Bây giờ người ta không hỏi: “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” mà hỏi: “NFT đáng giá bao nhiêu?” vì NFT đã giúp cho các chủ sở hữu thu về bộn tiền.
Họa sĩ 14 tuổi Xèo Chu bán bức tranh NFT “Hoa mai may mắn” trên sàn Binance với giá gần $23,000. Bức meme NFT “Side-eying Chloe” về một cô bé biểu hiện vẻ mặt “cũng thường thôi” được bán với giá hàng nghìn đô la trong một cuộc đấu giá. Và mới đây Tik Tok cũng gia nhập làn sóng này khi vừa ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên.
Nếu Bitcoin được ca tụng là câu trả lời số hóa cho tiền tệ, thì NFT hiện đang được quảng cáo là câu trả lời số hóa cho các bộ sưu tập. Bước ra khỏi lãnh địa sưu tập, NFT còn có thể là chìa khóa để mở ra thế giới nghệ thuật tự do, Metaverse của khoa học viễn tưởng và DeFi. Tuy nhiên, NFT cũng lẩn khuất trong mình những mặt tối.
Bức meme NFT “Side-eying Chloe” (Ảnh: foundation)
Tổng quan về NFT
Định nghĩa NFT (Non-Fungible Token)
Trong kinh tế học, tài sản có thể thay thế (fungible asset) là thứ có các đơn vị có thể dễ dàng thay thế cho nhau – như tiền. Với tiền, bạn có thể đổi một tờ 100,000 đồng thành hai tờ 50,000 đồng và nó sẽ có cùng giá trị.
Tuy nhiên, nếu một thứ gì đó là không thể thay thế (non-fungible), thì điều này là bất khả thi – có nghĩa là thứ này có những thuộc tính độc nhất nên không thể thay thế cho thứ khác. Đó có thể là một ngôi nhà, hoặc một bức tranh như bức Mona Lisa. Bạn có thể chụp ảnh một bức tranh hoặc mua bản copy nhưng sẽ chỉ có duy nhất một bức tranh gốc trên đời.
Tranh vẽ là tài sản non-fungible (Ảnh: AliExpress)
Tương tự, NFT là tài sản “độc nhất vô nhị” trong thế giới số. Bạn có thể mua và bán chúng giống như bất kỳ tài sản nào khác, nhưng NFT không có hình dạng hữu hình.
Cách NFT hoạt động
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống như tranh vẽ có giá trị vì chúng có một không hai trên đời. Nhưng các file kỹ thuật số thì có thể được sao chép liên tục và dễ dàng.
Với NFT, bạn có thể “tokenized” (mã hóa) tác phẩm nghệ thuật của mình để tạo ra một giấy chứng nhận số về quyền sở hữu, và giấy chứng nhận này có thể được mua và bán trên thị trường.
Trong thế giới crypto, một bản ghi (record) chứng nhận quyền sở hữu đó sẽ được lưu trữ trên một sổ cái (ledger) gọi là blockchain. Không ai có thể giả mạo bản ghi này vì sổ cái được vận hành bởi hàng nghìn máy tính trên khắp thế giới.
Các NFT cũng có thể chứa các hợp đồng thông minh (smart contract) giúp các nghệ sĩ nhận được phần trăm của các đợt bán token trong tương lai.
NFT đáng giá bao nhiêu?
Về lý thuyết, bất kỳ ai cũng có thể mã hóa tác phẩm của mình để bán dưới dạng NFT, nhưng gần đây NFT đã trở thành cơn sốt khi trên mặt báo dày đặc các tiêu đề về doanh số hàng triệu đô la của nó.
- Vào ngày 19/2, một Gif hoạt hình của Nyan Cat – con mèo đang bay có từ năm 2011 – được bán với giá hơn $500,000.
- Vài tuần sau, nhạc sĩ Grimes đã bán một số tác phẩm số của mình với giá hơn 6 triệu đô la.
- Một nghệ sĩ tên Beeple đã bán một bức tranh NFT ghép từ 5,000 tác phẩm khác của mình với giá 69 triệu đô la, con số này đã thiết lập một kỷ lục mới cho nghệ thuật số.
Gif Nyan Cat (Ảnh: skdesu)
Nhưng không chỉ nghệ thuật mới được mã hóa và bán:
- Jack Dorsey – người sáng lập Twitter đã NFT dòng tweet đầu tiên của mình và được trả giá 2.5 triệu đô la.
- Sorare – một công ty Pháp chuyên bán thẻ giao dịch bóng đá dưới dạng NFT, đã kiếm được được 680 triệu đô la.
Thế giới mới mang tên NFT
Nhưng NFT không chỉ dành cho mục đích sưu tập, nó còn có khả năng mở ra một thế giới mới.
Cánh cửa mới cho nghệ thuật số
Là một người dùng Internet, bạn có thể xem bức tranh “Everydays—The First 5,000 Days” trị giá 69 triệu đô của Beeple trên mạng, nhưng chỉ duy nhất người đã mua NFT gắn với bức tranh đó mới có quyền sở hữu nó.
Điều này tạo ra một sự thay đổi đơn giản nhưng mạnh mẽ trong cách nghệ thuật số hoạt động: biến nghệ thuật số trở nên độc quyền.
Trước đây, bạn có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật số và mọi người sẽ biết bạn đã tạo ra nó, nhưng bất kỳ ai cũng có thể copy và chia sẻ nó với toàn thế giới chỉ bằng một cú click chuột. Điều này khiến việc xác định tính nguyên bản của một tác phẩm nghệ thuật số trở nên khó khăn. Cũng không có cách hoàn hảo nào để chứng minh hoặc chuyển quyền sở hữu của tác phẩm số đó. Nhưng NFT đã bước vào và thay đổi cục diện.
Ngoài ra, bằng cách định nghĩa lại quyền sở hữu tài sản số, NFT đã biến đổi cách các nghệ sĩ kiếm sống, nó cũng mở rộng mối quan tâm của mọi người đến công nghệ blockchain – ngoài việc đầu tư vào các đồng coin và token.
Sở dĩ NFT phổ biến trong nghệ thuật bởi vì những nghệ sĩ số có thể tạo ra sự khan hiếm cho các tác phẩm của mình – vốn chỉ bao gồm các pixel. Chúng cho phép người sáng tạo kiếm được nhiều tiền hơn so với thông thường. Hiện tại, các nghệ sĩ trong thế giới thực chỉ nhận tiền một lần duy nhất khi bán tác phẩm của mình; nếu chủ sở hữu mới của tác phẩm bán nó cho người khác, họ sẽ bỏ túi toàn bộ lợi nhuận thu được — và nghệ sĩ không nhận được gì.
“Everydays—The First 5,000 Days” trị giá 69 triệu đô của Beeple (Ảnh: Thanh Niên)
Tuy nhiên, NFT sử dụng hợp đồng thông minh để xác minh quyền sở hữu và các điều khoản. Những điều khoản này có thể bao gồm việc trả tiền bản quyền cho nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm mỗi khi tác phẩm đó sang tên đổi chủ.
“Các hợp đồng thông minh và tiền bản quyền là một đề xuất hấp dẫn cho nghệ sĩ trên toàn thế giới,” – Seyi Awotunde, người đang điều hành NFT marketplay 0pulence cho biết.
Awotunde cho rằng việc các nghệ sĩ đòi 10% tiền bản quyền trong những lần sang tay tác phẩm sẽ trở thành tiêu chuẩn cho thị trường NFT. Điều đó giúp các nghệ sĩ có khả năng kiếm được thu nhập cả đời từ mỗi tác phẩm nghệ thuật họ tạo ra. Từ đó, họ có nhiều thời gian dành cho nghệ thuật hơn thay vì phải làm những nghề tay trái khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Ngoài ra, trong thế giới nghệ thuật thông thường, các nghệ sĩ thường phải phụ thuộc vào các phòng trưng bày để triển lãm và bán tác phẩm của mình. Những phòng trưng bày nghệ thuật này thường lấy 50% hoa hồng cho mỗi lần bán như vậy.
Trong khi đó, bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có thể mint NFT cho một tác phẩm, tự đặt giá trên các NFT martketplay dễ sử dụng như OpenSea hoặc Foundation. Khi bán tác phẩm, ngoài việc trả một khoản phí giao dịch, các nghệ sĩ có thể bỏ túi toàn bộ khoản thu nhập mình kiếm được.
Cuộc hôn nhân giữa NFT và DeFi
Thành thật mà nói, NFT không có nhiều giá trị nội tại. Giả sử bạn mua một NFT với giá 2 ETH trong một khoảng thời gian cụ thể khi NFT đó được nhiều người ưa chuộng. Nhưng thị trường crypto là nơi các trend (xu hướng) thay đổi liên tục, nên khi bạn quyết định bán NFT đó vào một năm sau, bạn rất khó tìm được người mua nó, chứ chưa nói đến việc kiếm lời.
Tại sao? Vì NFT đó không còn phổ biến nữa và người mua sau có thể muốn mua nó với giá thấp hơn giá bạn đã bỏ ra ban đầu. Bạn hoặc phải bán lỗ NFT cho một người khác, hoặc chờ đến suốt đời để tìm một người mua sẵn sàng trả giá cao hơn vì bạn không thể đổi nó lấy một NFT khác.
Đây chính là nơi cuộc hôn nhân của NFT và DeFi có thể trở nên khả thi. Trên thực tế, sự thay đổi đã bắt đầu.
Cho đến nay chúng ta đều biết rằng mình chỉ có thể mua toàn bộ NFT. Bạn không thể tách nó ra từng mảnh và bán cho nhiều người khác nhau, đó là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề đau đầu với tính thanh khoản. Nhưng với đặc điểm của DeFi, chủ sở hữu NFT có thể chia nhỏ tài sản để nhiều người có thể sở hữu một phần nhỏ của nó.
Nó giống như một bộ ghép hình, có 100 mảnh ghép khi ghép lại với nhau sẽ tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh. Nhưng thay vì bán toàn bộ cho một người mua, người bán có thể bán các mảnh ghép cho 100 người mua khác nhau. Nó sẽ không thay đổi quyền sở hữu vì toàn bộ bức tranh xếp hình vẫn sẽ thuộc về người bán, nhưng nó sẽ cung cấp cho NFT một không gian để giao dịch.
Hiện tại có nhiều dự án đang trở thành ông tơ bà nguyệt cho cặp đôi NFT – DeFi này.
Cuộc hôn nhân giữa DeFi và NFT (Ảnh: Hackernoon)
Niftex chính là ví dụ cho ý tưởng “Tôi muốn sở hữu một phần miếng bánh” khi phân chia quyền sở hữu NFT. Nó hơi giống với Bitcoin, nơi bạn có thể sở hữu Satoshi nếu bạn không thể mua trọn một BTC.
Cho đến nay, rất nhiều người đam mê NFT đã ra về tay không, thất vọng vì ai đó đã trả giá cao hơn. Ngoài kia luôn có người nhiều tiền hơn mình, vậy những ai có số dư tài khoản hạn chế sẽ làm gì? Họ sẽ tìm đến Niftex. Niftex cho phép người bán NFT phân chia tỷ lệ NFT của họ để tạo ra tính thanh khoản cao hơn.
Người mua có thể trả một mức giá khá nhỏ để nắm giữ một phần nhỏ của NFT. Quyền sở hữu vẫn sẽ thuộc về chủ sở hữu NFT và người mua những phần nhỏ đó sẽ có quyền nắm giữ chúng bao lâu tùy ý.
Ngoài ra, còn có những sự kết hợp khác giữa NFT và DeFi. NFT với pool thanh khoản là điều mà Axie Infinity đã đạt được với trò game blockchain của mình. Cụ thể, họ kết hợp các NFT hiếm với một pool thanh khoản để dành cho những vật phẩm trong trò chơi.
NFTX là một ví dụ khác. Nó cho phép chủ sở hữu NFT khóa NFT của mình để mint ra các fungible token dựa trên ERC20 và họ có thể sử dụng chúng để mua các NFT khác, giao dịch, stake (đặt cược) hoặc bỏ chúng vào một pool thanh khoản để kiếm lời.
NFT và sự sáng tạo của Metaverse
1. NFT và đời sống trên mạng của chúng ta
Đã 25 năm kể từ khi World Wide Web lần đầu tiên xuất hiện và làm thay đổi cuộc sống của chúng ta mãi mãi. Chúng ta đã đi từ một mạng lưới người dùng nhỏ xài desktop với tốc độ khoảng 30 kbps, đến một lượng người dùng khổng lồ có thể truy cập ngay lập tức vào kho kiến thức của nhân loại chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.
Cuộc hành trình của tiến bộ công nghệ vẫn tiếp diễn. Thế giới số đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống thực của chúng ta. Điều này có nghĩa là một khái niệm trước đây chỉ có trong khoa học viễn tưởng – Metaverse – đang bắt đầu được hiện thực hóa.
Metaverse là mô hình về một cuộc sống nơi mọi thứ được kết nối ở mức độ cực kỳ cao. Tất nhiên hiện tại tất cả chúng ta đều được kết nối thông qua điện thoại và máy tính. Nhưng theo nhà đầu tư mạo hiểm Matthew Ball, Metaverse sẽ xuất hiện khi ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ và khả năng được tích hợp và kết hợp với nhau. Dù đã sống trong một thế giới được liên kết chặt chẽ như hiện nay, nhưng Metaverse sẽ kết nối chúng ta theo cách mà không ai có thể tưởng tượng nổi.
Nhiều người, bao gồm cả Mark Zuckerberg, đưa khái niệm này đi xa hơn khi xem Metaverse là nơi thực tế ảo có thể tái tạo hoàn toàn các tương tác xã hội. Điều này có nghĩa là hai người ở hai đầu trái đất có thể gặp nhau tại một nền tảng trò chơi, khám phá và chơi game cùng nhau. Chơi game trực tuyến không có gì mới, nhưng ý tưởng của Metaverse đó là những tương tác trực tuyến có thể tích hợp mọi khía cạnh khác trong cuộc sống chúng ta.
NFT và thế giới Metaverse (Ảnh: Hackernoon)
2. Công nghệ NFT: Chìa khóa cho Metaverse
Đây là lý do tại sao NFT hiện tại mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi mang tên công nghệ. Mọi thứ sẽ phải được thể hiện trong Metaverse. Điều này nghĩa là phải có sản phẩm để bán trực tuyến, có đồ vật để sử dụng trực tuyến và thậm chí sẽ còn phải có bất động sản trực tuyến để sở hữu, bán và chuyển nhượng trong Metaverse.
Trong khi đó, như đã nhắc ở trên, công nghệ NFT có thể cấp quyền sở hữu thực sự cho chủ sở hữu các mặt hàng kỹ thuật số. Nếu bạn hiểu về tính bảo mật và độ an toàn mà người dùng có thể có khi sở hữu một mặt hàng số trên blockchain, bạn sẽ bắt đầu thấy cách NFT có thể định hình một Metaverse bao trùm xã hội trên toàn cầu.
Chúng ta có thể thấy một số dự án NFT đang ngày càng dấn sâu vào lãnh địa Metaverse. Thế giới trong các trò chơi blockchain được nhiều người xem là nguyên mẫu của một Metaverse toàn diện.
Axie Infinity hiện là một trong những dự án NFT lớn nhất thế giới. Trong game, người chơi nhận nuôi, huấn luyện các Axie và cho chúng chiến đấu. Trên on-chain, mỗi Axie được đại diện như một NFT. Axie càng có nhiều kinh nghiệm thì chúng càng trở nên mạnh hơn và do đó đắt hơn.
Ngoài Axie, bạn còn có thể mua các vật phẩm khác trong trò chơi để nâng cao khả năng của Axie. Những game thủ sẽ chiến đấu và tương tác với nhau trong thế giới Axie Infinity. Về cơ bản, Axie Infinity là một thế giới ảo, nơi mọi người ở khắp nơi trên thế giới có thể tương tác thông qua các vật phẩm kỹ thuật số. Và ở một số khía cạnh, đây là phiên bản giới hạn của một Metaverse.
Xplorer’s Studio, tập hợp 10,000 phi hành gia NFT sắp được phát hành, là một dự án khác đang nhúng chân vào Metaverse. Một Xplorer NFT đóng vai trò như một tấm vé kỹ thuật số cung cấp cho chủ sở hữu quyền truy cập vào một bộ công cụ trực tuyến để tạo ra một nhân vật (personna) trực tuyến.
Các công cụ này bao gồm hình nền ảo (zoom background), cửa hàng độc quyền, ví cộng đồng kỹ thuật số và những tính năng đặc biệt khác. Quan trọng hơn, Xplorers Studio sẽ mua đất trong một Metaverse sau khi hoàn tất việc bán NFT của mình.
Mua đất trực tuyến là một bước tiến lớn đối với khái niệm Metaverse. Nó cho thấy rằng chúng ta có thể chiết xuất giá trị thực sự từ bất động sản trực tuyến và tích hợp thêm một yếu tố khác của cuộc sống thực vào trong blockchain.
Mặt tối của NFT
Quyền sở hữu và bản quyền
Trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật đang trở thành một vấn đề với NFT. Trong thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối khi phát hiện các tác phẩm của mình được bán trên các marketplace dưới dạng NFT mà không có sự đồng ý của họ.
Vấn đề ở đây là hệ thống mà NFT đang vận hành ở trên được thành lập cách đây vài năm, cũng chưa được điều chỉnh để bắt kịp với cách người dùng Internet bán và giao dịch các tài sản phi tập trung, chẳng hạn như nghệ thuật.
Một dạng NFT rất sớm đã được đóng gói vào một trò chơi xuất hiện năm 2017 có tên là CryptoKittties. Trò chơi cho phép người chơi mua một số lượng hạn chế mèo ảo (được bán dưới dạng NFT) và nuôi chúng với những người chơi khác. Lúc đó, các nhà phát triển của trò chơi đã tạo ra những NFT này, vì vậy chúng là độc nhất trong trò chơi.
Người chơi không thể tải lên bản sao của một con mèo để bán hoặc sử dụng chúng để trục lợi bởi vì các nhà phát triển là người sở hữu bản quyền duy nhất đối với những con mèo này. Ngoài ra, bằng cách kiểm soát ai có thể hoặc không thể mint ra những con mèo mới đồng nghĩa với việc họ có thể kiểm soát số lượng mèo trên thị trường tại bất kỳ thời điểm nào. Mèo sẽ không tràn ngập thị trường.
Tuy nhiên, trong thế giới nghệ thuật, những người tạo ra NFT (trong trường hợp này là các nghệ sĩ kỹ thuật số), có rất ít quyền kiểm soát về cách thức và địa điểm bán các tác phẩm của họ. Đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu trước khi NFT bước chân vào lĩnh vực này, và giấc mơ NFT có vẻ không thực sự đẹp với các nghệ sĩ đến thế.
CryptoKittties (Ảnh: thebigidea)
“Tôi không nghĩ NFT giải quyết được bất kỳ vấn đề nào mà nó tuyên bố rằng sẽ giải quyết được. Về cơ bản, nó chỉ bán sự lạc quan,” – Nghệ sĩ Pepper Raccoon nói.
“Giá trị của NFT nằm ở chỗ bằng chứng công việc (proof of work – PoW) đảm bảo rằng tác phẩm gốc của bạn có một token duy nhất gắn liền với nó, có nghĩa là người sở hữu nó biết rằng họ đang nắm giữ “bản gốc”. Nhưng vấn đề là ai đó có thể tạo ra một JPG của tác phẩm đó và ném nó lên một marketplace khác, với một token khác được gắn vào nó và bán. Như vậy thì không có “bản gốc!”.
Vậy ai có thể và không thể mint một NFT? Câu trả lời ở đây rất đơn giản: Nghệ sĩ nên là người có tiếng nói cuối cùng trong việc mint tác phẩm của họ (tức là có bao nhiêu “bản gốc” được bán) và nơi bán tác phẩm của họ. Tuy nhiên, môi trường vô pháp vô thiên của Internet khiến lý tưởng đó khó thực hiện được.
Với những khó khăn về tài chính mà nhiều nghệ sĩ đã phải đối mặt trong nhiều năm qua, không có gì ngạc nhiên khi họ rất hứng thú với ý tưởng bán các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến. Điều đó kết hợp với ngôi sao crypto đang lên khiến một số nghệ sĩ chuyển sang bán tác phẩm của họ dưới dạng NFT để trang trải cuộc sống. Và để tránh những trường hợp gian lận, các nghệ sĩ nên ủng hộ những nền tảng tích cực quảng bá các tác phẩm gốc của nghệ sĩ và quản lý kỹ càng những tác phẩm mình bán ra.
(Ảnh: Shutterstock)
Môi trường
Cũng giống như hệ thống NFT, nền tảng mà NFT nằm trên – blockchain Ethereum – đang không thể thích ứng kịp với những bước tiến chóng mặt trong thế giới crypto. Giống như Bitcoin, Ethereum cũng đang sử dụng PoW – đồng nghĩa với việc NFT đang có tác động rất lớn đến môi trường.
“Chỉ trong một giao dịch duy nhất, một tác phẩm nghệ thuật được bán dưới dạng NFT tiêu tốn năng lượng bằng hai tuần sử dụng năng lượng của một hộ gia đình,” – Raccoon nói.
Chính những tác động môi trường của việc mint ETH đã khiến một số nhạc sĩ hoàn toàn từ bỏ NFT cho đến khi có các phương pháp khác bền vững hơn. Trước tình hình này, nhiều NFT marketplace cũng đang tìm cách chuyển mô hình hoạt động của mình từ sử dụng PoW sang PoS (bằng chứng cổ phần).
(Ảnh: Shutterstock)
Liệu sự thay đổi hệ thống này có giảm thiểu những tác động của công nghệ blockchain đến khí hậu hay không? Có lẽ là tạm thời. Nhưng lượng khí thải carbon từ hoạt động mint ETH và BTC đang gia tăng ở mức báo động và đòi hỏi những sự đổi mới mạnh mẽ để giải quyết triệt để vấn đề. Tuy nhiên, loại đổi mới đó tốn kém tiền bạc và thời gian, trong khi hiện tại đối với những người liên quan, lợi ích tài chính ngắn hạn đã vượt xa các tác động môi trường về dài hạn.
Hàng rào gia nhập và dòng tiền
Các nghệ sĩ đã mô tả NFT là “sơ đồ kim tự tháp”.
Nhiều người giàu có và quyền lực trên toàn cầu đã đầu tư vào Ethereum, và do đó họ quan tâm đến thành công của nó. Raccoon cho biết chính những nhà đầu tư này là những người viết ra những tấm séc khổng lồ gây được tiếng vang lớn trên các phương tiện truyền thông.
“Số tiền khổng lồ được chi ra cho những tác phẩm nghệ thuật NFT như bạn đang thấy, chẳng hạn như phi vụ mua bán của Beeple trị giá 69 triệu đô la được thực hiện bởi một người có cổ phần (stake) rất lớn trong sự thành công của crypto,” – Raccoon nói.
Khía cạnh “kim tự tháp” của hệ thống NFT được thể hiện qua việc các nghệ sĩ mới nổi sẽ rất khó để bước lên nấc thang này. Nếu không có fan hâm mộ hay sự nổi tiếng, nhiều nghệ sĩ phải vật lộn rất vất vả để bán các tác phẩm của mình.
“Những người đang ở trên đỉnh danh vọng tham gia vào NFT và đã có sẵn lượng người theo dõi khổng lồ chính là những người đang kiếm được tiền. Rất nhiều người đã bán giấc mơ NFT kiếm được hàng nghìn đô la này, trong khi thực tế nó chỉ là một thị trường nghệ thuật truyền thống mang tính tập trung hơn,” – Raccoon cho biết.
Theo C98