PFP NFT là gì?
PFP NFT (Profile Picture NFT) là loại NFT mà người dùng có thể sử dụng để làm ảnh đại diện cá nhân. Tuy không giới hạn ở một quy chuẩn nhất định, các PFP thường được thể hiện dưới dạng một nhân vật nào đó.
Thị trường Crypto đề cao tính phi tập trung (decentralized), theo đó người dùng không cần phải tiết lộ danh tính nhưng vẫn có thể tham gia các hoạt động on-chain một cách tự do. Tuy nhiên người dùng vẫn cần một thứ để đại diện cho bản thân khi tham gia các hoạt động liên quan. PFP là giải pháp phù hợp cho vấn đề đó.
PFP là thị trường NFT có giá trị vốn hoá, khối lượng giao dịch và thanh khoản cao nhất hiện tại.
Vì sao PFP NFT thành công?
Một bộ sưu tập NFT PFP bao gồm nhiều hình ảnh NFT với ý tưởng phát triển tương đồng, khi có nhiều người sở hữu NFT sẽ tạo nên cộng đồng của dự án. Một dự án PFP muốn thành công thì phải tạo cầu (người muốn sở hữu NFT) lớn hơn cung (số lượng NFT phát hành), mà muốn làm được điều đó thì yếu tố cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu.
Việc đáp ứng được nhu cầu của các thành viên trở thành yếu tố then chốt cho sự thành công của một dự án PFP. Do đó, nguyên nhân khiến một dự án PFP thành công có thể được lý giải thông qua tháp nhu cầu Maslow.
Khi mặc định hai tầng cơ bản đầu tiên là nhu cầu sinh học và nhu cầu an toàn được đáp ứng. Hành vi tiếp theo của người dùng trong việc sở hữu NFT được thể hiện qua các bước như sau:
Bước 1: Sự tăng trưởng đột ngột trong nhu cầu thành tựu
Khi một bộ sưu tập NFT mới ra mắt, lúc này sự chú ý của người dùng tập trung hầu hết ở tầng số 4 (nhu cầu thành tựu). Người dùng bị cuốn hút và muốn sở hữu những nhân vật phù hợp với phong cách của mình.
Mong muốn này được nhân lên nhiều lần với những nhân vật thể hiện được con người họ, những nhân vật có những đặc tính (trait) hiếm đẹp mắt, hoặc là những nhân vật chỉ có thể xuất hiện trong trí tưởng tượng của bản thân.
Đó là lý do khi phân tích các bộ sưu tập PFP hàng đầu từ trước tới nay, ta có thể thấy rất nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Có bộ sưu tập theo phong cách dễ thương, có bộ mang đồ hoạ pixel, có bộ sử dụng hoạt hình cartoon, có bộ mang phong cách anime,… Khẩu vị nghệ thuật của con người không giống nhau và mỗi một bộ sưu tập PFP hàng đầu đều nhắm tới những miếng bánh khác nhau trong miếng bánh PFP này.
Và cũng không phải ngẫu nhiên khi ta thấy giá của NFT trong cùng một bộ sưu tập lại chênh lệch rất nhiều. Có nhiều người sẵn sàng trả giá cao cho một NFT thay vì mua NFT rẻ nhất. Với họ, sở hữu NFT đúng xứng đáng hơn nhiều là một NFT rẻ vì đây chính là thứ đại diện cho bản thân trong crypto.
Bước 2: Vai trò lớn dần của nhu cầu xã hội
Trong thời gian đầu, nhu cầu tầng 4 có lúc vượt qua nhu cầu tầng 3 (nhu cầu xã hội). Lúc đó người dùng muốn sở hữu NFT phù hợp nhất hơn là tham gia cộng đồng những người cùng sở hữu NFT trong bộ sưu tập đó.
Tuy nhiên, bản chất của PFP vẫn chỉ là những bức hình và số lượng dự án làm về PFP là rất nhiều. Nếu như dự án không có một con hào tốt thì sự ưa thích của người dùng sẽ giảm dần và họ sẽ rời đi. Độ quan trọng của tầng 3 trong tháp nhu cầu Maslow lúc này lớn dần.
Sở hữu NFT PFP giúp bản thân người dùng được tham gia vào một cộng đồng. Sự gắn kết, tương tác lẫn nhau và hiệu ứng mạng lưới của cộng đồng chính là thứ khiến người dùng gắn bó với dự án và tự hào khi sử dụng NFT PFP của mình khắp mọi nơi.
Bước 3: Thăng hoa trong nhu cầu phát huy tối đa tiềm năng
Một cộng đồng chỉ phát triển khi có sự đóng góp của các thành viên. Dự án nào tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng tạo ra giá trị sẽ có lợi thế lớn trong việc phát triển. Một trong những lợi thế lớn nhất hiện tại của các bộ sưu tập hàng đầu là IP hay quyền sở hữu trí tuệ.
Mỗi đất nước có định nghĩa và mức độ bảo hộ với quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, nhưng về lý thuyết quyền sở hữu trị tuệ cung cấp cho người dùng:
- Quyền được tái phát hành sản phẩm.
- Quyền được tạo ra các sản phẩm thứ cấp dựa trên sản phẩm chính.
- Quyền được phân phối bản sao của sản phẩm.
- Quyền được sử dụng sản phẩm.
- Quyền được trưng bày sản phẩm.
- Quyền được phát sản phẩm thông qua các thiết bị hỗ trợ với sản phẩm âm thanh.
Giá trị của NFT hiện tại không chỉ nằm ở chất lượng hình ảnh, sự gắn kết của cộng đồng mà còn nằm ở tiềm lực giá trị mà chúng có thể tạo ra.
Tuy nhiên, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ là một chủ đề đa chiều ở thời điểm hiện tại. Dưới góc độ người có NFT, họ muốn được thực sự sở hữu NFT chứ không phải chỉ là hình ảnh .jpeg. Ở góc độ dự án, đa phần vẫn muốn kiểm soát hơn để thương hiệu không bị loãng và có thể phục vụ một roadmap tối đa quyền lợi trong tương lai.
Đã có những vụ kiện do mâu thuẫn trong các quyền của người dùng khi mua NFT, ví dụ có thể kể đến:
- SpiceDAO từng tốn gần 3 triệu USD để mua bản thảo chưa phát hành của của bộ phim Dune, nhầm lẫn với việc mua bản thảo đó cho họ quyền tác giả (copyright). Sau đó, SpiceDAO đã làm một series phim hoạt hình dựa trên bản thảo đó và cố gắng bán cho một bên dịch vụ streaming (cần có quyền tác giả để làm được điều này). Nguồn tham khảo tại đây.
- Hermes kiện một họa sĩ vì đã sử dụng hình ảnh của thương hiệu để bán các bộ sưu tầm NFT. Nguồn tham khảo tại đây.
- Nike kiện StockX vì bán NFT có các đặc tính thương hiệu Nike khi chưa được cấp phép. Nguồn tham khảo tại đây.
IP mở ra một cánh cửa mới để tạo ra giá trị cho dự án PFP, nhưng cũng sinh ra nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi và việc áp dụng hiệu quả cho cả phía người dùng và dự án.
Dựa trên lý thuyết về tháp Maslow, ta sẽ phân tích một vài case thành công nhất của NFT PFP hiện nay để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các bộ sưu tập đó có thể thành công.
Case studies
Bored Ape Yacht Club (BAYC)
Bored Ape Yacht Club (BAYC) là một sưu tập gồm 10,000 chú khỉ của Yuga Labs. BAYC có ý nghĩa chỉ những chú “ape” đầu tư ở thị trường crypto sau đó trở nên giàu có khi thị trường tăng mạnh. Khi đã trở nên giàu có, các chú khỉ bắt đầu cảm thấy nhàm chán, vì vậy bộ sưu tập có tên Bored Ape Yacht Club.
Bộ sưu tập đã khắc họa chính xác một lượng lớn người dùng trên Ethereum khi họ đã tham gia thị trường, tìm kiếm được những cơ hội đổi đời và “ape in” vào chúng. Kết quả là họ trở nên giàu có và một lượng lớn đã tự do tài chính và không còn động lực kiếm tiền.
Với câu chuyện đó, ta có thể thấy ngay từ đầu BAYC đã dự định trở thành một dự án premium với đối tượng nhắm đến là các shark và whale với số tiền lớn. Kết hợp với chất lượng art độc đáo, riêng biệt khi mỗi chú khỉ có trang phục, biểu cảm khác nhau, điều này càng khiến người dùng thấy được bản thân trong đó và muốn sở hữu một chú khỉ đại diện cho chính mình.
Với câu chuyện và chất lượng như vậy, nhưng BAYC chỉ có giá mint là 0.08 ETH (chưa đến 200 USD vào thời điểm mint). Mức giá này là thấp và giúp BAYC thu hút một lượng lớn người tới đào, từ đó như hiệu ứng cầu tuyết lăn, ngày càng nhiều người biết tới Bored Ape. Trong đó có những shark và whale thấy câu chuyện của mình trong đó và mua BAYC, tất nhiên những người giàu có sẽ không dễ dàng bán thứ đại diện cho bản thân mình.
⇒ Tầng 4 tháp nhu cầu Maslow được đẩy mạnh, lúc này ai cũng muốn sở hữu trong tay một NFT BAYC.
Cộng đồng là yếu tố quan trọng bật nhất cho sự thành công của Yuga Labs. Bản thân Yuga Labs cũng nhận thấy rõ điều này và đã tạo ra hàng loạt sự kiện, phụ kiện ngoài đời thậm chí là cả series truyện tranh cho các dự án của mình.
Yuga Labs đã thành công trong việc tạo ra văn hóa với cộng đồng gắn kết, nơi những người sở hữu tự hào khoe về NFT của mình. Điều này tạo nên một hiệu ứng mạng lưới cực mạnh và khiến các dự án của Yuga Labs thuộc một đẳng cấp khác.
⇒ Nguồn lực được tập trung để hoàn thiện tầng 3, cộng đồng là yếu tố cốt lõi để BAYC có thể tiếp tục duy trì và phát triển.
Và khi đã tạo cộng đồng đủ mạnh, Yuga Labs đang hướng tới tầng cao nhất của tháp nhu cầu Maslow. Yuga Labs có cách tiếp cận tương đối mở với quyền sở hữu trí tuệ cho BAYC. Ngoài việc không được sử dụng thương hiệu BAYC, người sở hữu NFT BAYC có thể sử dụng hình ảnh NFT mình sở hữu theo nhiều cách khác nhau mà không phải lo việc bị Yuga Labs kiện tụng như các bên khác.
Ta có thể thấy rất nhiều sản phẩm như phụ kiện, video ca nhạc, nhà hàng sử dụng hình ảnh BAYC. Ngoài ra việc có nhiều ngôi sao nổi tiếng sử dụng hình ảnh BAYC càng làm tăng giá trị thương hiệu của dự án và khiến giá trị IP của BAYC tăng cao hơn.
Azuki
Azuki là bộ sưu tập gồm 10,000 NFT theo phong cách anime được ra mắt vào ngày 12/01/2022. Với hình ảnh chau chuốt và độc đáo, Azuki đã thu hút sự chú ý của những người sưu tầm NFT khắp thế giới và nhanh chóng trở thành một trong những bộ sưu tập giá trị nhất thị trường.
Tuy hướng phát triển của Azuki khá giống với BAYC (Bored Ape Yacht Club), nhưng khác với các collection chỉ cố ăn theo và có hình ảnh loài khỉ hay những con vật khác, Azuki đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và lựa chọn hướng đi riêng.
Thay vì cố nhắm vào thị trường châu Âu, nơi tập trung hầu hết các Ape holders, Azuki nhắm tới tệp khách hàng châu Á. Từ cái tên Azuki có nghĩa là cây đậu đỏ, một loại cây ở châu Á cho tới hình ảnh mang phong cách Anime, các nhân vật trong hoạt hình Nhật Bản. Tất cả đã tạo nên những điểm riêng giúp Azuki trở nên nổi bật trong hàng loạt các bộ sưu tập na ná nhau.
Bên cạnh đó, team Azuki cũng rất chú trọng tới trải nghiệm người dùng và yếu tố game theory. Thuật toán ERC-721A cho phép mint nhiều NFT cùng lúc chỉ với chi phí 1 lần gas, cơ chế lộ diện hình ảnh về sau,… tất cả đã giúp thu hút nhiều volume giao dịch cho dự án nói chung.
⇒ Tầng 4 tháp Maslow được đẩy lên cao.
Azuki cũng rất chú trọng vào yếu tố cộng đồng. Các thành viên sở hữu NFT Azuki luôn thể hiện sự tự hào khi nói về the garden, một nhóm chat chỉ có thể được truy cập bởi NFT holders và là nơi chia sẻ, giao lưu giữa các thành viên.
Ngoài the garden, Azuki cũnng chú trọng đến các quyền lợi ngoài đời cho cộng đồng. Sự kiện offline được tổ chức vào tháng 6 năm 2022 được nhiều KOL đánh giá có chất lượng tốt nhất trong số các dự án NFT. bên cạnh đó Azuki holders cũng nhận được nhiều phần quà như áo khoác Azuki.
⇒ Tầng 3 là một yếu tố được Azuki chú trọng và đẩy mạnh.
Giống với BAYC, Azuki holders cũng có toàn quyền sử dụng với NFT mình sở hữu cả về mặt thương mại lẫn phi thương mại. Điều này đã khuyến khích Azuki holders tạo ra rất nhiều sản phẩm sáng tạo với Azuki như anime, áo, các tác phẩm nghệ thuật,… Tuy nhiên theo quan sát của tác giả, giá trị IP hiện tại của Azuki vẫn chưa thực sự cao do chưa thu hút được nhiều đóng góp NFT holder.
⇒ Tầng 5 tháp Maslow đang dần phát triển.
CryptoPunks
CryptoPunks là bộ sưu tập gồm 10,000 NFT có phong cách pixel 8-bit. CryptoPunks là một trong những dự án NFT nổi tiếng đầu tiên trên thế giới và đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ, thậm chí thúc đẩy việc phát triển tiêu chuẩn token ERC-721 sau này.
Khác với các bộ sưu tập khác, giá trị của CryptoPunks nằm ở tính lịch sử của dự án. CryptoPunks ra đời trước cả khi chuẩn ERC-721 của NFT được phát triển. Vào thời điểm xuất hiện team phát triển của dự án, Larva Labs đã phải sửa đổi code ERC-20 để có thể tạo ra các token khác nhau. Chính sự tài tình đó đã truyền cảm hứng cho việc phát triển chuẩn ERC-721 sau này.
Là một dự án mang tính tiên phong, đột phá và có giá trị lịch sử, mặc dù hình ảnh NFT của CryptoPunks có thể không đẹp mắt nhưng chúng vẫn đặc biệt có giá trị với những nhà sưu tầm NFT. Trong cơn sóng tăng trưởng 2021-2022, giá bán trung bình của một Punks có lúc đạt hơn 500,000 USD. Đặc biệt, CryptoPunk#5822 đã được bán với 8,000 ETH khoảng 23.7 triệu USD vào thời điểm bán.
Mặc dù vẫn có rất nhiều người sử dụng CryptoPunks làm PFP và cộng đồng của CryptoPunks cũng tương đối mạnh, nhưng với bản chất như đã trình bày ở trên. CryptoPunks nên được coi là một sự giao thoa giữa PFP (ảnh đại diện) và Collectibles (NFT sưu tầm) thì sẽ chính xác hơn.
Ta có thể thấy sự nhận thức chung của holders về CryptoPunks thông qua OpenSea. Các dự án NFT PFP top đầu luôn có người bán và được giao dịch liên tục nhưng không có holder nào list NFT CryptoPunks.
Với tính chất như vậy, việc Larva Labs không gắn quyền sở hữu trí tuệ cho NFT CryptoPunks ở thời điểm ban đầu tình cờ là một nước đi hay cho dự án. Điều này sẽ giúp bảo lưu giá trị như một “di tích lịch sử” cho NFT của CryptoPunks.
Tuy nhiên trên thực tế, Larva Labs đã bán quyền sử dụng hình ảnh NFT CryptoPunks cho UTA (United Talent Agency) (nguồn: hollywoodreporter) và bán IP của cả CryptoPunks và Meebits (dự án thứ hai của Larva Labs) cho Yuga Labs (nguồn: theblock).
Do đó, có thể thấy Larva Labs về bản chất chỉ muốn kiếm được nhiều lợi nhuận nhất từ dự án NFT của mình. Hiện tại khi IP đã thuộc về Yuga Labs, người dùng sở hữu CryptoPunks NFT sẽ có quyền lợi tương đồng với việc sở hữu BAYC NFT và ta có thể sẽ thấy hướng phát triển khác của CryptoPunks hơn chỉ là một “di tích lịch sử” của NFT.
Đánh giá & dự phóng tương lai PFP NFT
Về IP
PFP là một nhu cầu có thật và được đồng thuận cao trong giới Crypto. Lợi thế thực sự của một dự án PFP NFT nằm ở cộng đồng và để phát triển cộng đồng các dự án cần đáp ứng nhu cầu của các thành viên (tháp Maslow). Có rất nhiều dự án NFT mới xuất hiện hàng ngày nhưng các dự án top đầu thường chỉ tập trung ở một vài dự án. Điều này cho ta thấy sức mạnh của cộng đồng và giá trị lớn lao mà các thành viên có thể đóng góp cho dự án.
Các dự án PFP top đầu hiện tại hầu hết đều đang tập trung phát triển tầng 5, tuy nhiên mỗi một dự lại có cách tiếp cận khác nhau với vấn đề IP. Cách tiếp cận này có thể sẽ ảnh hưởng tới việc đóng góp của thành viên và giá trị mà dự án PFP nhận được sau này. Đây cũng là yếu tố cần thiết cho những nhà đầu tư vào PFP. Phía dưới là bảng quyền IP của các dự án PFP top đầu.
IP là lợi thế vì quyền sở hữu trí tuệ chỉ thực sự có giá trị với những hình ảnh có giá trị cao. Mà giá trị đó có được từ chính cộng đồng, những người đã ủng hộ và gắn bó với dự án.
Cộng đồng là con hào lớn và khả năng cao sẽ tiếp tục là lợi thế của các dự án PFP top đầu trong tương lai. Do đó, những dự án nào giới hạn việc tạo ra giá trị từ cộng đồng đang tự chính giới hạn tiềm năng phát triển của mình. Thay vì hạn chế giải pháp đúng đắn hơn là hỗ trợ để phát huy tối đa tiềm năng từ việc sử dụng IP.
Về xu hướng phát triển
PFP có một nhược điểm là có sự giới hạn về thành viên trong cộng đồng, điều này đồng nghĩa với việc giới hạn về giá trị mà dự án có thể nhận được từ thành viên.
Yuga Labs, cha đẻ của BAYC nhận ra điều này và đang có những nước đi táo bạo nhất. Cộng đồng BAYC, bao gồm cả những thành viên sở hữu các NFT đời sau từ BAYC như MAYC hay BAKC hiện đã kín chỗ. Điều này tuy giúp bảo lưu giá trị của NFT nhưng vô hình chung là rào cản phát triển của dự án PFP đứng đầu hiện nay.
Để giải bài toán trên, Yuga Labs đang dần mở rộng vũ trụ của mình:
- BAYC (Bored Ape Yacht Club).
- MAYC (Mutant Ape Yacht Club).
- BAKC (Bored Ape Kennel Club).
- CryptoPunks.
- Meebits.
- Theo một tài liệu bị rò rỉ, Yuga Labs có khả năng sẽ ra mắt một bộ sưu tập mới tên là Mecha Apes (tham khảo tại đây).
Đây là danh sách các dự án hiện tại đang thuộc sở hữu của Yuga labs. Vấn đề nằm ở chỗ các dự án không có sự gắn kết với nhau. CryptoPunks, Meebits, BAYC,… giống các quốc gia riêng biệt và vẫn tồn tại một ranh giới nhất định. Bài toán lúc này của Yuga Labs là làm sao biến các quốc gia đó thành các thành phố và cùng đóng góp cho sự phát triển của một quốc gia lớn. Dự án Metaverse Otherside được ra đời để thực hiện điều đó.
Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về Metaverse và những ứng dụng của NFT trong Metaverse ở những bài phân tích tiếp theo. Nhưng ở thời điểm hiện tại, có thể thấy tham vọng thống nhất giới NFT PFP từ Yuga Labs, nơi cộng đồng của các NFT PFP nổi tiếng nhất có thể tham gia và xây dựng một thế giới chung.
Bên cạnh BAYC của Yuga Labs, các dự án PFP NFT hàng đầu khác cũng đang bắt đầu triển khai các nước đi tiếp theo để phá vỡ rào cản cộng đồng hiện nay. Ví dụ như:
- Doodles thông báo về việc sẽ phát triển Metaverse.
- Azuki sẽ phân mảnh 1 NFT và những ai sở hữu mảnh NFT đó sẽ có quyền truy cập The Garden.
Ta sẽ thấy nhiều nước đi để mở rộng cộng đồng của các dự án PFP trong tương lai. Dự án nào thành công trong việc thu hút người dùng và khuyến khích người dùng tạo ra nhiều giá trị nhất sẽ phát triển mạnh mẽ.
Về vấn đề doanh thu
Nguồn doanh thu chính hiện tại của các dự án PFP tới từ tiền royalties, một khoản hoa hồng mà người bán sẽ phải chia lại cho dự án mỗi khi có người mua NFT mà người bán sở hữu.
Mức phí royalties được tính khác nhau ở mỗi dự án (5%, 7.5%, thậm chí có dự án tính 10% phí royalties,…) và được sử dụng khác nhau (chia toàn bộ cho treasury của dự án, chia một phần về ví đội phát triển,…). Phí royalties là yếu tố ta cần tìm hiểu khi đầu tư vào một dự án PFP.
Bản chất của phí royalties được tạo ra từ hoạt động mua bán, do đó khối lượng giao dịch chính là một trong những chỉ số tượng trưng cho doanh thu của các dự án NFT nói chung và PFP nói riêng. Các dự án như BAYC, Azuki, Dooles,… kiếm hàng chục triệu đô từ phí royalties ở thời điểm năm 2021. Nhưng với tình hình thị trường hiện tại, ta có thể thấy khối lượng giao dịch của các dự án NFT đã sụt giảm rõ rệt và kéo theo đó là doanh thu của các dự án NFT.
Các dự án PFP nếu muốn phát triển bền vững thì sẽ cần tìm ra được thêm nguồn doanh thu ổn định khác thay thế cho phí royalties. Với tính chất phát triển đã được trình bày phía trên về PFP, một vài mô hình kinh doanh mà các dự án có thể phát triển có thể kể tới như:
- Bán IP cho các brand lớn nhỏ: Ví dụ như áo thun Uniqlo in hình PFP.
- Tạo ra các dòng sản phẩm thương mại: Cà phê BAYC, kẹo Doodles.
- Bán thêm các sản phẩm có tính năng. Sở hữu NFT cho skin trong game.
- Sáng tạo nội dung giải trí trên các nền tảng xã hội hoặc streaming.
- Dịch vụ đăng ký hàng tháng.
- Và nhiều cách nữa.
Với việc các dự án PFP đã có sẵn cộng đồng, họ đã có sẵn một lượng fan, khách hàng, người đóng góp ý kiến, người tuyên truyền rất tiềm năng. Các dự án biết tận dụng điều này sẽ có lợi thế lớn.
Tuy nhiên, các dự án NFT PFP cần nhớ rằng yếu tố cốt lõi giúp họ đang và tiếp tục thành công là từ cộng đồng. Với việc các dự án NFT hàng đầu liên tục gọi một số vốn khổng lồ có thể kể đến như:
- BAYC gọi vốn 450 triệu USD với định giá 4 tỷ USD, chưa kể tới việc gọi vốn hơn 285 triệu USD từ việc phát hành Otherside NFT và kế hoạch gọi thêm hơn 50 triệu USD từ việc mint Mecha Ape trong tương lai.
- Doodles gọi vốn 54 triệu USD với định giá 704 triệu USD.
- Azuki gọi vốn 30 triệu USD với định giá 400 triệu USD.
Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu đội phát triển đang dần trở nên tham lam và quên đi cộng đồng? Liệu các dự án PFP sẽ trở thành sân chơi của các VC?
Lời kết
NFT PFP là nhánh phát triển nhất trong mảng NFT. Hiện tại các dự án PFP đang dần đi đến giới hạn của mình. Bài toán về việc tận dụng IP, tạo doanh thu bền vững và mở rộng cộng đồng là những bài toán cần giải quyết của các dự án PFP.
Theo C98