Tin nóng ⇢

Yield Farming là gì? Tìm hiểu về thuật ngữ Yield Farming

Yield Farming đang là chủ đề nóng những ngày gần đây trong cộng đồng crypto nói chung và DeFi nói riêng.

Tuy nhiên, để kiếm tiền một cách an toàn bằng cách tận dụng phương pháp này, anh em cần tìm hiểu thật kỹ cách thức hoạt động của nó. Cùng theo dõi bài viết sau.

Yield Farming là gì?

Yield Farming là thuật ngữ chỉ việc người dùng cố gắng tạo ra nhiều lợi nhuận nhất có thể từ tài sản crypto của họ, thông qua việc cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi (Decentralized Finance – Tài chính Phi tập trung). 

Yield tạm dịch là lợi nhuận, Farming tạm dịch là canh tác. Yield Farming tạm dịch là canh tác lợi nhuận. Trong bài này mình sẽ giữ nguyên thuật ngữ “Yield Farming”, “Yield”, “Farming”, “Farm”.

Yield Farming hoạt động như thế nào?

Yield Farming có sự liên hệ mật thiết với mô hình Tạo lập Thị trường Tự động – AMM (Automated Market Maker). Các mô hình AMM phổ biến có thể kể đến như Uniswap, Mooniswap, Balancer…

Trong Yield Farming, các Liquidity Provider (viết tắt: LP) cung cấp thanh khoản vào các liquidity pool của giao thức. Liquidity pool hiểu đơn giản là smart contract có chứa tiền trong đó. Các pool này cho phép người dùng vay, cho vay hay giao dịch trao đổi giữa các token.

Doanh thu phát sinh của Liquidity Pool chính là phí giao dịch khi người dùng cuối thực hiện các hoạt động trong pool, như vay, cho vay, trao đổi các token. Doanh thu này sẽ được chia lại cho LP theo tỷ lệ phần trăm thanh khoản mà họ đã cung cấp trong pool.

Ngoài doanh thu từ phí, một số giao thức còn triển khai bootstrapping liquidity cho protocol bằng cách phân phối token bản địa cho các LP đã cung cấp thanh khoản vào giao thức của họ (có thể trên toàn pool của giao thức hoặc một số pool được chỉ định). Đây được gọi là Liquidity Mining.

Liquidity Mining có thể hiểu là một khái niệm hẹp hơn Yield Farming. Cụ thể là LP sẽ ngoài việc nhận được tiền khi cung cấp thanh khoản, họ sẽ được nhận thêm một lượng token mới khác nữa.

Các nền tảng Yield Farming nổi bật

Một số nền tảng Yield farming phổ biến trong DeFi:

  • MakerDAO: Dùng Maker mint đồng DAI, dùng DAI đi yield farming ở các giao thức khác như Compound.
  • Compound: Cung cấp thanh khoản vào Compound để farm COMP và kiếm được lợi nhuận từ hoạt động vay và cho vay.
  • Uniswap: Cung cấp thanh khoản vào pool để thu được phí giao dịch.
  • Balancer: Farm BAL và các token quản trị (governance token) khác hỗ trợ pool trên Balancer.
  • Synthetix: Dùng SNX mint sUSD, mang sUSD đi cung cấp thanh khoản ở các pool trên các nền tảng khác.
  • Aavee: Vay và cho vay tiền, cho vay nhanh (flash loan). Từ đó cung cấp thanh khoản ở các nền tảng khác, farm nhiều hơn.
  • Curve Finance: Cung cấp thanh khoản và thu được phí, lãi suất và CRV.
  • yEarn Finance: Cung cấp thanh khoản và thu được phí, farm YFI.

Ảnh hưởng của Yield Farming

Sự ảnh hưởng của Yield Farming trong DeFi là không thể chối cãi được. DeFi đã có bước phát triển cực nhanh sau khi Compound ra mắt Liquidity Mining với token quản trị COMP. Sau đó, sự kiện này đã kéo theo các dự án khác ra mắt chương trình tương tự để thu hút thanh khoản vào giao thức, khiến cho DeFi nóng lên hơn bao giờ hết.

Thanh khoản được đổ từ giao thức này sang giao thức khác. Lợi nhuận cao cộng thêm token quản trị tăng giá mạnh đã khiến nguồn vốn không hiệu quả (unproductive capital). Bắt đầu chuyển vào các giao thức Defi để thực hiện farming và kiếm lợi nhuận, trở thành nguồn vốn hiệu quả (productive capital).

Dòng tiền đang đổ vào DeFi nên các dự án DeFi liên tục xuất hiện với cách thức phân phối mới, tận dụng các giao thức có sẵn. Điển hình trong số đó có thể kể đến Yam Finance.

Kết quả: Tổng giá trị bị khoá (Total Value Locked – TVL) trong hệ sinh thái DeFi đã tăng hơn 7 lần, từ 1 tỷ lên 7 tỷ đô trong vòng 3 tháng.

Cho những anh em nào chưa hiểu về Tổng giá trị bị khoá (TVL): TVL là chỉ số được dùng để đo lường “sức khoẻ” của yield farming và các nền tảng DeFi. TVL đo lường lượng tài sản crypto được khoá ở trong giao thức DeFi như giao thức cho vay và các hình thức khác.

Ngoài ra, các token quản trị và các dự án DeFi liên quan đều tăng rất mạnh. 

Biến động giá và volume giao dịch của $COMP

Nhìn vào biểu đồ trên, ta có thể thấy giá của COMP đã đạt mức cao nhất (ATH) vào tháng 6, nhờ vào việc COMP farming khiến cho nhu cầu COMP tăng mạnh. 

Rủi ro của Yield Farming

Hầu hết các chiến lược Yield Farming mang lại APR/APY (Annual Percentage Rate – Lãi suất Phần trăm Hằng năm/Annual Percentage Yield – Tỷ Suất Thu Nhập Năm) phần lớn đều rất phức tạp và yêu cầu người dùng phải nắm rất rõ những gì họ đang làm. Nếu anh em không thật sự hiểu cách các giao thực đang hoạt động, khả năng mất tiền là rất cao.

Một số rủi ro của Yield Farming:

  • Rủi ro Smart Contract: Hầu hết các giao thức được phát triển bởi các team nhỏ, vốn ít nên sẽ gia tăng khả năng bị bug trong smart contract (bởi vì không có ngân sách để audit). Những Protocol đã được audit cũng vẫn có khả năng bug và bị đánh cắp tiền như trường hợp của Bzrx, Curve…
  • Rủi ro Thiết kế Hệ thống: Trong một số giao thức như Uniswap, việc cung cấp thanh khoản có thể khiến các LP dính vào mất mát hiếm có (impermanent loss) khi giá của 1 tài sản trong pool biến động rất nhanh… hoặc LP có thể bị rút hết tiền khi cung cấp thanh khoản như trường hợp đã xảy ra ở Balancer.
  • Rủi ro Bị thanh lý: Tài sản thế chấp có thể bị biến động mạnh và vị thế của người dùng bị thanh lý khi thị trường biến động mạnh.
  • Rủi ro Bong bóng: Kể từ sau khi COMP ra mắt Liquidity mining, cả cộng đồng DeFi bắt đầu FOMO rất nhiều, dẫn đến rủi ro bong bóng xuất hiện trong DeFi.

Yield Farming – Trò chơi của các Whales

Người chiến thắng trong cuộc chơi này chính là các Whales – những người cầm vài chục triệu đô đi farming, từ đó kiếm được token quản trị. Whales chỉ đơn giản là có mối quan hệ với dự án, bỏ tiền farm lớn làm cho tỷ lệ chia của các tay chơi lẻ bị nhỏ đi.

Những nhà đầu tư nhỏ lẻ (retail investor) FOMO sớm có thể kiếm được rất nhiều hoặc mất luôn số tiền đã đầu tư. Những người mất tiền sẽ là những người FOMO vào sau, khi giá đã tăng quá cao. 

Vậy để giảm rủi ro thì chúng ta nên là người đi farm từ sớm và mua 1 ít token governance tại giá chấp nhận được xem như chơi xổ số.

Một số suy nghĩ về Yield Farming

Thứ 1, Yield Farming đã mở ra 1 kỷ nguyên mới cho DeFi với phương thức giao thức bootstrapping thông qua liquidity mining. Đây có thể nói là 1 cách để thu hút người dùng khá hay trong ngắn hạn. 

Thứ 2, khi giao thức ra mắt Yield Farming có thể tác động đến các giao thức khác, để cùng nhau đi lên. Nhưng, việc tác động đến nhau này sẽ không bền khi yield giảm dần. Điển hình là yEarn, bootstrapping cho yEarn lẫn Curve và Balancer. 

Cả ý 1 và ý 2 đều chỉ trong ngắn hạn.

Theo Jesse Walden (cựu Cộng sự của a16z), các giao thức DeFi muốn đi được dài hạn sẽ cần dựa vào người dùng và người kiến tạo: “Việc hack lợi nhuận trong DeFi là một động lực ngắn hạn để thúc đẩy sự tăng trưởng người dùng. Nhưng cuộc chơi lớn hơn là tạo nên sự giàu có trong dài hạn bằng cách xây dựng (và sở hữu!) một phần sản phẩm và dịch vụ mà hàng tỷ người sẽ sử dụng hàng ngày”.

Lời kết

Qua bài viết này, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu tổng quan về một trong những từ khoá gây sốt nhất hiện nay – “Yield Farming”. 

Mặc dù lợi nhuận ngắn hạn mà Yield Farming đem lại là rất hấp dẫn. Nhưng để nó không chỉ là một xu hướng sớm nở tối tàn, những nhà kiến tạo trong không gian DeFi cần đem đến cho sản phẩm của mình những lợi ích thực tế gắn liền với đời sống hơn nữa. 

Hi vọng rằng chúng ta có thể thấy Yield Farming không chỉ trong không gian tiền mã hoá mà còn cả trong dòng chảy tài chính truyền thống trong tương lai.

Theo C98

Có thể bạn quan tâm

Mục lục