Tin nóng ⇢

Bàn về giá trị và định hướng của NFT

Giá trị thực của NFT nằm ở khả năng trao quyền phân phối, bán lại và thu thập cho nghệ sĩ, người sáng tạo và nhà sưu tập.

Kể từ khi bắt đầu xuất hiện trên thị trường năm 2014, NFT đã hứng chịu nhiều thông tin thổi phồng và sai lệch, đỉnh điểm là khi tổng giá trị thị trường vượt mốc 24 tỷ đô la. Chúng ta gần như không thể mở một trang tin tức mà không bắt gặp bài viết về NFT. Sẽ luôn là cú pháp quen thuộc "NFT là một…" dành cho người mới bắt đầu và cho những độc giả đã đọc hàng tá bài báo tương tự nhưng vẫn… mờ mịt. Nếu bạn thuộc vế thứ hai, bài viết này chính là dành cho bạn.

Sự quan trọng và hữu ích của NFT chắc chắn không phải bàn cãi, và chúng đang ngày càng mở rộng tiềm năng của mình. Tuy nhiên, một số người lại có xu hướng hoài nghi hoặc ngược lại, cường điệu hóa mọi thứ và truyền bá những quan niệm sai lầm. Dưới đây là một số tuyên bố về NFT, cả tích cực lẫn tiêu cực, mà bạn có thể từng thấy qua:

  • NFT là trò lừa đảo.
  • Bạn có thể biến tác phẩm của mình thành NFT để ngăn nó bị sao chép.
  • NFT chỉ là một trào lưu nhất thời.
  • Mỗi NFT là bằng chứng xác thực cho một món hàng “độc nhất vô nhị”.
  • NFT có hại cho môi trường.

Trước hết, NFT không lừa đảo. Những kẻ lừa đảo cũng dùng email, nhưng chúng ta nào có coi email là trò lừa đâu. Thứ hai, NFT không phải là trào lưu, mặc dù mọi dòng sưu tập kỹ thuật số đều có thể coi như một tập hợp các hiện vật văn hóa lâu dài hay một giấc mơ ngắn ngủi chứa đựng tư tưởng xã hội công nghệ. Thứ ba, trong khi một số blockchain quả thực có vấn đề về tiêu thụ năng lượng, hiện tại chưa có nghiên cứu nào thực sự phân tích rõ điều này. Và cuối cùng, hãy cẩn trọng với ý tưởng biến tác phẩm nghệ thuật thành NFT hoặc NFT có thể ngăn ngừa tác phẩm bị sao chép và là món hàng độc nhất. Đây chỉ là những lời "đường mật" của những kẻ biết lợi dụng nhận thức của công chúng và không có gì là xác thực.

NFT có phải là tài sản kỹ thuật số không? Đúng. Bởi vì định nghĩa về tài sản là “thứ được coi là có giá trị”, do đó NFT là tài sản kỹ thuật số nếu mọi người sẵn lòng mua nó. Giống như khi nhà sưu tập quyết định bỏ ra 120.000 đô la để mua tranh của Monet hay tác phẩm "Banana" (quả chuối gắn lên tường) của Maurizio Cattelan, khoản tiền họ chi ra không cần dựa trên bất kỳ thực tế khách quan nào.

Vấn đề là như thế này. Khi một nhà sưu tập nghệ thuật mua một quả chuối đã thối rữa được dán vào tường, họ tất nhiên nhận thức rõ nó là quả chuối gắn vào tường. Vì vậy, nếu bạn định mua một quả chuối số hóa trên public chain, thì tốt nhất bạn nên hiểu chính xác thứ bạn bỏ tiền ra mua là gì.

Đây là điều bạn thường đọc được về "tính không thay thế" (nonfungibility). Bỏ qua những định nghĩa phức tạp, NFT chỉ đơn giản là một bản ghi của thứ gì đó: bản tuyên bố quyền sở hữu, biên lai giao dịch được đóng dấu thời gian hay một thỏa thuận. Lấy số ghế trong một sự kiện thể thao làm ví dụ, không ai có thể ngồi vào vị trí của người khác và NFT cũng không thể hoán đổi cho nhau. Và chúng ta đồng ý rằng không có (hoặc không nên có) biên bản nào cùng tuyên bố một vấn đề. Đó chính là "tính không thay thế" mà ta nói đến.

Giá trị của NFT

Điều quan trọng cần hiểu về NFT là chúng trở nên có giá trị theo cách nào. Không giống như tiền điện tử (BTC và ETH), NFT thường đạt được giá trị thông qua quyền lợi mà nó mang lại: tệp hình ảnh kỹ thuật số, giấy tờ nhà ở, vé vào cửa một câu lạc bộ độc quyền. Do đó, chủ sở hữu NFT thường bị mắc kẹt giữa làn ranh mong manh của hồ sơ quyền sở hữu trên blockchain và thứ mà họ nghĩ là mình sở hữu, vốn không có trên blockchain.

Hãy suy nghĩ thử: Liệu rằng bạn sẽ mua một NFT đơn thuần, tức bản ghi trên blockchain với một chuỗi dữ liệu, mà không cần xét đến bất kỳ tham chiếu nào với tài sản kỹ thuật số hoặc thế giới thực? Bạn không hứng thú sao? Nếu tôi nói với bạn đây là sản phẩm "có một không hai," từng được Beyoncé sở hữu hoặc có hàng dài người xếp hàng chờ mua nó thì sao?

Bạn nhận được gì khi "sở hữu" một NFT? Hầu hết mô tả sở hữu pháp lý đều liên quan đến các khái niệm về quyền sở hữu và quyền kiểm soát đối với một thứ gì đó. Nếu một NFT được sử dụng làm vé ngồi ghế 24A, thì bạn có quyền ngồi vào ghế đó. Không một ai được phép ngồi, ngoại trừ bạn.

Đối với trường hợp khi NFT đại diện cho một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, mọi thứ bắt đầu phức tạp hơn. Lúc này, NFT thường chứa liên kết đến một tệp phương tiện công cộng trên Internet, một tệp có thể được truy cập và sao chép bởi bất kỳ ai. Với nghệ thuật vật lý, rất khó có thể làm ra những tác phẩm giả mạo. Tuy nhiên, trong thế giới số hóa, việc tạo ra bản sao hoàn hảo lại vô cùng dễ dàng. Do đó, thứ duy nhất bạn có thể sở hữu và kiểm soát trong trường hợp này là biên lai giao dịch: Chỉ bạn mới có thể quyết định thuyết phục người khác trả tiền cho bạn để ghi ID của họ vào trường chủ sở hữu của bản ghi NFT. Nhưng việc này có giá trị gì? Trong nhiều trường hợp, bạn không có quyền sở hữu hoặc kiểm soát tác phẩm nghệ thuật. Bạn không thể ngăn ai đó sao chép nó. Bạn không thể ngăn họ làm điều gì đó mà bạn hoặc nghệ sĩ không thích, dù là viết từ ngữ xúc phạm lên. Và bạn thậm chí không thể ngăn họ tạo một bản ghi NFT riêng biệt, với vẻ ngoài tương đồng và đưa ra cùng một yêu cầu về quyền sở hữu mà NFT của bạn đem lại.

Nhiều nhà giao dịch bộ sưu tập kỹ thuật số cho rằng việc không có quyền sở hữu hay kiểm soát đối với tài sản thực tế  (tác phẩm nghệ thuật) không có gì đáng lưu tâm. Họ cho rằng sự thiếu kiểm soát này thực ra là một lợi ích đối với chủ sở hữu NFT. Điểm lợi là tác phẩm sẽ được tự do quảng bá rộng rãi, song tác giả không kiểm soát được hành vi chiếm đoạt hàng loạt, bóc lột và khai thác thương mại trái phép chất xám của họ.

Giới truyền bá NFT gần đây đã chuyển hướng tập trung sang đạo đức của cộng đồng và sử dụng NFT làm quyền truy cập vào tất cả trải nghiệm trực tuyến. Những ví dụ điển hình là câu lạc bộ độc quyền, buổi hòa nhạc ảo trên metaverse và phòng chat nơi độc giả/ khán giả có thể giao lưu với người sáng tạo/ người nổi tiếng. Hiện tại, NFT có thể là một phương án quản lý vé phức tạp và tốn kém, nhưng đồng thời có tính pháp lý cao và đặc biệt càng hữu ích hơn một khi giá thành giảm và dễ sử dụng hơn. NFT có thể giải quyết các vấn nạn như giả mạo và đầu cơ vé.

Sự phát triển của NFT

NFT đang phát triển. Với sự ra đời của các tiêu chuẩn NFT mới nổi như EIP-4910 của Ethereum (bản nâng cấp của ERC-721, từng tạo lập nền tảng cho hầu hết NFT tính đến năm 2022), NFT giờ đây còn có thể thực thi quyền sở hữu và kiểm soát bằng chính hợp đồng thông minh.

Để tìm hiểu quy trình hoạt động của nó, hãy xem lại ví dụ về vé vào cổng sự kiện thế thao. Thay vì mua NFT cho ghế 24A, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chỉ có bạn mới có thể cung cấp chỗ ngồi đó cho những người khác, không chỉ trong một trận đấu nhất định mà tất cả trận sau này?  Miễn là doanh thu chỉ được phép thông qua giao dịch tiền điện tử, hợp đồng thông minh của NFT có thể cho phép chủ sở hữu độc quyền kiểm soát đối với việc nhận thanh toán. Và ở đây, chủ sở hữu chỗ ngồi không nhất thiết phải là sân vận động hay giải đấu. Sân vận động, trong trường hợp này, có thể nhượng quyền cho từng chỗ ngồi và sử dụng hợp đồng thông minh của NFT để thực thi không chỉ những người nắm giữ NFT được trả tiền bởi mỗi người ngồi trong 24A mà còn cả địa điểm, giải đấu và thậm chí người chơi có khả năng nhận được một phần doanh thu đó. Đây gọi là quyền cấp giấy phép, một trường hợp sử dụng hợp lý hợp lý cho các NFT.

NFT có thể đại diện và giúp thực thi nhiều quyền lợi khác nhau: Quyền của nghệ sĩ, quyền của người sưu tập, quyền phân phối, bán lại và thu tiền bản quyền. Và nếu giao dịch được thực hiện trên cùng một blockchain với NFT, biên lai giao dịch kỹ thuật số và hợp đồng thông minh quản lý sẽ phát huy sức mạnh thực sự và hiệu quả hoạt động có thể thay đổi cơ chế kinh tế của nghệ thuật và công nghiệp giải trí.

Giờ đây, các kỹ thuật như mã hóa không kiến ​​thức (zero-knowledge), kết hợp với hợp đồng thông minh mới như hợp đồng dựa trên EIP-4910, đang thúc đẩy khả năng mở rộng, quyền riêng tư và chức năng cho các nhà phát triển để xây dựng dịch vụ hữu ích.

Sử dụng NFT theo cách này hỗ trợ giới nghệ sĩ kiếm thêm thu nhập ổn định hơn bằng cách ủy thác người hâm mộ của họ làm người quảng bá và phân phối, cung cấp cho họ trang phục trong game, nhượng quyền thương mại… nếu bạn muốn. Thay vì thuyết phục rằng NFT sẽ thu hút nhiều người mua sau này, mọi người có thể mua NFT để giành quyền tái bản và phân phối. Từ mười bản in kỹ thuật số thế hệ đầu tiên, nghệ sĩ và những nhà sưu tập hay những người có ảnh hưởng có thể nhận được thu nhập thụ động từ tiền bản quyền từ hơn 11.000 bản in kỹ thuật số khác. Việc sở hữu một NFT như vậy cấp cho chủ sở hữu quyền thực thi thực sự.

Các tiêu chuẩn NFT mới cũng đang giúp bạn có thể thực hiện tất cả điều này hoàn toàn trên blockchain mà không cần dựa vào sàn giao dịch của bên thứ ba hoặc các dịch vụ tập trung. Hãy tưởng tượng bạn có thể sao chép một mã nhúng đơn giản từ NFT vào trang web của riêng bạn, tương tự như với video YouTube, và bán nó ngay tại đó (có thể là một tác phẩm nghệ thuật, vé xem hòa nhạc hoặc trận đấu) mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ nền tảng nào khác.

Tổng kết

Cuối cùng, sự thổi phồng xung quanh NFT cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi NFT đang trên đà phát triển. Và ngày nay, bất kể là một chiếc Tesla, một bức tranh vẽ một lon súp hay thậm chí là một quả chuối kỹ thuật số NFT được dán vào tường blockchain, bạn đều đang đặt niềm tin của mình vào chúng.  Rốt cuộc, nếu chúng tôi thuyết phục được bạn rằng NFT chỉ là một biên lai bán hàng kỹ thuật số trên trang Internet công cộng, không phải là công cụ hữu ích để cải thiện đời sống tài chính của người sáng tạo trong khi phát triển cộng đồng kỹ thuật số toàn diện và gắn bó hơn, bạn sẽ sẵn lòng chi trả bao nhiêu cho một NFT? 

Có thể bạn quan tâm

Mục lục