Tin nóng ⇢

Chính quyền Biden có thể trừng phạt Nga thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử không?

Vào thứ Sáu tuần trước, chính quyền Biden đã thông báo rằng họ có thể sẽ truy lùng các sàn giao dịch tiền điện tử của Nga như một biện pháp trừng phạt. 

Theo một quan chức chính quyền Biden, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các hoạt động tiền điện tử của Nga sẽ cần được thực hiện theo cách không gây hại tới toàn bộ thị trường tiền điện tử trên toàn cầu. Điều kiện này cũng có thể gây khó khăn cho việc thực hiện biện pháp trừng phạt này.

Cho tới nay, Mỹ đã sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Các biện pháo trừng  phạt bao gồm việc nhắm vào khu vực tài chính của nước này, các tập đoàn lớn, quan chức chính phủ, thành viên của giới thượng lưu và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2. Biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất là việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT.

Hoa Kỳ đã từng nhắm tới tiền điện tử trong các vấn đề địa chính trị trước đây

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt thông qua tiền điện tử là không đơn giản, vì tiền kỹ thuật số về bản chất là không biên giới, riêng tư và nằm ngoài tầm kiểm soát của hầu hết các chính phủ.

Chính quyền trước đó đã từng nhắm tới các sàn giao dịch của Nga. Vào tháng 9 năm 2021, chính quyền Biden đã đưa vào danh sách đen các sàn giao dịch tiền điện tử thuộc sở hữu của Nga là SUEX OTC vì bị cáo buộc giúp rửa tiền từ các vụ ransomware.

Vào tháng sau, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đã xử phạt Chatex, một sàn giao dịch tiền điện tử khác thuộc sở hữu của Nga vì đã “tạo điều kiện cho các giao dịch liên quan tới ransomware” và cung cấp một liên kết tới SUEX OTC cho các hoạt động ransomware của nó.

Chatex là đơn vị cung cấp ví và trao đổi tiền điện tử thông qua một bot nhắn tin Telegram. Chatex kể từ đó đã được thêm vào danh sách “Các thành phần được chỉ định đặc biệt” của Văn phòng Kho bạc (OFAC).

Chiến dịch đàn áp ransomware của chính quyền Biden diễn ra sau một báo cáo của Chainalysis ước tính hơn 131 triệu USD tiền thanh toán được gửi đến các địa chỉ liên kết với ransomware trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021 – cao hơn gấp đôi những gì Tây Âu đã trải qua.

Gần 74% doanh thu ransomware toàn cầu (400 triệu USD) thuộc về các thực thể có thể liên kết với Nga theo một cách nào đó, theo một báo cáo ngày 14 tháng 2 của Chainalysis.

Những người giàu của Nga có thể tránh được các lệnh trừng phạt này không?

Với sự quan tâm gần đây của chính quyền Biden tới các công ty tiền điện tử có giao dịch với các ngân hàng Nga nằm trong danh sách đen, như VTB và Sberbank, thì có một ý tưởng được nảy ra là các thành phần giàu có của Nga có thể lách bất kỳ lệnh trừng phạt nào bằng cách nắm giữ tài sản Bitcoin như cũng như đầu tư cho các quốc gia và các đối tác khác muốn tiếp tục giao dịch với họ.

Trước đây cũng từng có trường hợp các quốc gia bị trừng phạt tìm kiếm giải pháp thay thế. Chẳng hạn như người dân Iran vận động quyên góp tiền điện tử cho các nạn nhân lũ lụt vào năm 2019 trong khi chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, đồng thời sử dụng doanh thu từ việc khai thác Bitcoin của mình để tiếp tục bán dầu.

Hay vào năm 2020, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đề xuất một dự luật sử dụng tiền điện tử để tránh các hình thức trừng phạt.

Đầu tháng này, các nhà giám sát các lệnh trừng phạt độc lập đã thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng Triều Tiên đang sử dụng tiền điện tử để tránh các lệnh trừng phạt đang diễn ra trong nỗ lực tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Kế hoạch đóng băng hệ thống thanh toán quốc tế của Tổng thống Hoa Kỳ đối với Nga có lẽ sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Theo một báo cáo gần đây của chính phủ Nga, có hơn 12 triệu ví tiền điện tử trong nước, với tổng cộng hơn 23.9 tỷ USD.

“Nga đã có rất nhiều thời gian để suy nghĩ về hậu quả cụ thể này,” Michael Parker nói trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times. Parker là một cựu công tố viên liên bang, hiện là người đứng đầu bộ phận chống rửa tiền và trừng phạt tại công ty luật Ferrari & Associates ở Washington.

“Sẽ thật là ngu ngốc khi nghĩ rằng họ đã không tính trước một cách chính xác về tình huống này.”

Mục đích của các biện pháp trừng phạt tiền điện tử là phá vỡ bối cảnh kinh tế, theo một quan chức từ chính quyền Biden.

Chính quyền cần phải tìm ra cách để gây bất lợi cho Nga, nhưng không gây bất lợi cho thị trường rộng toàn cầu. Đây là điều không mấy dễ dàng. Từ quan điểm của chính quyền Putin, tiền điện tử có thể được sử dụng để bù đắp ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kinh tế khác.

Theo BeInCrypto

Có thể bạn quan tâm

Mục lục