Bitcoin ETF là gì? Tại sao cần phải có Bitcoin ETF? Liệu Bitcoin ETF có phải là phương án mang đến cách tiếp cận đơn giản hơn cho những người muốn đầu tư BTC? Cùng tìm hiểu về Bitcoin ETF trong bài viết hôm nay.
Trước đây, tin tức Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) thông qua một Bitcoin Futures ETF là một trong những tin tức gây sốt của thị trường. Ở thời điểm mới bắt đầu được ra mắt, các loại Bitcoin ETF đã nhận được sự quan tâm rất lớn của thị trường với những ưu điểm mà chúng mang lại. Cùng tìm hiểu chi tiết về Bitcoin ETF, ưu nhược điểm cũng như phân biệt các loại Bitcoin ETF trên thị trường hiện nay!
Trước khi tìm hiểu về Bitcoin ETF, chúng ta sẽ tìm hiểu về các loại quỹ ETF, một khái niệm đã xuất hiện từ trước đó khá lâu trên thị trường tài chính truyền thống. Như vậy, một quỹ ETF là gì?
Quỹ ETF là gì?
Quỹ ETF (Exchange-traded fund) hay còn được gọi là quỹ hoán đổi danh mục, là một quỹ đầu tư được thiết kể để mô phỏng theo biến động của một bộ chỉ số nhất định. Có thể hiểu ETF là một rổ chứa các loại tài sản như hàng hoá, trái phiếu, cổ phiếu khác nhau. Thay vì đầu tư vào một loại tài sản nhất định, bạn đầu tư vào một bộ chỉ số bao gồm nhiều loại tài sản có tính chất tương đồng.
Các quỹ ETF được giao dịch như một loại cổ phiếu và được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán. Hầu hết các quỹ ETF được coi là chiến lược đầu tư thụ động, đây cũng là phương pháp minh bạch và linh hoạt giúp các nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu rủi ro, đa dạng hoá danh mục.
Giả sử một nhà đầu tư nhận thấy ngành du lịch có thể phát triển mạnh trong giai đoạn hậu co-vid, thay vì đầu tư vào một công ty du lịch A, nhà đầu tư đó có thể đầu tư vào một quỹ ETF nào đó bao gồm công ty A và một vài công ty trong ngành du lịch khác. Khi đó, nhà đầu tư sẽ mở rộng danh mục và chịu ít rủi ro hơn.
Quỹ ETF đầu tiên trên thế giới là SPDR S&P 500 ETF (SPY), mô phỏng chỉ số S&P 500, quỹ này vẫn đang được giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ. Ngày nay, ngày một nhiều loại quỹ ETF ra đời giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với nhiều loại tài sản khác nhau mà không cần trực tiếp sở hữu chúng.
Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về Bitcoin ETF.
Bitcoin ETF là gì?
Bitcoin ETF (hay Bitcoin exchange-traded funds) là nhóm các tài sản có liên quan đến Bitcoin hoặc giá Bitcoin được cung cấp trên các sàn giao dịch chứng khoán truyền thống bởi các công ty môi giới, giao dịch dưới dạng chứng chỉ quỹ (ETF).
Mục đích đằng sau những ETF này là cung cấp phương tiện tiếp cận tiền điện tử cho các nhà đầu tư không thoải mái, gặp rắc rối với các thao tác khi đầu tư vào các loại tài sản này mà không cần thật sự sở hữu chúng.
Bitcoin ETF sử dụng cấu trúc tương tự như ETF truyền thống để cho phép giao dịch. Giá của ETF sẽ theo sát giá của Bitcoin. Khi giá trị của Bitcoin tăng và giảm, giá trị của ETF sẽ tăng và giảm tương ứng.
Khi nhắc tới Bitcoin ETF, nhiều người sẽ nghĩ các Bitcoin ETF sẽ được bảo chứng bởi BTC nắm giữ trong ví. Trên thực tế, có 2 loại Bitcoin ETF chính: Bitcoin Physical ETF và Bitcoin Futures ETF.
Phân loại Bitcoin ETF
Bitcoin Physical ETF
Bitcoin Physical ETF hay còn gọi là Bitcoin spot ETF, là quỹ ETF hoạt động giống như các loại ETF trong thị trường truyền thống. Các công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện việc mua BTC, các nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư bằng cách mua cổ phần trong ETF, các cổ phần này đại diện cho quyền sở hữu BTC, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đang gián tiếp sở hữu BTC mà không phải chịu các rủi ro liên quan tới thị trường crypto. Điều này cũng có nghĩa giá trị của các loại quỹ BTC ETF này sẽ theo sát giá trị thực tế BTC được giao dịch trên thị trường.
Đã có nhiều quỹ ETF liên quan tới Bitcoin được SEC thông qua, tuy nhiên, đó chủ yếu là Bitcoin Futures ETF, trên thực tế vẫn chưa có bất kì Bitcoin Physical ETF nào được SEC cho phép giao dịch trên các thị trường chứng khoán Mỹ.
Mới đây, SEC đã tiếp tục từ chối đơn đăng ký của Grayscale Investments để chuyển đổi Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) thành một loại Bitcoin Spot-based ETF. Tuy nhiên, các loại Bitcoin Physical ETF lại được chấp nhận rộng rãi hơn ở các quốc gia khác như Canada, Brazil…
Một vài ví dụ về các quỹ Bitcoin ETF đầu tư vào Bitcoin spot: Evolve Bitcoin ETF (EBIT), Purpose Bitcoin ETF (BTCC), Jacobi Bitcoin Exchange Traded Fund…
Bitcoin Futures ETF
Do SEC từ trước đến nay vẫn ủng hộ các quỹ ETF gắn với hợp đồng tương lai Bitcoin của Chicago Mercantile Exchange (CME), ở thời điểm hiện tại, các tài sản cơ bản trong Bitcoin ETF trên các thị trường chứng khoán Mỹ thường được liên kết với các hợp đồng tương lai Bitcoin và giao dịch trên các sàn giao dịch như New York Stock Exchange ARCA, Nasdaq…
Hợp đồng tương lai là một hợp đồng thoả thuận giữa hai bên, nhằm trao đổi một tài sản cụ thể với chất lượng và số lượng chuẩn hóa, với giá thỏa thuận hôm nay nhưng lại giao hàng vào một thời điểm khác trong tương lai.
Như vậy, hợp đồng tương lai BTC là một thoả thuận giữa 2 bên để trao đổi một đơn vị hợp đồng Bitcoin, quỹ sẽ tạo ra cổ phiếu với giá dựa trên giá hiện tại của một đơn vị hợp đồng và đưa ra trao đổi mua bán trên sàn. Vì vậy, Bitcoin futures ETF được đảm bảo bởi giá Bitcoin ở những thị trường phái sinh (tỷ lệ tham chiếu Bitcoin BRR của CME) thay vì giá trị Bitcoin spot.
Một vài ví dụ về các quỹ Bitcoin Futures ETF: ProShares Bitcoin Strategy ETF (BITO), Valkyrie Bitcoin Strategy ETF (BTF), VanEck Bitcoin Strategy ETF (XBTF), Global X Blockchain & Bitcoin Strategy ETF (BITS), ProShares Short Bitcoin ETF (BITI)…
Ưu nhược điểm của Bitcoin ETF
Ưu điểm
Sự ra đời của các quỹ Bitcoin ETF nhận được sự quan tâm của cộng đồng crypto do mang lại nhiều ưu điểm nổi bật:
- Sự thuận tiện: Bitcoin ETF được ra đời với mục đích giúp nhiều người có thể dễ dàng đầu tư vào Bitcoin mà không cần quá hiểu biết về công nghệ blockchain, hay những thao tác phức tạp để mua Bitcoin thật sự trên các sàn giao dịch tiền điện tử.
- Đa dạng hoá danh mục: Một Bitcoin ETF cũng có thể gồm nhiều loại tài sản khác nhau như vàng, cổ phiếu Apple,… vì vậy, Bitcoin ETF cũng mang đặc điểm nổi bật của ETF là giúp nhà đầu tư đa dạng hoá danh mục đầu tư, phòng ngừa rủi ro liên quan tới việc đầu tư vào một hoặcmột nhóm tài sản nhỏ.
- Tăng tính thanh khoản: Các Bitcoin ETF được cho phép giao dịch đem lại một nhóm các nhà đầu tư hoàn toàn mới, trong đó có thể bao gồm cả những nhà đầu tư tổ chức tham gia gián tiếp vào thị trường tiền điện tử.
- Giải quyết vấn đề pháp lý: Một số nhà đầu tư tổ chức như các quỹ hưu trí hoặc các công ty quản lý tài sản có thể phải tuân thủ các quy tắc không được đầu tư trực tiếp vào Bitcoin. Tuy nhiên, với Bitcoin ETF, họ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với Bitcoin cho dù không nắm giữ Bitcoin trực tiếp.
- Bảo mật: Với những nhà đầu tư không có kinh nghiệm trong thị trường crypto, việc sử dụng ví Bitcoin hoặc các sàn giao dịch tiền điện tử có thể gặp phải những rủi ro mất mát cao như bị hack coin/token, quên hoặc để lộ private key, không biết sử dụng ví…
- Tối ưu thuế: Ở các quốc gia đã ban hành luật về crypto như Mỹ, việc đầu tư trực tiếp vào Bitcoin có thể chịu thuế cao hơn so với việc giao dịch ETF như một loại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
- Thuận lợi cho các quỹ ETF crypto khác được chấp thuận: Có thể trong tương lai sẽ có nhiều loại quỹ ETF khác liên quan tới các loại tiền điện tử hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vào thị trường crypto.
Nhược điểm
Ngoài những ưu điểm trên, Bitcoin ETF cũng không phải là không có nhược điểm:
- Phí quản lý: Các quỹ ETF thường thu phí quản lý hàng năm cho các hoạt động họ cung cấp. So với việc chịu phí 1 lần (thậm chí 0%) khi mua bán trên một số sàn giao dịch tiền điện tử, việc sở hữu cổ phần trong một Bitcoin ETF có thể dẫn đến phí quản lý cao theo thời gian.
- Thời gian giao dịch: Thị trường crypto hoạt động 24/7, nhà đầu tư có thể tham gia vào bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, Bitcoin ETF sẽ chỉ giao dịch tuỳ theo thời gian mở và đóng cửa của thị trường chứng khoán.
- Mất tính năng thanh toán: Bitcoin có thể được sử dụng là phương tiện thanh toán tại một vài quốc gia, nhưng Bitcoin ETF tất nhiên không thể sử dụng trực tiếp để thanh toán, điều này làm mất khoản thanh toán tức thời.
- Giá ETF khác so với giá trị thực của Bitcoin: Các quỹ ETF theo dõi giá cả của một nhóm tài sản cơ sở được quản lý, do đó đôi khi giá ETF không phải lúc nào cũng khớp với giá trị tài sản ròng của quỹ.
Lịch sử & Tương lai của Bitcoin ETF ở U.S
Lịch sử hình thành
Mỹ là đất nước được biết tới là một trong những đất nước có tỉ lệ chấp nhận crypto cao nhất trên thế giới, do đó, việc các quỹ Bitcoin ETF được chấp thuận ở quốc gia này đã được chờ đợi từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) với lí do mong muốn bảo vệ nhà đầu tư đã nhiều lần từ chối thông qua các quỹ ETF.
Đơn đăng ký Bitcoin ETF đầu tiên thuộc về Cameron và Tyler Winklevoss vào tháng 7 năm 2013 và chính thức bị từ chối bốn năm sau đó. Trong những năm tiếp theo đã có một vài bên khác tiếp tục nộp đơn bao gồm SolidX, Grayscale, Direxion và GraniteShares nhưng sau đó cũng bị từ chối hoặc tự rút đơn.
Cho tới đầu T8/2021, chủ tịc SEC Gary Gensler lên tiếng sẽ cho phép giao dịch ETF theo hợp đồng tương lai Bitcoin nếu chúng tuân thủ các quy tắc của SEC dành cho các loại quỹ.
Vào ngày 16/10/2021, SEC cuối cùng đã cho phép ProShares Bitcoin Strategy ETF, loại Bitcoin future ETF đầu tiên được giao dịch trên thị trường.
Sau đó, đã có nhiều Bitcoin future ETF được chấp thuận như Valkyrie Bitcoin Strategy ETF, VanEck Gold & Bitcoin Strategy ETF, AdvisorShares Managed Bitcoin Strategy ETF (CRYP)…
Tương lai của Bitcoin ETF
Với sự chấp thuận của SEC với các ETF dựa trên giá Bitcoin đầu tiên, các nhà đầu tư trên thị trường crypto đang cảm thấy lạc quan hơn về các loại ETF khác mà SEC đang trong giai đoạn xem xét.
Các loại future ETF sẽ được ưu tiên phê duyệt cao hơn do SEC có quyền giám sát quy định chặt chẽ hơn đối với Chicago Mercantile Exchange, cũng như các loại hợp đồng tương lai được giao dịch tại đây.
Đã có nhiều bên mong muốn được phê duyệt Bitcoin spot ETF tại Hoa Kỳ như Grayscale, VanEck, Ark 21Shares, NYDIG and Global X’s, Fidelity, First Trust, Kryptoin, WhisdomTree… Tuy nhiên đều đã bị SEC từ chối hoặc dời thời gian ra quyết định. Lý giải cho điều này, SEC cho rằng các Bitcoin spot ETF có thể dẫn tới việc thị trường bị thao túng và các đề xuất ETF thiếu phương pháp bảo vệ nhà đầu tư thích hợp.
Cho dù nhiều bên liên tiếp nộp đơn đăng ký, có thể chúng ta sẽ phải đợi tới khi SEC thay đổi lập trường hoặc cảm thấy các Bitcoin futures ETF hoạt động ổn định mới bắt đầu cho phép giao dịch Bitcoin spot ETF. Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho rằng phải tới giữa năm 2023, khi SEC có thay đổi về quy định xoay quanh các sàn giao dịch crypto, Bitcoin spot ETF mới có thể được thông qua.
Tổng kết
Bitcoin ETF là một trong những bước tiếp lớn trong việc đem các loại tài sản crypto tới với các nhà đầu tư truyền thống cũng như đẩy mạnh việc chấp nhận crypto chính thống. Tuy nhiên, các quỹ Bitcoin ETF vẫn đang ở giai đoạn đầu và vẫn đi kèm với những rủi ro, bất tiện riêng. Có thể trong tương lai, chúng ta sẽ được chứng kiến sự mở rộng hơn nữa của thị trường Bitcoin ETF cả về số lượng và tính chất.
Nguồn: coin98.net