Mục lục

Tin nóng ⇢

Phóng viên được hưởng lợi gì khi NFT bùng nổ?

Vào tháng 1 năm nay, hãng thông tấn AP tuyên bố hợp tác với công ty công nghệ Xooa để khởi chạy nền tảng NFT nhiếp ảnh dựa trên công nghệ blockchain. Nền tảng đó có tên "The marketplace", chuyên bán những bức ảnh từng thắng giải của AP, ảnh lịch sử, video truyền cảm hứng,… Loạt ảnh đầu tiên giới thiệu những chủ đề nóng nhất hiện nay như không gian, khí hậu và chiến tranh.

Mỗi hình ảnh NFT chứa đựng những thông tin dữ liệu phong phú về thời gian, địa điểm, thông số thiết bị,… Giá của chúng không cố định. Mọi nhà sưu tập có thể thực hiện giao dịch ngay trên nền tảng thông qua thẻ tín dụng hoặc các phương tiện khác thuộc thị trường thứ cấp.

Ngay từ năm ngoái, hãng AP đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực NFT. Họ đã hợp tác với OpenSea, thị trường NFT lớn nhất thế giới, để bán đấu giá 10 phiên bản nghệ thuật của một số bức ảnh báo chí kinh điển. Sau khi ra mắt nền tảng NFT của riêng mình, ông Dwayne Desaulniers, giám đốc về blockchain và kiểm soát dữ liệu tại Midland Community, cho biết: 

Trong suốt 175 năm, phóng viên của Associated Press đã ghi lại những sự kiện quan trọng nhất của thế giới bằng những hình ảnh sống động. Chúng tôi tự hào giới thiệu hình ảnh mã hóa của những sự kiện này thông qua bộ sưu tập nhiếp ảnh NFT đang phổ biến nhanh chóng toàn cầu.

Tác phẩm NFT "Ashes" được bán bởi AP

Bức ảnh mô tả một ngôi nhà bị bao phủ bởi tro núi lửa ở Palma, quần đảo Canary (Tây Ban Nha) vào ngày 1/11/2021. Phiên bản có chữ ký của tác giả được bán với giá 0,27030 ether (795 USD). Ảnh gốc do phóng viên Emilio Morenatti chụp.

Tác phẩm NFT "Embers"

Một người lính cứu hỏa đứng một mình giữa tàn lửa rực đỏ của trận cháy ở Rừng Quốc gia Shasta-Trinity, California (Mỹ) ngày 6/9/2018. Phiên bản có chữ ký của tác giả có giá 0,32300 ether (950 USD). Ảnh gốc thuộc về tác giả Noah Berger.

NFT hiện đang chiếm lĩnh các tiêu đề lớn về công nghệ. Năm 2021 còn được gọi là "năm đầu tiên của NFT". NFT là chứng chỉ kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain, với đặc điểm không thể sao chép, thay thế hoặc chia nhỏ. Tác phẩm kỹ thuật số là một trong những kịch bản ứng dụng phổ biến nhất của nó. Sau khi mua một tác phẩm NFT, người mua cũng giống như đã nhận được một phiên bản giới hạn của tác phẩm. Khác với các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số thông thường, NFT được ghi lại trên blockchain. Do đó, ta có thể truy xuất nguồn gốc của chúng, đồng thời dữ liệu chúng chứa không thể bị giả mạo sau khi phát hành. Từ ảnh, ảnh động, bài hát, video, văn bản, ấn phẩm. "Mọi thứ đều có thể là NFT".

Hiện tại, tác phẩm NFT có kỷ lục đấu giá cao nhất là "Every Day: The First 5.000 Days" của Mike Winkelman, một nghệ sĩ kỹ thuật số với nghệ danh "Beeple". Ngày 11/3/2021, NFT trên đã được bán tại Christie's với giá 69,35 triệu đô la Mỹ, khiến ông trở thành nghệ sĩ vẫn còn sống có tác phẩm đắt giá thứ ba thế giới.

Every Day: The First 5.000 Days của Beeple. Bức tranh tập hợp những tác phẩm nhỏ của ông trong suốt 13 năm qua. Nhiều bức trong số đó phản ánh thực tế xã hội.

Giờ đây, giới nhiếp ảnh gia khắp thế giới đã bắt đầu tận dụng thị trường NFT như một hình thức đưa ảnh chụp của họ vươn ra quốc tế. Một số phương tiện truyền thông nước ngoài dự đoán nhiếp ảnh sẽ trở thành xu hướng tiếp theo của NFT vào năm 2022. Trên nền tảng OpenSea, thị trường giao dịch NFT lớn nhất thế giới, "nhiếp ảnh" (photography) có hẳn một danh mục riêng, giới thiệu trang chủ của nhiều nhiếp ảnh gia và nhóm nhiếp ảnh nổi tiếng.

Ông Scott Strazzante, phóng viên ảnh người Mỹ của "San Francisco Chronicle" và từng đoạt giải Putlizer, đã kể lại cuộc hội ngộ giữa ông với NFT. 

Tháng 8/2021, sau hơn nửa năm chờ đợi, Strazant bắt đầu rao bán tác phẩm của mình trên OpenSea. Trong tháng đầu tiên, ông bán được gần 50 bức ảnh với giá 0,2 ETH (Ether) mỗi bức (tương đương 40.000 USD) vào thời điểm đó. Ông Strazant, người tạo ra các NFT này, sẽ nhận được lợi nhuận khoảng 10% cho mỗi lần bộ sưu tập được bán lại trên thị trường.

Tuy nhiên, tác giả muốn gia nhập thị trường NFT cũng phải bỏ ra một khoản tiền nhất định. Quá trình mint NFT đòi hỏi một khoản phí gas, thường là từ hàng chục đến hàng trăm đô la. Nếu không bán được sản phẩm, tác giả sẽ thua lỗ do đã tiêu tốn phí gas trước đó. Trên nền tảng OpenSea, người bán có thể mint một NFT với giá dưới 100 đô la và phí này sẽ do người mua chịu.

Strazant đã đăng ba dự án ông chụp cùng một lúc, mỗi dự án chứa hàng chục bức ảnh. Đáng tiếc, vị ngọt chưa kéo dài được lâu thì ông nhận ra doanh số bán tác phẩm của mình sụt giảm nhanh chóng. Một số nhà sưu tập thậm chí còn bán lại với giá thậm chí thấp hơn khi mua. Ông Stazant cay đắng: "Chỉ có một người thực sự mua chúng vì quan tâm đến nghệ thuật, 99 người khác chỉ mua để bán lại."

Không lâu sau, Strazant cũng chuyển từ vị trí người bán sang người mua. Ông đã dùng một nửa thu nhập từ tác phẩm NFT của mình để ủng hộ các nhiếp ảnh gia khác, đồng thời mua loạt ảnh avatar hình con vượn nổi tiếng. Một bức chân dung của con vưọn này còn đắt hơn nhiều so với ảnh chụp thông thường. Trong khi bức chân dung “Desperate ApeWives” được Strazant mua với giá 0,6 ether, hầu hết tác phẩm của chính ông chỉ có giá chưa đến 0,2 ether. Loạt ảnh chân dung của "Bored Ape Yacht Club" hiện thuộc hàng đắt nhất trong dòng NFT chân dung. Hiện giá tối thiểu của mỗi chiếc vào khoảng 302 nghìn đô la.

Series NFT “Common Land” của Strazant được bán trên sàn giao dịch OpenSea. Dự án kéo dài hơn mười năm và ghi lại sự kết nối giữa các gia đình khác nhau cùng chung sống trên một vùng đất. Dự án đã được đăng trên National Geographic, CBS TV và nhiều kênh truyền thông khác.

Ảnh đại diện từ series "Desperate ApeWives" được bán trên nền tảng OpenSea. Bộ sưu tập gồm có 10.000 avatars khác nhau, có giá từ 0,3-777 ETH (2,25 triệu đô la). Những NFT, dù giá tiền chênh lệch đáng kể, chỉ khác nhau về trang phục, biểu cảm và cách phối màu.

Loạt ảnh avatar "Bored Ape Yacht Club" đình đám hiện có giá 18.880 ETH, tức khoảng 54,7 triệu đô la. NFT có giá rẻ nhất là 100 ETH (290 nghìn đô la).

Loạt ảnh avator "Crypto Punks" cũng là một trong những loạt ảnh đại diện NFT phổ biến nhất và đắt đỏ nhất.

Bên cạnh Strazant, nhiều phóng viên ảnh khác, điển hình là Michael Christopher Brown (công tác tại National Geographic), theo đuổi thị trường NFT. Ông đã đi khắp thế giới để chụp ảnh về chủ đề chiến tranh, xung đột, giới tính và sắc tộc. Ông đã đăng 4 dự án nhiếp ảnh trên OpenSea và dự án có khối lượng giao dịch cao nhất đã bán được 6,5 BTC. Bản thân ông cũng thường quảng bá tác phẩm NFT của mình trên mạng xã hội.

Bà Barbara Davidson, nữ phóng viên ảnh kiêm nhà làm phim,  đã mở trang chủ trên nền tảng NFT Foundation và phát hành dự án nhiếp ảnh theo chủ đề dịch COVID-19 "Pandemic Evidence" (Bằng chứng đại dịch). Series NFT có tổng cộng 20 bản, quay lại hình ảnh người đi đường đeo khẩu trang trên một con phố ở Los Angeles. Tuy nhiên, phản hồi của công chúng có vẻ lạnh nhạt và bà chỉ bán được 1/5 số NFT.

Mặc dù NFT mang đến cho phóng viên ảnh một sân chơi mới, họ không phải là những người chiếm ưu thế trong thế giới NFT.

Strazant nhận thấy rằng, về mặt nội dung, ảnh phong cảnh và đường phố bán chạy nhất, tiếp đến là ảnh nghệ thuật và phim tài liệu. Ông cho hay không có nhiều phóng viên ảnh tham gia không gian NFT vì nhiều người không sở hữu bản quyền đối với hầu hết tác phẩm của họ. Ngoài ra, hầu hết giá NFT của phóng viên ảnh không cao như các loại hình nhiếp ảnh khác.

Trong lĩnh vực NFT, các tác phẩm nhiếp ảnh có thể không bắt mắt như nghệ thuật kỹ thuật số, nhưng nền tảng mới này đã mang lại lợi ích cho nhiều nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh gia người Mỹ Justin Aversano, sinh năm 1992, có thể được coi là một trong những người phát ngôn của nhiếp ảnh NFT. Dự án nổi tiếng nhất của anh là series "Twin Flames" (Ngọn lửa song sinh) với chủ đề về các cặp song sinh. Mục đích anh thực hiện dự án này Là để tưởng nhớ các cặp song sinh đã qua đời. Tháng 11 năm ngoái, tác phẩm số 49 trong "Twin Flames" đã được bán với giá 871 ETH sau hai vòng bán lại và đấu giá, lập kỷ lục bán hàng trong lĩnh vực nhiếp ảnh NFT vào thời điểm đó. Aversano sau đó đóng góp phần lớn thu nhập của mình vào quỹ nhiếp ảnh để hỗ trợ cho các nhiếp ảnh gia NFT khác. 

Giờ đây, Aversano không chỉ là một nhiếp ảnh gia. Ông thành lập "Quantum Art", một nền tảng chuyên tuyển chọn và phát hành các tác phẩm nhiếp ảnh NFT, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giới nhiếp ảnh gia và nhà sưu tập NFT.

Twin Flames #49 được bán với giá 871 ETH. Người phụ nữ trong ảnh, tay cầm giấy chứng tử của người còn lại trong cặp song sinh. Quá trình thực hiện dự án "Twin Flames" kéo dài từ tháng 5/2017 đến tháng 7/2018. Tác giả đã ghé thăm nhiều thành phố trên thế giới để tìm kiếm các cặp song sinh.

Một số tác phẩm nhiếp ảnh NFT trên nền tảng "Quantum Art" do Aversano sáng lập.

Alejandro Cartagena, nhiếp ảnh gia người Mexico, cũng là người đi đầu trong lĩnh vực nhiếp ảnh NFT. Series nổi tiếng nhất của ông, "The 50 Carpoolers", ghi lại hình ảnh một nhóm người lao động trên cùng một chiếc xe. Loạt tác phẩm này đã được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới và có mặt trên các nền tảng trực tuyến. 

The 50 Carpoolers của Alejandro Cartagena

The end of the city của Cartagena

Với sự cộng tác của họa sĩ Fernando Gallegos, ông Cartagena đã mất 10 năm để lưu lại sự suy tàn của một thành phố Mỹ Latin trên con đường hiện đại hóa.

Hầu hết tác phẩm nhiếp ảnh NFT thành công đều có một điểm chung: toàn bộ loạt ảnh dù lên đến hàng chục hay thậm hàng trăm bức ảnh đều bảo đảm chất lượng cao. Dù chủ đề họ đeo đuổi là gì, nêu bật màu sắc và vẻ đẹp của bức ảnh luôn là điểm trọng yếu. Cartagena cho biết ông đã tìm cách kết nối các nhà tài trợ với nhiếp ảnh gia từ rất lâu trước khi NFT ra đời. Ngày nay, ông không chỉ kiếm tiền từ tác phẩm NFT của mình mà còn khởi lập một cộng đồng mang tên Obscura. Khoảng 50 nhà tài trợ ở đây luôn sẵn sàng giúp đỡ 8 nhiếp ảnh giá với 50.000 đô la hàng quý để hỗ trợ họ thực hiện công việc sáng tạo. 

Tuy nhiên sự nổi tiếng của một tác phẩm NFT không nhất thiết phải đi đôi với kỹ năng chuyên nghiệp. Tháng 1 năm nay, một loạt ảnh selfie của Ghozali, sinh viên đại học người Indonesia, đã gây xôn xao thị trường NFT. Series NFT "Ghozali Everyday" của anh, gồm hơn 900 ảnh selfie hàng ngày từ khi 18 đến 22 tuổi (2017-2021). Giá ban đầu của một bức ảnh chỉ ở mức 0,00001 ether (khoảng 3 đô la), nhưng trong vòng chưa đầy 1 tháng, tổng doanh thu của chúng đã lên đến hàng triệu đô la. Ngay chính bản thân Ghozali cũng không hiểu tại sao mọi người lại phát cuồng vì những bức ảnh này đến vậy. Dù vậy, ảnh selfie của Ghozali hội tụ những ưu thế của một NFT đánh trúng tâm lý người xem trong thời đại Web3: hình ảnh độc nhất, dễ nhận diện và gương mặt độc đáo.

Series NFT "Ghozali Everyday". Sau khi dự án trở nên nổi tiếng, các phiên bản hoạt hình, phiên bản pixel art xuất hiện và một số người đã tạo NFT ảnh chụp Twitter của Ghozali để bán.

Tổng kết

Sự phát triển của NFT trên khắp thế giới đã đẩy nhanh tốc độ trưng bày và bán tác phẩm nhiếp ảnh NFT. Với sự trợ giúp của NFT, thương mại hóa nhiếp ảnh đã trở thành một khái niệm chính thống hơn. Nếu có cơ chế phù hợp, giá trị của các tác phẩm trên thị trường sẽ ngày càng nâng cao, mang lại thu nhập bền vững cho người sáng tạo. Ngoài ra, quyền tác giả của các tác phẩm nhiếp ảnh đã được bảo vệ tốt hơn và giá trị của chúng cũng được đánh giá cao hơn.

Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi lúc bấy giờ, ngay cả những nhiếp ảnh gia thành danh cũng chịu cảnh thu nhập bấp bênh. Trong một cuộc phỏng vấn, Cartagena từng chia sẻ, từ khi Internet ra đời, giá trị của nhiếp ảnh liên tục bị mất giá và lượng ảnh lưu thông khổng lồ không mang lại thu nhập tương xứng cho các tác giả. Ông tin rằng hiện trạng này sẽ thay đổi khi Internet bước vào thế hệ thứ ba – kỷ nguyên metaverse.

Tuy nhiên, vốn là một khái niệm chỉ mới tiếp cận công chúng khoảng một năm trở lại đây, thị trường NFT vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn, quá trình mint NFT sẽ làm sinh lượng khí thải carbon, gây thiệt hại cho môi trường sinh thái; hay sự cạnh tranh của tư bản dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ. Bên cạnh đó, một số tác phẩm tưởng như giống nhau nhưng giá lại chênh lệch hàng chục, hàng trăm lần. Liệu chúng có thực sự đáng giá như vậy hay không cũng là điều đáng suy ngẫm. NFT được mint trên blockchain không an toàn tuyệt đối. Cách đây không lâu, ảnh avatar "Boring Ape" trị giá hơn 3 triệu nhân dân tệ của Châu Kiệt Luân đã bị đánh cắp và đổi chủ nhiều lần trong vòng một giờ, khiến nhiều người hoài nghi về tính bảo mật của NFT.

Một số nhiếp ảnh gia nước ngoài đã thể hiện tài năng của họ trên nền tảng NFT và đổi tên mạng xã hội của họ theo cú pháp "NFT photographer XXX". Chúng ta vẫn chưa chắc chắn danh hiệu này có thể tồn tại trong bao lâu. Một thực tế khác là không phải tất cả tác phẩm nhiếp ảnh đều tương thích với thế giới NFT và các tác phẩm thành công trên nền tảng NFT không nhất thiết có liên hệ với thành tích và ảnh hưởng của nghệ sĩ trong thế giới thực. Để thành công trên thị trường NFT, khả năng quản lý kinh doanh và tiếp thị cá nhân cũng rất cần thiết.

Quan trọng hơn, ngoài việc cung cấp cho các nhiếp ảnh gia cách kiếm tiền mới, NFT còn đóng vai trò như một nền tảng giao tiếp cho phép họ giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng, đồng thời thiết lập các buổi đàm thoại trong ngành. Trong bối cảnh dịch bệnh hai năm qua, việc trao đổi và giao dịch tác phẩm nghệ thuật ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian ảo và NFT trở thành một phương tiện hữu hiệu. Liệu rằng lĩnh vực ảnh báo chí sẽ còn tiến xa đến đâu trong nền tảng NFT vẫn còn là một câu hỏi chờ được thời gian trả lời. 

Có thể bạn quan tâm

Mục lục

Mục lục