Vào tháng 10 năm ngoái, Facebook chính thức đổi tên thành Meta và đây chính là bước đi mở ra cánh cửa đến với một thế giới mà những bộ óc thiên tài của Thung lũng Silicon luôn phấn khích trong nhiều năm: metaverse. Dù nhận được nhiều phản ứng tích cực nhưng khi Mark Zuckerberg tiết lộ tầm nhìn về một kỷ nguyên mới công nghệ tích hợp, nhập vai trên, không ít người vẫn đặt câu hỏi ngờ vực. Rất dễ hiểu tại sao. Chủ nghĩa hoài nghi là một phản ứng tự nhiên khi ta đối mặt với những sản phẩm dường như vừa bước ra từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng – theo một góc độ nào đó, quả thật là vậy – đặc biệt là khi xã hội đang ngày càng lo ngại về vai trò của công nghệ trong thế giới nhị nguyên.
Có lẽ sẽ có rất nhiều người tự hỏi: metaverse là gì và tại sao tôi nên quan tâm đến điều này? Và làm sao tôi có thể chắc chắn rằng những công nghệ mới trên sẽ được xây dựng và quản lý tốt?
Mười tám năm trước, khi Facebook mới vừa xuất hiện, chúng ta chủ yếu gõ văn bản trên các trang web. Khi chúng ta sở hữu điện thoại có camera, internet trở nên trực quan và thường trực hơn. Khi tốc độ Internet trở nên nhanh hơn, ta có thể chia sẻ mọi thứ thông qua video. Chúng ta đã chuyển từ máy tính để bàn sang web sang thiết bị di động; từ văn bản đến ảnh đến video.
Trong quá trình phát triển này, metaverse là một sự tiến hóa hợp lý. Đó là thế hệ tiếp theo của Internet – một trải nghiệm 3D, sống động hơn. Metaverse sẽ mang đến cho chúng ta "không khí", giúp ta tận hưởng được những cảm giác chân thật nhất.
Một loạt các công ty công nghệ – từ những gã khổng lồ như Microsoft và Google đến những công ty nhỏ hơn như Niantic và Emblematic – đều đã và đang xây dựng những sản phẩm thực nghiệm liên quan đến metaverse. Các phiên bản đầu tiên hiện đã tồn tại trong thế giới ảo của các trò chơi như Roblox, Minecraft và Fortnite. Nó kết hợp các công nghệ như thực tế ảo (VR) cùng thực tế tăng cường (AR), và mặc dù vẫn còn non trẻ, nhưng metaverse cũng đã có tuổi đời nhất định
Và tất cả chúng ta đều sẽ bước chân vào thế giới trên. Đó không phải là một ý tưởng mà Meta đã nghĩ ra. Sẽ không có metaverse được điều hành bởi Meta, cũng giống như ngày nay không hề có khái niệm có "Internet của Microsoft" hoặc "Google internet".
Từ ‘metaverse’ thực sự hơi gây hiểu nhầm, vì ‘verse’ ngụ ý rằng bạn được chuyển đến một ‘vũ trụ’ khác. Tất nhiên, vẫn có một số lĩnh vực áp dụng ý tưởng này, chẳng hạn như trải nghiệm chơi game nhập vai. Nhưng metaverse còn nhiều hơn thế. Đó là việc tìm ra nhiều cách hơn nữa để chúng ta cảm nhận được những lợi ích của thế giới trực tuyến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, làm phong phú thêm trải nghiệm của chúng ta.
Ví dụ, hãy tưởng tượng xem, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng như thế nào nếu như bạn chỉ cần đeo một chiếc kính, bản đồ cả thành phố sẽ hiện ngay trong tầm mắt.
Với metaverse, ta có thể đang ở nhà của mình, nói chuyện với một đồng nghiệp cách đó một đại dương nhưng vẫn có cảm giác như người ấy ngồi cách ta ba bước chân.
Các công nghệ khác nhau sẽ giúp ta trải nghiệm những cảm giác khác nhau phù hợp với từng cá nhân và môi trường. Chúng sẽ không thể thay thế cho những trải nghiệm của chúng ta. Những gì metavesre làm là xây dựng cảm giác dựa trên khả năng kết nối được hỗ trợ bởi Internet, để chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn và có những trải nghiệm phong phú hơn. Tất cả những điều này đều có khả năng mở ra những cơ hội mới, khơi dậy những ý tưởng mới mà chúng ta chưa nghĩ ra và có những tác động tích cực đến xã hội và kinh tế.
Để mọi người thực sự muốn sử dụng những công nghệ này, họ sẽ cần phải cảm thấy an toàn. Các công ty như Meta có rất nhiều việc phải làm để xây dựng uy tín cho metaverse như một ý tưởng và chứng minh cho mọi người thấy rằng, công ty chúng tôi cam kết xây dựng và quản lý thế giới ảo trên tốt nhất có thể. Như vậy, các thương hiệu cần phải công khai và minh bạch những công việc mà họ đang làm cũng như những thuận lợi và thử thách mà ta sẽ gặp phải. Ngoài ra, công ty cần phải nhấn mạnh rõ, ý định của họ là phát triển những công nghệ nhằm trở thành một phần của một phong trào công nghệ rộng lớn hơn.
Metaverse đang ở giai đoạn đầu quan trọng. Ta vẫn chưa thể xác định tác động của nó đến với xã hội. Bản thân công nghệ không tốt hay xấu. Mọi người sẽ sử dụng nó khi đến thời điểm phù hợp – và mọi người cũng sẽ lạm dụng nó. Cũng giống như thế giới hiện nay, vấn đề tiêu cực cũng sẽ xuất hiện trong bất kỳ hệ thống hoặc nền tảng nào bất kể nó là gì hoặc ai xây dựng nó. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cẩn thận, xây dựng các quy tắc và đặt các rào cản khi metaverse phát triển để tối đa hóa tiềm năng và giảm thiểu tác hại có thể xảy ra.
Nếu ta làm tốt, metaverse có thể trở thành một động lực tích cực giúp thế giới hòa nhập và bình đẳng, xóa nhòa những những khoảng cách đang tồn tại trong không gian vật lý và kỹ thuật số ngày nay. (BOX)
Nói chung, chúng ta có thể coi quá trình hiện này như là phát triển một hệ thống quản trị cho metaverse. Và nó không được định hình bởi các công ty công nghệ như Meta. Nó cần được phát triển cởi mở với tinh thần hợp tác giữa những công ty tư nhân, các nhà lập pháp, người dân, giới học giả và những người sẽ sử dụng các công nghệ này. Nỗ lực này phải được thực hiện vì lợi ích của con người và xã hội.
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao metaverse là một bước phát triển mới hấp dẫn của Internet; một số lợi ích tiềm năng mà nó tạo ra cho nền giáo dục, chăm sóc sức khỏe và kinh tế; tầm quan trọng của việc xây dựng metaverse theo hướng mở và tương tác được; cách quản lý thế giới ảo trên.
Chúng ta đã có Internet – chúng ta có thực sự cần metaverse không?
Trước đó, ta đã biết metaverse như một sự phát triển hợp lý của Internet. Kể từ khi internet ra đời, chúng ta đã chuyển từ những chiếc máy tính nặng nề được kết nối với đường dây điện thoại quay số, sang máy tính xách tay và máy tính bảng kết nối không dây, sang điện thoại cho phép chúng ta mang theo internet mọi lúc mọi nơi, ô tô, đồng hồ và tất cả các thiết bị gia dụng cũng có thể truy cập Internet. Tốc độ mạng và tính khả dụng của việc kết nối interne chính là động lực thúc đẩy những bước cải tiến trên. Và mỗi bước trong quá trình phát triển này đã làm cho việc giao tiếp và tương tác trở nên dễ dàng và tự nhiên hơn.
Chúng ta không giao tiếp chỉ thông qua các từ viết. Hình ảnh và âm thanh cũng là một phần quan trọng trong quá trình chúng ta tương tác. Nhưng chúng ta kết nối với nhau trong không gian ba chiều. Chúng ta sử dụng nhiều giác quan, ngôn ngữ cơ thể, nhận thức về không gian. Chúng ta thể hiện niềm tin bằng cách nhìn vào mắt nhau, mỉm cười hoặc bắt tay nồng nhiệt. Chúng ta bày tỏ tình cảm của mình đối với những người thân yêu không chỉ bằng cách nói ra những gì chúng ta cảm thấy mà còn bằng cách thể hiện nó bằng cử chỉ. Chúng ta thể hiện niềm vui, nỗi buồn hay sự tức giận thông qua các tín hiệu phi ngôn ngữ.
Những tiến bộ về tốc độ và tính khả dụng của kết nối hiện đã đạt đến mức có thể khiến nhiều tương tác ba chiều này có thể thực hiện được trên thế giới ảo. Do đó, metaverse là bước phát triển hợp lý.
Có ba yếu tố chính giúp các tương tác trong metaverse trở nên chân thật hơn: sự phù du, hiện thân và sự đắm chìm.
Những bằng chứng thực nghiệm lấy từ vô số nghiên cứu khoa học xã hội đã chứng thực rằng các hình thức giao tiếp không lời/thể hiện là rất quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin xã hội và phát triển ý thức chia sẻ với những người khác.
Những đặc điểm này – phù du, hiện thân và đắm chìm – sẽ giúp mọi người trải nghiệm một thế giới metaverse chân thật hơn, với "bầu không khí" tương tự như khi ta tương tác trong thế giới thực. Vì vậy, metaverse không phải là một ứng dụng di động như Facebook hoặc Instagram. Nó gần giống với một vũ trụ ảo rộng lớn, nơi mọi người đều có thể trải nghiệm.
Để điều này trở thành hiện thực, không một công ty nào có thể hoặc nên kiểm soát metaverse.
Tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục, y tế và kinh tế
Ngày nay, VR và AR được sử dụng chủ yếu để chơi game và những thước phim chân thật nhất. Bước tiến nhảy vọt mà các công ty như Meta tin rằng có thể xảy ra vẫn chưa nở hoa. Những lợi ích mà những công ty công nghệ yêu thích vẫn còn đang trong giai đoạn ấp ủ. Nhưng chúng có thể trở thành hiện thực. Có thể còn rất lâu chúng ta mới cảm nhận được những biến đổi ấy nhưng những tác động của nó đối với nền giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thương mại la 2hoan2 toàn có thể xảy ra ngay trong thời điểm này.
Hãy nghĩ xem metaverse có ảnh hưởng như thế nào đối với giáo dục và đào tạo. Internet đã thay đổi cách chúng ta học. Các công cụ tìm kiếm giúp cho việc tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn bao nhiều. Chúng ta mang theo một thư viện vô hạn trong túi của mình trên các thiết bị còn mỏng hơn một cuốn sách bìa mềm. Các lớp học có thể được giảng dạy thông qua video hoặc phát trực tiếp. Metaverse sẽ giúp việc trao đổi kiến thức trở nên chủ động hơn. Chúng ta có thể thực hành trải nghiệm và không chỉ tiếp thu thông tin một cách thụ động. Chúng ta sẽ có thể học ở chế độ 3D – đưa việc nghiên cứu về kiến trúc, lịch sử hoặc thậm chí là hình học cơ bản vào cuộc sống theo cách mà bảng trắng và màn hình phẳng không bao giờ có thể làm được.
Một lĩnh vực khác mà các công nghệ metaverse có tiềm năng phát triển là chăm sóc sức khỏe, từ việc thực hành các ca phẫu thuật không gây rủi ro cho bệnh nhân hoặc thử những phản ứng thuốc mà không đặt họ vào các tình huống nguy hiểm, đến việc làm cho trường y tế dễ tiếp cận hơn bằng cách loại bỏ các rào cản địa lý và các rào cản khác. Các nghiên cứu gần đây cũng đã xem xét các cách áp dụng thực tế ảo nhằm kiểm soát cơn đau ở trẻ em, trẻ em mắc chứng tự kỷ và trầm cảm.
Thực tế tăng cường cũng có tương lai rộng mở như cứu mạng người bằng cách chỉ cho mọi người biết vị trí của máy khử rung tim; hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật trong quá trình hoạt động; giúp các bà mẹ mới cho con bú; giúp bệnh nhân mô tả rõ hơn các triệu chứng; giúp y tá tìm thấy tĩnh mạch dễ dàng hơn; cho mọi người thấy ma túy hoạt động như thế nào ở chế độ 3D; giúp sinh viên y khoa hình dung về giải phẫu học; dạy trẻ em về cơ thể con người,…
Bây giờ, hãy nghĩ đến lĩnh vực kinh tế. Trong ba thập kỷ qua, chúng ta vẫn đang trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu. Khi ngày càng có nhiều người sử dụng Internet và tốc độ kết nối ngày càng trở nên nhanh hơn và dễ tiếp cận hơn, các doanh nghiệp và tổ chức thuộc mọi loại hình ngày càng sử dụng kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng – một xu hướng đã tăng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch. Ngày nay, việc các doanh nghiệp thuộc mọi hình thức và quy mô sử dụng rộng rãi các công cụ kỹ thuật số là minh chứng cho chúng ta thấy, nền kinh tế kỹ thuật số hoàn toàn là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế kỹ thuật số đã đóng góp 2,1 nghìn tỷ USD vào GDP của Hoa Kỳ vào năm 2019. Ngay cả khi metaverse chỉ chiếm tương đương 10% trước đại dịch, nó vẫn là một ngành công nghiệp 200 tỷ USD, với khoảng 770.000 người dùng.
Một ngành công nghiệp khổng lồ như thế này cũng sẽ tạo cơ hội việc làm – và những công việc đó sẽ không giới hạn trong các khuôn viên của Thung lũng Silicon. Nền kinh tế siêu đa dạng sẽ không chỉ bao gồm các ngành tạo ra cơ sở hạ tầng của nó, như phần cứng, phần mềm, hệ thống thanh toán và các nhà cung cấp băng thông rộng, mà còn các ngành như thương mại điện tử, giáo dục, trò chơi,… và cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến nó. Khi các không gian xã hội ảo được xây dựng, mọi người sẽ cần được tuyển dụng để quản lý và duy trì chúng, giống như họ đang ở trong thế giới vật chất.
Sự chuyển đổi kỹ thuật số này không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu nói chung mà còn giúp dân chủ hóa khả năng tiếp cận và mở ra một thế giới mới đầy cơ hội kinh tế. Trước khi có internet, nếu bạn muốn bắt đầu kinh doanh, bạn cần phải vay vốn từ ngân hàng và có mặt trên đường phố hoặc trong văn phòng. Nếu bạn muốn quảng cáo, bạn cần phải đi khắp nơi để phát tờ rơi hoặc mua quảng cáo trên truyền hình, báo chí với chi phí đắt đỏ.
Khi internet ra đời, đột nhiên bạn có thể bắt đầu kinh doanh mà không cần có một khoản vay lớn. Bạn không cần mặt tiền cửa hàng hay văn phòng, bạn có thể làm điều đó từ phòng khách của mình. Bạn có thể quảng cáo với số tiền nhỏ cho đối tượng mục tiêu là những người mà bạn nghĩ có thể quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp. Internet và phương tiện truyền thông xã hội đã giúp mọi người có thể thể hiện bản thân, tiếp cận những người có cùng chí hướng và bắt đầu kinh doanh theo những cách mà trước đây không thể thực hiện được, do đó mang lại lợi ích cho những người trước đây từng bị gạt ra ngoài lề hoặc bị phân biệt đối xử – phụ nữ, cộng đồng LGBTQ +, những người khuyết tật, cựu chiến binh, những cộng đồng người thiểu sổ khác.
Chúng ta chưa biết nền kinh tế metaverse sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng metavesre sẽ giúp xã hội dân chủ hóa hơn nữa và cuộc sống trở nên đa dạng hơn. Ta có thể tạo ra những trải nghiệm phong phú hơn, mang tính xã hội hơn, chi tiết hơn bao giờ hết, chỉ từ chính bản thân bạn.
Trong thời kỳ sơ khai, không ai có thể tưởng tượng được tác động mạnh mẽ của Internet đối với thương mại. Và bây giờ điều đó cũng áp dụng với metaverse.
Một thế hệ doanh nhân mới với nhiều ý tưởng sáng tạo hơn ra đời, chẳng hạn, một nhà thiết kế thời trang hoặc cửa hàng quần áo có thể giúp khách hàng thử đồ trong phòng thử đồ ảo. Và có một cơ hội lớn cho các nhà phát triển – không chỉ cho các nhà phát triển lớn đang xây dựng cho metaverse ngày nay mà còn cho một thế hệ mới gồm các chuyên gia sáng tạo độc lập, những người sẽ có thể sử dụng các công cụ cần thiết để tạo ra không gian và trải nghiệm tuyệt vời.
Đảm bảo một thế giới metaverse mở
Khi ta sử dụng metaverse nhiều hơn, ta cần phải đặt các rào cản để giảm thiểu rủi ro và làm nổi bật những mặt tích cực.
Metaverse không phải là một sản phẩm đơn lẻ. Nó cũng không phải là một hệ điều hành như Windows của Microsoft hay phần cứng như iPhone của Apple. Giống như internet ngày nay, metaverse sẽ là một cụm công nghệ, nền tảng và sản phẩm. Nó sẽ không được xây dựng, vận hành hoặc quản lý bởi bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào. Nó sẽ bao gồm một loạt các công ty lớn và nhỏ, xã hội dân sự, chính phủ và hàng triệu người sáng tạo cá nhân. Nó không phải là một mảnh vải mà là một chiếc chăn bông chắp vá.
Với sự kết hợp đa dạng giữa các công ty, tổ chức và những người sẽ điều hành các không gian trong metaverse, các quy tắc được đặt cũng sẽ rất đa dạng. Học giả Helen Nissenbaum đã đặt ra cụm từ 'tính toàn vẹn theo ngữ cảnh' để mô tả cách thức các chuẩn mực và kỳ vọng xung quanh việc chia sẻ thông tin khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh xã hội. Không phải lúc nào những quy định cũng sẽ phù hợp với tất cả mọi người – ai cũng sẽ có các kỳ vọng khác nhau, và do đó các quy tắc và chuẩn mực khác nhau được thiết lập, trong các không gian khác nhau.
Tất nhiên, giống như internet, metaverse sẽ là một hệ thống được kết nối với nhau vượt qua biên giới quốc gia, vì vậy sẽ cần phải có một mạng lưới các tiêu chuẩn, chuẩn mực và quy tắc công cộng và riêng tư để cho phép nó hoạt động trên các khu vực pháp lý khác nhau.
Nền móng – phần cứng, giao thức và tiêu chuẩn
Nền tảng của tòa nhà bao gồm phần cứng – điện thoại, tai nghe VR, kính AR, v.v.— và các giao thức và tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo các công nghệ khác nhau có thể tương tác với nhau.
Tầng trệt – nền tảng và mạng
Tầng trệt của metaverse sẽ được xây dựng dựa trên các giao thức và tiêu chuẩn có thể tương tác này. Đây là lớp trung gian nơi các nền tảng, tổ chức và các mạng lưới khác sẽ tạo ra vũ trụ các sản phẩm tạo nên thế giới 3D của metaverse.
Tầng đầu tiên – trải nghiệm
Tầng đầu tiên của metaverse là nơi bạn sẽ truy cập nó với tư cách là người dùng và nơi có sẵn một loạt các trải nghiệm. Ví dụ: người dùng Quest hiện tại có thể truy cập metaverse thông qua các ứng dụng VR xã hội như Horizon Worlds. Các ứng dụng và trải nghiệm sẽ hỗ trợ khả năng thiết kế vô số không gian độc đáo cho người sáng tạo.
Chủ đề chung trên các tầng này là khả năng tương tác – tính liên kết của các tiêu chuẩn, hệ thống và ứng dụng cho phép mọi người di chuyển liên tục giữa phần này và phần khác. Nó không phải là điều tuyệt đối – không phải mọi yếu tố của trải nghiệm metaverse đều cần hoặc sẽ tương thích với những yếu tố khác. Nhưng nếu không có sự liên kết giữa các tầng, metaverse sẽ trở nên phân mảnh, rời rạc.
Như đã xảy ra trong suốt quá trình phát triển của internet, các tiêu chuẩn và giao thức có thể tương tác sẽ được phát triển bởi những người và công ty khác nhau và thường sẽ được giải quyết bởi các tổ chức như Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ hoặc các tổ chức đa bên quốc tế như Lực lượng Đặc nhiệm Kỹ thuật Internet hoặc Tổ chức World Wide Web.
Đối với những người nghĩ rằng việc một metaverse có thể bị phân mảnh chỉ là vấn đề lý thuyết, hãy nhìn vào internet hiện tại. Chúng ta có hai hệ điều hành giúp tạo ra các khu vườn có tường bao quanh an toàn – và trong trường hợp của Apple, một khu vườn có tường bao quanh ngày càng được tích hợp theo chiều dọc. Khi khả năng tương tác phát triển, nó cần được thúc đẩy bởi lợi ích của người dùng, để không bị bó buộc tại một chỗ.
Sự phát triển của metaverse có thể sẽ đi theo con đường giống như internet hiện tại – từng mảnh, từng tiêu chuẩn, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các sáng kiến công và tư.
Hãy xem lịch sử của một công nghệ internet phổ biến ngày nay: Định dạng Trao đổi Đồ họa, gọi tắt là GIF. Cho đến cuối những năm 80, mỗi nhà sản xuất máy tính sẽ phát triển ngôn ngữ máy tính độc quyền của riêng họ để hiển thị hình ảnh trên màn hình. Điều này làm cho việc chia sẻ hình ảnh giữa các thương hiệu máy tính khác nhau trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức về mặt công nghệ. Năm 1987, Steve Wilhite, một lập trình viên làm việc trong một công ty dịch vụ trực tuyến có tên là CompuServe, đã đưa ra một ngôn ngữ máy tính chia sẻ hình ảnh phổ quát – GIF – và tạo ra một cuộc cách mạng trong quá trình chia sẻ hình ảnh trực tuyến. Từ đó trở đi, bất kỳ máy tính nào cũng có thể đọc được hình ảnh mà người dùng chia sẻ trên mạng của CompuServe. Sự đổi mới của Wilhite, được hình thành trên ý tưởng rằng chúng ta cần một ngôn ngữ máy tính có thể hoán đổi chung để chia sẻ thông tin giữa các thiết bị, đã giúp mở đường cho thế hệ tiếp theo của internet, tập trung vào việc chia sẻ hình ảnh thay vì chỉ văn bản.
Chúng ta nên có cùng kỳ vọng về sự cởi mở và khả năng tiếp cận phổ biến đối với metaverse. Nó sẽ cần được phát triển từ đầu bởi một thế hệ nhà phát triển mới như Steve Wilhite; được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các sáng kiến tư nhân và công cộng sẽ giúp metaverse phát triển và giúp xây dựng những quy tắc có thể trường tồn theo thời gian.
Khả năng tương tác không chỉ là một ý tưởng kỹ thuật trừu tượng. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng hai người bạn muốn đi cùng nhau đến một buổi hòa nhạc diễn ra ở Horizon Worlds. Nếu cả hai đều nhấp vào liên kết đến địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc từ các điểm xuất phát khác nhau, sẽ cần có một quy trình chung cho việc di chuyển để đảm bảo họ có thể dừng chân ở cùng một địa điểm trong metaverse.
Nếu họ mua một chiếc áo thun tại buổi hòa nhạc, họ sẽ muốn có thể mang nó theo và không chỉ bị giới hạn trong việc mặc nó trong trải nghiệm do Meta xây dựng. Để làm như vậy, các mục kỹ thuật số được tạo ở những nơi khác nhau phải tương thích và có thể truy cập được trên các không gian metaverse, cũng như ảnh hoặc các hình ảnh khác có thể được sử dụng để hiển thị hình ảnh trên các trang web, ứng dụng truyền thông xã hội và thiết bị do các công ty khác nhau thiết kế và vận hành.
Một metaverse mở và được kết nối với nhau không chỉ là một công nghệ phù hợp với người dùng, nó còn là điều kiện để biến metaverse thành một phát kiến khác biệt so với Internet.
Internet không biên giới và phần lớn miễn phí mà bạn sử dụng hàng ngày đang bị thách thức ở nhiều nơi trên thế giới bởi một mô hình thay thế: Internet độc tài. Một số chính phủ đang xây dựng các rào cản kỹ thuật số ở biên giới của họ và áp đặt quyền kiểm soát nhiều hơn đối với internet bên trong họ, tạo ra các quy tắc và cơ sở hạ tầng để giám sát và kiểm duyệt người dùng.
Sự trỗi dậy của Internet độc tài chính là một thách thức về mặt ý thức hệ đối với Internet mở như chúng ta đã biết. Đó là lý do tại sao, với việc đầu tư vào các công nghệ metaverse đang diễn ra trên khắp thế giới, các giái trị nền móng ta đang xây dựng hiện nay cực kỳ quan trọng. Mặc dù những ý tưởng như khả năng tương tác nghe có vẻ khô khan và phức tạp đối với những người không am hiểu kỹ thuật, nhưng chúng rất quan trọng vì việc đảm bảo kiến trúc cơ bản của metaverse là cởi mở và dễ tiếp cận nhất có thể sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với cách chúng ta trải nghiệm nó trong nhiều thế hệ sau.
Chúng ta cần đặt ra những tiêu chuẩn nào?
Các quy tắc và tính năng an toàn của metaverse – bất kể tầng nào – sẽ không giống với các quy tắc hiện đang áp dụng cho mạng xã hội. Trải nghiệm của người dùng trong metaverse sẽ giống với thực tế hơn là internet hai chiều.
Ví dụ: bạn có thể tạo ra một không gian metaverse – như một phòng khách ảo – nơi chúng ta có thể tụ họp với một nhóm nhỏ bạn bè của mình để đi chơi, trò chuyện, buôn chuyện. Đó sẽ không phải là một không gian công cộng mà bất kỳ ai cũng có thể đến tham gia, mà chỉ là một không gian riêng tư dành cho bạn bè. Chúng ta sẽ là kiến trúc sư của không gian của mình và chúng ta sẽ quyết định cách nó được sử dụng, ta cũng có thể mời mọi người vào nhà để trò chuyện riêng tư trong phòng khách của chúng tôi. Trong tình huống này, chúng ta sẽ không muốn hoặc mong đợi một công ty tư nhân lắng nghe cuộc trò chuyện này.
Tất nhiên, những đặc điểm độc đáo của metaverse sẽ góp phần tạo nên những trải nghiệm tiêu cực cũng như tích cực. Trong thế giới vật chất, cũng như Internet, mọi người la hét, chửi thề và làm đủ mọi thứ khó chịu mà luật pháp không cấm, đồng thời họ quấy rối và tấn công mọi người theo những cách tương tự. Metaverse sẽ không khác gì cuộc sống thực. Những người muốn sử dụng sai công nghệ sẽ luôn tìm cách để làm điều đó.
Hãy nhìn nhận vấn đề này ở một góc nhìn rộng lớn hơn. Hai người bạn – hãy gọi họ là Bhavika và Elijah – gặp nhau trong một quán bar ảo trong metaverse. Chủ quán bar, một nhà phát triển 23 tuổi đến từ Thụy Điển, đã đặt ra các quy tắc ứng xử rất rõ ràng cho mọi khách hàng trước khi họ bước vào: mọi người đều được chào đón miễn là bạn trên 21 tuổi; bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn muốn; nhưng không được phép gây hấn bạo lực. Bất kỳ ai vi phạm các quy tắc này sẽ bị đuổi ra khỏi nhà.
Bhavika và Elijah thích ý tưởng trò chuyện cởi mở và tự do mà quán bar này quảng bá và họ nghe nói rằng đây là nơi tranh luận về các ý tưởng chính trị mới và cấp tiến. Tuy nhiên, khi bước vào, họ nhanh chóng nhận ra rằng những người trong quán bar đó đang sử dụng những ngôn từ nặng nề. Họ quyết định rời khỏi nơi này và báo cáo trải nghiệm của họ cho công ty lưu trữ dữ liệu của quán bar ảo trên máy chủ của họ.
Ai chịu trách nhiệm về trải nghiệm của Bhavika và Elijah? Chủ sở hữu quán bar có những trách nhiệm gì? Và công ty lưu trữ dữ liệu của quán bar sẽ áp đặt những quy tắc nào?
Trong không gian metaverse, chúng ta có thể báo cáo những hành vi vị phạm mà không bị lưu trữ các cuộc trò chuyện. Ví dụ: đối với người dùng Meta Quest trong Horizon Worlds, những dữ liệu âm thanh có thể được lưu giữ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn – vì lý do riêng tư, dữ liệu này được lưu trên thiết bị chứ không phải máy chủ của Meta – để đảm bảo dữ liệu có sẵn cho người dùng để báo cáo hành vi sai trái. Nếu họ không gửi báo cáo, dữ liệu sẽ bị xóa. Ngoài báo cáo, họ cũng có tùy chọn chặn hoặc tắt tiếng mọi người, cũng như có thể rời khỏi không gian ngay lập tức thông qua nút Oculus trên bộ điều khiển của họ.
Ta cần phải làm gì
Đây là tất cả những vấn đề sẽ xuất hiện trong tương lai. Điều quan trọng là chúng ta nắm bắt nó thế nào. Có thể không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy thích khi có rất nhiều công ty khác nhau đang nói về những công nghệ này và công bố các sản phẩm và sáng kiến mới. Nhưng những đổi mới này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc hành trình này. Nhiều sản phẩm trong số này sẽ chỉ được phát huy hết tác dụng trong 10-15 năm.
Mặc dù điều đó gây khó chịu cho một vài người trong chúng ta, những người không thể chờ đợi để sử dụng chúng ngay lập tức, nhưng nhờ vậy chúng ta thời gian để tự mình hỏi những câu hỏi về cách xây dựng metaverse.
Có rất nhiều thách thức ta gặp phải trong việc thiết kế thế giới metaverse sao chi tối đa hóa cơ hội cho tất cả mọi người. Đầu tiên, ngành công nghiệp phải kết hợp với nhau, giúp các tầng metaverse có thể tương tác với nhau. Thứ hai, là xác định mức độ có các quy tắc hành vi được áp dụng cho người dùng trên metaverse.
Bằng cách làm việc cùng nhau từ giai đoạn đầu này trong toàn ngành hãy hy vọng rằng chúng ta có thể bắt đầu trả lời những câu hỏi này khi những công nghệ mới này được xây dựng và đảm bảo những tiềm năng của những công nghệ này sẽ được phát triển một cách đúng mực.
Không ai muốn các công ty công nghệ phát triển thần tốc mà không suy nghĩ về tác động của những tiến bộ của họ đối với xã hội, cũng như không muốn họ tự mình làm tất cả mà không chia sẻ một lời. Những sáng kiến hiện nay là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Đây là những bước đầu tiên trong một hành trình dài sẽ chỉ có hiệu quả khi tất cả chúng ta cùng nhau thống nhất về các quy tắc có thể thực thi và các tiêu chuẩn trong toàn ngành.
Metaverse đang dần lộ diện, bằng cách này hay cách khác. Tương lai của Internet sẽ thay đổi những gì ta đang trải nghiệm hiện giờ.
Meta hay bất kỳ ai khác đều không thể sở hữu nó, cũng như Internet ngày nay. Các công ty cần phải minh bạch trong quá trình phát triển công nghệ mới, họ cần hợp tác và thừa nhận đầy đủ các trách nhiệm xã hội vốn có.
Metaverse sẽ mang lại tiềm năng to lớn cho tiến bộ kinh tế và xã hội. Và nó sẽ mang lại những thách thức, trong đó có nhiều rủi ro có thể lường trước được. Ta hãy cùng hy vọng rằng các bài học của những tiến bộ công nghệ trước đây có thể được truyền lại xuống thời đại mới này và các quy tắc, tiêu chuẩn và quy chuẩn sẽ chi phối metaverse có thể được phát triển song song với sự phát triển của chính công nghệ.