Người dân Nigeria đang phản đối đồng tiền kỹ thuật số được phát hành bởi ngân hàng trung ương (CBDC) và yêu cầu sử dụng tiền giấy, bất chấp các ưu đãi của chính phủ.
Tại Nigeria, người dân đã xuống đường để phản đối tình trạng thiếu tiền mặt của quốc gia, đồng thời phản đối việc chính phủ triển khai một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Sự thiếu hụt xảy ra do các quy định hạn chế tiền mặt của chính phủ nhằm mục tiêu đưa đất nước tiến vào nền kinh tế 100% không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, thay vì đồng ý sử dụng CBDC, những người biểu tình Nigeria đang yêu cầu khôi phục tiền giấy.
CBDC đã và đang ngày càng phổ biến đối với các ngân hàng trung ương, các nhà hoạch định chính sách và các công ty tư vấn trong những năm gần đây.
Khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED U.S) lấy ý kiến về CBDC, hơn 2/3 số người bình luận lo ngại về những rủi ro đối với quyền riêng tư tài chính, tự do tài chính và sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Đa phần công dân Nigeria hiểu CBDC là công cụ để quản lý sự tự do tài chính của họ.
Hơn nữa, CBDC thực sự không giúp ích thêm điều gì mới lạ vào nền kinh tế của đất nước này, đặc biệt là về lợi ích cho người dùng. Nhiều loại tiền tệ ở dạng kỹ thuật số sẵn có tại đất nước này có thể thanh toán thông qua: Thẻ ghi nợ, ứng dụng thanh toán và thậm chí cả thẻ tín dụng.
Nigeria đang thúc đẩy chính sách “Nigeria không dùng tiền mặt”, trong đó hạn chế đáng kể lượng tiền mặt mà một cá nhân và doanh nghiệp có thể rút tại ATM xuống còn 45 USD/ngày và 225 USD/tuần. Người dân được khuyến khích sử dụng eNaira – đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Nigeria.
Song tỷ lệ chấp nhận CBDC tại quốc gia này chưa đến 0,5% theo báo cáo của Cointelegraph vào ngày 26/10/2022, sau một năm kể từ khi phát hành.
Công ty thiết kế CBDC của Nigeria gọi các hạn chế về tiền mặt là một cách tiếp thị sáng tạo và cho biết các quốc gia khác có thể sẽ thực hiện các bước tương tự. Tuy nhiên, Nigeria sẽ đóng vai trò như một câu chuyện cảnh báo cho các quốc gia khác đang tìm cách tung ra CBDC vì “không thể dùng pháp luật để thay đổi hành vi tiêu dùng.”