Tin nóng ⇢

Chìa khóa thành công của Web3 là giảm thiểu sự phức tạp

Vào những năm 90, chuyên gia tiền điện tử Nick Szabo đã tạo ra thuật ngữ "hợp đồng thông minh". Trong bài báo phát hành năm 1997, ông viết rằng hợp đồng thông minh "kết hợp giao thức với giao diện người dùng để hình thức hóa và tăng tính an toàn cho các mối quan hệ trong mạng máy tính". Nói tóm lại, hợp đồng thông minh tự động thực thi điều khoản thỏa thuận giữa người mua và người bán được nhúng vào dòng mã.

Để giải thích cơ chế của hợp đồng thông minh, Szabo đưa ra ví dụ minh họa về máy bán hàng tự động.

Trong máy bán hàng tự động, quy tắc giao dịch được lập trình sẵn trong máy. Bạn bấm vào một con số, chọn mặt hàng muốn mua và bỏ tiền vào. Nếu đưa đủ tiền vào, máy sẽ đưa ra sản phẩm mong muốn. Bộ quy tắc được viết từ trước sẽ thực hiện giao dịch. 

Nguyên tắc của hợp đồng thông minh cũng tương tự và chúng rất cần thiết cho Web3. Cũng giống như máy bán hàng tự động cho phép bạn mua đồ ăn mà không cần thông qua nhà cung cấp, hợp đồng thông minh giúp bạn hoàn thành mọi quy trình mà không cần có nhân viên ngân hàng, kế toán, luật sư hoặc người trung gian khác.

Web3 là một từ khóa nổi trội vào năm 2021 và dự kiến sẽ càng phổ biến hơn trong năm 2022. Thậm chí, Web3 có tiềm năng sẽ trở thành ứng cử viên "Word of the year" (Từ của năm) sáng giá trong từ điển Oxford.

Trên các phương tiện truyền thông, "Web3" đang nhanh chóng thay thế "tiền điện tử" mỗi khi nói đến một mạng lưới phi tập trung, do người dùng sở hữu. Đây chắc chắn là tín hiệu tốt. Trong khi Web3 mang theo tiến bộ và đổi mới, tiền điện tử lại gắn liền với sự phức tạp, nạn đầu cơ và hàng tá điều tiêu cực khác. Web3 có thể là một sự "thay da đổi thịt" thiết yếu.

Mọi người vẫn có thể sử dụng dễ dàng dù không hiểu nguyên lý hoạt động

Đó là lý do tại sao máy bán hàng tự động lại là một ví dụ minh họa hoàn hảo. Hầu hết mọi người không hiểu máy bán hàng hoạt động như thế nào, nhưng mỗi người trong chúng ta chi trả trung bình 62 đô la cho loại máy này. Chúng ta không cần phải hiểu cơ chế hoạt động bên trong, trừ khi bạn là thợ sửa máy. Trong thế giới kỹ thuật số, những người thợ này chính là kỹ sư hợp đồng thông minh. Đây là những gì người bình thường cần biết: bạn bỏ tiền vào và một lon nước ngọt sẽ lăn ra. Thế là đủ. 
 
Web3 vẫn chưa thành công "vượt hố" và chỉ mới ở giai đoạn đoạn áp dụng công nghệ "sơ khai". Mặc dù năm 2021, OpenSea có khối lượng giao dịch 14 tỷ đô la, nền tảng này chỉ có khoảng 250.000 người dùng đang hoạt động và 70% khối lượng giao dịch đến từ vỏn vẹn khoảng 20.000 người dùng. Trong khi đó, lượng người mua trên Ebay lên đến 183 triệu.

Để trở thành xu hướng chủ đạo, Web3 cần phải dễ sử dụng đối với mọi đối tượng. Một cách để thực hiện điều này là đơn giản hóa các khái niệm phức tạp. Sau đây là hai ví dụ từ cuốn sách "The Token Economy" của Sherman Washgill.

Để bước vào thế giới Web3, cần phải có ví

Rất may, "ví" là một khái niệm quen thuộc. Cũng giống như ví vật lý chứa giấy phép lái xe, thẻ tập gym, thẻ thành viên Costco và các loại giấy tờ khác, ví kỹ thuật số chứa danh tính kỹ thuật số của bạn. Tuong tự như khi mở ví vật lý để tiết lộ danh tính rồi quẹt thẻ tại quầy bar, bạn mở ví kỹ thuật số trực tuyến để tiết lộ thông tin đăng nhập. Chẳng hạn, khi ta mua thứ gì đó trên OpenSea, ta tiến hành quét MetaMask của mình.

Ví gồm có hai loại key: public key và private key. Public key tương đương với số tài khoản và có thể được chia sẻ với bất kỳ ai tùy ý. Tuy nhiên, private key là mật khẩu chỉ bạn mới được biết. 

Sản phẩm Web3 cần đơn giản mà vẫn thu hút

Ngoài những phép ẩn dụ cụ thể, một khái niệm khái quát quen thuộc sẽ giúp bạn hiểu hơn về Web3.

Chúng ta hãy lấy phi tập trung làm ví dụ. Mọi người nhất trí theo chủ nghĩa tập trung và chấp nhận sự tồn tại của cánh lãnh đạo. Họ lo rằng khi cơ cấu này chệch khỏi đường ray, tức có xu hướng phi tập trung, tình trạng mất kiểm soát sẽ xảy ra. Tuy nhiên, phi tập trung thực tế mang đến cảm giác tự chủ khi quyền lực và của cải không còn chảy vào tay người gác cổng mà phân tán cho người dân. 

Trong khi hầu hết công nghệ có khuynh hướng tự động hóa các khâu ngoại vi thì blockchain lại tự động hóa trung tâm. Thay vì giảm thiểu sự tham gia của tài xế, blockchain sẽ loại bỏ Uber để tài xế làm việc trực tiếp với khách hàng.

Ý tưởng "loại bỏ người trung gian" và "quyền lực thuộc về công chúng" đã gây tiếng vang. Đó cũng là một trong những lý do khiến tổ chức ConstitutionDAO thành công đến như vậy (khoảng một nửa trong số 47 triệu đô la quyên góp cho ConstitutionDAO đã tạo ra ví gây quỹ Web3 đầu tiên). Nhưng những khái niệm này vẫn chưa hoàn hảo. Người ta có thể thắc mắc nếu họ muốn khiếu nại thì sao? Họ không thể nói chuyện với đại diện dịch vụ khách hàng của Uber nữa. Đây là những vấn đề cần được giải quyết. Ngược lại, thế giới sẽ phi tập trung hơn trong khi vẫn duy trì một mức độ tập trung nhất định. Một lần nữa, hầu hết mọi người đều muốn ai đó phải chịu trách nhiệm giải quyết và sẵn sàng trả một khoản phí nhỏ để có được dịch vụ tiện lợi và đáng tin cậy.

Một khái niệm khác là sự khan hiếm. Các bạn có thể không hiểu ý nghĩa đằng sau sự không đồng nhất, nhưng bạn hẳn là biết sự khan hiếm hoặc độc nhất của một vật đóng vai trò như thế nào. Bất kỳ game thủ nào cũng nắm rõ yếu tố khan hiếm trong thế giới kỹ thuật số. Năm ngoái, giới game thủ đã chi 54 tỷ đô la cho các mặt hàng kỹ thuật số trong game và con số này có khả năng sẽ tăng lên 74 tỷ đô la vào năm 2025. Trên thực tế, người chơi Fortnite đang tương tác với cả token (đơn vị tiền tệ trong game V-Bucks) và NFT (trang phục của nhân vật).

Bản thân DAO có thể được coi như một cộng đồng hoặc một nền dân chủ. Hầu hết DAO có "tỷ lệ cử tri bỏ phiếu" rất thấp (giống hệt trong thế giới thực). Mọi người tin tưởng người khác, những nhân vật có thẩm quyền được chỉ định, được coi là "nhìn xa trông rộng" hơn, để đưa ra quyết định. Bản chất của con người khiến họ dễ chùn bước khi phải đọc những bản đề xuất quá dài dòng. Cộng đồng của giao thức DeFi Yearn gần đây đã đề ra một hệ thống quản trị phi tập trung cho phép chủ sở hữu YFI bầu ra ủy ban để quản lý ngân sách và lập kế hoạch phát triển.

Khi mọi người ngừng liên tưởng đến những từ ngữ khó hiểu ("Ethereum", "blockchain", "fungibility") và gắn Web3 với khái niệm quen thuộc hơn (khan hiếm, tiếp cận, cộng đồng), họ sẽ cởi mở hơn với mô hình mới này. Các sản phẩm cần hướng đến mục tiêu đơn giản hóa nhiều hơn.

Định nghĩa web vào những năm 90 vốn đã khó nắm bắt. Người bình thường thậm chí không biết làm cách nào để truy cập chúng. Sau đó, AOL xuất hiện. Khẩu hiệu của AOL là "Dễ sử dụng số 1". AOL loại bỏ tính phức tạp với giao diện thân thiện với người dùng.

Jarrod Dicker và Jonathan Glick gần đây chia sẻ:

"Ted Leonsis, người từng dẫn đầu nhiều phong trào tương tự và có công ty được Steve Case mua lại vào năm 1994, từng nói 'Hầu hết thời gian tôi đều giữ cho mọi thứ thật đơn giản'. Một trong những ví dụ thích hợp và phổ biến nhất là Audio (âm thanh) trao thưởng cho người dùng khi sử dụng dịch vụ nhiều lần. Khi phần thưởng đến, một thông báo đơn giản sẽ hiện lên: Bạn có thư!"

Một nửa số người mua Top Shot NFT không biết họ sở hữu NFT, họ chỉ muốn có được khoảnh khắc đó ở dạng kỹ thuật số

Nếu sở hữu Top Shot NFT không chỉ là hành động sưu tập bình thường thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu "khoảnh khắc" của Stephen Curry giúp họ có được một chiếc áo đấu có chữ ký? Hay họ mua một "khoảnh khắc" của LeBron James và đồng thời nhận được vé tham dự trận đấu của Lakers? Đây sẽ là những đột phá của Web3.

Sẽ không mấy ngạc nhiên nếu thuật ngữ NFT dần rũ bỏ những định nghĩa cũ và thay vào đó, được coi như một loại "tài sản kỹ thuật số", vốn dễ hiểu hơn. Nói cách khác, NFT sẽ được biết đến rộng rãi hơn. Hoặc trong tương lai sau này, khi chúng ta nghe về "áo sơ mi" hay "ngôi nhà", ta sẽ phải tự hỏi liệu đối phương đang đề cập về mặt hàng vật lý hay kỹ thuật số.

Tổng kết

Từ quan điểm "sản phẩm dễ sử dụng", một chiếc ví tốt sẽ là khởi đầu tốt đẹp. Ví trực quan multichain sẽ đi một chặng đường dài thúc đẩy phong trào này tiến về phía trước. Từ góc độ "khả năng ứng dụng", âm nhạc và game là những lựa chọn tốt. Cả hai sẽ chứng kiến ​​một bước ngoặt lớn vào năm 2022.

Năm 2021 là một năm quan trọng đối với Web3, với những tiến bộ đáng kể trên mọi phương diện. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn chưa biết blockchain là gì. Vấn đề là, họ không cần và sẽ không bao giờ cần phải biết. Đại đa số người dùng không giờ biết họ đang tương tác với blockchain, với những cơ chế phức tạp ẩn sau giao diện đẹp đẽ và quen thuộc. Khi chúng ta bước sang năm 2022, đó là cơ hội mà chúng ta đang tìm kiếm.
 

Có thể bạn quan tâm

Mục lục