Sau khi stablecoin thuật toán UST trải qua "vòng xoáy tử thần" với Luna, và vì không thể "gỡ neo" khỏi USD, UST giảm xuống còn khoảng 0,05 USD với giá trị thị trường chỉ 800 triệu USD. So với giá trị thị trường đỉnh cao là 18 tỷ USD, UST đã giảm 95%.
Sự sụp đổ của UST đã gây ra một cú sốc khá lớn, nhưng thị trường stablecoin vẫn thu hút các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách.
Vào đầu tháng 5, TRON đã tung ra stablecoin thuật toán USDD nhưng đã nhanh chóng bị "xòng xoáy tử thần" ảnh hưởng, mặc dù thiết kế cơ chế ổn định giá USDD không khác gì UST.
Mặc dù stablecoin sẽ ít tạo ra các khoản chênh lệch giá hơn so với các loại tiền điện tử khác, nhưng tham vọng đổi mới tài chính của họ đã đặt nền móng cho cơ chế neo giữ tiền fiat (tiền pháp định).
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, ba trong số mười loại tiền điện tử hàng đầu theo vốn hóa thị trường là stablecoin. Giá trị thị trường kết hợp của ba loại tiền điện tử chính là USDT, USDC và BUSD là 145 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng giá trị thị trường của mười loại tiền điện tử hàng đầu.
Nhưng chúng ta vẫn chưa bao giờ hiểu hết được cách thức kinh doanh của stablecoin
Vào ngày 19/5, Tether, công ty stablecoin lớn nhất theo giá trị thị trường, đã công bố báo cáo dự trữ của mình cho quý đầu tiên năm 2022. Dữ liệu cho thấy Tether đã tiếp tục tăng dự trữ tài sản có tính thanh khoản cao hơn, giảm 17% tỷ lệ nắm giữ thương phiếu so với quý trước và tăng lượng nắm giữ Kho bạc Hoa Kỳ lên 13%. Tuy nhiên, Paolo Ardoino, giám đốc công nghệ của Tether, người được truyền thông phỏng vấn gần đây vì sự cố UST, từ chối tiết lộ chi tiết về việc quản lý tài sản dự trữ, vì cho rằng điều đó sẽ tiết lộ "công thức bí mật" của công ty.
Vốn dự trữ của thế giới tiền điện tử
Báo cáo dự trữ cho thấy 86% trong số 82 tỷ USD dự trữ của Tether là tiền và các khoản tương đương tiền, phần còn lại được tạo thành từ trái phiếu công ty, các khoản vay bảo đảm, tiền điện tử và các loại đầu tư khác. Tuy nhiên, từ việc chia nhỏ tài khoản, toàn bộ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chỉ chiếm 5,81% tổng tài sản dự trữ, khác xa với mức 100% là tiền mặt mà Tether tuyên bố ban đầu.
Stablecoin được bảo chứng bởi tài sản tiền tệ hợp pháp do Tether dẫn đầu hứa hẹn rằng khi người dùng mua một đồng stablecoin tương đương với 1 USD, họ sẽ gửi tương ứng 1 USD tiền tệ hợp pháp vào quỹ dự trữ như một sự đảm bảo. Do đó, trên lý thuyết, Tether có dự trữ tài sản khổng lồ hàng trăm tỷ USD và nhờ đó, nếu so với các dự án tiền điện tử khác không yêu cầu đảm bảo tài sản tài chính truyền thống, các công ty stablecoin có thể sở hữu thêm những loại tài sản truyền thống khác.
Khoản dự trữ USD khổng lồ thực sự rất hấp dẫn. Sau "vòng xoáy tử thần" gần đây giữa UST và Luna, có thông tin cho rằng công ty quản lý tài sản GAM Holding AG đang đàm phán với Terra để đầu tư từ 2 tỷ đến 3 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho stablecoin UST, nhưng tin đồn này đã bị GAM Holding AG bác bỏ.
Trên thực tế, bằng cách chia nhỏ USD do người dùng cầm cố thành nhiều loại tài sản đầu tư khác nhau, các công ty stablecoin đã có thể thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ chỉ bằng cách kiếm lãi và thu nhập từ quản lý tài sản.
Tether đã sử dụng 48% trong số 82 tỷ USD dự trữ của mình để mua Kho bạc Hoa Kỳ. Nếu ta tính toán dựa trên lợi suất Kho bạc Hoa Kỳ một năm hiện tại là 2,07%, thì khoản dự trữ này có thể mang lại lợi tức đầu tư là 815 triệu USD trong một năm.
So với Tether, vốn bị chỉ trích vì có vốn dự trữ tiền mặt thấp, Circle, nhà phát hành stablecoin USDC có tính thanh khoản tài sản an toàn hơn nhiều. Theo báo cáo tài sản mới nhất được công bố vào ngày 14 tháng 5, 22,9% trong tổng dự trữ tài sản 50,6 tỷ USD của USDC là dưới dạng tiền mặt và 77,1% còn lại là trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ.
Circle đã từng đề xuất xây dựng một "ngân hàng dự trữ hoàn chỉnh", như vậy, giống như các tổ chức tài chính truyền thống khác, khoản dự trữ USD của đồng stablecoin trên sẽ được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của chính phủ Hoa Kỳ. Đồng thời, nhờ đó, khi các công ty stablecoin đầu tư lấy từ tài sản dự trữ cũng sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Không nghi ngờ gì nữa, các loại tài sản không dùng tiền mặt sẽ đặt các khoản bảo chứng của stablecoin vào rủi ro. Các công ty Stablecoin sẽ chịu áp lực phải luôn bổ sung thêm tiền mặt và giảm tài sản đầu tư, nhưng rõ ràng là nếu không sử dụng nguồn vốn nhãn rỗi ấy, công ty sẽ mất đi thu nhập lãi tiềm năng.
Nhà tài trợ đứng sau stablecoin – tài chính truyền thống
Theo thống kê từ công ty phân tích on-chain CryptoQuant, vốn dự trữ của stablecoin trên tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 27,7 tỷ USD vào tháng 2 năm 2022. Nếu tổng giá trị thị trường của thị trường stablecoin là khoảng 180 tỷ USD, thì khoảng 15% torng đó thuộc về những đồng stablecoin đang được lưu hành trên các sàn giao dịch.
Giao dịch chính là một ưu điểm quen thuộc thường được các stablecoin hiện tại đề cập. Stablecoin đóng một vai trò trao đổi quan trọng trong thị trường tiền điện tử do tính chất ổn định của chúng khi được neo vào đồng USD. Các stablecoin cũng sẽ ưu tiên xuất hiện hàng đầu trong những trang hướng dẫn giới thiệu trên các sàn giao dịch tập trung như Coinbase, Binance hoặc DEX như Uniswap.
Trong những năm gần đây, các sàn giao dịch tiền điện tử lớn đã phát hành stablecoin của riêng họ. Ba công ty stablecoin hàng đầu theo giá trị thị trường hoặc là có "xuất thân" từ sàn giao dịch, hoặc có nhóm điều hành hoặc đội ngũ holder là người đứng sau hỗ trợ các sàn giao dịch.
Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance và công ty cơ sở hạ tầng blockchain Paxos đã cùng ra mắt đồng tiền ổn định BUSD; tiền tệ ổn định lớn thứ hai USDC theo giá trị thị trường đã được đồng phát hành bởi sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên Coinbase và tổ chức tài chính được cấp phép Circle. Các sàn giao dịch chính khác cũng đang cạnh tranh để phát hành stablecoin. Huobi ra mắt HUSD và OKEX ra mắt USDK.
Đối với đồng tiền ổn định USDT do Thether phát hành, nó không thể tách rời khỏi sàn giao dịch Bitfinex khi mới thành lập và các công ty mẹ của cả hai đều mới chỉ ra mắt một nhóm phá triển iFinex.
Stablecoin là một phương tiện quan trọng trong các giao dịch tiền điện tử và nghiễm nhiên trở thành một "mảnh đất màu mỡ" để các sàn giao dịch cạnh tranh. Việc giành được thị phần của stablecoin có thể giúp các sàn giao dịch thu hút nhiều lượng truy cập hơn và giữ được nhiều tài sản người dùng hơn trên nền tảng của riêng họ.
Các sàn giao dịch tiền điện tử không thực sự chiếm lĩnh thị trường stablecoin mà là những gã khổng lồ ở Phố Wall. Họ là người đứng sau stablecoin và những gã khổng lồ tài chính truyền thống này đặc biệt quan tâm đến stablecoin khi đặt cược vào thị trường tiền điện tử mới nổi.
Công ty phát hành USDC Circle là một công ty "ngậm thìa vàng" trong thế giới tiền điện tử. Đội hình nhà đầu tư đầu tiên của nó bao gồm Goldman Sachs, Bitmain, IDG, CICC, Everbright và Baidu. Đồng thời, công ty có giấy phép thanh toán tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu và các khu vực khác. So với USDT, USDC cũng là một stablecoin đúng nghĩa khi hoạt động trong khuôn khổ điều chỉnh của các quy định về lưu thông tiền tệ của Hoa Kỳ.
Vào cuối tháng 4, Circle thông báo rằng họ đã nhận được một khoản tài trợ mới trị giá 400 triệu USD. Cho đến nay, tổng tài sản của Circle kể từ khi thành lập đã vượt quá 1 tỷ USD, và mức định giá mới nhất đã vượt quá 9 tỷ. Circle cũng đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu bằng cách sáp nhập một công ty mua lại nhằm một mục đích đặc biệt (SPAC).
Các nhà đầu tư trong vòng gọi vốn mới nhất của Circle bao gồm những gã khổng lồ tài chính truyền thống như BlackRock, Fidelity và Marshall Wace. Trong số đó, ngoài vai trò là nhà đầu tư, BlackRock còn đóng vai trò là người quản lý tài sản chính của vốn dự trữ tiền mặt USDC, và chịu trách nhiệm tìm thêm những kịch bản ứng dụng khác của USDC trên thị trường.
Circle cho biết số tiền thu được sẽ được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng chiến lược cho công ty, bao gồm mở rộng phạm vi sử dụng USDC và công nghệ blockchain trong các giao dịch chính thống như thanh toán và thương mại.
Anh và Hoa Kỳ cân nhắc sử dụng stablecoin
Ngoài chênh lệch giá, phí giao dịch gửi và rút tiền, kiếm thêm lượng truy cập của người dùng, giữ lại tài sản của người dùng,… các hệ sinh thái ứng dụng phong phú là không gian tăng trưởng cho các dự án tiền điện tử.
Ví dụ: Dai, một stablecoin phi tập trung cho phép thế chấp vượt mức bằng các tài sản mã hóa, tuyên bố chuẩn bị ra mắt hệ sinh thái đang trong giai đoạn phát triển trên trang web chính thức. Hiện tại, hơn 400 ứng dụng và dịch vụ đã được tích hợp trên Dai, bao gồm ví, nền tảng DeFi, trò chơi, v.v.
Nếu Bitcoin, Ethereum và các dự án tiền điện tử dễ bay hơi khác có điểm tương đồng với tài sản chứng khoán, thì tiền điện tử stablecoin lại giống với tiền ngoại hối hơn bởi vì chúng đều neo 1:1 với tiền fiat. Nếu các chain công khai như Ethereum có thể làm phong phú thêm hệ sinh thái đồng thời phát triển, mở rộng các ứng dụng, thì tiền điện tử stablecoin vẫn sẽ được cố định giá và các kịch bản ứng dụng của nó cũng đủ lớn để hỗ trợ thêm cho lĩnh vực tài chính truyền thống trong việc thanh toán, quyết toán và cho vay cầm cố.
Vào ngày 10/5, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ – Yellen, nêu ý kiến trong buổi báo cáo thường niên của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC), khuôn khổ quy định hiện tại không xây dựng những tiêu chuẩn rủi ro toàn diện cho stablecoin như một sản phẩm thanh toán mới, vì vậy bà đã thúc giục Quốc hộ phải nhanh chóng ra điều luật mới càng sớm càng tốt.
Các cơ quan quản lý Vương quốc Anh dường như cũng rất để tâm đến stablecoin. Vào ngày 4/4, một kế hoạch quản lý tiền điện tử do chính phủ Anh phát hành đã đề cập rằng stablecoin, như một phương tiện thanh toán hiệu quả, sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch của Anh nhằm xây dựng một trung tâm đầu tư và công nghệ tài sản tiền điện tử toàn cầu. Stablecoin đã nhiều lần được nhắc đến như là từ khóa của kế hoạch này, và chính phủ Anh rõ ràng đang giám sát thị trường trên.
John Glen, Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Bộ Tài chính Anh, cho biết Vương quốc Anh sẽ thông qua luật để kết hợp một số stablecoin vào khuôn khổ thanh toán để tạo điều kiện cho các nhà phát hành và nhà cung cấp dịch vụ stablecoin hoạt động và phát triển ở Vương quốc Anh, điều này sẽ cho phép người tiêu dùng dễ dàng thanh toán bằng stablecoin.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh – Andrew Bailey, stablecoin có một số lợi thế. Ví dụ: stablecoin có thể loại bỏ bớt quy trình giao dịch bằng cách tăng tốc độ và giảm chi phí thanh toán, đặc biệt nếu hệ thống stablecoin toàn cầu được thiết lập.
Các đồng stablecoin đang mở ra những cánh cửa mới cho tiền fiat. Andrew Bailey tin rằng stablecoin và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể cùng tồn tại với nhau, dưới dạng các tùy chọn thanh toán khác nhau hoặc được tính hợp cùng một hệ sinh thái stablecoin để giúp cho người tiêu dùng dễ dàng truy cập vào các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Theo các tuyên bố quy định gần đây của các nhà hoạch định chính sách của Anh và Mỹ về tiền điện tử, việc sử dụng stablecoin trong các giao dịch thanh toán quốc tế sẽ có thể được hiện thực hóa trong tương lai gần.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đang rất mong muốn được thử sức. Theo báo cáo của Vogue Business, thương hiệu xa xỉ Gucci đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử tại các cửa hàng ở New York, Los Angeles và các thành phố khác từ cuối tháng Năm. Ngoài các loại tiền điện tử chính thống như Bitcoin và Ethereum, Gucci cũng cho phép sử dụng năm đồng stablecoin khác.