Tin nóng ⇢

Tiền Pháp định (Fiat) là gì?

Tiền Fiat là gì?

Tiền Fiat còn được gọi là tiền pháp định, đây là đồng tiền có giá trị được xác lập bởi chính phủ hơn là một hàng hóa có đặc tính vật lý. Quyền lực của chính phủ giúp thiết lập giá trị của tiền fiat chính là chìa khóa cho loại tiền này. Hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng hệ thống tiền fiat để mua hàng hóa và dịch vụ, đầu tư và tiết kiệm. Tiền fiat đã thay thế bản vị vàng và các hệ thống dựa trên hàng hóa khác trong việc thiết lập giá trị của tiền pháp định.

Đồng tiền fiat nổi tiếng và quyền lực nhất thế giới hiện tại là đồng USD do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát hành dưới sự bảo lãnh của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Nói chính xác hơn là Chính phủ Hoa Kỳ “cầm cố” tiền thuế trong tương lai của người dân cho FED, và FED in đồng bạc xanh ra cho Chính phủ chi tiêu.

Nguồn gốc của tiền pháp định (Fiat)

Ngày nay, chúng ta sử dụng cả tiền xu và tiền giấy, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Trước khi những đồng tiền kim loại và tiền giấy có mặt, con người đã sử dụng nhiều thứ khác thường để mua thứ họ cần.

Chẳng hạn, ở một nơi nọ trên thế giới, người ta sử dụng răng cá mập như là tiền. Ở nhiều nơi khác, tiền có thể là những chiếc lông chim sặc sỡ và những chiếc vỏ sò quý hiếm. Có nơi người ta còn dùng cọng lông cứng trên đuôi voi để làm tiền. Lông chim là loại tiền nhẹ nhất từ trước đến nay. Chúng được sử dụng trên đảo Santa Cruz. Đá là loại tiền nặng nhất từ trước đền giờ. Chúng được sử dụng trên đảo Yap ở Thái Bình Dương. Có hòn nặng trên 500 cân Anh (1 cân Anh = 0,4536 kg). Ở trong tù, một điếu thuốc lá cũng có thể là tiền hoặc vật ngang giá, ví dụ giá cho một lần tẩm quất là 5 điếu thuốc Thăng Long.

Loại tiền nhỏ nhất từ trước đến nay được phát hiện ở Hy Lạp. Tiền được làm bằng kim loại, nhưng có kích thước nhỏ hơn hạt táo. Không ai biết chính xác người ta bắt đầu sử dụng tiền dưới những hình thức đồng tiền kim loại từ khi nào. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những đồng tiền kim loại có từ năm 600 trước công nguyên, vì thế ta biết chúng đã được lưu hành trong suốt một thời gian dài. Lúc đầu người ta sử dụng những kim loại quý như vàng và bạc để tạo tiền xu. Họ in hình người hoặc (con) thú trên mỗi đồng tiền để xác định giá trị của nó. Trong những năm 1200, người Trung Quốc đúc những đồng tiền bằng sắt.

Những đồng tiền này giá trị chẳng là bao, cho nên người dân phải sử dụng một số lượng lớn khi mua hàng. Do đó rất bất tiện khi phải mang một số lượng lớn những đồng tiền sắt nặng nề nên chính phủ đã cho in những giấy biên nhận. Người ta mang các biên nhận này đến ngân hàng để đổi ra tiền xu. Đây là ví dụ đầu tiên ta có được về việc phát hành và sử dụng tiền giấy.

Tiền fiat được sử dụng tại Đại Việt sau thời kì ngàn năm Bắc thuộc, đó là những đồng xu được xâu chuỗi lại với nhau, đồng tiền giấy đầu tiên trong lịch sử nước ta là do Vua Hồ Quý Ly phát hành đầu thế kỉ 15, nhưng không được người dân sử dụng. Đến thế kỉ thứ 19, đồng bạc Đông Dương do thực dân Pháp ép nhân dân ta sử dụng, đây là đồng tiền giấy thứ 2 và cũng là đồng tiền pháp định cho toàn cõi Đông Dương (Việt, Cam, Lào).

Tiền fiat cũng được sử dụng ở châu Âu trong thế kỷ 17, được áp dụng bởi Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hà Lan. Hệ thống này đã thất bại ở Thụy Điển và chính phủ sau cùng đã bỏ nó để dùng bản vị bạc. Trong hai thế kỷ tiếp theo, New France ở Canada, các thuộc địa Mỹ, và sau đó là chính phủ liên bang Hoa Kỳ cũng đã thử nghiệm tiền fiat với nhiều kết quả hỗn hợp đem lại.

Vào thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã quay trở lại sử dụng tiền dựa trên hàng hóa ở mức hạn chế. Năm 1933, chính phủ chấm dứt việc đổi tiền giấy lấy vàng. Năm 1972, dưới thời Tổng thống Nixon, Hoa Kỳ bỏ hoàn toàn bản vị vàng, đặt dấu chấm hết của nó trên quy mô quốc tế, chuyển sang hệ thống tiền fiat. Điều này dẫn đến việc sử dụng tiền fiat trên toàn cầu.

Bản vị vàng

Hệ thống bản vị vàng cho phép chuyển đổi tiền giấy thành vàng. Thực tế, tất cả tiền giấy được bảo đảm bằng một lượng vàng hữu hạn do chính phủ nắm giữ. Trong một hệ thống tiền dựa trên hàng hóa, chính phủ và ngân hàng chỉ có thể đưa thêm tiền vào nền kinh tế nếu họ nắm giữ một lượng vàng dự trữ bằng về giá trị. Với hệ thống này, chính phủ bị hạn chế khả năng in tiền và tăng giá trị cho tiền vốn chỉ dựa trên các yếu tố kinh tế.

Mặt khác, trong hệ thống tiền fiat, tiền có thể không được chuyển đổi sang bất kỳ thứ gì khác. Với tiền fiat, chính quyền có thể trực tiếp tác động đến giá trị của tiền và gắn nó vào các điều kiện kinh tế. Chính phủ và ngân hàng trung ương có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với hệ thống tiền tệ và có thể phản ứng trước các dạng sự kiện tài chính và khủng hoảng bằng các công cụ khác nhau, như tạo ngân hàng dự trữ phân đoạn và thực hiện nới lỏng định lượng.

Những người ủng hộ hệ thống bản vị vàng cho rằng hệ thống tiền dựa trên hàng hóa ổn định hơn bởi vì nó được bảo đảm bởi một cái gì đó thực sự là vật chất và có giá trị. Những người ủng hộ hệ thống tiền fiat phản đối vì tính bất ổn của giá vàng. Trong ngữ cảnh hệ thống bản vị vàng, giá trị của tiền dựa trên hàng hóa và tiền fiat có thể biến động. Nhưng với một hệ thống tiền fiat, chính phủ có sự linh hoạt hơn để đối phó với một trường hợp kinh tế khẩn cấp.

Bản vị dầu

Bản vị cái gì thì quy đổi qua cái đó. Đồng coin bản vị dầu đầu tiên trên thế giới là đồng Petro coin của Venezuela, được quy đổi với tỷ lệ 1:1 , một Petro tương đương 1 thùng dầu. Nhưng đồng coin quốc doanh này bị Mỹ cấm vận, và cũng đi ngược lại với bản chất phi tập trung của tiền mã hóa, đây là đồng tiền bị chính phủ kiểm soát và phát hành.

Điều gì quyết định giá trị của tiền pháp định?

Giá trị của fiat được dựa trên khả năng sử dụng. Tiền có thể được sử dụng và có giá trị bởi vì nó dựa trên mối quan hệ tin cậy giữa người phát hành, người nắm giữ và những người nhận, sử dụng chúng.

Nếu niềm tin vào giá trị đồng tiền mất đi, nó sẽ mất đi nhu cầu sẽ dẫn đến sự sụt giảm giá trị. Sự tin tưởng đến từ việc nhiều người trên thế giới tin rằng nó sẽ đáng giá. Giá trị của đồng tiền không giống như những tài sản khác như kim loại quý hoặc một mặt hàng nào đó.

Ví dụ, khi chính phủ Venezuela bắt đầu phát hành quá nhiều tiền, nguồn cung vượt quá cầu và người dân không còn tin tưởng vào đồng tiền này – vì vậy, nó đã sụp đổ.

Tiền pháp định có thể được sử dụng ở đâu?

Tiền pháp định được chấp nhận rộng rãi trên khắp thế giới và bạn có thể dùng chúng để mua hầu hết các loại hàng hóa hay dịch vụ. Tiền pháp định bao gồm tiền giấy, tiền xu, tín dụng, khoản vay hoặc trái phiếu. Nếu bạn nộp đơn xin cấp thẻ tín dụng hoặc khoản vay cá nhân và được chấp thuận, khoản tiền tín dụng hoặc số tiền bạn nhận được là một hình thức thanh toán vì bạn đang sử dụng tiền dựa trên cơ sở đảm bảo và thỏa thuận rằng bạn sẽ hoàn trả lại số tiền đó – thường với lãi suất kèm theo.

Bạn cũng có thể chuyển tiền pháp định sang những loại tiền khác khi bạn đang đi nghỉ mát, du lịch hoặc gửi tiền trên khắp thế giới. Dịch vụ chuyển tiền quốc tế cho phép mọi người có thể thanh toán và chuyển tiền có tính phí.

Ưu nhược điểm của việc sử dụng tiền fiat

Các nhà kinh tế và các chuyên gia tài chính khác không nhất trí trong việc ủng hộ tiền fiat. Bên bảo vệ và bên phản đối nhiệt tình tranh luận về những ưu và khuyết điểm của hệ thống tiền tệ này.

Sự khan hiếm: Tiền Fiat không bị ảnh hưởng và bị giới hạn bởi sự khan hiếm của một mặt hàng vật chất như vàng.

Chi phí: Việc tạo ra tiền fiat có chi phí phải chăng hơn so với tiền dựa trên hàng hóa.

Phản ứng linh hoạt: Tiền fiat cho chính phủ và ngân hàng trung ương sự linh hoạt để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế.

Thương mại quốc tế: Tiền fiat được sử dụng ở các quốc gia trên thế giới, giúp nó trở thành một loại tiền được chấp nhận cho thương mại quốc tế.

Thuận tiện: Tiền fiat không phụ thuộc vào dự trữ vàng. Dự trữ vàng đòi hỏi phải có kho lưu trữ, bảo vệ, giám sát và các yêu cầu tốn kém khác.

Không có giá trị nội tại: Tiền fiat không có giá trị nội tại. Điều này cho phép chính phủ tạo ra tiền từ không gì cả, có thể dẫn đến lạm phát và làm sụp đổ hệ thống kinh tế.

Rủi ro trong lịch sử: Lịch sử đã chứng kiến sự sụp đổ tài chính do thực hiện hệ thống tiền fiat. Điều đó cho thấy rằng nó có một số rủi ro.

Tiền Fiat và Tiền mã hóa

Tiền fiat và tiền mã hóa, có một điểm chung là cả hai không được bảo đảm một mặt hàng vật lý – và điểm giống nhau đó là tất cả. Trong khi tiền fiat được kiểm soát bởi chính phủ và ngân hàng trung ương,  tiền mã hóa về cơ bản là phi tập trung, chủ yếu là do một sổ cái kỹ thuật số phân tán được gọi là Blockchain.

Một sự khác biệt đáng chú ý giữa hai hệ thống tiền này là cách thức tạo ra. Bitcoin, như hầu hết các  tiền mã hóa có một nguồn cung được kiểm soát và hạn chế. Trái ngược lại, tiền fiat có thể được các ngân hàng tạo ra từ không gì cả, dựa theo phán đoán của họ về nhu cầu kinh tế của quốc gia.

Là một dạng tiền kỹ thuật số,  tiền mã hóa không có đặc điểm vật lý và không biên giới, khiến chúng ít hạn chế hơn đối với các giao dịch trên toàn thế giới. Hơn nữa, các giao dịch là không thể thay đổi được, và tính chất của  tiền mã hóa làm cho việc lần vết giao dịch là khó khăn hơn so với hệ thống tiền fiat.

Đáng chú ý, thị trường  tiền mã hóa có quy mô nhỏ hơn nhiều, và do đó dễ bay hơi hơn so với thị trường truyền thống. Đó là một trong những lý do  tiền mã hóa vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi.

Kết luận

Tương lai của cả hai loại tiền này là không chắc chắn. Trong khi  tiền mã hóa vẫn còn một chặng đường dài để đi và chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, lịch sử của tiền fiat cho thấy khả năng dễ bị tổn thương do loại tiền này. Đó là một nguyên nhân lớn khiến nhiều người đang khám phá những triển vọng tiến tới một hệ thống  tiền mã hóa cho các giao dịch tài chính của họ – ít nhất là trong một vài tỷ lệ phần trăm.

Một trong những ý tưởng chính đằng sau việc tạo ra Bitcoin và  tiền mã hóa là tìm ra một dạng tiền mới được xây dựng trên một mạng ngang hàng phân tán. Rất có thể Bitcoin không được tạo ra để thay thế toàn bộ hệ thống tiền fiat, nhưng nó đưa ra một mạng lưới kinh tế thay thế có tiềm năng giúp tạo ra một hệ thống tài chính tốt hơn cho một xã hội tốt hơn.

Nguồn: Tapchibitcoin.io

Có thể bạn quan tâm

Mục lục