Tin nóng ⇢

Có nên lo lắng vì Bitcoin ngày càng tiêu thụ nhiều điện năng?

Thật ra là không ai biết chính xác việc đào Bitcoin tiêu thụ bao nhiêu năng lượng trên toàn cầu. Dù các máy đào tiền mật mã không tiết lộ giao dịch nhưng mọi người đều đồng ý rằng lượng điện năng dùng cho đào tiền mã hóa phải lên đến con số khổng lồ.

Nhà máy nhiệt điện ở Iceland

Một nghiên cứu trên chủ đề này mới vừa được công bố trên trang Joule, đây là nghiên cứu đầu tiên trải qua công đoạn bình duyệt khó nhằn. Trong đó cho rằng việc đào Bitcoin trên toàn cầu tiêu thụ điện năng ít nhất bằng điện năng cả nước Ireland sử dụng trong một năm (khoảng 24 TWh). Tệ hơn nữa, nghiên cứu cho thấy mức sử dụng năng lượng đang tăng gấp đôi sau mỗi 6 tháng và có thể đạt mức tiêu thụ hàng năm của Cộng hòa Séc (khoảng 67 TWh) trước cuối năm 2018, tức khoảng 0,3% mức tiêu thụ điện của toàn thế giới.

Những con số đáng chú ý tới đấy, nhưng có thực sự đáng lo ngại hay không?

Alan Shipman, giảng viên kinh tế học tại Đại học Mở nói: “Một câu trả lời nhẹ nhàng mà đa số nhà kinh tế sẽ đưa ra, đó là các thị trường sẽ giải quyết vấn đề”. Hãy giải nghĩa nhận định này.

Không phải toàn bộ đều chạy bằng than, chỉ phần lớn là than

Một trong những lo ngại ban đầu về vấn đề Bitcoin sử dụng điện năng là hầu như tất cả hoạt động đều bắt nguồn từ các nhà máy điện than gây ô nhiễm ở Trung Quốc. Có khả năng cao rằng nhiều hoạt động đào vẫn đến từ nhà máy điện than, nhưng với nỗ lực cắt giảm ô nhiễm thì chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các bước giải pháp (paywall: bức tường phí) trong năm qua. Họ yêu cầu các nhà cung cấp địa phương không cho các “thợ mỏ” tiền mã hóa mua điện giá rẻ. Kết quả là nhiều thợ mỏ rời bỏ Trung Quốc.

Các thợ mỏ đến những nơi dồi dào nguồn năng lượng sạch. Ví dụ, bang Quebec của Canada chủ động kêu gọi cho các công ty tiền mật mã sử dụng công suất thủy điện dự phòng mà bang đã gây dựng. Iceland cũng tiến hành tương tự (với lượng địa nhiệt dự phòng) và Thụy Điển (cũng giống Quebec, thủy điện dồi dào).

Qua đó có thể thấy thế giới phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch để lấy điện năng không phải lỗi của những người đào tiền mã hóa. Và chỉ vì có nguồn tiêu thụ điện vừa mới vừa phát triển nhanh chóng không phải là lý do để chính phủ điều chỉnh các công ty tiền mật mã.

Tất nhiên, lý tưởng nhất là khi toàn bộ điện năng toàn cầu đến từ các nguồn không có carbon. Sự thay đổi đó chỉ xảy ra nếu các chính phủ khắp mọi nơi định giá carbon; bên cạnh đó khuyến khích mọi người, không chỉ những người đào Bitcoin, để họ chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Tin tốt là xu hướng rõ ràng đối với việc định giá carbon đang lấy đà phát triển. Gần đây nhất, Trung Quốc tuyên bố sẽ khởi tạo thị trường carbon tiếp nhận khí thải từ ngành điện.

Tiêu thụ phân tán

So sánh mức độ sử dụng năng lượng của Bitcoin với Cộng hòa Séc có thể là phép so sánh hữu ích, nhưng không phải tất cả thợ mỏ đều ngồi tập trung tại Prague, làm tăng gấp đôi mức tiêu thụ điện quốc gia và gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của nước này

Theo Alex de Vries, nhân viên của công ty tư vấn PwC và là tác giả của nghiên cứu đăng trên Joule, đào Bitcoin có thể diễn ra ở bất cứ đâu, và do hóa đơn tiền điện chiếm tới 60% chi phí khai thác một coin nên các thợ mỏ đang đổ xô đến những nơi cung cấp điện giá thấp và có khí hậu thuận lợi (ở các nước lạnh, bạn không phải trả nhiều để làm mát máy chủ). Mặc dù Trung Quốc vẫn là trung tâm lớn nhất, hiện nay các công ty đào lớn mọc lên ở Mỹ, Canada, Iceland, Thụy Điển và Georgia.

Ngoài ra, đây là một phép so sánh khác dưới quan điểm khác: dù đào Bitcoin có thể tiêu thụ 0,3% toàn bộ điện năng toàn cầu, trong điều kiện tuyệt đối (67 TWh) chỉ tương đương năng lượng tiêu thụ bởi các thiết bị điện tử trong trạng thái “off” hoặc standby (chờ) (64 TWh) tại Hoa Kỳ, theo nghiên cứu năm 2015.

Bitcoin có tăng giá trị cho xã hội?

Một số chuyên gia môi trường cho rằng Bitcoin là loại tài sản đầu cơ, là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản muộn màng tiêu thụ hàng tấn điện nhưng lại không mang lại giá trị thực sự cho xã hội. Họ nói Bitcoin về cơ bản là “chủ nghĩa tự do nhảm nhí”.

Các nhà kinh tế phần nào đồng ý với nhận định trên. Shipman cho biết: “Các nhà kinh tế coi bong bóng là hiện tượng không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi những công nghệ mới thú vị sắp ra đời. Họ vẫn thấy đáng hối hận vì sự phân bổ tài nguyên sai trái trong suốt thời gian bong bóng tồn tại”. Và kể từ khi tiền mã hóa ra đời, nhiều nhà kinh tế đã xem chúng giống như bong bóng.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế khác tin rằng Bitcoin và những đồng tiền tương tự chứa đầy hứa hẹn. Ví dụ, ở các quốc gia với đồng tiền chính không ổn định, Bitcoin có thể mang đến cho người dân một lựa chọn nếu chính phủ theo đuổi các chính sách loại bỏ đồng tiền địa phương.

Và ngoài giá trị hữu hình của các đồng tiền, công nghệ cơ bản đằng sau Bitcoin – Blockchain chắc chắn đã nâng cao giá trị cho xã hội. Nó cung cấp cho mọi người phương tiện thực hiện giao dịch một cách minh bạch và đáng tin cậy, không cần cơ quan tập trung nào hết, chẳng hạn như chính phủ “nhúng tay” vào từng khía cạnh của giao dịch.

Khi nào mới nên lo lắng về Bitcoin?

Shipman kết luận: “Trường hợp đáng lo ngại duy nhất đó là xảy ra chuyện gì không ổn với chính Bitcoin hơn là năng lượng nó đang sử dụng. Nguy cơ khá cao vì người ta đang sử dụng đồng tiền vào các hoạt động tội phạm hoặc trốn thuế”.

Nguồn: Tapchibitcoin.io

Có thể bạn quan tâm

Mục lục