trở thành vụ phá sản lớn nhất của ngành tài chính Hoa Kỳ kể từ năm 2008.
Gần một nửa số công ty khởi nghiệp về công nghệ và khoa học đời sống được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm ở Hoa Kỳ có mối quan hệ tài chính với SVB, vậy tại sao SVB lại sụp đổ chỉ sau một đêm? Các nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ giải quyết như thế nào trong tương lai? Mọi thứ đang trong tình trạng hỗn loạn.
Cùng tóm tắt lại diễn biến thị trường và tin tức trong những ngày qua cũng như thị trường tiền điện tử phản ứng ra sao trước cuộc “đại khủng hoảng” tài chính cận kề.
Hai chữ ‘bất ngờ’
Ngân hàng Silicon Valley là ngôi nhà của nhiều công ty khởi nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC). Sự phá sản chớp nhoáng này cũng khiến nhiều công ty đầu tư mạo hiểm và công ty công nghệ ở trung tâm Thung lũng Silicon trải qua thời khắc đen tối không thể trở tay.
Một số tờ báo châu Á phỏng vấn những công ty bị ảnh hưởng bởi SVB, một trong số đó cho rằng: “Chúng tôi đã cố gắng chuyển tiền ra ngoài từ hôm 10/3, nhưng trước khi việc chuyển tiền được thực hiện, ngân hàng đã đóng cửa. Mọi thứ diễn ra quá nhanh.”
Đây là Lehman Brothers thứ hai?
Hiểu đơn giản, đây là một cuộc khủng hoảng thanh khoản ngân hàng do lãi suất tăng. Ngân hàng Silicon Valley đã chọn bán tài sản với giá chiết khấu để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng, nhưng hành động này cũng khiến thị trường đặt câu hỏi về khả năng thanh toán của ngân hàng, cộng thêm tình trạng tháo chạy và biến động thị trường.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) từng thực hiện các chính sách nới lỏng, cho phép nguồn vốn của nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ chảy vào các ngân hàng thương mại như SVB tập trung phục vụ tinh thần khởi nghiệp.
Sau khi Hoa Kỳ bước vào chu kỳ tăng lãi suất vào năm 2022, giá tài sản do SVB nắm giữ đã giảm đáng kể, đồng thời do môi trường tài chính thay đổi, các công ty mới thành lập bắt đầu tiêu thụ tiền gửi liên tục.
Đồng thời, về mặt mô hình kinh doanh, SVB cũng khác với các ngân hàng thương mại thông thường, phát hành các khoản vay để đổi lấy vốn chủ sở hữu hoặc quyền chọn của khách hàng. Đối với những khách hàng tin tưởng SVB, họ có thể tham gia đầu tư thông qua bộ phận VC để tăng thêm lợi nhuận.
Liệu cơn giông tố tại ngân hàng Silicon Valley có gây ra một cuộc khủng hoảng hệ thống như năm 2008?
Trước hết, mô hình kinh doanh của Silicon Valley Bank có những đặc thù nhất định, đối tượng khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp khoa học công nghệ, vốn quá nhạy cảm với thanh khoản và chu kỳ công nghệ.
Một số chuyên gia tài chính nhận định có sự khác biệt lớn giữa Silicon Valley Bank với Lehman Brothers. Cụ thể, Lehman Brothers là một ngân hàng đầu tư, trong khi SVB là một ngân hàng thương mại. Hơn nữa, trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Lehman Brothers là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư ở Hoa Kỳ, với tỷ lệ đòn bẩy cao thông qua chứng khoán hóa tài sản; cộng với một số lượng lớn sản phẩm được bán cho các tổ chức tài chính khác trên khắp thế giới, vì vậy vụ phá sản của Lehman Brothers đã gây ra phản ứng dây chuyền.
Silicon Valley Bank thì khác, hoạt động kinh doanh chủ yếu là tiền gửi và đầu tư trái phiếu. Tất nhiên, khi SVB cho các công ty khởi nghiệp công nghệ cao vay, họ cũng sẽ dùng vốn của chính mình để mua một phần nhỏ vốn cổ phần (hoặc quyền chọn cổ phiếu) của các công ty này, đồng thời đóng vai trò của một ngân hàng đầu tư trong mức độ nhất định nào đó.
Những diễn biến mới nhất cho thấy SVB khó tạo dây chuyền phá sản, khi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) tiếp quản SVB, họ nhanh chóng mở đấu giá ngân hàng, bao gồm các chi nhánh tại nhiều quốc gia. Đến chiều 13/3, sau hai ngày gửi hồ sơ đấu thầu và các vấn đề liên quan, HSBC Holdings thành công tiếp quản chi nhánh của Silicon Valley Bank tại Anh, với giá chuyển nhượng 1 bảng Anh (GPB).
Áp lực đang đè nặng lên Fed
Hoạt động kinh doanh của SVB tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ và đầu tư mạo hiểm, ngân hàng này ít phụ thuộc vào tiền gửi từ những người gửi tiền cá nhân hơn so với các ngân hàng truyền thống. Việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ đã dẫn đến việc giảm giá trái phiếu, mất tiền gửi nhanh chóng tại các ngân hàng thương mại và tăng chi phí tài chính. Trong bối cảnh đó, SVB đã không chuẩn bị sẵn sàng, dẫn đến tình trạng khó khăn.
Nhưng SVB không đơn độc trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Do đó, sự sụp đổ của SVB với tốc độ “ánh sáng” cũng đã kích hoạt suy nghĩ của thị trường về lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed.
Hôm 12/3, Fed buộc phải họp khẩn cấp và đưa ra tuyên bố chung nhằm chặn đà suy thoái hoạt động của ngành ngân hàng, không chỉ có SVB, hai cái tên phá sản sau đó là Silvergate Bank và Signature Bank.
Cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố tại Nhà Trắng rằng: “Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống của ngân hàng của chúng ta vẫn an toàn. Tiền gửi của các bạn vẫn an toàn,” CNN đưa tin ngày 13/3.
Thị trường mã hóa phục hồi
Rạng sáng 13/3, thị trường tiền điện tử phục hồi mạnh, Bitcoin (BTC) dẫn đầu bức phá lên 22.500 USD và stablecoin USDC cũng tiến sát giá ổn định 1 USD. Sang ngày 14/3, Bitcoin tiếp tục tăng trên 24.200 USD, thị trường bao trùm màu xanh.
Hoạt động tăng giá liên tục làm cho các “short thủ” bị thanh lý mạnh. Dữ liệu từ Coinglass cho thấy, hơn 202 triệu USD bị thanh lý trong 24 giờ qua, tỷ lệ lệnh short thanh lý chiếm hơn 74%. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư vẫn lo ngại thị trường vốn truyền thống, khi mới đây, chứng khoản của một ngân hàng lớn khác là First Republic Bank, giảm hơn 40% trong những ngày qua.
>> Đọc thêm: Justin Sun và Changpeng Zhao lên tiếng khi liên tiếp ngân hàng phá sản