Hợp đồng thông minh mang đến rất nhiều lợi ích, nhưng nếu không cẩn thận, mũi dao sẽ quay ngược về phía ta. Vì vậy, cẩn thận không bao giờ thừa.
Lần cuối cùng bạn bị thanh toán chậm là khi nào? Trễ hạn hóa đơn? Chờ đến kì nhận lương hàng tháng để rồi muộn màng nhận ra rằng đã quá ngày? Dù là ai, nhà đầu tư, nhân viên hoặc khách hàng, bạn cũng từng trải qua những trường hợp tương tự. Và nguyên nhân khiến chúng ta phải chịu những cảnh trên: hợp đồng truyền thống.
Hợp đồng là yếu tố tác động đến lực lượng lao động của mọi tổ chức và theo Hiệp hội Hợp đồng và Thương mại Thế giới, 26% nhân viên tham gia vào việc quản lý các thỏa thuận này. Với tác động to lớn nhường đó, những hợp đồng này phải đồng phát triển cùng với doanh nghiệp. Thật không may, các hợp đồng thường được con người thúc đốc và thực hiện bởi một trong hai bên liên quan, dẫn đến một số sai sót và sơ suất tiếc nuối.
Các hợp đồng thông minh được khởi chạy trên blockchain có thể thúc đẩy, giúp doanh nghiệp và các mối quan hệ của các bên liên quan phát triển, nhưng cũng như những quyết định trọng điểm khác, quan trọng là ta phải thực hiện đúng cách.
Thông minh bù cần cù
Những hợp đồng truyền thống còn nhiều thiếu sót và lỗi thời, nhưng ít tổ chức nào có thể phát hiện và thay đổi điều đó. Theo PwC, những hợp đồng kém chất lượng thường khiến các công ty phải trả ít nhất 9% thu nhập ròng và thậm chí có thể lên tới con số 40%. Khoản lỗ doanh thu này đến từ việc nhập dữ liệu không chính xác, tài khoản chưa thanh toán, các vấn đề quản lý khách hàng, báo cáo sai và chiết khấu – về cơ bản tất cả đều do lỗi của con người.
Và vấn đề không dừng lại tại đó. Thông tin sai lệch và các điều khoản hợp đồng không được đáp ứng có thể xảy ra đơn giản chỉ vì một bên liên quan không tuân theo các thỏa thuận đã xác định trước, khiến sự việc trở nên phức tạp hơn, chẳng hạn như xích mích giữa các công ty và nhân viên của họ hoặc các đối tác bên ngoài. Cuối cùng các chuyên gia pháp lý phải nhập cuộc giải quyết. Một hợp đồng phải có tiêu chuẩn rõ ràng và đáng tin cậy, không khiến ta mất thời gian và sức lực vì những bất cập trong giấy tờ.
Các công ty có thể chủ động ngăn chặn những vấn đề này bằng cách thay đổi cơ chế và thiết kế nên những hợp đồng thông minh được lưu trữ trên blockchain. Và không giống như hợp đồng truyền thống, bộ giao thức đặc biệt trên được quản lý bởi công nghệ lập trình của blockchain chứ không phải bởi một người. Vì vậy, hợp đồng thông minh có khả năng tự động thực hiện các điều khoản của hợp đồng pháp lý. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho những bên không nhớ thỏa thuận và các mốc thời gian, đảm bảo quá trình làm việc được đơn giản hóa và đúng hạn.
Hợp đồng thông minh không chỉ có nghĩa là bản thân hợp đồng trở nên thông minh hơn, mà tất cả mọi người liên quan cũng có thể làm việc thông minh hơn. Vì không cần phải bỏ sức quản lý và đáp ứng các điều khoản, mọi người có thể tập trung hơn vào công việc thực tế, tạo ra lực lượng lao động hiệu quả và năng suất hơn. Nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và các bên khác khi gặp vấn đề cũng không cần phải tốn công đi "đòi" bồi thường. Những mã code ấy sẽ không bao thiên vị một ai, dù họ là nhà tuyển dụng hay đối tác kinh doanh.
Cẩn trọng trong sử dụng
Nhưng đáng buồn thay, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng hợp đồng thông minh là con dao hai lưỡi. Các tổ chức phải sử dụng cẩn trọng hợp đồng thông minh để bỗ trợ, nâng cao, thay vì thay thế các hợp đồng truyền thống.
Dù là loại "giao kèo" nào, những bên liên quan có thể "lật kèo" một khi họ tìm ra sơ hở trong thỏa thuận. Vì hợp đồng thông minh được lưu trữ trên một sổ cái công khai nên có có thể bị kẻ xấu bên ngoài lợi dụng. Chúng ta cũng không xa lạ gì với những vụ việc như này: Người tạo ra NFT, Micah Johnson, đã mất 34 triệu USD sau khi một người dùng ẩn danh khai thác hợp đồng thông minh trong quá trình ra mắt bộ sưu tập NFT của anh. Mặc dù có lẽ đây là một con số quá lớn, nhưng không vì vậy mà ta xem thường nó. Doanh nghiệp vẫn có thể ngăn chặn những câu chuyện tương tự có thể xảy ra bằng cách thiết kế các hợp đồng thông minh thông qua một blockchain riêng tư.
Tuy nhiên, những viễn cảnh tồi tệ nhất đã dạy ta một bài học quý giá, cẩn thận không bao giờ thừa. Nếu được, doanh nghiệp tốt nhất nên một kỹ sư phần mềm và một luật sư làm việc cùng nhau để đảm bảo cơ sở và biện pháp pháp lý cần thiết đều đã được xây dựng chu toàn.
Bằng cách cộng tác trong giai đoạn đầu của quá trình tạo hợp đồng thông minh, luật sư có thể đảm bảo các điều khoản định trước rõ ràng và được sự đồng thuận của đôi bên. Ngoài ra, luật sư có thể giúp dịch nghĩa đầy đủ và chính xác hợp đồng truyền thống sang những mã lập trình của hợp đồng thông minh. Sau đó, kỹ sư phần mềm có thể thiết kế các điều khoản, giảm thiểu rủi ro thông qua những cuộc thử nghiệm để phát hiện những sai sót nhỏ.
Hợp đồng thông minh có thể thay đổi toàn bộ cách thức thực hiện hợp đồng pháp lý và qúa trình thanh toán, nhưng chúng cũng đồng thời cũng là một con dao hai lưỡi nguy hiểm. Bạn nên dành thời gian để nghiên cứu giao thức phù hợp, nhằm giảm thiểu mọi sai sót tiềm ẩn trước khi bắt tay vào triển khai. Nhờ đó, các tổ chức có thể hiện đại hóa đúng cách hệ thống làm việc.