Total Value locked (TVL) là gì?
Тotal value locked (TVL) là tổng lượng giá trị tài sản khóa lại trong hợp đồng thông minh của DeFi. Nó đại diện cho số lượng tài sản hiện đang bị giữ trong một giao thức cụ thể.
“Nhiều trang web theo dõi DeFi sử dụng Tổng giá trị đã khóa (TVL) làm điểm tham chiếu. Nói một cách đơn giản, TVL đại diện cho số lượng tài sản hiện đang được stake trong một giao thức cụ thể. Giá trị này không có nghĩa là đại diện cho số dư nợ , mà là tổng lượng cung cấp thanh khoản cơ bản được bảo đảm bởi một ứng dụng cụ thể/ hoặc bởi DeFi nói chung. “.
- Từ Kyber Network ngày 14/12/2019:
“Một chỉ số mà trong không gian DeFi đặc biệt thích đánh giá khi so sánh các dapp của DeFi là Tổng giá trị bị khóa (TVL). TVL đo tổng giá trị của các token bị khóa trong các dapp này, với lập luận rằng giá trị TVL càng cao trong dapp thì dapp đó tốt hơn.”
Nhìn chung TVL là một số liệu được sử dụng để đo lường tình trạng chung của DeFi và thị trường Yield Farm. Bạn có thể theo dõi tổng giá trị đã bị khóa (TVL) trên nhiều dịch vụ.
Thông thường để đánh giá tiềm năng của một dự án DeFi, ta thường tính toán và xem xét tỷ trọng vốn hóa thị trường của các dịch vụ tài chính phi tập trung so với TVL của nó dựa trên ba thông số bao gồm: tính toán nguồn cung token lưu hành, mức cung tối đa của token cũng như giá hiện tại.
Để có được vốn hóa thị trường hiện tại, bạn cần nhân nguồn cung lưu hành với giá hiện tại. Tuy nhiên, tùy theo quan điểm của tác giả có thể lấy toàn bộ vốn hóa pha loãng hoàn toàn.
Total Market Cap = Circulating Supply * Current Price
Trong đó:
- Total Market Cap là tổng giá trị vốn hóa thị trường
- Circulating Supply là tổng số lượng token ước tính lưu hành
- Current Price là giá trị hiện tại hay giá thị trường của token
Tính toán giá trị TVL bằng tổng lượng token bị khóa nhân với giá trị thị trường token bị khóa.
Total Value Locked (TVL) = Total Token locked* Current Price
Trọng số hay tỷ lệ vốn hóa thị trường của dịch DeFi so với giá trị TVL. Hay là TVL Ratio được tính như sau:
TVL Ratio = Total Market Cap/TVL
Theo một quan điểm lý thuyết cho rằng TVL Ratio càng cao thì giá trị của tài sản càng thấp; tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng khi chúng ta nhìn vào thực tế. Một trong những cách dễ nhất để triển khai tỷ lệ TVL là giúp xác định xem nội dung DeFi được định giá thấp hay định giá quá cao và điều này có thể được thực hiện bằng cách xem xét tỷ lệ. Nếu nó dưới 1, thì dự án đó đang được định giá thấp hơn trong hầu hết các trường hợp.
Trong phân tích của Kyros Ventures ngày 10 tháng 8, tỷ lệ TVL Ratio lấy toàn bộ giá trị thị trường của giao thức nền tảng. Dựa trên các tỷ lệ trên, thì TVL Ratio của Alpaca đang ở mức 0.13 và có thể giá trị thị trường của dự án đang bị định giá thấp hơn so với thực tế của nó. Và TVL Ratio của KAVA có tỷ lệ 3.6 có thể đang định giá quá cao ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó TVL trên mỗi giao thức có những cơ chế riêng biệt. Do đó tùy vào mỗi ứng dụng dapp. Các nhà phân tích có những đánh giá khác nhau và thường so sánh các ứng dụng có nét tương đồng nhau.
Ví dụ: Một quan điểm cho rằng TVL không phản ánh đúng chính xác ứng dụng dapp nào tốt hơn dựa TVL. Trường hợp cụ thể là giữa Uniswap và Kyber. Trong giao thức của Uniswap, khi người dùng cung cấp thanh khoản cho một cặp tài tài sản ví dụ như UNI/ETH. Do thiết kế của Uniswap thì mỗi pool thanh khoản là đơn lẻ nên mỗi đơn vị ETH cung cấp chỉ được sử dụng một đơn vị cho một cặp tài sản nhất định. Trong khi đó trên Kyber Network hoặc Bancor Protocol, khi người dùng cung cấp thanh khoản một cặp UNI/ETH thì ETH này cũng có thể dùng cho việc cung cấp thanh khoản cho cặp sản khác có thể là KNC/ETH hoặc các cặp khác tương đương. Nguyên nhân là thiết kế của các Pool trong Kyber hoặc Bancor liên kết với nhau và dẫn đến gia tăng số lần sử dụng thanh khoản trên mỗi đơn vị ETH trong các ứng dụng như Kyber hoặc Bancor. Vậy xét về mặt hiệu quả sử dụng thì Kyber hoặc Bancor đang có hiệu quả sử dụng vốn và có cơ chế tốt hơn.
Tuy nhiên do giao thức của Kyber thiết kế có độ trượt giá cao hơn Uniswap nên người dùng vẫn ưu tiên chọn Uniswap để thực hiện giao dịch. Hiện nay TVL của Uniswap đạt hơn 6 tỷ USD và Kyber chỉ mới ở mức 379 triệu USD. Do đó con số TVL cũng có thể chỉ là những thông số tương đối chính xác. Tuy nhiên việc giá trị của TVL của một dự án cao, điều này thể hiện độ tin cậy đối với người dùng cao.
Hiện nay chúng ta có thể phân loại nhanh, các TVL trong các giao thức DeFi như Lending, DEX, Synthetic-Asset, AMM, Payment, … và một số nền tảng khác.
Thứ tự TVL trong ngành DeFi từ cao xuống thấp đó là mảng Lending chiếm tỷ trọng cao nhất, kế đến là các DEX nói chung, Synthetic-Asset (hay Derivative), AMM và các giao thức còn lại.
Không chỉ dừng lại TVL trên DeFi, ngoài ra chúng ta cũng có thể tính TVL trên blockchain Proof of stake hoặc trường hợp đặc biệt của Ethereum là stake ETH để tham gia chuyển đổi lên Ethereum 2.0.
Phân biệt giữa TVL trên Validator của Proof of Stake và TVL trên dApp
Như đã đề cập ở phần trên TVL thường được nhắc đến với khái niệm tổng giá trị bị khóa các token trong giao thức DeFi. Tuy nhiên khái niệm TVL còn được biết đến trong các mạng lưới blockchain với giao thức đồng thuận Proof of Stake.
Tóm tắt về blockchain của Proof of Stake như sau: trong mạng lưới blockchain proof of stake, các Validator hay các nhà điều hành Node mạng có vai trò chịu trách nhiệm duy trì hoạt động của mạng lưới thông qua hoạt động xác thực các giao dịch trên Blockchain. Đối với mạng lưới Proof of Stake, mỗi Validator thường được yêu cầu phải stake một lượng native token tối thiểu của Blockchain đó để cam kết khởi chạy Node. Yêu cầu stake một lượng native token nhất định nhằm đảm bảo an ninh và nhằm tránh các hoạt động gian lận giao dịch. Vì khi xảy ra sự cố, token đã stake bị khóa trong hợp đồng thông minh sẽ bị chém hoặc đốt dựa trên các quy tắc của hệ thống nếu phát hiện ra gian lận. Đồng thời số lượng token đã stake chính là số cổ phần hoặc số phiếu bầu mà các Validator có trên toàn hệ thống khi tham gia vào hoạt động quản trị mạng bằng hình thức đề xuất bỏ phiếu. Phần thưởng khi duy trì hoạt động xác thực mạng sẽ được trả về cho Validator được phân chia dựa trên số cổ phần mà mỗi Validator cam kết.
Do vậy giá trị TVL trên blockchain Proof of stake phản ánh mức độ an ninh và bảo mật của mạng lưới blockchain. Hoặc mức độ người dùng tin cậy khi người dùng stake và ủy quyền token của họ cho các Validator.
Trên biểu đồ ETH 2.0 Staking Rate thể hiện tương quan giữa giá trị đã stake ETH so với tổng nguồn cung. Thông số này tăng theo thời gian, tỷ lệ staking Rate hiện tại là 6 điều này cho thấy phần lớn nguồn cung của ETH đang bị khóa. Và có sự tương quan nhất định với sự tăng trưởng giá trị của ETH theo tỷ lệ Staking Rate.
Tuy nhiên một vài Blockchain chưa có tính phân quyền cao như Binance Smart Chain thì giá trị TVL trên mạng lưới gần như vô nghĩa. Hiện tại Binance Smart Chain chỉ có 21 Validator. Và chúng ta chỉ thường so sánh cung ước tính lưu thông trên tổng nguồn cung.
Mối quan hệ giữa TLV và Curculating Supply
Khi quan tâm tới TVL một dự án chúng ta cũng không tránh khỏi nhầm lẫn giữa TVL và cung ước tính lưu thông (Circulating Supply). TVL xác định tổng giá trị toàn bộ các token bị khóa trong giao thức DeFi đó. Nghĩa là bao gồm native token của giao thức và các tài sản khác đang được khóa trong giao thức.
Ví dụ: Khi người dùng cung cấp thanh khoản trên Uniswap, với cặp UNI/ETH thì tổng TVL bao gồm cả UNI+ETH.
Tuy nhiên đối với cung ước tính lưu thông (Circulating Supply) của riêng Uniswap, thì tổng lượng UNI đang được lưu hành trên thị trường, trong đó một phần UNI có thể người dùng mang đi stake.
Một dự án khi phát hành token thường chỉ cho phép một lượng token nhất định được lưu thông. Điều này nhằm đảm bảo giữa cung và cầu với mục đích duy trì giá của token. Hoặc tạo ra sư tăng trưởng ổn định nhờ hoạt động giảm cung lưu thông bằng cách đốt token hoặc tạo ra các Pool Farm nhằm giảm lưu thông token đồng thời giúp người dùng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Khi phân tích một dự án DeFi, nếu phân tích được lượng token mang đi stake so với cung ước tính lưu thông thì chúng ta dễ dàng ước lược được nguồn cung thực tế đã lưu hành trên thị trường. Đây là dữ liệu on-chain mà các nhà phân tích thường chọn để xác định xu hướng tích lũy hay xu hướng bán tháo của dự án.
Tổng kết
Total Value Locked (TVL) là thông số quan trọng phản ánh mức độ tin cậy của người dùng đối với dự án, tùy vào mỗi giao thức DeFi mà lượng TVL phản ánh mức độ sử dụng khác nhau. Trong mọi trường hợp TVL cao thể hiện sức mạnh tiềm lực về thanh khoản, đồng thời TVL còn phản ánh mức độ cung cầu trên thị trường của native token. Tùy theo mỗi giao thức sẽ có mức độ đánh giá khác nhau đối với từng dự án và các thông số chỉ là tương đối vì cấu trúc cốt lõi giao thức không phản ánh tình trạng tokenomic của một dự án . Mọi thông tin trong bài viết đều là những thông tin do Coin68 tổng hợp nghiên cứu và không được cấu thành lời khuyên đầu tư. Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ rủi ro trực tiếp và gián tiếp nào. Chúc các bạn thành công!
Theo 68 Sixtyeight Trading