Thời gian gần đây, có thông tin rằng tháng 10/2021 sẽ có Bitcoin ETF đầu tiên được thông qua tại Mỹ. Trong suốt những những tháng qua, rất nhiều các quỹ ETF đã và đang được gửi đề xuất lên SEC để xin cấp phép. Tuy nhiên, vẫn chưa có một quỹ Bitcoin ETF nào được thông qua đến thời điểm hiện tại. Vậy sự chấp thuận của Bitcoin ETF có ý nghĩa gì với thị trường tiền điện tử? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan về xu hướng Bitcoin ETF
Trên thực tế, thị trường đã có những quỹ Bitcoin ETF đầu tiên ra mắt vào tháng 9/2020 trên sàn chứng khoán Bermuda. Sau đó không lâu, vào tháng 2/2021, Bitcoin ETF đầu tiên ra mắt tại Canada. Và tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng Canada đã có tới ba quỹ Bitcoin ETF khác nhau. Tuy nhiên, tại Mỹ thì có vẻ như mọi chuyện lại không quá lạc quan đến vậy.
Hàng loạt các đề xuất về Bitcoin ETF nói riêng đệ trình lên SEC đều bị từ chối. Theo thống kê, đã có ít nhất 8 quỹ Bitcoin ETF được đệ trình tại Mỹ đến tháng 5/2021. Lẽ dĩ nhiên, tất cả đều đang trong quá trình chờ đợi cấp phép. Một vài quỹ đã đệ trình nhiều lần nhưng cũng đều chưa được duyệt.
Điều này dấy lên những băn khoăn về lý do tại sao các quỹ đầu tư lại nôn nóng có một Bitcoin ETF đến vậy? Dưới đây là một số giả thuyết được đưa ra cho vấn đề này. Tuy nhiên, trước khi đi vào cụ thể các giả thuyết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về Bitcoin ETF một chút nhé.
Cộng đồng nỗ lực để được thông qua Bitcoin ETF
1. Những dạng Bitcoin ETF nào được đề xuất?
ETF là viết tắt của quỹ giao dịch trao đổi (Exchange Traded Fund). Về cơ bản có thể xem đây là một chứng khoán theo dõi một số tài sản cơ bản. Như vậy, Bitcoin ETF được hiểu là một chứng khoán được neo cùng với đồng Bitcoin (BTC). Tổ chức phát hành Bitcoin ETF sẽ nắm giữ Bitcoin và sau đó phát hành một số cổ phiếu đại diện cho quyền sở hữu. Những cổ phiếu này có thể dễ dàng giao dịch (giống như cổ phiếu thông thường). Do đó loại bỏ rất nhiều rào cản cho các nhà đầu tư (NĐT) sẵn sàng đầu tư vào tài sản đặc biệt này.
Trên thị trường hiện nay, chúng ta có đến 2 dạng Bitcoin ETF khác nhau. Đó là ETF được neo giữ với Bitcoin thật và ETF theo thị trường phái sinh Bitcoin. Về cơ bản, chúng đều là những chứng khoán dựa trên một loại tài sản cơ bản. Chúng khác nhau ở cách thức vận hành đằng sau tài sản cơ bản đó. Cụ thể:
- ETF neo giữ với Bitcoin thật: Hiểu đơn giản thì loại ETF này sở hữu Bitcoin thật. Tức là quỹ đầu tư phải thu gom BTC trên thị trường sau đó bán lại cho các NĐT dưới dạng cổ phần (share). Mọi chia sẻ đều được hỗ trợ bởi giao dịch thực sự. Bản thân hình thức này có ưu điểm về phí giao dịch thấp và tính thanh khoản cao. Nhưng rủi ro lớn nhất của nó lại liên quan đến các tổ chức lưu ký số lượng BTC đó.
- ETF dựa theo thị trường phái sinh Bitcoin: Ngược lại thì hình thức này không cần phải sở hữu Bitcoin thật như ở trên. Thay vào đó, nó tuân theo hiệu suất của Bitcoin bằng cách giao dịch hợp đồng tương lai, quyền chọn, hoán đổi,… của Bitcoin. Điều này có nghĩa rằng NĐT sẽ không cần phải lo lắng đến các vấn đề về thu gom và bảo quản Bitcoin thật. nhưng ngược lại, nó có nhiều rủi ro liên quan đến hiệu suất và rủi ro về thị trường như tỷ lệ đòn bẩy, margin call,…
Điều đáng buồn là cả hai dạng Bitcoin ETF này đều chưa được SEC thông qua. Đáp lại lòng mong mỏi của cộng đồng, SEC cũng đưa ra một số yêu cầu cho vấn đề này. Chúng là gì, hãy cùng xem ở phần tiếp theo của bài viết này nhé.
2. Yêu cầu của SEC về Bitcoin ETF là gì?
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) có một số yêu cầu nhất định để ETF được chấp thuận. Một vài trong số đó chúng ta có thể thấy như ở dưới đây:
- Thứ nhất, phải có các giải pháp lưu ký: Hình thức này dường như phù hợp với ETF neo giữ với Bitcoin thật. Với tình hình như hiện tại, không khó để tìm ra những giải pháp như vậy. Thậm chí, một số ngân hàng lớn tại Mỹ cũng sẵn sàng cung cấp dịch vụ này. U.S. Bank là một ví dụ điển hình. Ngân hàng này sẽ cung cấp quyền lưu ký tiền điện tử và có khả năng quản lý một quỹ Bitcoin ETF. Mặc dù vậy đây cũng là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bởi lẽ, theo SEC, họ chứng kiến nhiều vụ hack liên quan đến tiền điện tử thời gian vừa qua.
- Thứ hai, đủ thanh khoản: Vốn hóa thị trường Bitcoin hiện tại ở vào khoảng 1,000 tỷ USD. Mức này không quá lớn nhưng hiện cũng ngang bằng với thị trường bạc (1.273 nghìn tỷ USD). Với việc có nhiều công ty, quỹ đầu tư tham gia nắm giữ Bitcoin phần nào cũng cho thấy mức độ thanh khoản của nó.
- Thứ ba, không có sự thao túng giá: Có lẽ đây là điều khó có thể chứng minh được nhất trong vấn đề này. Chủ tịch cũ của SEC, Jay Clayton, đã nhiều lần từ chối chấp thuận Bitcoin ETF cũng vì lý do này. Bản thân ông cũng cho rằng Bitcoin là một loại tài sản có biến động khá lớn. Tuy nhiên, có một điều lạ là sau khi nghỉ việc ở SEC, hiện tại ông lại tham gia đấu tranh để được chấp thuận Bitcoin ETF.
Có thể thấy, các cơ quan lập pháp tại Mỹ hiện vẫn khá khắt khe với tiền điện tử. Ngoài các lý do như SEC đã đưa ra, có lẽ còn một vài giả thuyết khác liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, chấp nhận Bitcoin ETF có thể nguy hại đến nền tài chính truyền thống. Bitcoin hay các loại tiền điện tử khác vốn không chịu sự kiểm soát bởi Chính phủ. Đương nhiên, Chính phủ không coi đây là tiền tệ hợp pháp. Việc cấp phép cho một loại tài sản mà họ không có quyền kiểm soát có thể mang đến nhiều rủi ro. Điển hình như mới đây, khi El Salvador chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ, IMF đã có động thái trừng phạt đối với quốc gia này. Không chỉ riêng SEC mà cả bộ máy chính quyền Mỹ đang rất thận trọng với những quyết định như vậy.
Với tình hình như hiện tại và trước áp lực đến từ các quỹ đầu tư, có lẽ thị trường sẽ có Bitcoin ETF đầu tiên. Tuy nhiên, rất có thể đó chỉ dừng lại ở ETF dựa theo thị trường phái sinh Bitcoin mà thôi. Xét cho cùng thì SEC vẫn cần thời gian để kiểm soát hoạt động khi ETF neo với Bitcoin thật thực sự ra mắt.
Bitcoin ETF được thông qua sẽ mở ra cơ hội cho thị trường tiền điện tử?
Quay trở lại với câu hỏi ở đầu bài, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu xem nó liên quan đến Bitcoin như thế nào? Và tại sao các NĐT và quỹ đầu tư tiền điện tử lại chờ đợi sự xuất hiện của Bitcoin ETF đến vậy? Chúng ta có thể tổng hợp lại trong một số lý do sau đây:
- Một là, thúc đẩy sự chấp nhận của Chính phủ: Khi Bitcoin ETF xuất hiện, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ xem đây như là một dạng tài sản tương tự như vàng hay bạc,… Có thể nó sẽ có những luật pháp nhằm kiểm soát và quản lý theo một khuôn khổ nhất định. Tuy nhiên, xét về mặt khách quan hơn thì phần nào Chính phủ đã công nhận sự hợp pháp của nó.
- Hai là, loại bỏ đi các rủi ro tiềm ẩn của Bitcoin thông thường: Bitcoin hiện tại đôi khi có phần phức tạp so với những NĐT truyền thống. Tuy nhiên, thông qua Bitcoin ETF, các NĐT truyền thống có thể dễ dàng đầu tư, sở hữu nó mà không cần lưu trữ trực tiếp.
- Ba là, thu hút thêm các nhà đầu tư mới: Một Bitcoin ETF được giao dịch trên một sàn giao dịch quan trọng của Mỹ có thể được giao dịch như một cổ phiếu thông thường. Điều này có nghĩa là nó có thể được mua và bán trên toàn thế giới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều NĐT tổ chức và cá nhân tham gia hơn vào thị trường này.
Lời kết
Bitcoin ETF hiện giống như một cuộc chiến về mặt pháp lý. Công nhận Bitcoin ETF phần nào đồng nghĩa với việc công nhận sự tồn tại của tiền điện tử. Lúc này, thay vì cấm đoán, Chính phủ sẽ cần đưa ra các biện pháp để quản lý nó, bảo vệ quyền lợi của các NĐT giống như các loại hình quỹ khác. Câu hỏi duy nhất là tại thời điểm nào thị trường đủ trưởng thành để các nhà quản lý có thể chấp nhận mà thôi?
Theo BeInCrypto