Giá các đồng tiền mã hóa liên tục giảm từ cuối năm 2017. Các cấp chính quyền thắt chặt quản lý. Một số ngân hàng mạnh tay thắt chặt giao dịch tiền mã hóa khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải rút điện và bán tháo.
Năm 2017 được coi là năm huy hoàng của tiền mã hóa. Với mức tăng trưởng cao chóng mặt tạo nên cơn sốt đầu tư vào tiền mã hóa hay mua máy đào để đào những đồng coin. Đến đầu năm 2018 thị trường tiền mã hóa liên tục bị trấn áp bởi một số chính quyền. Kèm theo sự bán tháo khiến vốn hóa thị trường tiền mã hóa giảm từ 800 tỷ đô la đến hiện tại còn hơn 219 tỷ đô la theo Coinmarketcap. Một số nhà đầu tư cầm cự vì giá coin vẫn đủ để họ kiếm một chút tiền lời.
“Thời huy hoàng, giá một dàn máy AMD RX 570 khoảng 48 triệu đồng. Tôi cần đào 2 tháng đã có thể hoàn vốn, những tháng sau đó chỉ việc thu lãi hoặc có thể bán lại máy đào với giá gấp đôi. Vừa đào vừa bán máy, tôi vẫn có thể thu được lãi lớn hơn bất kỳ loại hình kinh doanh nào”, Tấn Phúc, người đầu tư máy đào tại Tân Bình, TP.HCM nhớ lại 9 tháng trước, lúc máy đào đang trong cơn sốt.
Hiện nay, dàn máy AMD RX 570 có giá 20 triệu đồng/dàn. Tuy máy đã rất rẻ nhưng mỗi tháng ông Phúc đào lãi chưa tới 1 triệu đồng. Cộng với chi phí khấu hao, hỏng hóc, tính ra hơn 2 năm ông Phúc mới có thể lấy lại vốn. Tuy vậy, tuổi thọ của một dàn máy đào chỉ hơn một năm.
“Chả ai dại gì mua dàn máy vài chục triệu để nắm chắc phần lỗ trong tay. Có chăng là những nhà đầu tư vốn mạnh, bỏ tiền túi ra đào và chờ ngày coin tăng giá”, ông Phúc nói thêm.
Bán tháo ‘trâu cày’
Dạo quanh các hội nhóm buôn bán máy đào và chia sẻ kinh nghiệm khai thác tiền số, tin tức bán máy đăng lên dày đặc. Với giá ETH quanh quẩn mức 200 USD thì việc bán coin lúc này đồng nghĩa với việc chịu lỗ. Thế nhưng chi phí nhân viên, thuê mặt bằng, trả tiền điện khiến các nhà đầu tư không thể cầm cự thêm.
“Chúng tôi buộc phải rút điện, vệ sinh máy móc, phủ bạt chờ ngày coin tăng giá để hoạt động lại. Vì nếu bán máy đồng nghĩa với việc chấp nhận lỗ. Nhưng nếu tiếp tục, chúng tôi không đủ kinh phí duy trì. Nhiều khách hàng nhỏ lẻ thuê xưởng cũng đã đến lấy máy về”, Hoàng Linh, chuyên cho thuê chỗ đặt máy đào tại quận Tân Bình, TP. HCM nói.
Đứng trong thế tiến không được, lùi không xong, nhiều nhà đầu tư lâm vào tình cảnh nợ nần sau nhiều tháng cầm cự chờ giá tiền những đồng coin tăng trở lại.
“Giờ tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện đào tiền mã hóa. Trót mua dàn Bitmain S9 30 triệu thời điểm đồng ETH giá 300 USD. Lúc ấy độ khó đã tăng khá cao bởi các hãng máy đào liên tục tăng công suất thiết bị mới. Tôi cố cầm cự đến bây giờ nhưng không chịu nổi. Nếu bán máy, tôi cũng chỉ thu về được 5 triệu đồng”, Hữu Phong, chủ xưởng đào ngụ quận 12, TP. HCM cho biết.
Theo ông Phong, thị trường tiền số chưa biết về đâu với mức giá dao động khoảng 200 USD/ETH. Nếu muốn có lời, giá ETH phải vượt mốc 400 USD. Đây là mức tăng không tưởng ở thời điểm hiện tại khi mà ETH tiếp tục trượt dốc mỗi ngày vài phần trăm trước hàng loạt thông tin xấu.
Vẫn còn nhiều người tin vào tiền mã hóa
Tuy nhiên theo anh Linh, nhiều nhà đầu tư vốn mạnh vẫn tiếp tục khai thác. “Họ chi một phần tiền lời trước đây ra để tiếp tục cho máy hoạt động. Bởi thời điểm nhiều người rút điện như hiện nay thì độ khó của thuật toán đã bắt đầu giảm dần, thích hợp cho việc đào để trữ, chờ ngày coin tăng giá”, ông Linh nói thêm.
Theo ông Linh, vẫn có nhiều người cho rằng cá mập (những tài phiệt trong giới tiền mã hóa) đang làm tạo ra những thông tin xấu để làm giảm giá coin. Khi tâm lý bán tháo lan rộng, cá mập sẽ bắt đầu gom coin và làm giá để bán ra.
“Những nhà đầu tư vốn mạnh hiện bắt đầu thu mua máy giá rẻ để đào. Đây là thời điểm thuận lời để bắt đầu. Tuy nhiên không ai dám hứa trước việc thị trường tiền mã hóa có quay trở lại thời điểm cuối năm 2017 hay không”, ông Linh nói thêm.
Hồi kết cho giao dịch tiền số?
Trước thông tin về việc một số ngân hàng gần đây gửi thông báo đến khách hàng về việc không thực hiện các giao dịch tiền mã hóa, người khai thác đứng trước nguy cơ đào được nhưng không bán được. Bởi các giao dịch của họ đều không được ngân hàng hỗ trợ chuyển khoản.
Ngân hàng VIB đã có thông báo tới các khách hàng của mình về việc không chấp nhận tất cả giao dịch liên quan đến tiền số qua hệ thống của ngân hàng bao gồm nộp rút tiền, chuyển khoản, giao dịch thẻ nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp mua, bán Bitcoin, Ethereum… với các đối tượng, sàn kinh doanh như Remitano, Binomo.
Nếu phát hiện các giao dịch có liên quan đến tiền mã hóa, hệ thống ngân hàng sẽ từ chối thực hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã có thông báo khách hàng không thực hiện giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền số.
“Đào thì lỗ, coin khai thác ra thì không thể bán được vì ngân hàng không hỗ trợ giao dịch. Có lẽ loại hình đầu tư này đã đến đến hồi kết. Nhiều nhà đầu tư như tôi đã không còn thấy mặn mà gì với việc đầu tư máy đào tiền mã hóa”, ông Phúc kết luận.
Nguồn: Tapchibitcoin.io