Tin nóng ⇢

Mạng xã hội phi tập trung – trang sử mới trong crypto

NFTmetaverse hiện là những chủ đề đang được bàn luận sôi nổi nhất trong hệ sinh thái tiền điện tử, nhưng mạng xã hội phi tập trung (decentralized social media) có thể sẽ sớm trở thành ngôi sao sáng tiếp theo. Cũng giống như DeFi (tài chính phi tập trung), mạng xã hội phi tập trung không do một cơ quan tập trung quản lý, hứa hẹn thay thế các nền tảng như Twitter, Instagram, Facebook trong tương lai. Công nghệ này vẫn đang đang được các nhà phát triển nghiên cứu. 
 

Yung Beef (YB) phụ trách chỉ đạo nội dung và quản lý cộng đồng của Subsocial, một nền tảng mạng xã hội phi tập trung. Ông cho rằng nền tảng truyền thống không đối xử công bằng đối với các thành viên cộng đồng và người sáng tạo nội dung.

YB lập luận: "Rõ ràng, các mạng xã hội tập trung dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều thứ mờ ám. Các thuật toán luôn kiểm soát người dùng và dắt họ nhìn theo hướng khác và họ luôn có thể bị chặn hay cấm khỏi nền tảng vì đủ mọi lý do. Đối với nhiều người, Nó trở nên tồi tệ hơn khi dựa vào các nền tảng này để kiếm sống và các hóa đơn của họ được xác định hoàn toàn bởi các tổ chức tập trung."

Nền tảng Subsocial cho biết ngành công nghiệp truyền thông xã hội tập trung đang vướng phải nhiều trở ngại, bao gồm sự giám sát toàn cầu, thiếu tùy chỉnh, cơ chế kiếm tiền không công bằng, chế độ thuật toán độc tài và tập trung quá mức vào hiệu ứng mạng.

Ông Stani Kulechov, Giám đốc điều hành Aave, đồng thời cũng là nhà phát triển mạng xã hội phi tập trung, tin rằng giới sáng tạo nội dung nên có một nền tảng để kết nối với khán giả mà không lo bị kiểm duyệt.

"Cả người sáng tạo, xuất bản nội dung lẫn người tiêu thụ và chia sẻ đều chắc chắn được hưởng lợi từ phương tiện truyền thông xã hội phi tập trung", ông khẳng định.

Hè năm ngoái, Stani Kulechov từng gây xôn xao trong và ngoài giới tiền điện tử khi úp mở rằng nền tảng Aave đang xem xét xây dựng một "Twitter trên Ethereum."

Nhà sáng lập-Giám đốc điều hành Michael Marra nhận định loại hình mạng xã hội phi tập trung này thực chất là "trao lại quyền lực cho người dân". Theo ông, hai vấn đề mà nhà sáng tạo nội dung lẫn người dùng đối mặt là kiểm duyệt và thu nhập.

Cách thức hoạt động

Cả hai nền tảng truyền thông tập trung và phi tập trung đều sử dụng một loại biểu đồ xã hội (mô hình mạng xã hội thể hiện người dùng và mối quan hệ của họ). Người dùng có thể giao tiếp với nhau trên nền tảng front-end. Các nền tảng tập trung truyền thống, điển hình là Instagram, Facebook, TikTok, có máy chủ dữ liệu được kiểm soát bởi các công ty nhất định. Trái lại, nền tảng phi tập trung được chạy trên public blockchain và gần như bất kỳ ai cũng có thể vận hành node, truy cập backend, tạo ứng dụng và quản lý luồng cấp dữ liệu.

Theo thông tin trên trang web, "DeSo là một blockchain L1 hoàn toàn mới được thiết kế để mở rộng quy mô lên đến 1 tỷ người dùng cho các ứng dụng xã hội phi tập trung". Blockchain là một mã nguồn mở, với tất cả dữ liệu được lưu trữ trực tiếp on-chain. Hiện đã có hơn 200 ứng dụng được triển khai trên DeSo và những người dùng từng tạo hồ sơ ở đây có thể dễ dàng đưa hồ sơ và người theo dõi của họ vào blockchain trong bất kỳ ứng dụng nào khác.

Entre, viết tắt của "Entrepreneur", là một ứng dụng xã hội Web3 chạy trên chain DeSo. Tại đây, các người dùng tự do, nhân lực của doanh nghiệp truyền thống hoặc bất kỳ chuyên gia nào khác có thể thực hiện giao dịch kinh doanh và đăng nội dung tương tự như Twitter. Bên cạnh đó, Entre cho phép người dùng tổ chức cuộc họp trực tuyến và tuyển dụng nhân viên hoàn toàn giống như ở LinkedIn, Zoom và Google Calendar. Tất cả tính năng đều được bao trọn trong một ứng dụng duy nhất.

Trong khi Entre chạy trên social blockchain, Lens Protocol của Aave được triển khai trên Polygon. Theo Stani Kulechov, Lens là "một biểu đồ xã hội phi tập trung".

Ông Kulechov cho hay khi người dùng tạo một hồ sơ, hồ sơ đó sẽ được mã hóa thành NFT. Mỗi khi có người theo dõi người dùng, họ sẽ tạo thành một mối quan hệ on-chain. Do đã được mã hóa thành NFT, mối quan hệ này không thể bị phá vỡ bởi nền tảng hay ai khác và có thể sử dụng on-chain như ví kỹ thuật số MetaMask hoặc dùng để truy cập trang web của OpenSea.

Subsocial không tự coi mình là một mạng xã hội phi tập trung, mà là một nền tảng để xây dựng mạng xã hội. Nó cho phép người dùng tạo hồ sơ và tùy chỉnh "Không gian" (Spaces) cá nhân, đồng thời tuyên bố cung cấp dòng thời gian công khai không máy chủ, vai trò và quyền hợp lệ, quản trị người dùng, kiểm duyệt chừng mực (moderation), không gian DAO và kho tiền. Nền tảng, vốn được chạy trên blockchain Polkadot và Kusama, gần đây đã tạo ra ứng dụng phi tập trung đầu tiên kết hợp giữa Reddit và Medium.

Theo YB, Subsocial dự định sẽ xóa những hồ sơ này trong tương lai. Để tiết kiệm dung lượng, tất cả nội dung (hình ảnh, video và văn bản) được lưu trữ trên hệ thống IPFS và mã định danh nội dung IPFS được tải lên blockchain. Mỗi node IPFS do một hoặc nhiều người cùng lưu trữ và họ được toàn quyền kiểm soát nội dung lưu trên máy chủ của mình.

Trong khi các nhà phát triển của Lens Protocol, Entre và Subsocial xây dựng thế hệ tiếp theo của ứng dụng và nền tảng xã hội Web3 phi tập trung, các nền tảng khác như Theta và Audius lại chọn tích hợp công cụ truyền thông xã hội vào dịch vụ phát trực tuyến video và âm thanh phi tập trung. Theta là một mạng P2P chạy trên blockchain riêng, nơi người dùng cùng chia sẻ băng thông để chuyển tiếp video cho nhau. Nhà đồng sáng lập YouTube Steve Chen cho biết Project Theta có thể "cải thiện việc phân phối video với chi phí thấp hơn". Cũng giống như trên YouTube, các thương hiệu và người sáng tạo có thể phát trực tuyến nội dung lên Theta và người theo dõi có thể bình luận ngay lúc phát trực tuyến.

Trong khi đó, Audius, nền tảng phát trực tuyến âm thanh phi tập trung trên blockchain Solana, tham vọng cung cấp cho người dùng quyền tự do phân phối, kiếm tiền và phát trực tuyến bất kỳ nội dung âm thanh nào. Giới nghệ sĩ có thể dễ dàng đăng tải clip âm nhạc lên nền tảng, sau đó người hâm mộ có thể nghe và phối lại bản gốc, đồng thời quản lý thư viện bài hát (music library), retweet, follow, like và share. Đến với Audius, người dùng có thể tận hưởng niềm vui giống như các nền tảng truyền thống nhưng không phải lo sẽ có một bên trung gian gửi những quảng cáo phiền toái hay chiếm mất một khoản phí khổng lồ của người sáng tạo nội dung. 

Vậy làm thế nào để đối phó với những "thành phần xấu" ?

Trong trường hợp người sáng tạo giám sát chính nội dung của mình khi ở một nền tảng hoàn toàn phi tập trung như Subsocial, làm thế nào để giải quyết nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch và bất hợp pháp? Kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội vốn đã là một chủ đề gây tranh cãi suốt nhiều năm qua. Rõ ràng, các nền tảng như Facebook và Twitter đã không thực hiện tốt nhiện vụ rà soát nội dung nguy hiểm và duy trì quyền tự do ngôn luận. 

YB lập luận rằng Subsocial có khả năng chống kiểm duyệt, còn Kulechov cho rằng hiệu quả giải pháp kỹ thuật của Lens Protocol rất khó có thể đoán trước, vì về bản chất nó được dùng để xây dựng ứng dụng truyền thông xã hội. 

CEO Michael Marra của Entre tuyên bố: "Một không gian mở đồng nghĩa bất cứ thứ gì cũng có thể đi vào. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kiểm soát được chúng ở mức độ nhất định".

Marra tin rằng các blockchain có thể được áp dụng để phát triển khả năng report (báo cáo) của cộng đồng. Các thành viên cộng đồng, đặc biệt là những người có thẩm quyền cao (chẳng hạn như người có lượng người theo dõi cao hoặc danh tiếng tốt), có thể chỉ ra nội dung đáng nghi vấn. Nội dung của người vi phạm sẽ được phát hiện trong nguồn cấp dữ liệu.

Theo Kulechov, moderation (kiểm duyệt chừng mực) mang đến cho mọi người nhiều sự lựa chọn. Lens Protocol cung cấp một biểu đồ xã hội chung nơi thông tin người dùng được kết nối tích cực. Ngoài ra, khác với phương tiện xã hội truyền thống, biểu đồ này có tính phi tập trung. Ông Kulechov cho rằng chính sự phi tập trung này giúp cho nền tảng có thể tiếp cận đến mọi người và thiết lập moderation một cách nhân đạo hơn.

Khả năng tiếp cận cao mở ra cho các nhà phát triển cơ hội tạo ra các thuật toán giải quyết vấn đề content moderation (chừng mực nội dung). Việc này về cơ bản đặt front-end của giao thức (tức ứng dụng) vào vị thế cạnh tranh nhằm cung cấp khả năng truy cập thông tin chính xác, thích hợp. 

"Có lẽ content moderation được thực hiện như thế nào nên do cộng đồng quyết định. Nhân viên trang web sẽ tiết lộ danh tính, sau đó tiến hành moderation hoặc lựa chọn thuật toán phù hợp," ông Kulechov nói.

Subsocial chia moderation làm ba cấp độ. Trước hết, mỗi bài viết sẽ được tạo ra trong một Space. YB giải thích: "Hãy coi Space như subreddit trong Reddit, một nhóm Facebook, một hồ sơ Twitter hay trang blog. Mỗi Space có ít nhất một chủ sở hữu để kiểm soát nội dung. Ngoài ra, mỗi IPFS node thuộc quyền sở hữu của ít nhất một thành viên cộng đồng và những người này có thể toàn quyền kiểm soát nội dung được lưu trữ trên máy chủ. Cuối cùng, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra các ứng dụng mạng xã hội front-end trên nền tảng này. Các ứng dụng có thể đọc được mọi thông tin trên chain, miễn là đã kết nối với blockchain của Subsocial. Bằng cách này, thành viên có thể kiểm soát được nội dung phân bổ trên front-end.

 

Trong tình huống một người điều hành front-end có ý đồ xấu muốn truyền bá thông tin sai lệch, Subsocial có thể bỏ phiếu phản đối trực tuyến. "Việc này có thể dẫn đến nhiều rắc rối nhưng lại vô nghĩa, vì những kẻ xấu có thể tạo ra một Space khác để tiếp tục vi phạm." YB cho hay mạng xã hội đã luôn bị lợi dụng làm công cụ bạo lực và truyền bá nội dung bất hợp pháp. Nội dung này không bị xóa mà chỉ bị ẩn đi do các mạng xã hội lớn được xây dựng trên Subsocial không cho phép hiển thị.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù có thể "xóa sổ" một người sáng tạo nội dung hoặc cộng đồng chỉ bằng một cú click chuột, các nền tảng mạng xã hội tập trung vẫn phải chật vật suốt nhiều năm để ngăn chặn nạn tin giả. Do đó, ý tưởng self-moderation (cộng đồng tự kiểm duyệt nội dung) dẫu nghe có vẻ rất lý tưởng về mặt lý thuyết, nhưng lại khó hiệu quả trên thực tế. Chế độ này đòi hỏi tất cả thành viên trong cộng đồng phải thực sự sẵn lòng tham gia vào quá trình moderation. Trong thế giới Web3, điều này càng khó hiện thực hóa vì bất kỳ mạng phi tập trung nào cũng yêu cầu một số lượng thành viên tích cực đủ để giám sát những tác nhân xấu. Một phân tích gần đây cho thấy sự chênh lệch trong mức độ tương tác của thành viên trong các cộng đồng DAO.

Vậy nền tảng chống kiểm duyệt sẽ ứng phó như thế nào khi một cộng đồng cực lớn đi chệch quỹ đạo? Đặt trường hợp khi một đội ngũ bot hùng hậu tạo ra lượng tin giả khổng lồ, liệu mạng lưới phi tập trung có thể xoay sở được không?

Kiếm tiền

Đáp ứng thu nhập công bằng cho thành viên cộng đồng và người sáng tạo nội dung là một trong những tính năng chính của hệ sinh thái mạng xã hội phi tập trung. So với mô hình kiếm tiền của mạng truyền thống, mạng xã hội phi tập trung hứa hẹn thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chơi của người sáng tạo và thu hút thêm nhiều người dùng.

"Cá nhân tôi nghĩ rằng kiếm tiền hấp dẫn người tạo nội dung hơn là khả năng chống kiểm duyệt. Chẳng hạn, Youtube chiếm 45% doanh thu quảng cáo trong khi người sáng tạo chỉ nhận được 55% còn lại, thật quá điên rồ. Tôi đang cảm thấy hứng thú với tính năng tipping (tặng tiền) cho nhà sáng tạo. Sáng nay bạn mỉm cười khi thấy một câu chuyện cười trên mạng? Sao bạn không gửi tặng cho nhà sáng tạo 0,5 đô la ngay đi thôi?"

Lens Protocol có cách tiếp cận hiệu quả giúp họ thu được lợi nhuận. Kulechov cho hay: "Chúng tôi muốn can thiệp đến khả năng kiếm thu nhập càng ít càng tốt để dành chỗ cho các nhà phát triển giải quyết vấn đề đó. Hiện Lens đang nghiên cứu một tính năng kiếm tiền rất cơ bản xoay quanh việc thu thập và mở rộng nội dung. Khi người sáng tạo đăng tải nhạc, văn bản, âm thanh hoặc video, người hâm mộ có thể đánh dấu (bookmark) nội dung dưới dạng NFT. Nền tảng phân chia chúng thành nhiều bộ sưu tập khác nhau và người dùng có thể tự đúc các NFT này nếu muốn. Khi họ mở rộng đối tượng khán giả/ thính giả của nội dung, người sáng tạo sẽ nhận được một khoản tiền, tương tự như chức năng retweet trên Twitter.

Trên blockchain DeSo, token DESO có thể được sử dụng để mua coin. BitClout, Diamond và CloutFeed đều là những ứng dụng giống với Twitter, cho phép người theo dõi đầu tư vào đồng coin của người sáng tạo họ thích để làm tăng giá trị coin. Mặc dù không được khuyến khích, những đồng tiền này có thể được dùng để giao dịch, chuyển đổi trở lại thành DESO hoặc tiền pháp định. Theo Marra, Entre không “quan tâm đến tiền của người sáng tạo” mà tập trung hơn vào việc cho phép người sáng tạo kiếm DESO thông qua hình thức nhận tiền thưởng khi phát sóng trực tiếp.

Bên cạnh đó, người dùng Entre cũng có thể bán vé tham dự sự kiện trực tiếp hoặc trực tuyến và tính phí cho các dịch vụ riêng tư như tư vấn (counseling) và huấn luyện (coaching). Tương tự như Slack và Discord, Entre tích hợp nhiều tính năng cộng đồng, bao gồm thu phí thành viên và cho phép người dùng cung cấp các loại dịch vụ như thiết kế đồ họa. Tính đến hiện tại, DESO là tiền điện tử duy nhất được chấp nhận trên ứng dụng, song Marra tiết lộ họ sẽ bổ sung thêm nhiều token trong tương lai.

Theta đã sớm triển khai tính năng kiếm tiền và gửi phần thưởng tiền điện tử cho người sáng tạo, người hâm mộ và người giám sát node. Nền tảng có hai token: THETA và TFUEL. Chủ sở hữu native token THETA có thể tham gia quản trị và kiếm thêm THETA bằng cách đặt cược hoặc chạy node. Về phía TFUEL, các thành viên trong cộng đồng có thể kiếm thêm token này bằng cách xem video trực tiếp trên Theta.tv hoặc lưu trữ Guardian và Edge Node. Ngoài ra, họ cũng có thể dùng TFUEL để mua các vật phẩm trong cửa hàng TFUEL ở thế giới thực hoặc để đăng ký nội dung cao cấp (premium content)

Mặt khác, Audius sử dụng token AUDIO để giúp các nghệ sĩ thu lợi từ sản phẩm của mình, đồng thời tạo cơ hội để người hâm mộ ủng hộ nghệ sĩ họ yêu thích. Các thành viên cộng đồng có thể kiếm AUDIO bằng cách đăng tải, mời, liên kết với tài khoản mạng xã hội và nghe nhạc. Người hâm mộ có thể gửi AUDIO trực tiếp cho nghệ sĩ.

Rõ ràng, mạng xã hội phi tập trung có khả năng thiết lập cân bằng giữa tính công bằng và quyền riêng tư cho người dùng và người sáng tạo nội dung. Nó có khả năng định hình lại ngành truyền thông xã hội và lập nên kỷ nguyên tự do kỹ thuật số trong thế giới Web3. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, mạng xã hội phi tập trung cần phải tìm ra giải pháp kiểm duyệt nội dung thích hợp và được đón nhận rộng rãi. 

Khó khăn vẫn còn ở phía trước, nhưng các nhà phát triển vẫn đặt niềm tin vào tiềm năng của lĩnh vực này trong tương lai. Kulechov từng phát biểu:

"Trước khi được tiếp nhận, mạng xã hội phi tập trung chắc chắn sẽ phải trải qua một cuộc chơi dài hơi, thậm chí có thể mất đến nhiều năm."
 

Có thể bạn quan tâm

Mục lục