Công nghệ blockchain có thể giúp cho mô hình P2P Lending trở nên minh bạch, an toàn và nhanh chóng hơn.
Mới đây, ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để lấy ý kiến triển khai. Theo dự thảo, các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm (sandbox) bao gồm mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Nếu mô hình này chính thức được triển khai rộng rãi, chắc chắn công nghệ blockchain sẽ có thể phát huy thêm tiềm năng và sức mạnh của mình.
Trước khi bắt đầu, có lẽ bạn nên hiểu P2P Lending là gì? Về cơ bản thì P2P Lending (Peer to Peer Lending) là một mô hình vay và cho vay được thực hiện giữa 2 cá nhân với nhau, hoàn toàn thông qua môi trường Internet (hiểu đơn giản là 2 người không hề quen biết vẫn có thể cho nhau vay tiền). Nó được thực hiện mà không cần thông qua một tổ chức tài chính truyền thống.
Trong mô hình này, để ra được quyết định có cho vay hay không, những người cho vay sẽ dựa trên điểm tín dụng (credit score) của người vay. Điểm tín dụng này là kết quả của các mô hình học máy và phân tích dữ liệu với thông tin đầu vào là nghề nghiệp, thông tin cá nhân hay thậm chí là dữ liệu từ CIC… Thường thì nếu điểm tín dụng càng cao thì tỷ lệ hoàn trả khoản vay càng lớn và ngược lại. Đương nhiên, người cho vay có thể điều chỉnh lãi xuất hoặc số ngày cho vay… dựa theo mức độ điểm tín dụng này.
Một trong những rủi ro lớn nhất của mô hình này đó là việc các thông tin của người vay có thể bị làm giả hoặc thậm chí sửa đổi để đáp ứng điều kiện cho vay. Trong một số trường hợp, người vay có thể che dấu lịch sử tín dụng xấu của mình và tìm kiếm các nền tảng hỗ trợ cho vay P2P Lending khác. Tuy nhiên, công nghệ blockchain có thể là lời giải cho chính vấn đề này.
Chúng ta đều biết blockchain là một sổ cái phi tập trung chứa các bản ghi giao dịch an toàn, nhanh chóng và minh bạch. Nó sử dụng mật mã và thuật toán băm, đồng thời yêu cầu sự đồng thuận để cập nhật hồ sơ. Điều này làm cho các giao dịch thực tế chống giả mạo và do đó, đáng tin cậy hơn. Mọi thông tin về người vay sẽ được cập nhật lên sổ cái và bất kỳ ai cũng có thể xem được.
Điều đó có nghĩa là nếu như người vay có lịch sử tín dụng xấu trước đó, các nền tảng khác cũng có thể biết được điều này để đưa ra quyết định có nên tiếp tục cho vay tiếp hay không. Việc triển khai dần dần công nghệ blockchain trong các nền tảng P2P Lending tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, minh bạch, an toàn hơn mà không phải xử lý các quy trình cho vay phức tạp, chậm hơn và tốn kém hơn của các ngân hàng.
Như vậy, trong mô hình P2P Lending, blockchain có thể hỗ trợ phần nào trong việc ra quyết định của người cho vay. Ngoài ra, nếu như việc cho vay bằng tiền điện tử, nó còn có thể cải thiện việc giám sát bằng cách giúp theo dõi các giao dịch tiền kỹ thuật số và hỗ trợ trong các nỗ lực thu hồi khoản nợ xấu.
Theo BeInCrypto