Số nạn nhân bị “gài bẫy” sử dụng sàn giao dịch tiền điện tử vượt 2.200 người, với số tiền liên quan tăng lên gần 1,4 tỷ HKD (khoảng 179 triệu USD).
Theo một số báo cáo chưa chính thức, sau khi Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hồng Kông (SFC) cảnh báo về JPEX thông qua 6 đặc điểm đáng ngờ, nhiều tài sản tiền mã hỏa được chuyển ra khỏi sàn, bao gồm Bitcoin (BTC) trị giá khoảng 2,63 triệu HKD, 20,8 triệu HKD Ethereum (ETH), 13,6 triệu HKD Tether (USDT) và nhiều loại token khác.
Wu Jiezhuang, thành viên của Hiệp hội Web3 Hồng Kông và là thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, tiết lộ dữ liệu phân tích on-chain có hơn 50.000 ví đã tương tác với JPEX. Chính Wu đã gửi lời mời Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, đến Hồng Kông để tìm hiểu về chính sách và luật pháp cho phát triển tiền điện tử.
JPEX được thành lập vào năm 2021, nhằm hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân, sàn thường xuyên đưa ra quảng cáo hấp dẫn tại các trung tâm thương mại và khu vực giao thông đông đúc, tự nhận là một sàn giao dịch tiền điện tử được cấp phép và lợi suất cao tới 20%.
Cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành bắt giữ 11 người liên quan, bao gồm nhân viên của JPEX và các KOL quảng cáo cho sàn. Một trong số đó là Joseph Lam, người có ảnh hưởng ở Hồng Kông, bị triệu tập tiếp tay cho quảng cáo lừa đảo, đã tổ chức họp báo tại nhà vào ngày 18/9.
Hàng nghìn người được cho là nạn nhân của chiến dịch thu hút sử dụng sàn JPEX, dẫn đến một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất lịch sử Hồng Kông. Và các cơ quan quản lý như SFC đang tăng cường biện pháp đối phó với các hoạt động phi pháp trong lĩnh vực tiền điện tử.
Hồng Kông đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài sản kỹ thuật số hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, chưa đầy nửa năm kể từ quy định về tài sản ảo của Hồng Kông chính thức có hiệu lực, bê bối của JPEX đặt ra những thách thức cho phát triển tiền điện tử và Web3 tại Hồng Kông. Tiêu cực của JPEX sẽ làm cho các công ty và nhà đầu tư cá nhân đặt câu hỏi về độ tin cậy của thị trường này.