Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chính thức ký sắc lệnh điều hành về tiền điện tử và có vẻ như đây là một tín hiệu lạc quan cho thị trường này.
Tổng quan sắc lệnh về tiền điện tử của Tổng thống Biden
1. Hoa Kỳ công nhận tiềm năng của thị trường Crypto
Sắc lệnh điều hành (Executive order) tiền điện tử được chính thức ban hành vào ngày 9/3/2022. Độc giả của BeInCrypto Việt Nam có thể xem thêm chi tiết tại đây. Tuy nhiên, lưu ý rằng bản thân đây không phải là luật. Nó đơn giản chỉ là một chỉ đạo của Tổng thống dành riêng cho thị trường tiền điện tử mà thôi. Về cơ bản, sắc lệnh này sẽ hướng đến một số mục đích chính trong đó bao gồm xây dựng hành lang pháp lý chung, phối hợp làm việc giữa các cơ quan trong Chính phủ Hoa Kỳ và kế hoạch về một đồng CBDC trong tương lai.
Như vậy, với việc đồng ý đưa ra sắc lệnh này, Chính quyền của Tổng thống Biden cũng đã công nhận tiềm năng của thị trường Crypto. Họ coi đây là một trong những cách để mở rộng khả năng tiếp cận của các dịch vụ tài chính. Đồng thời với đó, Crypto cũng góp phần duy trì và củng cố vị thế hàng đầu của Hoa Kỳ trong nền tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tiền điện tử tại Hoa Kỳ sẽ cần phải được quản lý theo một thể thống nhất.
2. Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của sắc lệnh điều hành
Trên thực tế, bản thân Hoa Kỳ không phải là không có các điều luật liên quan đến tiền điện tử. Tuy nhiên, có vẻ như đã và đang có sự chồng chéo trong cách quản lý và giám sát loại tài sản này giữa các bộ ban ngành khác nhau trong Chính phủ. Lấy ví dụ, SEC sẽ đánh giá tiền điện tử dưới góc nhìn của một ủy ban chứng khoán. Trong khi đó, CFTC lại xem tiền điện tử như một trong các loại hàng hóa khác nhau,… Điều này dẫn đến việc thiếu sự nhất quán trong công tác quản lý và dẫn đến kìm hãm sự phát triển của thị trường.
3. Phân công vai trò của các bộ ngành
Với mục tiêu tìm kiếm và tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất trong việc quản lý thị trường tiền điện tử, Hoa Kỳ sẽ cần phải kết hợp ý kiến từ các bộ ngành liên quan để tìm ra tiếng nói chung. Do đó, trong sắc lệnh về tiền điện tử, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò là cơ quan chủ trì, xây dựng các đề xuất chính sách để giảm thiểu rủi ro hệ thống và tiêu dùng liên quan đến Crypto. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ ngồi lại với các bộ ban ngành khác để tổng hợp và xây dựng nên một bộ quy định chung trong thời gian tới.
Ngoài ra, Hội đồng giám sát và ổn định tài chính Mỹ sẽ nhận chỉ đạo của Tổng thống để đánh giá các mối rủi ro toàn cầu và trong nước. Đồng thời với đó, Hội đồng cũng đánh giá các lỗ hổng chính sách có thể xảy ra để đảm bảo một bộ khung pháp lý thông suốt, giải quyết được các vấn đề nan giải hiện tại.
4. Các bộ ban ngành phối hợp để nghiên cứu CBDC
Vấn đề về tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương (CBDC) là một vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng tiền điện tử. Mặc dù có một loại tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành có thể hữu ích để thúc đẩy quyền truy cập nhiều hơn vào hệ thống tài chính, nhưng nhiều người cho rằng nó sẽ đi ngược lại với lý tưởng phi tập trung của tiền điện tử.
Trong nội bộ Hoa Kỳ cũng đang tồn tại hai thái cực. Một bên ủng hộ cho việc phát triển CBDC, một bên khối tư nhân mong muốn thúc đẩy các đồng stablecoin. Và trước làn sóng về CBDC toàn cầu đang bùng nổ như hiện tại, có vẻ như Hoa Kỳ cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Tuy nhiên, với vị thế của một nền kinh tế hàng đầu, bước đi của Hoa Kỳ sẽ cần phải chắc chắn hơn. Mặc dù Chỉnh phủ đã công nhận tiềm năng của tiền điện tử, tuy nhiên, nó không có nghĩa là việc phát hành CBDC sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia.
Do đó, sắc lệnh điều hành tiền điện tử của Tổng thống chỉ đạo các bộ liên ngành đưa ra một khuôn khổ đảm bảo rằng Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh trong không gian Crypto. Các bộ này sẽ có trách nhiệm tìm hiểu và đánh giá về việc có nên phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia hay không. Trong đó, Bộ trưởng tài chính phối hợp các bộ chủ trì báo cáo Tổng thống về tương lai của hệ thống thanh toán tiền tệ. Chủ tịch FED sẽ nghiên cứu báo cáo về việc giảm chi phí hệ thống thanh toán hiện tại và tiềm năng CBDC. Tổng chưởng lý sẽ báo cáo các thay đổi cụ thể tương ứng sau khi có báo cáo của Bộ trưởng tài chính và Chủ tịch FED.
5. Điểm “thiếu sót” trong sắc lệnh điều hành về tiền điện tử
Thoạt nhìn thì có vẻ như sắc lệnh tiền điện tử này của Hoa Kỳ đã bao gồm các vấn đề nan giải nhất của thị trường ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong sắc lệnh điều hành lại không nhắc đến các vấn đề liên quan đến việc tiêu tốn năng lượng cũng như ô nhiễm môi trường khi khai thác Bitcoin. Theo góc nhìn cá nhân từ BIC, điều này có thể đến từ việc bản thân việc khai thác Bitcoin cũng không thực sự tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường như báo giới vẫn đưa tin.
Trên thực tế, cũng có nhiều tài liệu cho thấy rằng việc khai thác Bitcoin tiêu tốn ít năng lượng hơn nhiều so với các hoạt động của ngân hàng. Do đó, bản thân Chính phủ cũng không coi đây là một vấn đề lớn cần phải tác động. Bởi lẽ, ở thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đang đóng góp khoảng 35.4% lượng hashrate của mạng Bitcoin. Thậm chí, khi hành lang pháp lý được hình thành, rất có thể tỷ lệ này sẽ gia tăng.
Lời kết
Còn quá sớm để đánh giá những thay đổi này của Hoa Kỳ đối với lĩnh vực tiền điện tử. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ít nhất chúng ta cũng đã thấy những dấu hiệu tích cực. Có thể trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ có một hành lang pháp lý với những quy định rõ ràng hơn. Cho dù những quy định tiếp theo sau đó là tốt hay xấu thì nó cũng sẽ tạo ra một tiền đề cho các quốc gia khác có thể tham khảo.
Theo BeInCrypto