Digital Currency Group (DCG), tập đoàn đầu tư tài sản mã hóa hàng đầu thế giới, đóng cửa nền tảng giao dịch TradeBlock vào hôm nay (31/5), sau tin tức được đưa ra 5 ngày trước đó. Quyết định này dựa trên tình hình kinh tế toàn cầu, môi trường quy định tài sản số của Hoa Kỳ và thời kỳ khủng hoảng tiền điện tử kéo dài.
Như Tiendientu đã đưa tin, công ty con của DCG là Genesis, đệ đơn xin phá sản hồi đầu năm nay với khoản nợ lên tới 1,8 tỷ USD. Genesis cũng đang nợ Gemini 900 triệu USD trong quỹ, dẫn đến việc sàn giao dịch này tạm ngừng rút tiền từ Gemini Earn.
Tình hình tài chính của DCG hiện đang khó khăn. Trong quý 4/2022, DCG đã ghi nhận tổn thất 24 triệu USD và tổng doanh thu chỉ đạt 143 triệu USD. DCG hiện có tổng tài sản khoảng 5,3 tỷ USD, trong đó chỉ có hơn 260 triệu USD tiền mặt và tương đương vào tháng 12/2022. DCG đã đầu tư rất nhiều trong thị trường tiền điện tử suy thoái và đã đánh giá sai tình hình, dẫn đến tổn thất lớn do mối quan hệ nợ nần với Genesis, nền tảng cho vay tiền điện tử của họ.
Trong bối cảnh này, DCG đã đóng cửa TradeBlock và tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, tình hình tài chính đáng lo ngại và diễn biến xấu của kinh tế toàn cầu, tương lai của DCG đang lung lay hơn bao giờ hết.
‘Quả bom nổ chậm’ đến từ DCG?
Tình hình tài chính của DCG gây ra nhiều lo ngại và tác động tiêu cực đối với thị trường tiền điện tử.
Đầu tiên, đóng cửa TradeBlock khiến các nhà đầu tư mất đi một nền tảng giao dịch và quản lý tài sản số quen thuộc. Từ đó ảnh hưởng đến lòng tin của một bộ phận người dùng đối với thị trường tiền điện tử.
Thứ hai, các khoản nợ chưa thanh toán của Genesis và DCG gây khó khăn cho nhiều công ty, thiệt hại ngày càng lớn và tình huống xấu nhất là không thể thu hồi tài sản.
Thứ ba, DCG thuộc TOP các công ty đầu tư mã hóa trên toàn cầu, các khoản đầu tư vào hơn 100 công ty và dự án blockchain tại hơn 30 quốc gia cho thấy quy mô khổng lồ của DCG. Tính bảo mật và ổn định của các dự án này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu DCG thật sự phá sản, ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển của ngành công nghiệp tiền điện tử.
Do đó, nếu tình huống cấp bách diễn ra, cần có sự chung tay của các nhà quản lý và cơ quan đủ thẩm quyền để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường tiền điện tử nói chung và DCG nói riêng, đồng thời bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.