Bài viết này sẽ giúp anh em hiểu hơn về tiền điện tử, bao gồm các thông tin về:
- Khái niệm và cách phân biệt tiền điện tử, tiền ảo và tiền mã hóa.
- Phân loại các loại cryptocurrency: coin, token, bitcoin, altcoin.
- Mua bán và lưu trữ tiền điện tử ở đâu?
- Các hình thức đầu tư tiền điện tử và những điều cần chuẩn bị.
- Những trang thông tin tiền điện tử uy tín nhất.
Ở đây mình muốn làm rõ với anh em, đầu tư vào Bitcoin cũng có nghĩa là anh em đang đầu tư vào một loại tiền điện tử Crypto, chính vì vậy, bài viết này viết về tất cả các loại tiền điện tử nói chung, để khi anh em có đầu tư bất cứ loại tiền điện tử khác thì các kiến thức ở đây vẫn có ích với anh em.
Crypto là gì?
Crypto (hay cryptocurrency) là dạng tiền điện tử do các dự án trên blockchain ban hành, được sử dụng như một phương tiện giao dịch trên các blockchain như thưởng cho miner, mua vốn đầu tư dự án,… Crypto sử dụng thuật toán mã hóa để đảm bảo mật thông tin giao dịch dưới dạng kỹ thuật số và kiểm soát việc tạo ra các đơn vị mới thông qua công nghệ blockchain.
Dành cho những bạn chưa hiểu rõ, blockchain có thể được xem như một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau (tính phi tập trung), lưu trữ mọi thông tin giao dịch và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào (tính minh bạch).
Phân biệt Tiền điện tử & Tiền mã hóa (Cryptocurrency)
Tiền điện tử là gì?
Theo định nghĩa chính xác thì tiền điện tử là tiền kỹ thuật số, tức là tiền ban hành dưới dạng số hóa và sử dụng thông qua Internet, có thể là đại diện cho tiền pháp định dưới sự bảo đảm của chính phủ như tiền nằm trong Internet Banking, hay các ví điện tử như Momo, Moca,…
Tiền điện tử được hình thành khi anh em đưa một lượng tiền mặt vào ngân hàng, sau đó ngân hàng sẽ nhập số tiền này vào tài khoản người dùng, từ đó chúng ta có thể giao dịch chỉ bằng việc nhập số.
Có thể nói, tiền điện tử khác tiền mặt ở chỗ, nó là những con số chỉ tài sản của mình, được những nơi uy tín đảm bảo rằng chuyển nó đi nơi khác, sẽ được đối phương chấp nhận giao dịch.
Tiền mã hóa – Cryptocurrency là gì?
Tiền mã hóa (cryptocurrency) thực chất cũng là một dạng tiền điện tử, tuy nhiên thay vì được phát hành hay bảo đảm bởi bất kỳ Chính phủ hay cơ quan quản lý tiền tệ ở bất kỳ quốc gia nào, Cryptocurrency được ban hành bởi những người tạo ra dự án trên Blockchain.
Đôi khi, những người này có thể ẩn danh, viết vài dòng code là tạo ra được rất nhiều tiền mã hóa. Nhưng giá trị của tiền mã hóa chỉ được cộng đồng chấp nhận khi được dùng rộng rãi, chứ không được ngân hàng hay bất cứ tổ chức uy tín nào đảm bảo rằng việc chúng ta giữ những đồng này có thể đổi lại được tiền pháp định.
Vấn đề này tạo ra những meme coin, hay scam coin, làm nhiều người mất tiền vì không thể bán lại cho ai. Từ đó tạo ra rất nhiều tiếng xấu cho tiền mã hóa.
Vậy tóm lại, tiền mã hóa có thể xem như một phần nhỏ của tiền điện tử. Trong bài viết này, mình sẽ dùng từ tiền điện tử và cryptocurrency để nói về crypto để dễ dàng hơn cho anh em trong việc tìm hiểu nội dung bài viết.
Các loại Cryptocurrency
Để có cái nhìn tổng quan nhất cũng như nắm rõ tài sản mình dự định đầu tư hay đang nắm giữ thuộc loại nào, sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu từng loại tiền điện tử đang lưu hành trên thị trường crypto, để hiểu những tiềm năng của như rủi ro của nó.
Hiện trên thị trường có 2 cách để phân loại cryptocurrency:
- Coin và Token.
- Bitcoin và Altcoin.
Mình sẽ trình bày chi tiết về chức năng của từng loại crypto để anh em thấy được sự khác biệt của chúng ở phần dưới đây.
Coin và Token trong Cryptocurrency
Coin là gì?
Coin là loại tiền được ban hành, phát triển trên một blockchain riêng biệt và hoạt động độc lập. Coin ra đời với mục đích giải quyết các vấn đề thanh toán, tài chính, bảo mật, phát triển ứng dụng,… của chính blockchain đó. Mỗi blockchain chỉ có 1 coin duy nhất.
Ví dụ:
- Bitcoin Network có đồng coin là BTC.
- Ethereum có đồng coin là Ether (ETH).
- Ngoài ra còn có Cardano với ADA, Stellar với XLM, Litecoin với LTC,…
Token là gì?
Tương tự Coin, Token cũng là một đồng tiền được phát hành trên blockchain, nhưng nó không có blockchain riêng, mà phải “sống” trên blockchain khác.
Ví dụ:
- KONO (token của Konomi) là token vì được lưu trữ, giao dịch trên blockchain Ethereum;
- MER(token của Mercurial) là token vì được lưu trữ, giao dịch trên blockchain Solana.
- Cả hai đều không có blockchain Konomi hay Mercurial.
Một số token khi dự án phát triển đủ mạnh sẽ hướng đến phát triển một nền tảng Blockchain riêng cho chính token đó, và khi ấy Token này sẽ được xem như là Coin.
Ví dụ: Trước khi mainnet, SOL (token của SOL) là token được lưu trữ, giao dịch trên Ethereum. Nhưng sau khi mainnet, Solana đã có một blockchain riêng, lúc này SOL trở thành đồng coin trên Solana Blockchain, các đồng token khác có thể được tạo ra trên blockchain Solana.
Phân biệt Coin và Token
Để hiểu thêm về sự khác nhau giữa Coin và Token, chúng ta có thể xem xét về mặt tính năng và kỹ thuật:
Về mặt tính năng
- Coin được coi như một phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị cho các mục đích thanh toán, đầu tư và phát triển của một dự án blockchain cụ thể, chính vì vậy mỗi blockchain chỉ có một loại coin nền tảng duy nhất.
- Token sở hữu đủ các tính năng của một đồng coin thường được các dự án xây dựng trên blockchain nền tảng ban hành, đồng thời có thêm nhiều tiện ích tùy thuộc vào từng dự án.
Về mặt kỹ thuật
- Coin yêu cầu một nền tảng ví (wallet) riêng và khi giao dịch gửi/nhận, phí giao dịch sẽ trừ trực tiếp vào ví của coin đó.
- Token thì không có ví riêng mà nó sử dụng ví của đồng coin nền tảng, và phí giao dịch sẽ trừ vào coin nền tảng (ví dụ như Ethereum).
Anh em có thể tham khảo thêm video dưới đây để được phân tích điểm khác nhau chi tiết hơn:
Bitcoin và Altcoin trong Cryptocurrency
Theo cách phân loại này, chúng ta sẽ chia cryptocurrency thành 2 loại là: Bitcoin và phần còn lại.
- Bitcoin thì chắc chắn bạn đã nghe rất nhiều rồi, đây là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới và đặt nền móng cho phát triển của thị trường crypto.
- Altcoin là từ ghép của Alternative (thay thế) và Coin để tạo thành “Altcoin”, dùng để chỉ tất cả các loại coin/token khác ngoài Bitcoin, được xây dựng nhằm mục đích thay thế cho Bitcoin.
Với cách phân loại này, bất kể Coin hay Token nào trừ Bitcoin ra, đều quy về Altcoin.
Ví dụ của Altcoin: Solana (SOL), Ethereum (ETH), Litecoin (LTC), Inverse Finance (INV), Chainlink (LINK),…
Sàn giao dịch Crypto
Anh em có thể mua bán tiền điện tử ở các sàn giao dịch, trong Crypto sẽ có 2 loại sàn:
- Sàn tập trung (CEX): Là sàn giao dịch có một bên thứ 3 đứng ra kiểm soát và làm cầu nối để trao đổi các tài sản crypto. Thường thì anh em phải tạo tài khoản có ID và password để đăng nhập nhằm tuần theo qui định KYC (Know your customer ) của chính phủ. Ví dụ: Binance, Huobi, Bittrex, Gate.io, Kucoin, BitMax,…
- Sàn phi tập trung (DEX): Là sàn giao dịch được xây dựng & hoạt động một cách phi tập trung dựa trên nền tảng của blockchain.
Điểm khác biệt quan trọng nhất của sàn DEX với sàn CEX đó là người dùng có thể giao dịch, trao đổi đồng coin ngay trên ví của họ, mà không cần phải di chuyển ra ngoài, chỉ khi người dùng được cấp phép thì giao dịch mới xảy ra. Private key do người dùng nắm giữ. Ví dụ: Uniswap, Sushiswap, Saber, Quickswap, Spiritswap,…
Ngoài ra, còn có một số điểm khác biệt khác như: quyền kiểm soát tài sản, tính ẩn danh, đơn vị trung gian và số lượng tài sản cho phép giao dịch.
Ví tiền điện tử
Sau khi đã nắm được cơ bản về định nghĩa và cách phân loại, việc tiếp theo là làm sao để lưu trữ tài sản cryptocurrency?
Cũng giống như các loại tiền khác, tiền điện tử cũng được lưu trữ trong ví. Ví tiền điện tử là một phần mềm giúp lưu trữ, gửi, nhận và theo dõi số dư các đồng tiền điện tử như coin/token bên trong đó.
Có rất nhiều cách để phân loại ví trong crypto, nhưng để đơn giản, mình tạm chia ra thành 3 loại: Ví nóng, ví lạnh và ví sàn.
Ví nóng – Hot Wallet
Ví nóng (hay hot wallet) là dạng ví lưu trữ online, trong đó người dùng sẽ nắm giữ Private key để tự bảo mật tài sản của mình.
- Ưu điểm của loại này là thuận tiện, có thể cài đặt trên máy tính, điện thoại, hoặc cài đặt dưới dạng Extension trên trình duyệt.
- Nhược điểm là dễ bị hack nếu máy tính, điện thoại bị dính virus. Một vài cái tên tiêu biểu cho loại ví này là: Trust Wallet, MetaMask,…
Đó là những đặc điểm của ví nóng nếu nói về những năm 2020 trở về trước. Tuy nhiên cho đến hiện tại, các ví này không những chỉ lưu trữ crypto mà còn tích hợp thêm rất nhiều tính năng, như swap trực tiếp trên ví mà không cần kết nối với laptop, hay tạo portfolio theo dõi danh mục đầu tư, lưu trữ thì không phải một vài blockchain, mà là hỗ trợ rất nhiều chuẩn token khác nhau.
Ví lạnh – Cold Wallet
Ví lạnh hay Cold Wallet là những ví vật lý có thể cầm được trên tay. Thông thường, ví lạnh phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn, ít khi phải giao dịch, vì mỗi lần giao dịch là khá tốn công. Nhưng đổi lại, độ an toàn của ví lạnh là cực cao.
Một vài cái tên trong mảng này là Ledger, Trezor,…
Ví sàn – Exchange Wallet
Nói về ví sàn, đây có lẽ là một trong những ví mà rất nhiều người sử dụng. Ví sàn là ví được tạo ra trên các sàn giao dịch và người dùng không trực tiếp cầm Private key, do đó, sẽ có một số rủi ro như sàn scam, hay đột ngột bị shut down thì không thể rút tiền được.
Vậy lý do gì mà nhiều người sử dụng ví sàn?
Đó là do tính thuận tiện của ví sàn. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường mua coin bằng cách nạp stablecoin lên sàn và mua đồng coin mình muốn, sau đó, họ sẽ để tài sản trên đó luôn để có thể tiến hành bán ra nhanh hơn. Hoặc nếu mua không quá nhiều, phí rút tài sản về ví đôi khi trở nên không hợp lý so với giá trị tài sản.
Điển hình là ở đầu năm 2021, khi phí gas quá cao, việc rút token thuộc chuẩn ERC-20 về ví phải tốn kha khá phí, đỉnh điểm lên đến cả trăm đô. Đây là một số tiền không thể chịu được đối với nhà đầu tư vốn ít.
Phí gas (gas fee) có thể hiểu đơn giản như phí giao dịch khi anh em tiến hành giao dịch mua bán một đồng coin/token nào đó. Gas fee trả trên mỗi blockchain riêng biệt sẽ khác nhau, do đó cách tính cũng sẽ khác nhau đôi chút.
Tạm kết phần này, việc sử dụng ví nóng, ví lạnh hay ví sàn không phải phụ thuộc vào độ giàu nghèo, mà là tùy thuộc nhu cầu sử dụng của người dùng theo từng mục đích khác nhau.
Thực trạng crypto hiện tại
Khác với những năm 2017 – 2018, khi nhắc đến tiền điện tử, cryptocurrency hay crypto, thì cộng đồng sẽ nhìn nhận như một công cụ lừa đảo dành cho tội phạm, hay phổ biến hơn là gắn với việc người dùng sẽ luôn bị mất tiền nếu đầu tư vào.
Nhưng sự thật đã chứng minh, crypto hay cụ thể là Bitcoin đã ra đời 11 năm, ai cũng bảo rằng Bitcoin sẽ chết. Nhưng hiện tại, Bitcoin không chết mà giá đã ở ngưỡng $33,000 (thời điểm viết bài), thậm chí đã có lúc chạm mốc $60,000.
Nếu người dùng không may “đu đỉnh” ở những năm 2020 trở về trước mà vẫn kiên trì ở lại, 100% đều đã có lãi. Vậy thì có thật sự đây là một kênh đầu tư mạo hiểm?
Ngoài ra, sự khác nhau giữa những năm trước và 2021, đó là việc các quỹ lớn đã bắt đầu nhìn thấy lợi nhuận trong việc đầu tư Crypto, điển hình là Grayscale, Square, Microstrategy đã thu mua rất nhiều BTC và các Altcoin large cap như LTC, ETH, ADA,…
Đó là góc độ đầu tư, còn về mặt ứng dụng, rất nhiều ngân hàng lớn như JP Morgan, Morgan Stanley hay thậm chí Tesla, Paypal, Apple Pay cũng đã hỗ trợ thanh toán bằng Crypto.
Thế giới bắt đầu có nhiều quốc gia chính thức chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán, đầu tiên là El Salvador. Song song với việc chấp nhận, tổng thống nước này còn ký một sắc lệnh airdrop (tặng miễn phí) cho tất cả người dân $30 giá trị BTC/người. Đây là nước đi mang tính lịch sử, vì đã đánh dấu sự công nhận của mọi người với Crypto.
Ở Việt Nam, chính phủ đã không còn có cái nhìn xấu về blockchain, mà trong tháng 6/2021 đã ra công văn về việc nghiên cứu thí điểm về công nghệ blockchain, hay trước đó, bộ giáo dục đã sử dụng Tomochain để lưu trữ các bằng tốt nghiệp đại học.
Đầu tư tiền điện tử cần những gì?
Trang bị kiến thức về Cryptocurrency
Nếu đã đọc đến đây và anh em muốn bắt đầu với việc đầu tư tiền điện tử (mà mọi người vẫn thường gọi là đầu tư tiền ảo), thì việc đầu tiên cần chuẩn bị đó là kiến thức.
Cũng như tất cả ngành nghề khác, kiến thức trong Crypto rất lớn, không thể nào tính bằng ngày, bằng tháng, hay thậm chí là năm. Việc học cũng cần được mài dũa mỗi ngày bởi đặc tính thay đổi nhanh chóng của thị trường. Những kiến thức hôm nay mới biết, có lẽ đã trở nên lỗi thời vào ngày mai.
Thị trường Crypto hiện tại đang tập trung rất nhiều vào DeFi, và bên cạnh đó, cần lưu ý về sự phát triển của từng hệ sinh thái. Một số hệ sinh thái nổi bật hiện tại là Solana, Near, BSC, Terra,…
Giải thích một chút về DeFi là gì, thì DeFi (hay Decentralized Finance) là nền tài chính phi tập trung, tận dụng sức mạnh của Blockchain để tạo nên 1 nền tài chính mở mà trong đó mọi người đều có thể truy cập và sử dụng nó ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào cả.
Bảo mật tài sản
Một điều không kém quan trọng nữa đó là việc bảo mật tài sản. Trong crypto luôn tồn tại vô vàn hình thức lừa đảo, từ việc dụ người dùng cung cấp private key, cho đến những dự án scam, làm người dùng mất tiền oan. Đây cũng là một trong những điểm gây tiếng xấu cho crypto.
Do đó, lời khuyên là phải thật cẩn thận với tất cả hành động của chính mình trước khi làm gì đó với tài sản.
- Nếu giao dịch, cần kiểm tra kỹ sàn giao dịch là gì, mức độ uy tín như thế nào.
- Nếu muốn mua token, cần kiểm tra dự án là gì, rủi ro nào có thể gặp phải khi mua token của dự án này,…
Vốn đầu tư tiền điện tử là bao nhiêu?
Một điều tiếp theo mà nhiều người cũng hay thắc mắc: Đầu tư tiền điện tử cần ít hay nhiều vốn?
Thật ra không có câu trả lời chính xác cho việc này, bởi vì vốn người này coi là nhiều thì đối với người kia chỉ là hạt cát sa mạc. Chỉ có một lời khuyên chung, đó là việc đầu tư nào cũng có rủi ro mất mác, nên anh em phải sử dụng số vốn nhàn rỗi, nếu không may mất hết, thì vẫn không ảnh hưởng đến cuộc sống, dù sẽ hơi buồn.
Câu nói trên có lẽ anh em đã thuộc lòng, nhưng mấy ai thực hiện được. Nhiều người vì bị hoa mắt bởi những con số lợi nhuận trên trời mà cắn răn đi vay mượn, nhủ rằng khi có lời tí thì sẽ trả gốc ngay. Nhưng thị trường nào dễ ăn đến thế, không ai biết ngày mai sẽ ra sao, nên có thể anh em đã đầu tư đúng dự án, nhưng phải mất gần một năm mới bắt đầu có lời, còn trước đó thì bị dao động, đôi lúc chia 3, chia 5, không chịu được áp lực và cắt lỗ.
Việc này không chỉ ảnh hưởng đến vốn, mà còn là tinh thần, cuộc sống của bạn, nên hãy thật sự cẩn thận với số vốn của mình. Lời khuyên là hãy sử dụng một số vốn nhỏ, sau đó nếu giữ được, hay có lời trong nửa năm, hoặc một năm thì mới tính đến chuyện rót thêm tiền vào. Lúc này thì có lẽ kiến thức đã tương đối ổn cho một số tiền lớn hơn.
Những cách đầu tư tiền điện tử phổ biến
Có 2 cách đầu tư tiền điện tử phổ biến như sau:
Trade
Trade hay nói đơn giản là mua bán liên tục. Các đặc điểm của hình thức đầu tư này là:
- Không có chuẩn thời gian giữa việc mua và bán, có thể vài giờ, vài ngày, hay vài tháng. Nhưng điểm chung là không giữ quá lâu và ăn ngắn.
- Người chơi hệ này thường sử dụng phân tích kỹ thuật và trade margin là chính, nhìn chart phân tích điểm ra điểm vào, mức lợi nhuận có thể rơi vào 50% – 100%.
Hold
Người dùng mua tài sản bằng việc phân tích cơ bản là chính, đánh giá, dự đoán về tương lai dự án chứ không dùng phân tích kỹ thuật (hoặc rất ít).
- Phân tích cơ bản có thể là đánh giá thị trường, so sánh với đối thủ cùng phân khúc, dựa trên số liệu. Từ đó đưa ra nhận định dự án tiềm năng hay không để đầu tư.
- Việc hold thường khá dài, đa phần thấp nhất cũng nửa năm đến một năm, nhưng lợi nhuận thì thường rất lớn, mục tiêu có thể là 500% – 1,000%, cá biệt một số dự án có thể lên đến 10,000%.
Các trang thông tin về tiền điện tử uy tín
Vậy làm sao để có thể đưa ra quyết định đầu tư tiền điện tử đúng đắn giữa hàng nghìn dự án trong Crypto – một thị trường liên tục phát triển với tốc độ chóng mặt?
Câu trả lời là anh em cần phải liên tục cập nhật thông tin và kiến thức về thị trường. Lúc này chúng ta lại gặp một vấn đề khác là trên Internet có rất nhiều trang cung cấp thông tin, làm sao để chọn ra các nguồn thông tin mới nhất và đầy đủ nhất? Dưới đây là một số trang web về crypto uy tín:
- Cập nhật tin tức nhanh nhất: Telegram, Twitter, Facebook.
- Cập nhật thông tin thị trường: Coindesk, Congecko, Coinmarketcap.
- Cung cấp thông tin nghiên cứu chuyên sâu: thecoindesk, Messari, The Block, Dephi Digital, Medium, Binance Research.
Lời kết
Mình hy vọng sau bài viết này anh em đã giúp anh em trả lời được 3 câu hỏi chính ở đầu bài: Tiền điện tử là gì, Cryptocurrency là gì & Crypto là gì, đồng thời phân biệt được các loại cryptocurrency khác nhau như thế nào và cần phải chuẩn bị những gì trước khi đầu tư tiền điện tử.
Theo C98