Theo đề án này, cho đến năm 2025, giá thị thanh toán không dùng tiền mặt sẽ gấp 25 lần GDP của Việt Nam. Đề án vừa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và công bố vào ngày 28/10 vừa qua.
Thực trạng trong thanh toán ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia mà người dân có khả năng học hỏi rất nhanh chóng với những xu hướng mới của thế giới. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người dân ở các nơi xa rời những trung tâm thành phố lớn, thường ít sử dụng kênh thanh toán trực tuyến, thậm chí còn chưa có tài khoản ngân hàng.
Đề án này là nhằm tạo thói quen thanh toán không tiền mặt trong xã hội, đồng thời phát triển kênh thanh toán không tiền mặt ở những nơi vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, đề án này cũng là một phần trong nổ lực của chính phủ để Việt Nam không chậm chân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Những con số chỉ tiêu về thanh toán không tiền mặt cho đến năm 2025
Theo kế hoạch mà đề án đưa ra đã được Thủ tướng phê duyệt, thì cho đến năm 2025:
- Giá trị thanh toán không tiền mặt sẽ gấp 25 lần GDP.
- 80% người dân (15 tuổi trở lên) phải có tài khoản giao dịch ngân hàng. Theo số liệu 2019 của Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước), hiện có 63% người dân có tài khoản ngân hàng.
- Số lượng điểm thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là 450.000 điểm.
- Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Hiện nay đa phần người dân khi lựa chọn thanh toán trên các sàn thương mại điện tử vẫn chọn “thanh toán bằng tiền mặt” khi giao hàng hơn là thanh toán trực tuyến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đại dịch COVID-19 đã khiến cho thanh toán không tiền mặt trong nước được đẩy mạnh. Điều này góp phần không nhỏ vào lợi thế sẵn có để đề án trên có khả năng thành công cao. Đồng thời, với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao và internet phủ sóng toàn quốc với giá rẻ, Việt Nam hoàn toàn có tiềm lực để đạt được những chỉ tiêu trên.
Từng bước trong kế hoạch lớn của quốc gia
BeInCrypto liên tục theo sát các hoạt động và kế hoạch của chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
- Tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã thí điểm áp dụng Mobile Money. Đây là bước đầu trong quá trình sẽ đi đến áp dụng đại trà.
- Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đã quyết định xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo trên blockchain tầm nhìn đến 2030.
Cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có được mạng lưới blockchain quốc gia riêng hay một CBDC riêng như nhiều nước đã làm.
Theo BeInCrypto