Những vướng mắc mà ngành công nghệ blockchain Việt Nam gặp phải chủ yếu là liên quan đến pháp lý và hệ sinh thái của ứng dụng.
Thiếu khuôn khổ pháp lý đối với công nghệ blockchain
Theo baochinhphu, ngày 1/4, Bộ tư pháp đã có báo cáo Chính phủ về khuôn khổ pháp lý liên quan đến công nghệ chuỗi khối (blockchain). Theo báo cáo cho biết, Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động huy động vốn thông qua phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa (như ICO, ITO hay STO). Các hoạt động giao dịch tài sản mã hóa, tiền điện tử cũng chưa có những quy định rõ ràng hay một khuôn khổ pháp lý nào. Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái khuyến khích ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain. Báo cáo nhấn mạnh cần tạo lập môi trường, hệ sinh thái thân thiện với ứng dụng công nghệ blockchain, nhằm gia tăng tính công khai, minh bạch và chống gian lận.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế thì vấn đề đặt ra đối với công nghệ blockchain Việt Nam hiện nay là pháp lý và quản lý. Ông cho rằng, Việt Nam cần ban hành nghị định thí điểm về phát triển công nghệ số và ứng dụng blockchain để theo kịp sự phát triển.
Kiến nghị xây dựng chính sách thí điểm về phát triển blockchain
Bộ tư pháp kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm để xử lý các vấn đề nóng của thị trường và thực tiễn áp dụng. Việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến tài sản mã hóa dựa trên công nghệ blockchain cần được đẩy mạnh. Về định hướng xây dựng, hoàn thiện chính sách, Bộ tư pháp đề nghị nên tập trung vào tạo lập môi trường đổi mới sáng tạo, đảm bảo tính trung lập về công nghệ theo hướng thị trường quyết định. Cần tận dụng các khung pháp lý hiện hành để quản lý, xử lý các vấn đề liên quan nhưng có xem xét đến trường hợp ngoại lệ hoặc ban hành các văn bản điều chỉnh (có thể mang tính thí điểm).
Theo BeInCrypto